Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

“Chân dung biếm họa 100 nhà văn, nhà thơ Việt Nam hiện đại - Xuân Sách


Nhà xuất bản Văn học  in năm 1992
Chân dung biếm họa 100 nhà văn, nhà thơ Việt Nam hiện đại”
Bìa sách in lần đầu năm 1992, không phát hành rộng rãi.
Bìa sách in lần đầu năm 1992, không phát hành rộng rãi.
 Tâm sự tác giả
Những bài thơ chân dung các nhà văn của tôi ra đời trong trường hợp rất tình cờ. Hồi ấy bước vào thập kỉ 60, tôi đang độ tuổi ba mươi, từ đơn vị được chuyển về Tạp chí Văn nghệ quân đội ở ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội. Ngoài công việc của tòa soạn, thời gian chúng tôi dành nhiều cho học tập chính trị. Những vấn đề thời sự trong nước, thế giới, những đường lối chỉ thị nghị quyết, những vấn đề tư tưởng lâu dài và trước mắt… đều phải học tập nghiêm túc, có bài bản. Học một ngày, hai ngày, có khi cả tuần cả tháng. Lên lớp, thảo luận, kiểm điểm, làm sao sau mỗi đợt học, nhận thức và tư tưởng từng người phải được nâng cao lên một bước. Những buổi lên lớp tập trung tại hội trường gồm hàng ngàn sĩ quan, anh em văn nghệ. Các nhà văn, các họa sĩ, nhạc sĩ…thường ngồi tập trung với nhau ở những hàng ghế cuối hội trường thành một “xóm” văn nghệ. Để chống lại sự mệt mỏi phải nghe giảng về “hai phe, bốn mâu thuẫn”, về “ba dòng thác cách mạng”, về “kiên trì, tăng cường, nỗ lực, quyết tâm…” mấy anh văn nghệ vốn quen thói tự do thường rì rầm với nhau những câu chuyện tào lao, hoặc che kín cho nhau để hút một hơi thuốc lá trộm, nuốt vội khói nhiều khi ho sặc sụa. Nhưng rồi những chuyện đó cũng bị phát hiện, bị nhắc nhở phê bình. Vậy phải thay đổi, chuyển sang “bút đàm”.
   Vào năm 1962, có đợt học tập quan trọng, học Nghị quyết 9, nghị quyết chống xét lại, chống tư tưởng hòa bình chủ nghiã, và dĩ nhiên văn nghệ là một đối tượng cần chú ý trong đợt học này. Hội trường tập trung đông, trời nắng, hơi nóng từ cái sân láng xi măng hắt lên như thiêu như đốt. Quân đội đang tiến lên chính quy hiện đại, ăn mặc phải tề chỉnh, đầy đủ cân đai bối tử, đi giày da, những đôi dày cao cổ nặng như cùm. Bọn tôi trừ vài trường hợp như Vũ Cao, Nguyễn Khải có đôi chân quá khổ, có cớ chưa có giày đúng số để đi dép, nhưng cũng là những đôi dép có quai hậu, ngồi học cũng không được tụt quai. Nhân đây tôi nói thêm về Vũ Cao, ông là người có biệt danh” quanh năm đi chân đất”, ở nhà số 4 các phòng sàn ván đều được lau bóng để đánh trần nằm xuống mà viết. Qui định ai vào phòng phải bỏ giầy dép trừ Vũ Cao, bởi để ông đi dép vào phòng còn sạch hơn đi chân trần. Giờ đây ngồi học được ưu tiên đi dép vẫn là nỗi cực khổ đối với ông.
            Trong buổi lên lớp căng thẳng như thế, Nguyễn Trọng Oánh xé vỏ bao thuốc lá Tam Đảo viết một bài thơ bằng chữ Hán trao cho tôi. Ở Văn nghệ quân đội, Oánh được gọi là ông Đồ Nghệ giỏi chữ Hán, và tôi được gọi là Đồ Thanh bởi cũng võ vẽ đôi ba chữ thánh hiền. Oánh bảo tôi dịch bài thơ Oánh viết vịnh Xuân Thiều. Xuân Thiều cũng ở lứa tuổi chúng tôi nhưng trông già dặn vì cái đầu hói, tóc lơ thơ. Con đường văn chương mới bước vào còn lận đận. Mới in được tập truyện ngắn đầu tay “Đôi vai”, tiểu thuyết “Chuyển vùng”viết về cuộc chiến đấu chống Pháp ở Bình Trị Thiên mà Thiều tham dự; đã sửa chữa nhiều lần; đưa qua vài ba nhà xuất bản, chưa “nhà” nào chịu.
Tôi thấy bài thơ Oánh viết rất hay và tôi phiên âm, dịch:
            Văn nghiệp tiền trình khả điếu quân
            Mao đầu tận lạc tự mao luân
            Lưỡng kiên mai liễu phong trần lý
            Chuyển địa hà thời chuyển đắc ngân
   Dịch nghĩa:
Con đường văn nghiệp khá thương cho ông
Lông đầu ông đã rụng trụi như bánh xe
“Đôi vai” lầm lũi trên con đường gió bụi
“Chuyển vùng” đến bao giờ thì chuyển thành tiền được ?
 Dịch thơ:
            Con đường văn nghiệp thương ông
            Lông đầu rụng hết như lông cái đầu
            Đôi vai gánh mãi càng đau
            chuyển vùng nào nữa, làm sao thành tiền ?
 Dịch xong tôi chuyển bài thơ cho anh em đọc. Oánh tỉnh bơ với bộ mặt lạnh lùng cố hữu, còn mọi người phải nén cười cho khỏi bật thành tiếng. Nguyễn Minh Châu gục xuống bàn kìm nén đến nỗi mặt đỏ bừng và nước mắt ràn rụa.
 Tự nhiên trong đầu tôi lóe lên cái ý nghĩ mà người ta thường gọi là “tia chớp”. Thơ chân dung ! Trong bài thơ của Oánh phác họa một Xuân Thiều với hình dáng và văn nghiệp bằng cách dùng nghĩa kép của tên tác phẩm“Đôi vai”, “Chuyển vùng”. Và sau chốc lát, tiếp tục “trò đùa” của Oánh, tôi viết bài thơ về Hồ Phương đang ngồi cạnh tôi, bài thơ số 1 về chân dung nhà văn ra đời. Hồi đó Hồ Phương đã là tác giả in nhiều tác phẩm, đã được một số giải thưởng các cuộc thi sáng tác văn học. Tôi dùng tên các tập truyện của anh “Trên biển lớn”, “Xóm mới”, “Cỏ non” và cái truyện ngắn đầu tay vẫn được nhắc đến “Thư nhà”. Tôi viết bài thơ ra mẩu giấy:
             Trên biển lớn lênh đênh sóng nước
           Ngó trông về xóm mới khuất xa
            Cỏ non nay chắc đã già
               buồn tênh lại giở thư nhà ra xem
         Tôi đưa bài thơ cho Nguyễn Khải. Anh đọc xong, trên mặt có thoáng chút ngạc nhiên và nghiêm nghị chứ không cười như tôi chờ đợi. Anh bỏ bài thơ vào túi chứ không chuyền cho người khác. Đến giờ giải lao, chúng tôi ra ngồi quanh gốc cây sấu già, Nguyễn Khải mới đưa cho Hồ Phương đọc. Mặt Hồ Phương hơi tái và cặp môi mỏng hơi run. Nguyễn Khải nói như cách sỗ sàng của anh “Thằng này (chỉ XS) ghê quá, không phải trò đùa nữa rồi !”.
            Tôi hơi hoảng, nghĩ rằng đó chỉ là trò chơi chữ thông thường. Sau rồi tôi hiểu ngoài cái nghĩa thông thường, bài thơ còn đụng chạm vào tính cách và sự đánh giá nhà văn. Mà đánh giá nhà văn thì có gì quan trọng hơn là tính cách và tác phẩm ?! Bài thơ ngụ ý rằng Hồ Phương viết nhiều chăng nữa vẫn không vượt được tác phẩm đầu tay và vẫn cứ “buồn tênh lại giở thư nhà ra xem”.
            Trước kia, khi còn là lính địa phương, cái xã hội nhà văn đối với tôi đầy thiêng liêng bí ẩn. Đấy là những con người dị biệt, rất đáng ngưỡng mộ, rất đáng yêu mến, dường như họ là một “siêu đẳng cấp” trong xã hội. Mỗi hành động, cử chỉ lời nói của họ đều có thể trở thành giai thoại, và cả tật xấu nữa, dường như cũng đứng ngoài vòng phán xét thông thường. Tóm lại đó  là một thế giới đầy sức hấp dẫn đối với người say mê văn học và tập tễnh nuôi mộng viết văn như tôi. Khi về Hà Nội tôi được vào một cơ quan văn nghệ dù là ở quân đội (hoàn cảnh nước ta, quân đội có một vị trí đặc biệt trong xã hội, kể cả lĩnh vực văn chương) tôi bắt đầu đi vào cái thế giới mà trước kia tôi mơ ước. Điều tôi nhận ra là ngoài cái phần tôi hiểu trước đây thì thế giới nhà văn còn có những chuyện khác. Đấy là cái mặt đời thường, cái mặt rất chúng sinh, và chúng cũng góp phần quan trọng làm nên các tác phẩm và tính cách nhà văn. Vì vậy chân dung của họ không thể bỏ qua. Hơn nữa, nếu “vẽ”được chính xác những bức chân dung đó thì bộ mặt xã hội của thời đại họ đang sống đang viết cũng qua đó mà hiện lên. Có thể, tôi nghĩ, không có tầng lớp nào hơn các nhà văn thể hiện rõ nhất bộ mặt tinh thần của dân tộc qua từng giai đoạn. Những điều này tôi nhận ra sau một thời gian dài, khi những bài thơ chân dung lần lượt ra đời, được phổ biến không chính thức nhưng sâu rộng và dai dẳng, vượt cả mong muốn của tôi.
