Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Viên Đạn Cuối Cùng - Truyện ngắn của Mai Tú Ân



Đã có lệnh tấn công. Tấn nhỏm dậy trong hố cá nhân của mình để ra hiệu cho các chiến sĩ thuộc quyền chuẩn bị xung phong. Đây đã là đợt tấn công thứ tư của đơn vị anh lên cái đồn địch phía trên ngọn đồi.. “Đã ba đợt tấn công trước thất bại rồi, và đợt này có chết cũng không thể thất bại được nữa”. Tấn nghiến răng nghĩ bụng và theo thói quen trước khi xung trận, anh kiểm tra lại khẩu súng ngắn của mình. Chỉ còn một viên đạn duy nhất, nằm trơ trọi trong hộp tiếp đạn. Không kịp quay trở lại chân đồi để lấy thêm đạn nữa rồi. Anh lầm lì đóng băng, lên đạn và vung cao khẩu súng.

Xung phong !




Tấn hét lên một tiếng dữ dội rồi nhảy ra khỏi hố cá nhân của mình để lao thẳng lên phía đồn địch. Những tiếng hô xung phong nối tiếp nhau của các chiến sĩ trong đơn vị anh khi họ cũng ào ào xông theo. Dãy hàng rào kẽm gai dày đặc, treo đầy mìn bẫy phía trước đồn địch đã bị nhóm xung kích của đơn vị anh phá tan trước đó, mở ra một con đường xông thẳng vào tận dãy lô cốt trung tâm, phía trên ngọn đồi.

Ngay lập tức, đạn pháo của địch bất ngờ bùng lên dữ dội. Những ánh lửa nháng lên soi rõ những hố bom, hố pháo nham nhở. Phía cao trên đỉnh đồi, nơi những lô cốt phòng ngự của địch quân sáng rực lên vì ánh lửa đạn liên thanh bắn vào đội hình xung kích của quân ta. Trên cao ánh sáng hỏa châu chói sáng treo bập bùng lơ lửng giữa bầu trời đêm.

“Hừm. Hỏa lực của địch như thế này thì bao giờ quân ta mới chiếm được đồn đây”. Tấn nghĩ bụng khi anh quay đầu nhìn lại phía sau, nơi các chiến sĩ trong đơn vị của anh đang lao lên. Trong ánh sáng chói lòa của đạn pháo và ánh sáng bập bùng của pháo sáng, Tấn sững người lại khi không nhìn thấy một chiến sĩ nào còn theo anh. Một vài thân hình nằm gục mặt xuống đất. Một thân người bất động vắt qua một đọan rào kẽm gai. Có cả mấy bóng người đang cắm đầu chạy ngược lại phía sau, nơi họ vừa xuất phát.

Chẳng suy nghĩ, Tấn nghiến răng lao lên phía trước. Anh vấp ngã, lồm cồm bò dậy, lao lên để rồi lại vấp ngã nữa. Có đến bốn năm họng súng máy từ các lô cốt trên cao đang khạc đạn vào đội hình xuất phát của đơn vị anh. Những vệt đạn lửa lừ lừ vạch sáng trời đêm, cùng những tiếng nổ inh tai nhức óc ầm vang lên xung quanh. Quan sát phía trước, anh nhìn thấy tầm đạn bắn cao hơn vị trí của anh đang nằm. Điều đó có nghĩa là anh đã lọt qúa sâu vào trong vị trí phòng thủ của địch, và đơn vị xung kích của anh có lẽ đang bị kẹt đâu đó bên ngòai hàng rào kẽm gai đầu tiên ở lưng chừng đồi.

Tấn nghiến răng chờ đợi cho lọat súng hướng về phía anh vừa dứt liền lao vọt lên. Vung cao khẩu súng ngắn, anh xông thẳng vào trong bóng đêm trước mặt.

“Xung phong ! Xung....”