            Cũng chính các nhà văn giúp tôi nhiều trong sáng tác cũng như phổ biến các bài thơ. Bởi khi nhận xét về tính cách con người, tính cách nhà văn thì không ai sắc sảo bằng các nhà văn. Người giúp tôi nhiều nhất là anh Nguyễn Khải. Anh có mối quan hệ rộng rãi trong giới, có lối nhận xét người rất sắc sảo chính xác dù có đôi lúc cực đoan. Anh không mấy thích thơ nhưng anh lại thích “thơ chân dung nhà văn”. Anh có nói đại ý là các nhà văn chúng ta quen đánh giá mọi lớp người trong xã hội thì cũng cần tự đánh giá giới mình, cũng có cái tốt cái xấu như ai. Về sau thêm anh Vương Trí Nhàn về Văn nghệ quân đội. Nhà phê bình văn học trẻ tuổi này hết sức cổ súy tôi, đôi khi anh còn thách đố. Chúng tôi thường ngồi trong cái phòng toilet cũ khoảng ba mét vuông. Do hệ thống bơm nước lên tầng hai bị hỏng nên cái phòng vệ sinh đó biến thành “phòng văn”, được ốp gạch men trắng bóng lau sạch ngồi thật mát và thoải mái kín đáo. Có những hôm Nhàn mua sẵn vài điếu thuốc lá lẻ, vài cái kẹo lạc, một ấm trà ngon rồi thách thức tôi viết ngay tại chỗ. Và đã có nhiều bài thơ ra đời như thế. Nhàn nói : “Những bài thơ này ông Sách viết ra khi có con quỉ ám vào ông ấy”. Bởi Nhàn đánh giá tôi có một giọng điệu khác hẳn với những bài thơ không thuộc loại “chân dung”. Nhàn là người rất thuộc thơ, và khi bài thơ tôi vừa làm xong thường anh là người phổ biến rộng rãi. Một số anh em trẻ khác như Định Nguyễn, Trần Hoàng Bách thường đem những bài thơ đó đi phổ biến để được chiêu đãi bia hơi. Có thể nói bia hơi là “nhuận bút” đầu tiên nhưng không thuộc về người sáng tác mà về người phát hành.
            Tất nhiên những bài thơ đó được phổ biến rộng rãi trong giới nhà văn. Lúc đầu còn kín đáo, dần dần thành công khai và nhất là thành một “tiết mục” không thể thiếu trong những buổi liên hoan của anh em văn nghệ. Có một buổi khá đông đủ nhà văn, khi vào tiệc rượu, mọi người yêu cầu tôi đọc thơ về các nhà văn có mặt lúc đó. Trong không khí như vậy, dù các anh các chị ấy có giận cũng cười xòa làm vui, riêng tôi thấy mình làm được trò vui cho mọi người cũng hay chứ sao nữa. Tôi nhớ sau buổi vui, anhNguyễn Đình Thi có nói đại ý nên đem cái tài đó làm những việc có ích hơn là châm chọc nhau. Ngay lúc đó một anh ngồi bên cạnh rỉ tai tôi “châm chọc cũng cần có tài và có ích lắm chứ”.
  Những bài thơ ấy cũng được lan truyền trong nhiều giới khác. Hồi đótướng Lê Quang Đạo là phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị, cấp trên của giới văn nghệ quân đội, ông rất thích những bài thơ chân dung. Thường trong giờ nghỉ những buổi họp với giới văn nghệ, ông đề nghị đọc cho ông nghe. Sự thích thú đó tuy có tính cách cá nhân  nhưng rất hay cho tôi. Tôi cũng nhận được nhiều phản ứng khác nhau, có khi khen quá lời, có khi bực tức. Tôi kể ra vài trường hợp đặc biệt. Khi tôi đã tìm hiểu được những ứng xử, những tính cách của các nhà văn, ngoài những tác phẩm của họ mà tôi hằng ngưỡng mộ, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: Sao thế nhỉ ? với bề dày tác phẩm như thế, vị trí trong xã hội như thế, trong lòng người đọc như thế, sao họ còn ham muốn những thứ phù phiếm đến thế, một chức vụ, một quyền lực, một chuyến đi nước ngoài. . . Mà đã ham muốn thì phải mưu mẹo, dối trá, và nhất là phải sợ hãi. Một lần trên báo đăng bài thơ dài của một nhà thơ có tên tuổi viết theo “thời tiết” chính trị, quay ngược lại những điều vừa viết chưa lâu, Nguyễn Khải chỉ bài thơ nói với tôi “Rất tiếc, một tài năng lỡ tàu”.
            Tôi không nghĩ mình đứng ra ngoài cuộc để phán xét, muốn làm cặp mắt thứ hai trong mỗi bài thơ để tự bạch, tự cảm thông với mình và cũng tự giận mình. Tôi vốn yêu thích và kính phục tài tứ thơ Chế Lan Viên, nhưng bài thơ tôi viết về ông lại nói khía cạnh khác. Mỗi lần gặp lại tôi, ông lại tỏ ra rất thân thiện. Điều đó làm cho tôi bối rối, phải chăng ông đã hiểu điều gì đó về ông về tôi. Lúc ông Hoài Thanh già yếu phải vào bệnh viện, tôi đến thăm ông. Ông không giận tôi nữa, còn cho tôi là người có tình và ông thấy những gì tôi viết về ông có phần đúng, ông đề nghị chữa một chữ trong bài thơ. Khi ông mất, tôi đi viếng, nhìn khuôn mặt ông qua tấm kính, và các con ông òa khóc, tôi bỗng thấy mình như người có tội.
            Một lần tôi gặp Xuân Diệu trong quán bia hơi, tôi nâng cốc bia đến chúc mừng ông vừa được bầu làm viện sĩ của Viện hàn lâm nghệ thuật nước CHDC Đức, ông chạm cốc “Chúc mừng họ Ngô nhà ta, những bài thơ của cậu đi vào cõi bất tử”.
            Điều tôi không ngờ là cụ Đặng Thai Mai cho người gọi tôi đến nhà bảo tôi đọc thơ chân dung cho cụ nghe. Con người nổi tiếng uyên bác thâm trầm ấy, ngồi đặt cằm lên đầu gối cười khục khục. Đột ngột cụ ngước cặp mắt tinh anh lên nhìn tôi “Thế còn Đặng Thai Mai ?”. Tôi lúng túng “ Viết về bác rất khó, cháu đang suy nghĩ, thưa bác”. Dường như ông cụ không tin lời tôi. Ít lâu sau cụ lại gọi đến “Anh viết về tôi rồi chứ ?”. Trước tôi chỉ nghĩ cụ không để ý đến cái trò chơi chữ ngông nghênh này, hóa ra cụ quan tâm thật sự; khiến tôi vừa cảm động vừa thích thú. Nhưng biết sao được, viết về cụ thật là khó và đến nay tôi vẫn chưa viết được.
            Còn cụ Nguyễn Tuân, con người vốn thích đùa một cách cao sang và thâm trầm, thích ăn nem rán nóng bỏng thì gắp lên đặt xuống cái nem, nghe thơ và phán: “Hóm, thằng này hóm !”.
            Nói về đồng nghiệp cũng là nói về mình. Cái hay cái dở của một người cũng là của một thời. Câu thơ “Từ thuở tóc xanh đi vỡ đất. Đến bạc đầu sỏi đá chửa thành cơm”đâu chỉ là số phận của một nhà thơ. Hơn ai hết, tôi nghĩ, nhà văn là đại diện của một thời, là lương tri của thời đại. Đã đành khó ai vượt qua được thời đại mình đang sống, không dễ nói hết, nói công khai những điều suy nghĩ. Nhưng cũng thật đau lòng và xấu hổ khi những nhà văn bán rẻ lương tâm, cong lưng quì gối trước quyền uy, mê muội vì danh lợi. Có lẽ đó là động cơ thúc đẩy tôi viết, nếu có nói quá lời cũng dễ hiểu, cái con “quỉ ám” nếu có thì cũng là sản phẩm của những cảm xúc ấy, nỗi đau chung ấy. Nhiều nghịch lý vốn tồn tại trong cuộc đời cũng như trong nghệ thuật. Tiếng cười nhiều khi xuất phát từ nỗi đau.
            Những bài thơ chân dung đã có cuộc sống riêng của nó, không phải kì lạ nhưng cũng độc đáo. Nó được lưu truyền đến nay đã ba mươi năm. Đã có nhiều bài “khảo dị”, nhiều bài “ngoài luồng” cũng được gán cho tác giả, bây giờ in ra cũng coi như một sự đính chính. Nó cũng là “một cái gì đó” như có người đã nói nên mới tồn tại được, nếu nó có ích thì tác giả cũng lấy làm mãn nguyện”
Ngày xuân năm Nhâm Thân
Xuân Sách

TƯ LIỆU CỦA N VĂN NHT TUN

Năm 1992 một sự kiện ầm ĩ nổ ra trong giới xuất bản. Chuyện bắt đầu từ tập thơ “Lên chùa” của nhà thơ Xuân Sách vốn được sáng tác lai rai từ 30 năm trước. Vào một dịp thăm Xuân Sách ở Vũng Tàu, trung tướng Trần Độ ghi âm Xuân Sách đọc gần 100 bài thơ này. Cuối năm 1992, nhà văn Hoàng Lại Giang lúc đó là Trướng Chi nhánh NXB Văn Học tại TP HCM được nghe cuốn băng này và đề nghị  Xuân Sách cho xuất bản với tên “ CHÂN DUNG NHÀ VĂN”.
 Nhưng khi sách in xong, chưa kịp phát hành, nhà văn Hoàng Lại Giang cho biết:
“Phản ứng của nhà văn rất lớn, và đấy là điều tôi không ngờ đến. Những nhà văn lớn có bản lĩnh, họ chịu đựng nổi, im lặng. Nhưng những nhà văn tầm tầm, lồng lộn, rất gay gắt yêu cầu Bộ Văn hóa kiểm điểm và thu hồi”.
  Một cuộc họp của Bộ Văn hóa diễn ra, với năm đại diện: Ba thứ trưởng (Phan Hiền, Huy Cận và Nông Quốc Chấn), đại diện Hội Nhà văn Vũ Tú Nam, cùng Giám đốc NXB Văn học Lữ Huy Nguyên quyết định không thu hồi nhưng niêm phong số bản in 3000 cuốn. 20 năm sau, cho tới tận bây giờ, số sách này vẫn bị chôn dưới hầm cầu thang chi nhánh NXB Văn Học tại 290/20 Nam kỳ Khới  nghĩa Q3 TP HCM, chắc đã làm mồi cho mối.
 Lúc đầu Xuân Sách đặt tên tập thơ là “Lên chùa”, hàm ý gặp 100 pho tượng tức 100 chân dung ở đó.  Sau mới đổi tên là «Chân dung 100 nhà văn» 