Một ánh lửa bùng lên ngay trước mặt khiến thân hình anh bay bổng lên không và rơi tọt ngay xuống một cái hố sâu hoắm. Cú ngã đau điếng nhưng anh vẫn còn tỉnh táo. Anh vùng dậy ngay sau cú ngã trời giáng đó nhưng đột nhiên cả người đổ sụp xuống. Đau nhói ở ngay đùi trái khiến cho anh không thể đứng lên được. Ở dưới cái đáy hố lổn nhổn đất đá, anh mò mẫm tìm xem vết thương của mình. Chân trái của anh đã bị gãy và máu tuôn ra xối xả theo dọc đùi. Có lẽ một mảnh đạn pháo đã phạt sâu vào phía trên đầu gối khiến xương đùi anh vỡ vụn ra. Nghiến răng chịu đau, anh cởi dây nịt quần ra để quấn garo cầm máu. Nhìn cái chân mình gãy quặt về sau một cách kỳ dị, cùng với máu đang tuôn ra xối xả, anh biết mình đã bị một vết thương vô phương cứu chữa.

“Mẹ kiếp ! Thế là hết. Mình sẽ ngủm ở cái hố chết tiệt này”. Tấn bật lên một tiếng chửi thề và lần mò tìm kiếm khẩu súng ngắn vẫn còn trong tay anh với vòng dây quấn quanh cổ tay. Anh nắm chắc lấy nó và có một cảm giác yên tâm hơn. Khẩu súng này sẽ giúp anh ra đi thanh thản, không đau đớn. Trải qua bao chiến trận ác liệt, anh thấy nhiều đồng đội của mình đã bị đau đớn, hỏang lọan như thế nào khi phải đối diện với cái chết. “Thế là chỉ chốc lát nữa đây, mình sẽ phải chấm dứt bốn năm trời chinh chiến lẫy lừng của mình ở trong cái hố tối đen này. Nhưng thế cũng đã là thọ lắm rồi so với bao đồng đội đã ngã xuống trước anh. Chỉ hy vọng là đến lúc đó mình sẽ không phải đau đớn nhiều”. Anh tự nhủ và nhét khẩu súng ngắn vào người.

Anh đờ đẫn nhìn chung quanh và lờ mờ nhận thấy mình đang ở dưới một cái hố bom. Một hố rất sâu, cao vượt đầu người với thành đất nham nhở. “Hừm. Nếu quân ta chiếm được đồn thì họ sẽ rất khó khăn để tìm ra xác của mình”. Anh chửi thề một lần nữa và qùi dựa người lên cái chân
lành thở dốc.

Đột nhiên anh có cảm giác khác lạ phía sau lưng. Quay phắt người lại, anh nhìn thấy một thân người nằm dựa vào thành hố đối diện, mắt mở thao láo nhìn anh.

Ánh sáng của hỏa châu soi rõ cho anh thấy kẻ đó. Một tên lính ngụy với bộ đồ nhảy dù loang lổ nằm dựa vào thành hố bom đang nhìn chòng chọc vào anh. Nhanh như chớp, Tấn rút phăng khẩu súng ngắn ra chĩa thẳng vào mặt tên lính và định siết cò. Nhưng anh chợt ngừng tay lại khi nhìn thấy ánh mắt long lanh kỳ lạ của tên lính nọ. Hắn vẫn nằm thản nhiên nhìn vào họng súng đang chĩa vào hắn với vẻ mặt câng câng thách thức, cứ như thể hắn đang mong cho khẩu súng trong tay anh khạc đạn vào mặt hắn vậy.. Thậm chí anh còn thấy hắn gật đầu ra dấu như bảo anh hãy bóp cò đi. Hãy bắn hắn ngay đi...

Tấn ngạc nhiên dừng tay. Rồi anh thận trọng một tay tỳ khẩu súng ngắn vào giữa hai con mắt đang mở thố lố nhìn anh, tay kia lần mò trên người hắn. Ngay lập tức anh đụng phải vết thương trên ngực của tên lính nọ. Kinh nghiệm của một người lính dày dạn trận mạc như anh thì không cần phải suy đóan lâu, anh biết tên lính này đã bị thương rất nặng. Ngực hắn có lẽ đã bị một mảnh pháo găm vào khiến nó vỡ tóac ra. Anh có thể nhìn thấy những bong bóng máu của tên lính nọ đang phập phù sùi ra trên vết thương mở toang hóac trên ngực. Hắn đã mất rất nhiều máu và chỉ còn nước chờ chết. Điều hắn cần bây giờ không phải là cứu chữa nữa mà là một viên đạn ân huệ. 