LỜI NGƯỜI GÕ VI TÍNH VÀ BIÊN TẬP “CHÂN DUNG NHÀ VĂN» ONLINE

 Thuở nhỏ tôi cậu bé làng Đông Lao ngoại thành Hà Nội từng vùi đầu đọc cuốn truyện “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng” của Xuân Sách. Đến tuổi thanh niên, hát mãi bài thơ “Đường chúng ta đi” của Xuân Sách theo nhạc Huy Du “Việt Nam trên đường chúng ta đi. Nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó. Nghe sóng biển ầm vang xa tận tới chân trời. Nghe ấm lòng những khi đang dồn bước mà vui sao ta chẳng nói nên lời .  . . ”
Nhà thơ Ngô Xuân Sách quê xã Trường Giang huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá. Sau truyện đầu tay “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng” ông còn viết tiểu thuyết “Mặt trời quê hương”,  “Rừng bên sông”, truyện ngắn “Cô giáo làng”  (trước 1975), hai tiểu thuyết “Phía núi bên kia”và “Cuộc hôn nhân bị đánh cắp” (sau 1975).
 Vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, lúc này tinh thần nhiều người trở nên uể oải, bi quan vì cuộc kháng chiến đã kéo dài quá lâu. Mặt khác những cái tiêu cực của chế độ XHCN bộc lộ từng mảng từng mảng khiến lòng tin bao người rã rời, ngơ ngác… Đây là lúc truyện tiếu lâm hiện đại mọc mầm và lan tỏa rộng rãi ở vùng Hà Nội. Thỉnh thoảng tôi nghe những bài thơ “dân gian” vịnh các nhà văn nhà thơ mà bật cười, chẳng mấy ai biết đấy là sáng tác của Xuân Sách. Không ai ngờ Xuân Sách là bởi giọng điệu thơ  Chân dung rất lạ…
 Khi biết là sáng tác của Xuân Sách, người đọc cảm phục bản lĩnh và tài hoa của nhà thơ . Một phong cách nhà thơ kẻ sĩ vừa cổ điển vừa hiện đại trong thơ ông. Cây bút của ông đứng cao hơn thời đại, rất hiếm có trong giới văn sĩ thời ấy.
 Tôi thử đặt tựa đề cho mỗi bài  theo hiểu biết của mình, từ đó làm cái mục lục bút danh.
Nhà thơ  được vịnh  sẽ nghĩ  thế nào về chân dung của họ ?
 Họ biết họ vẫn được sự cảm thông sâu sắc của Xuân Sách đồng thời họ phải cam chịu làm cái cớ cho nhà thơ châm biếm những cái non kém của thời cuộc, của chế độ xã hội …Họ làm cái thớt cho nhà thơ giận cá chém vào… Cũng có những người “nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào” nhưng không cãi được ! Chỉ đọc mà chơi thôi. Cái thú vị của văn chương là thế chăng ?
 Với sách này, cái tên Xuân Sách xứng đáng ghi vào dòng văn học trào phúng hiện đại của lịch sử văn học nước nhà. 
 Xuân Sách sáng tạo một thể tài trào phúng hiện đại độc đáo sau khi kế thừa Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, tiếng cười dân gian, tiếng cười chèo cổ …Thơ trào phúng Xuân Sách phát tán nhanh trong khí hậu văn chương tiếu lâm chính trị đang nóng lên ở đất Thăng Long Hà Nội. Có cái gì đó mới mẻ hiện đại trong thơ trào phúng Xuân Sách. Chỉ những người cầm bút chân chính mới viết được những lời đắng cay mà pha chút thân thiết đùa vui trong tình đồng chí đồng nghiệp.
 Tuy nhiên đọc thơ trào phúng Xuân Sách, ta thấy có một cái gì hẫng hụt. “Chân dung” như vậy ư ? Nghiêm túc mà nói, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, binh đoàn văn thơ với cây bút làm vũ khí đã đóng góp chiến công đáng kể ! Vậy nên chăng đặt tên tập thơ là 100 chân dung biếm hoạ ? Những nét tươi sáng tốt đẹp của chân dung thì mọi người đã biết, Xuân Sách không vẽ lại trong tập thơ này. Nếu chỉ đặt hai chữ “chân dung” thì không được công bằng toàn diện khi đánh giá 100 nhà thơ nhà văn Việt Nam ấy.
 Trước hết Xuân Sách là một người nghiên cứu văn học độc đáo, đọc mỗi nhà văn, ông bắt ngay được cái nét tầm thường tiêu cực của họ. Thực ra ông vẽ  kí họa  chứ không vẽ  được “chân dung” nhà văn.
 Bên cạnh cảm hứng trào phúng còn có cảm hứng bi kịch. Những nỗi đau không thể nói ra của nhà văn nhà thơ Việt Nam. Những hi sinh thầm lặng cắn răng chịu đựng cho sự nghiệp lớn của dân tộc. Bi thương chung và riêng biến thành cái cười cay đắng trong lời thơ Xuân Sách.
 Căn cứ Lời nói đầu của tác giả, năm Nhâm Thân là 1992. Đó là những năm tháng tưng bừng không khí Đổi Mới ở Việt Nam. Nghe nói tác phẩm sắp in, ông nghe bạn hữu can ngăn mà bản thảo phải đình lại. Tác giả bèn phát hành theo kiểu photocopy bản viết tay, truyền tay cho bạn bè photo tiếp sức. Thứ tự 100 bài có lẽ do tác giả đánh số tự nhiên theo thời gian viết ra chứ không có ý nào khác. Tôi nhận được tập bản thảo photo lần thứ “n” mờ mịt của thạc sĩ Phạm Xuân Đại một người bạn văn Hà Nội gửi cho,  rồi đánh máy lại, viết phần mở đầu bày tỏ mấy ý kiến riêng. Tôi in nghiêng những gì biết khá chắc đó là tên tác phẩm và ý thơ văn của nhà văn mà Xuân Sách đã  “mượn”, “tập”, “nhại” theo.
 Nỗi đau nhà văn không phải của riêng họ mà là nỗi đau chung của người trí thức Việt Nam một thời.
 Tôi in ra đây bài thơ nổi tiếng “Đường chúng ta đi” của Xuân Sách để bạn đọc đối chiếu sự khác biệt lạ lùng, sự đổi thay phong cách giọng điệu của nhà thơ độc đáo này.

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Ba Anh Em - Truyện ngắn của Mai Tú Ân

Bóng tối bắt đầu bao trùm lên con hẻm nhỏ. Những ngôi nhà trong xóm nghèo này đang lục tục lên đèn chuẩn bị cho bữa cơm tối. Tiếng người nói râm ran cùng tiếng bát đũa khua lách cách. Mùi cá kho thơm lừng của nhà ai đó bốc lên thoang thỏang trong gió. Riêng căn nhà tồi tàn nằm cuối con hẻm vẫn im lìm như cũ. Ngọn đèn đường hắt những tia sáng vàng vọt yếu ớt vào đến tận hiên nhà, nơi có ba đứa trẻ đang ngồi yên lặng, mắt thao láo nhìn về phía đầu hẻm. Như mọi ngày chúng đang ngồi chờ mẹ chúng đi làm về...



Đó là ba anh em ruột tuy chúng chẳng giống nhau một chút nào. Thằng Hai, anh lớn nhất mười hai tuổi thì mặt mũi khôi ngô. Đứa sau là con Gái, có nước da đen thui và mái tóc xù xoăn tít. Còn thằng út Lai thì lại có nước da trắng bệch và mái tóc vàng rơm luôn rối bù.

Con Gái gãi mái tóc xoăn bù xù của nó rồi lấm lét đôi mắt trắng dã nhìn sang thằng anh đang im lặng ngồi dựa cửa. Nó lên tiếng hỏi anh nó, vẫn cái câu mà tối nay nó đã hỏi mấy lần rồi:

- Không biết mẹ có về sớm không anh Hai nhỉ ? Em đói bụng qúa rồi.

- Em cũng đói. Em cũng đói lắm rồi. Thằng út Lai thấy con chị hỏi cũng la ầm lên. Nó đã hơn bốn tuổi rồi nhưng vẫn nhõng nhẽo vì nó là đứa bé nhất nhà.

- Câm mồm hết đi ! Thằng Hai quát, mắt không rời khỏi con hẻm. Là thằng anh lớn nhất nhà nên nó phải trông hai đứa em mỗi khi mẹ nó đi làm. Từ chập tối đến giờ, hai đứa em nó đã hỏi như vậy mấy lần rồi và lần nào nó cũng quát lên y như vậy. _ Tao cũng đang đói lắm rồi đây. 

 Tất cả lại nín thinh. Cả ba đứa ngồi im lặng trong bóng tối, mắt chong chóng về phía đầu hẻm, nơi mẹ nó sẽ trở về vào mỗi buổi tối. Thỉnh thỏang chúng hít hà mùi thơm từ bếp nhà hàng xóm bay sang và nuốt nước miếng chòanh choặch. Bên ngòai phố người xe qua lại nhộn nhịp. Con hẻm dẫn vào nhà chúng vắng tanh, chỉ có dăm nhà mở cửa ngồi hóng gió. Vài hàng qùa rong uể ỏai qua lại trước nhà chúng với tiếng rao hàng vật vờ tắc nghẹn...

 Con Gái ngồi không yên. Nó lấm lét nhìn thằng anh nó vài lần rồi rụt rè hỏi : 

 - Không biết tối nay mẹ có tìm được người khách nào không nhỉ?  

 - Chắc chắn là có. Thằng Hai trả lời chắc nịch. Hôm nay trời không mưa...

 - Nhưng hôm qua trời cũng không mưa mà mẹ đâu có khách. Cả hôm kia cũng thế...Con Gái rụt rè nói khẽ.

 - Cả mấy hôm trước trời cũng không mưa mà mẹ cũng không có khách. Thằng Lai bô bô nói lớn tiếng.: Làm em phải nhịn đói nè.

 Thằng Hai ngồi thẳng dậy, bực dọc nói:

- Tao đã bảo với chúng mày bao nhiêu lần rồi là trời không mưa lớn nhưng vẫn có mưa lất phất. Mà cứ có hột mưa, dù lớn hay nhỏ thì ai người ta ra ngòai đường chơi làm gì cho bẩn hết quần áo. Mà đã không có ai ra đường thì mẹ đào đâu ra khách.

- Nhưng ngộ nhỡ hôm nay trời mưa thì sao? Con Gái lên tiếng yếu ớt hỏi.

- Mày câm ngay cái mồm đi. Thằng Hai quát lên. Bộ mày muốn trù ẻo để mẹ không có khách hả? Để cho cả nhà nhịn hả? 

 Thằng Hai định la tiếp nhưng thấy con Gái mặt xịu xuống nên nó thôi không nói nữa. Nhìn hai đứa em đang ỉu xìu ngồi bó gối bên cạnh, nó biết chúng đang đói bụng lắm rồi. Từ sáng đến giờ mẹ chúng chỉ nấu được một nồi cháo nhỏ cho cả nhà bằng một lon gạo vay của bà Tư chạp phô đầu hẻm. Mẹ chúng chỉ húp một hai thìa cháo lõang và hứa tối nay về sẽ mua thật nhiều bánh mì cho chúng ăn thỏa thích. Mấy hôm trước mẹ chúng cũng hứa như vậy và tối nào chúng cũng phải đi ngủ với cái bụng đói meo. 

 Mẹ chúng làm nghề mát xa nên thường đi làm vào lúc trời chập chọang tối. Đôi khi trở về cùng với một hai người khách. Khách hàng tòan là đàn ông. Thằng Hai biết được họ là những người lính về phép, người chạy xe ôm, hay làm công nhân ở cảng... Họ thường say khướt và làm ồn ào cái xóm nhỏ này lên. Có người ở lại qua đêm, nhưng phần nhiều thì họ chỉ ở lại một chốc rồi lảo đảo đi về, người trần trùng trục với áo vắt vai...

 Thằng Hai nhớ lại đó là những lúc mẹ nó chưa bị bệnh, khi còn có khách hàng mỗi đêm. Những lúc đó mẹ thường bảo cả ba anh em chúng ra ngòai đường chơi, hay sang nhà bà Tư Chạp phô đầu hẻm ngồi đợi. Đưa khách vào nhà, mẹ nó đóng tấm ván cửa ọp ẹp và mát xa cho họ ở trong đó. Công việc của mẹ thường không lâu. Khi chúng thấy người khách của mẹ trở ra khỏi hẻm thì chúng lật đật trở về. Mẹ đưa những đồng tiền nhàu nát cáu bẩn mới lấy được của khách bảo thằng Hai đến tiệm bà Tư mua gạo và thức ăn. Trong lúc mẹ nó tắm thì anh em nó lục cục nhóm lửa nấu cơm. Khi đêm đã khuya và mọi nhà trong xóm đều đã đi ngủ cả thì cả nhà nó bắt đầu ngồi quanh mâm cơm, bên dưới ngọn đèn dầu tù mù xì xụp ăn.

 Có những đêm khách về khuya quá, lúc mẹ chúng đưa khách về thì bắt gặp cả ba anh em chúng nó ngủ gục ở đầu hẻm, hoặc vật vạ trên vỉa hè ngòai phố. Thế là mẹ bồng thằng Lai, ngủ oặt ẹo trên tay và dắt nó với con Gái, còn đang ngái ngủ bước thấp bước cao trở về nhà. Mẹ lại phải tất tả chạy ra phố, lúc này đã vắng ngắt để tìm mua thức ăn cho anh em chúng. Có lúc chúng gượng mở mắt để ăn, có lúc chúng ngủ thiếp đi tay còn nắm chặt ổ bánh mì đến tận sáng hôm sau. 

 Chỉ có thằng Lai còn bé quá nên hay mè nheo khóc nhè mỗi khi phải nhịn đói, chứ còn nó và con Gái thì đã quen với cảnh chờ đợi và ăn ngủ thất thường như thế này rồi. Chúng thường tự động ra ngòai đường chơi khi mẹ có khách. Nhiều khi chúng ngủ luôn ở ngòai đường khi mẹ có khách ở lại qua đêm. Khi đó chỉ có thằng Lai được ngủ lại trong nhà vì nó còn bé qúa mà. Mẹ thường cười bảo thế. Nhưng dù có phải ra đầu hẻm chờ, hoặc phải ngủ luôn ngoài đường cho đến sáng hôm sau thì chúng vẫn thích hơn. Vì như thế là mẹ có khách, có tiền để mua gạo ăn chứ không phải đêm nào mấy mẹ con cũng phải ôm nhau ngủ với những cái bụng réo sôi ầm ĩ...
 Thằng Hai rất thương mẹ vì biết mẹ đã phải một mình vất vả kiếm tiền để nuôi ba anh em chúng. Ngòai nó ra chẳng đứa nào biết mặt cha chúng cả. Mẹ chúng không bao giờ nói, còn chúng thì chẳng bao giờ nghĩ có một người cha ở trên đời. Bà Tư chạp phô nói ba anh em chúng có ba người cha khác nhau. Như ba của con Gái là một ông Mỹ đen, còn ba của thằng Lai là một ông Mỹ trắng. Đúng là con Gái trông đen thủi đen thui với mái tóc xoăn tít, còn thằng Lai thì có nước da trắng bềnh bệnh cùng mái tóc vàng hoe bẩn như bị cháy nắng thật. Nhưng chúng nó chẳng tin lời bà Tư nói một chút nào. Mẹ nó nói chúng là anh em ruột của nhau và đều là con của mẹ sanh ra cả. Thằng Hai tin như vậy và khi bọn trẻ con trong xóm chọc ghẹo, gọi đứa trắng đứa đen, em của nó là đồ con lai Mỹ thì thằng Hai lồng lên để bênh vực cho hai đứa em nó. 

 Dạo gần đây thì mẹ chúng đã trải qua một cơn bệnh kéo dài và không đi làm thường xuyên được nữa. Nhà chẳng còn đồng bạc nào ngoài cái lu gạo nhẵn thín. Từ dạo mẹ chúng bị bệnh nghỉ làm cả tháng nay thì cả nhà chỉ biết sống nhờ vào bà Tư chạp phô. Khi không còn mua thiếu được nữa thì chúng sống lây lất vào lòng hảo tâm của mấy người hàng xóm. Do vậy dù chưa khỏi hẳn bệnh, mẹ chúng vẫn cố gượng dậy để đi làm. Vậy mà tối nào trời cũng đổ mưa tầm tã khiến cho mẹ chúng phải trở về, không có người khách nào mà lại còn ướt như chuột lột. Những đêm đó cả nhà nó lại phải đi ngủ với những cái bụng đau quặn lên vì đói. 

Những ngày sau dù có mưa to gió lớn thì tối nào mẹ chúng cũng phải đánh phấn thoa son, sửa sọan lại bộ áo dài ẩm mưa hôm trước để đi làm. Cái dáng gầy gò của mẹ chúng liêu xiêu đi ra ngòai phố khi đường đã lên đèn. Cả ba anh em chúng lại ra hiên nhà ngồi chờ với cái bụng trống rỗng, để rồi lại thấy mẹ chúng lủi thủi trở về một mình giữa cơn mưa phùn lất phất...

 Đã ba ngày nay mẹ chúng trở về một mình. Không dám nhìn đám con đang thao láo mắt chờ đợi, mẹ dúi vội cho chúng chia nhau mấy cái kẹo tăm mà chị bạn nào đó cho rồi dỗ dành thằng Lai ngủ. Còn nó và con Gái lẳng lặng giăng mùng rồi chui vào ngủ cùng mẹ. Trong khi anh em chúng lăn ra ngủ thì mẹ thường ngồi im lặng, cái bóng gầy của mẹ ngồi bó gối trong đêm. Thỉnh thỏang mẹ thở khò khè, cố kềm chế cơn ho khiến cho người mẹ run lên...

 Bà Tư chạp phô nói rằng vì mẹ cố gắng làm việc mà lại thiếu ăn nên mẹ bị lao phổi. Cô Trang ở nhà xéo bên cạnh, một cô gái trẻ cũng làm nghề mát xa như mẹ, thỉnh thỏang phải dúi cho mẹ ít tiền và nói:”Chị nên bồi dưỡng đầy đủ chứ không bệnh sẽ nặng thêm đấy.” Mẹ cười, nhận tiền của cô Trang và đưa cho con Gái đi đong gạo.