Tấn im lặng đưa nòng súng ra khỏi mặt hắn và thận trọng lùi lại để ngả mình dựa lưng vào thành hố đối diện. Làm như không biết đến sự có mặt của tên lính đang bị thương kia, anh nhét khẩu súng ngắn vào bao đeo bên hông, không quên mở hé bao súng để cho hắn thấy anh có thể rút ra bất cứ lúc nào. Thỉnh thỏang anh ngó chừng tên lính để biết hắn vẫn đang im lặng quan sát anh. Hắn nhìn anh thản nhiên bằng đối ánh mắt rất lạ. Một đôi mắt trống rỗng vô hồn. Anh ngồi đối diện với tên lính ngụy và lấy làm khó chịu khi ánh mắt của hắn cứ nhìn đau đáu mãi vào anh. Nó khiến anh phải dựa sát vào thành hố để kín đáo giấu mặt mình khỏi ánh sáng của những trái hỏa châu đang treo lơ lửng trên đầu. Vẫn cảnh giác với tên lính nọ, anh giỏng tai nghe ngóng tình hình của trận đánh vẫn đang diễn ra phía bên trên.. Tiếng súng đã giảm nhiều khiến anh biết quân ta đã không còn tiến lên được đến nửa ngọn đồi, nơi anh đang chờ chết trong cái bẫy sâu hoắm này.

Đột nhiên tên lính ngụy lên tiếng. Giọng nói của hắn mạnh mẽ và khác hẳn với cái hình hài đẫm máu tả tơi của hắn :

- Mày còn chờ gì nữa ?

- Chờ cái gì ? Anh ngạc nhiên hỏi lại. 

- Xì. Tên ngụy xì ra một tiếng khinh bỉ rồi nói : Cho tao về chầu trời bằng một viên đạn.

Anh nhìn hắn lạnh lùng nói : 

- Chúng tao không bắn giết tù binh.

- Tao không phải là tù binh nên mày chỉ việc kê nòng súng vào đầu tao rồi bóp cò một cái. Thế là xong.

Cái giọng lạnh lùng, ngang ngược của hắn khiến anh không thèm trả lời. Anh cúi xuống loay hoay với cái dây lưng đang quấn chặt ngang đùi. Máu từ vết thương vẫn rỉ ra từ cái quần đã bị mảnh bom cắt tả tơi.

- Hay mày sợ tao hả thằng Vici ? Giọng nói khó chịu của tên lính bị thương lại vang lên.

- Mày câm miệng đi. Anh gằn giọng nói và nghiến răng để siết chặt sợi dây lưng lại. Cơn đau đã thốn lên tận óc khiến anh phải gập cong cả người lại. 

Tên lính kia vẫn không buông tha anh, hắn cao giọng như thách thức : 

- Hừm ! Một thằng Việt cộng chết nhát. Đến việc bắn một phát vào kẻ thù mà cũng không dám làm. Nếu là tao thì tao sẽ cho mày cả một băng đạn. Tao đã từng làm thế với rất nhiều thằng Việt Cộng như mày rồi. Hà hà, nói theo kiểu của chúng mày thì tao là một kẻ có nhiều nợ máu với nhân dân đấy.

- Mẹ kiếp mày thằng Ngụy. Cái giọng đểu giả của hắn khiến cho anh sôi máu quát lớn lên. Anh muốn chửi thêm mấy câu nữa nhưng cơn đau khiến cho anh không thể mở mồm ra được.

- Mẹ kiếp mày thằng Việt Cộng. Tên lính kia cũng không vừa lên tiếng chửi lại. Hắn nhìn anh chế riễu với nụ cười méo xệch cả miệng. 

Đã mấy lần anh định rút khẩu súng ngắn của mình ra để đập nát bộ mặt đầy máu của tên lính kia, hoặc kê nòng súng vào giữa hai con mắt trâng tráo của nó và siết cò. Nhưng rồi anh tặc lưỡi bỏ qua. Không cần phải phí sức, phí đạn với một thằng sắp chết. 