 Tiếng rao của gánh chè đêm đi qua trước cửa nhà khiến cho con Gái và thằng Lai giật mình tỉnh dậy. Mùi chè đường thơm ngào ngạt xông thẳng mũi mấy đứa trẻ khiến cho bụng chúng sôi quặn lên. Hai đứa quờ quạng trở dậy và hỏi thằng Hai xem mẹ đã về chưa. Con Gái ôm bụng nhăn nhó, trong khi thằng Lai mè nheo đòi ăn chè.

 Cố dằn cái bụng đang sôi âm ỉ, thằng Hai nhớ lại cái chiêu mà dạo này nó hay đem ra để đánh lừa hai đứa em để chúng quên đi cơn đói. Nó tằng hắng rồi lấy giọng nghiêm trang nói: 

  - Chè đường thì có nghĩa lý gì, chúng mày đã ăn sôkôla chưa? Tao thì tao đã ăn nhiều lắm rồi, ăn đến phát ngán.

  - Chỉ xạo. Anh Hai ăn hồi nào vậy? Hai đứa em quên mất gánh chè, mắt sáng lên nhao nhao hỏi lại. 

  - À, hồi đó tụi bây còn nhỏ xíu. Thằng Hai từ tốn kể. Nó đã nhiều lần kể chuyện này cho hai đứa em trong những đêm bụng đói chờ mẹ về. Vừa kể nó vừa nhớ lại những ngày xưa của chính nó, nhớ đến từng chi tiết của nhỏ nhất của thời đó.

 - Hồi đó mẹ còn trẻ đẹp như cô Trang hàng xóm bây giờ nên có rất nhiều người đến nhờ mẹ mát xa cho họ. Bà Tư chạp phô ngày nào cũng dẫn vài ba người khách lại tận nhà. Mẹ chỉ cần ở nhà tiếp khách chớ không cần phải ra phố tìm như bây giờ đâu. Mà không phải chỉ một người đâu nhe. Tối nào cũng vài ba người tới kiếm lận. Mẹ thích tiếp ai thì tiếp, không thích thì đuổi họ về..

 - Anh Hai nói xạo, em hổng tin mẹ đuổi khách về. Con Gái trề cái môi dầy ra nói. Thằng Lai không biết gì cũng bai bải la theo: Anh Hai xạo, em cũng hổng tin vụ mẹ đuổi...đuổi khách... 

Lần nào nghe kể đến đọan này là hai đứa em nó lại la lên đúng như vậy. Thằng Hai đã kể chuyện này nhiều lần lắm rồi, mỗi lần nó thêm thắt một chút nên giờ chính nó cũng không biết là có thật hay không nữa. Nó mỉm cười kể tiếp: 

 - Thiệt mà. Tụi bây không tin thì cứ hỏi bà Tư xem có đúng như vậy không. Vì đông khách qúa nên tối nào mẹ cũng phải đuổi mất mấy người khách. Thế là mấy người bị đuổi, trong đó có cả mấy người Mỹ như ba của tụi bây đó, mua kẹo sôkôla cho tao để lấy lòng mẹ. Họ dúi vào túi quần tao rất nhiều kẹo. Cái kẹo nào cũng to bằng bàn tay nè. Thế là tối nào tao cũng lai rai ăn sôkôla khiến cái miệng tao đỏ chót như miệng bà già ăn trầu. Ăn không hết tao còn để dành để bán lại cho mấy cô bạn của mẹ nữa kìa. Rồi mấy ông đó còn cho tao tiền nữa kia...rất nhiều tiền... 

  - Anh Hai xạo. Anh Hai nói dóc. Hai đứa em đồng thanh la lên. 

 - Thiệt mà. Tụi bay không tin thì cứ hỏi mẹ xem. Tao đã để dành được đến mấy ngàn đồng rồi nhé. Nếu về sau tao không lấy tiền đó ra cho mẹ vay lấy lãi thì bây giờ tao sẽ lấy cho tụi bây coi ngay. 

Nhìn hai đứa em vừa ngẩn ngơ nghe, miệng vừa tóp tép, thằng Hai thấy tội nghiệp. Nó suy nghĩ một hồi rồi nói thêm: 

- Lúc đó ba của con Gái và ba của thằng Lai có nhiều tiền và nhiều sôkôla lắm. 

- Vậy sao giờ ba em không cho em sôkôla đi? Thằng Lai phụng phịu nói.  

- Ừ, sao ba em cũng không cho em tiền đi? Con Gái rụt rè lên tiếng.

- Lúc đó chúng mày còn chưa đẻ ra thì biết gì. 

- Thế bây giờ em biết ăn sôkôla rồi, sao ba em không đến cho em ăn đi. 

Thằng Hai bực tức chửi thành tiếng:

- Mày ngu bỏ mẹ đi. Ba mày có biết có mày đâu mà đến cho ăn. Với lại ổng tếch về xứ của ổng rồi còn đâu nữa. 

Con Gái lấm lét đưa đôi mắt đầy tròng trắng nhìn thằng Hai rồi rụt rè hỏi:

- Vậy ba của em có biết em không hả anh Hai? Và ba em có tếch...tếch về xứ ổng như ba thằng Lai không hả anh Hai. 

- Thì ba mày cũng giống như ba thằng Lai thôi, ổng đến đây có vài lần thì làm sao mà biết tụi bây được. Và cũng giống như ba của thằng Lai, ổng cũng tếch mẹ nó về xứ ổng rồi. 

Con Gái lại cắn đôi môi dày, suy nghĩ một lát rồi lên tiếng hỏi: 

- Tại sao cùng là mẹ đẻ ra mà em thì đen thủi, thằng Lai trắng bệch mà anh Hai hổng giống như vậy. 
- À, Tại vì ba tao là người nước mình chứ không phải là người nước ngòai như ba của tụi bay. 

Thằng Hai tự hào nói. Ba tụi bay là người nước khác sang đây.

- Vậy ba tụi em sang đây để làm chi vậy?

Thằng Hai nói:

- À, mấy ổng sang đây để óanh nhau với người xứ mình. Nghe bà Tư chạp phô nói cái xứ của ba tụi bây giàu lắm. Ở đó người ta chẳng làm gì cả mà suốt ngày chỉ ăn kẹo cao su và óanh nhau thôi. Họ cứ hai người một, đứng đối diện với nhau như thế này, mỗi người một khẩu súng sáu đeo bên hông rất óach. 

Thằng Hai nhỏm mình đứng lên rồi làm bộ ưỡn thẳng người nói: Họ rút súng ra rồi:”Phằng” một cái, bắn thẳng vào nhau. Ai rút bắn nhanh là thắng. Ai rút sau là chết tốt. Họ cứ làm như thế cho đến khi hết người thì thôi...Đánh với người của họ chán, họ kéo nhau sang nước mình để đánh người xứ mình. Vì ba tao là người xứ mình nên ổng phải bỏ vào rừng để làm Cách Mạng, để đánh nhau với ba của tụi bây.  

 - Trông ba em như thế nào hả anh Hai? Con Gái cắn chặt đôi môi dày của nó rồi khẽ lên tiếng hỏi. Đây là lần đầu tiên nó hỏi về ba của nó. 

 Thằng Hai chẳng biết gì về ba của con Gái hay ba của thằng Lai, mà nó cũng chẳng cần biết. Ba của hai đứa em nó chắc chắn là một thằng lính Mẽo. Trắng hay đen thì cũng là một thằng Mẽo, là kẻ thù của ba nó và cũng là kẻ thù của nó luôn. Nó bực tức nói lớn: 

 - Ôi dào tụi bây để ý làm chi đến mấy ông đó. Các ổng đâu có nhớ thương gì tụi bây, đâu có xứng đáng làm ba của tụi bây. 

 - Vậy ai xứng đáng làm ba của em hả anh Hai. Con Gái vừa hỏi vừa vò vò cái đầu xoăn tít của nó. 

 - Em nữa. Ai xứng...xứng...là ba...ba của em. Thằng Lai lọng ngọng hỏi theo, đôi mắt màu xanh đục của nó hồi hộp nhìn thằng Hai.

 Thằng Hai đã nghĩ đến vấn đề này từ lâu. Nó lên tiếng trả lời dứt khóat: 

 - Ba của tao. Chính ba của tao sẽ là ba của tụi bây luôn. Khi nào ổng trở về tao sẽ nói ổng nhận tụi bây là con. Ba anh em mình đều là con của mẹ thì cũng đều là con của ba luôn. 

 - Được không hả anh Hai? Hai đứa mắt sáng rỡ lao nhao hỏi. 

 - Được chớ. Chắc chắn là được. Thằng Hai trả lời chắc nịch. Nó thấy hài lòng khi nhìn vẻ mặt hớn hở của hai đứa em. Chúng đã tạm quên đi cơn đói và cười toe tóet... 

 - Anh Hai kể chuyện ba của anh đi? Con Gái nói và thằng Lai hùa theo. 

 - Uờ. Tao sẽ kể chuyện ba tao, mà từ giờ trở đi cũng là ba của tụi bây đó. Thằng Hai cố nhớ lại những kỷ niệm mơ hồ về người cha của nó cùng với những điều mẹ nó đã kể về người cha đó: 

- Mẹ kể ba là người đẹp trai nhất. Ông ấy to lớn, mạnh khỏe và có nhiều cô mê tít thò lò. Ba tao ở luôn tại căn nhà này cùng với mẹ, vì ông ấy là chồng của mẹ, chứ không phải là khách như ba của tụi bây đâu. Lúc đó mẹ còn trẻ đẹp chớ không ốm tong như bây giờ đâu. Mẹ thường mặc một cái áo dài màu tím khi cùng với ba và tao đi chơi phố. Lúc đó ba thường bồng tao trên vai rồi cùng mẹ đi coi xiệc ngòai rạp. Sau đó còn đi ăn ở nhà hàng thiệt lớn nữa kìa. Chỉ vì sau này có chiến tranh, ông ấy đi vào rừng làm Cách Mạng, rồi bị mất tích thì mẹ mới phải đi làm cái nghề này.
  
 - Mất tích là chết rồi phải không anh Hai? Con Gái đột nhiên hỏi. 

 - Mày ngu qúa. Mất tích là mất tích, còn chết là chết chứ sao lại giống nhau được. Thằng Hai ồn tồn giải thích. Chết là đi xuống âm ti luôn không trở về nữa như chồng bà Tư chạp phô đó. Còn mất tích là vẫn trở về được. 

 - Vậy ba của em với ba của thằng Lai thì sao? Mấy ổng chết hay mất tích hả anh Hai? 

 - Ba của tụi bây về xứ mấy ổng luôn, không bao giờ trở lại nữa thì là chết rồi còn gì nữa. Giống như chồng của bà Tư chạp phô đó. Có trở về đâu. Còn ba của tao chỉ bị mất tích thôi. Oång nhất định sẽ trở về. Thằng Hai nói, giọng đầy tin tưởng.

 - Thế ngộ nhỡ ba của anh trở về thấy tụi em đứa đen đứa trắng như vầy ổng không nhận tụi em làm con thì sao hả anh Hai? Con Gái lo lắng hỏi. 

Thằng Hai trầm ngâm suy nghĩ. Nó cũng đã nghĩ đến chuyện này nhiều lần rồi và cũng đã quyết định rồi. Nó nói giọng cương quyết: 

 - Tao sẽ nói tụi bay đều do má sanh ra cả. Chúng mày là ruột thịt với tao.

 - Nhưng ngộ nhỡ ba anh nhất quyết không nhận tụi em.

 - Thì tao sẽ không nhận ổng làm cha nữa. Tao cũng không thèm đi coi xiệc hay đi ăn nhà hàng với ổng nữa. Chớ nhất định tao không bỏ tụi bây. 

 - Anh Hai hứa đó nghen. Anh Hai nhớ đó nghen. Cả hai đứa em nó tranh nhau nói. 

 - Tao hứa. Thằng Hai dõng dạc nói. Nó thấy hơi tiêng tiếc khi không được đi ăn nhà hàng hay đi coi xiệc khi ba nó trở về. Nhưng nó không thể bỏ hai đứa em nó được. 

 Đêm đã về khuya. Đường phố vắng bóng người dần. Cả ba anh em chúng dựa lưng vào nhau thiu thiu ngủ. Bỗng đằng xa ánh chớp lóe sáng lên. Rồi một tiếng sấm nổ đanh khiến cả ba anh em giật mình. Gió lạnh thổi đến khiến chúng co dúm vào nhau.
  
 - Hình như trời sắp mưa to phải không anh Hai? Con Gái hỏi, giọng thảng thốt. 

Thằng Hai ậm ừ không trả lời. Con Gái nói như muốn khóc: 

 - Vậy là hôm nay lại nhịn đói nữa rồi phải không anh Hai?
   
 - Em không chịu đâu. Em không chịu đói đâu. Thằng Lai kêu lên bai bải, mái tóc rơm bẩn của nó lắc qua lắc lại. 

 - Chúng mày câm mồm hết đi. Thằng Hai quát lớn: Trời sấm chớp như vầy thì chắc gì đã có mưa... 

Cơn mưa kéo đến rất nhanh. Rồi càng lúc càng lớn lên với những hạt mưa rơi lộp độp trên mái nhà. Gió lạnh ào ào tuôn thốc qua căn nhà trống huếch hóac của chúng khiến chúng phải rút dần vào trong nhà. Ngồi dựa nhau run lập cập, ba anh em vẫn ngóng mắt nhìn ra phía đầu hẻm. Con hẻm mờ đi trong cơn mưa tầm tã. Ngòai phố một chiếc xe con chạy vụt qua, nước bắn tung tóe. Vài bóng người trùm kín trong áo mưa cắm cúi bước vội. Thỉnh thỏang một tiếng sét nổ váng lên và tung ánh chớp xanh lè lên những khuôn mặt sợ hãi của lũ trẻ khiến chúng co dúm lại. 

 - Có lẽ hôm nay mẹ cũng không kiếm được người khách nào anh Hai nhỉ. Con Gái nói, răng nó đánh vào nhau lập cập. Mấy hôm trước cũng mưa lớn như thế này. 

 - Ừ. Đã không có khách mà tao còn sợ mẹ bị trúng gió vì mắc mưa nữa kìa.
  
 - Em không chịu đâu. Em không nhịn đói đâu. Thằng Lai mếu máo nói. Nó quệt mũi dãi trên miệng rồi ti tỉ ngồi khóc.  

 - Mày im cái mồm đi. Mày không biết thương mẹ hả. Trong khi mẹ đang bị mắc mưa thì mày lại khóc nhè đòi ăn. Mày đúng là thứ con lai dơ, thứ máu tạp... Thằng Hai quát lên chửi thằng em. Lần đầu tiên nó chửi em nó theo kiểu của bà Tư chạp phô thường hay chửi. Bà Tư nói thứ hai dòng máu thì không có tình cảm.... 

 - Đúng rồi đấy. Nó đúng là đứa hai dòng máu, không biết thương mẹ. Con Gái hùa theo. 

 - Chị cũng là con lai...lai. Hai dòng...dòng...Thằng Lai ngọng nghịu nói: Chị không thương mẹ nên mới bị mẹ đuổi...đuổi ra ngòai đường ngủ...ngủ...  

 - Mẹ không thương tao hồi nào? Mẹ đuổi tao hồi nào? 

 - Hồi mẹ có khách...khách ở lại đêm. Mẹ không cho chị ngủ...ngủ trong nhà. Mẹ đuổi...đuổi chị ra ngòai cùng với anh Hai đó. 

 - Không phải mẹ ghét tao. Con Gái nói như khóc: Tại vì tao lớn rồi nên tao phải ra ngòai đường chứ bộ. Rồi mày lớn lên mẹ cũng đuổi mày ra đường ngủ. 

 - Mẹ không ghét đứa nào trong tụi bay cả. Thằng Hai chen vào giải thích. Đứa nào lớn lên cũng phải vậy thôi. Hồi trước tao còn bé tao cũng được ngủ trong nhà như chúng mày chứ bộ. Tại vì mấy người khách mát xa của mẹ không muốn có những đứa lớn ở trong nhà khi họ ở lại qua đêm. Vì mày còn bé chứ mày lớn thêm chút nữa thì mày cũng ra đường ngủ như tụi tao thôi. 

 Thằng Lai mếu máo nói: 

 - Tại sao Lai lớn...lớn Lai lại phải ra ngòai đường ngủ hả anh Hai? 

 - Tại vì sợ mày lớn mày nhìn thấy khách của mẹ:”chuổng cời” chớ sao nữa? Bây giờ mày còn bé tí thì biết gì. Thằng Hai nhỏ giọng nói. Tao đã nhìn thấy khách của mẹ “chuổng cời” rồi nè.  

 - Cả em cũng nhìn thấy mấy ổng như vậy nữa nè. Con Gái vênh váo nói theo. Chỉ có thằng Lai bé tí không biết gì thôi. 

 - Đừng hòng mà Lai không biết nhé. Lai cũng nhìn thấy mấy ông khách “chuổng...chuổng cời”. Lai còn thấy cả mẹ “chuổng cời” nữa nè. Thằng Lai cười khè khè khóai chí nói. 

Hai đứa lớn nhìn thằng Lai sững sờ, khiến nó đang vênh vang đắc ý phải khựng lại. Nó im bặt lấm lét nhìn thằng anh. Thằng Hai đứng dậy nắm cổ áo nó nói: 

- Mày ăn nói bậy bạ qúa rồi. Mày dám nói mẹ như thế hả? Phải phạt mày thôi. Khoanh tay qùi xuống góc nhà kia. Tao sẽ bắt mày qùi cho đến khi mẹ về. 

- Và cũng không cho nó ăn uống khi mẹ về. Con Gái nói theo. 

Thằng Lai sụt sịt tiến lại góc nhà, nơi nó vẫn thường qùi nhiều lần trước đây. 

- Chỗ này mưa hắt ướt hết rồi. Anh Hai cho em vào qùi trong nhà hén.... 

- Ừ. Được. Thằng Hai đáp. 

- Mẹ về anh Hai nhớ kêu em nghen. Nó mếu máo nói: Em phải đợi mẹ về để mẹ dẫn đi ăn phở. 

- Ừ được. 

Thằng Lai qùi khuất trong chỗ tối, khóc ti tỉ. Hai đứa lớn im lặng ngóng mắt ra phía bên ngòai. Mưa đã tạnh bớt chỉ còn lất phất quanh ngọn đèn đường. 

Cách nhà nó mấy căn là nhà của cô Trang, cũng làm nghề mát xa như mẹ nó. Đó là một ngôi nhà cao tầng mới xây, to và đẹp nhất trong cái xóm nghèo này. Từ bên trong ngôi nhà đó vọng ra tiếng nhạc ầm ĩ, tiếng cười nói... Có cả tiếng trò chuyện bằng tiếng nước ngòai nữa.
  
Con Gái đưa đôi mắt trắng dã dòm sang bên đó rồi quay lại thì thào nói với thằng Hai:
  
 - Sao trời mưa gió thế này mà cô Trang vẫn có nhiều khách thế nhỉ. Có cả mấy ông Mỹ nữa. Trong khi mẹ tìm mãi mà chẳng có lấy một người khách. 

 - Tao nghe Bà Tư chạp phô bảo tại vì mẹ mình có ba anh em mình nên mới không có khách. Còn bây giờ cô Trang có nhiều khách vì cô ấy trẻ nên cô ấy lấy hết khách của mẹ. Bà Tư nói bây giờ cô ấy thích tiếp ai thì tiếp, đuổi ai thì đuổi. 

 - Ừ nhưng vài năm nữa, khi cổ cũng có mấy đứa con đen trắng như tụi bây thì cổ cũng chẳng còn ai để đuổi đâu. Cô ấy lại phải đi ra ngòai đường đón khách về nhà như mẹ thôi. 

Con Gái cau có đôi mày đen rồi nói qủa quyết: 

 - Lớn lên em sẽ không bao giờ đi làm mát xa như mẹ, như cô Trang đâu. 

Thằng Hai suy nghĩ giây lát rồi nói, giọng chắc nịch: 

 - Còn tao thì lớn lên tao sẽ vào rừng làm Cách Mạng như ba của tao. Khi nào đuổi hết mấy ông Mỹ kia về xứ của mấy ổng thì tao sẽ cùng ba tao trở về...

 Cả hai đứa ngồi yên mắt mơ màng nhìn ra con hẻm vắng ngắt.. Thỉnh thỏang thằng Hai ngó chừng thằng Lai trong góc nhà. Nhưng nó thấy thằng Lai đã bò ra ngay sau lưng hai đứa và đang lăn quay ra ngủ, ngón tay cái đút vào miệng mút chèm chẹp. Thằng Hai với tấm mền đắp cho em nó cẩn thận rồi nó quay sang nói khẽ với con Gái: 

 - Thằng Lai lớn rồi nên chắc nó sắp tới nó cũng phải ra ngòai đường ngủ như tao với mày mất thôi. 

Con Gái thở dài nói:  

 - Ừ, Nhưng cũng may là dạo này mẹ không có khách ở lại qua đêm. 

Cơn mưa lại đổ xuống rào rào xuống mái tôn. Những hạt mưa bay loang lóang quanh ngọn đèn đường đầu hẻm. Những cơn gió mạnh thốc những hạt mưa vào tận trong nhà khiến cho anh em chúng phải thụt lui dần.

Thằng Hai đứng dậy bồng thằng em đang ngủ ngoặt ngọet vào trong góc nhà. Con Gái cầm theo tấm mền rách vào theo. Trùm tấm mền lên người cả ba anh em chúng xong, thằng Hai nói:   

 - Thôi khuya lắm rồi, bọn bay đi ngủ đi. Tao trông chừng khi nào mẹ về tao kêu dậy.  

Con Gái ở trong chăn thò đầu ra thì thào nói: 

 - Anh Hai nhớ giữ lời hứa với tụi em đó nghen? 

 - Nhớ gì? Thằng Hai ợm ờ hỏi.  

 - Thì anh Hai hứa sẽ không bỏ em khi ba của anh trở về đó.

 - Cả em nữa, anh Hai hứa đừng bỏ em nghen. Thằng Lai bỗng tỉnh giấc líu díu nói theo...

 - Ừ, ừ được rồi. Tao hứa.  

 Cả ba anh em chúng từ từ đi vào giấc ngủ. Trong giấc mơ của mình, thằng Hai thấy ba nó trở về. Ba nó trông oai phong lẫm liệt trong đòan quân chiến thắng đang tiến vào thành phố. Mọi người đổ ra đường hân hoan chào mừng với cờ hoa rợp trời. Mẹ nó vẫn trẻ đẹp như ngày xưa, trong chiếc áo dài màu tím đã tươi cười dẫn ba anh em chúng ra đón. Ba nó ôm hôn tất cả thật chặt. Rồi một tay ba nó nhấc bổng thằng Lai đặt lên trên vai khiến cu cậu cười sằng sặc, còn tay kia ôm con Gái vào lòng...Lạ kỳ thay, khi ba nó ôm hôn anh em chúng thì nó thấy con Gái không còn nước da đen thui cùng mái tóc xoăn tít. Cũng như thằng Lai chẳng còn nước da trắng bệch cùng mái tóc vàng hoe bẩn nữa. Cả hai đứa em nó giống hệt như chính bản thân nó vậy. Tất cả ba anh em chúng đều giống y như nhau và giống y như ba của chúng. Nó khẽ nở nụ cười sung sướng khi chìm vào giấc mơ đẹp đẽ đó.

Bên ngòai trời vẫn mưa rầu rĩ. Cánh cửa trước nhà vẫn mở toang. Từng cơn gió lạnh thổi ào ào qua căn nhà trống huếch trống hóac...

Mai Tú Ân