Dưới ánh sáng của những trái pháo sáng treo lơ lửng trên đầu, anh kiểm tra lại vết thương nơi đùi. Mắt anh hoa lên vì đã mất qúa nhiều máu. Cái dây lưng quấn nhiều vòng và siết chặt phía trên vết thương nhưng máu vẫn tiếp tục chảy ri rỉ dọc theo cái chân bị thương đã bắt đầu mất hết cảm giác. Anh nghiến răng siết chặt hơn nữa. 

Tên lính ngụy nhìn anh loay hoay từ nãy đến giờ bỗng lên tiếng, giọng dịu đi : 

- Mày đừng siết chặt dây garo qúa. Chỉ cần siết vừa đủ thôi chứ mày cứ siết chặt như thế chỉ khiến cho máu ứ lại và càng chảy ra nhiều hơn.

- Câm mồm đi. Tao đã là người lính dày dạn trận mạc rồi nên không cần ai chỉ dạy cả. Nhất là từ một thằng lính ngụy như mày.

- Ha, ha. Tao là sĩ quan chứ không phải là lính. Và tao cũng đánh trận nhiều đủ để biết được mày sẽ không qua khỏi vì vết thương này đâu.

Anh ngước lên nhìn tên lính và bây giờ mới nhìn thấy một bông mai thấm máu trên cổ áo hắn. Im lặng anh nới lỏng sợi dây nịt. Chỉ một lát sau, máu đã không còn chảy ra nhiều như trước nữa và cơn đau cũng đã dịu đi. Anh ngước nhìn tên lính và lại bắt gặp ánh mắt như diễu cợt của hắn đang nhìn anh.

Tấn im lặng ngả mình vào thành hố. Mắt nhắm nghiền, anh giỏng tai lên nghe ngóng tình hình phía trên hố bom. Tiếng súng đã ngưng và không gian chung quanh đang yên tĩnh một cách lạ kỳ. Có vẻ như cuộc tiến công lần thứ tư của đơn vị anh vào cái đồn ở trên đỉnh đồi này đã thất bại. Không biết từ giờ tới sáng quân ta có còn tấn công nữa không và anh có còn sống được tới khi đó không...

Đột nhiên tên sĩ quan bị thương lại lên tiếng : 

- Này thằng lính Vici. Mày xem giùm vết thương của tao được không ? Coi xem tao có thể bất ngờ vùng dậy cho mày về chầu trời trước tao không. Vì tao không thể cúi xuống để nhìn vào tận trong lồng ngực của mình được.

- Thứ nhất tao là sĩ quan chứ không phải là lính. Thứ hai là mày sẽ không qua được đêm nay đâu. 

- Té ra mày cũng là sĩ quan. Mày đã nói đúng. Tao biết là tao sẽ không thể qua khỏi đêm nay đâu. Khi những vết tím đen quanh vết thương này của tao chạy lên tới tim tao thì thế là xong. Tao sẽ về với Chúa.

Tấn im lặng ngó lơ lên miệng hố bom. Những trái hỏa châu treo lơ lửng tỏa ánh sáng chói chang làm mờ đi bầu trời đêm cùng những ngôi sao mờ nhạt. Tiếng súng nổ râm ran như vọng lại như từ một nơi đâu xa xôi lắm.

Một cơn đau khủng khiếp nơi đùi trái khiến cho anh phải nghiến răng lại để chịu đựng. Anh cố đưa khuôn mặt đang nhăn lại vì đau đớn khuất sau bóng tối của hố bom, nhưng tên sĩ quan đã nhìn thấy. Hắn lên tiếng giọng khó chịu :

- Vết thương của mày giống tao ở chỗ là đều không thể cứu chữa được nữa. Mày đã bị mảnh đạn phạt ngang đùi làm đứt động mạch chủ khiến cho máu mày phun ra như một cái vòi nước. Và khi nó phun hết nước thì thế là xong. Mày sẽ theo tao về chầu ông bà.

Anh biết tên sĩ quan đối phương đã nói đúng về vết thương của mình. Cho dù được cấp cứu, được tiếp máu kịp thời thì cũng khó mà qua khỏi được. Mà việc cấp cứu của quân ta lúc này thì... Anh im lặng nghiến răng lại.

Tên kia lại lên tiếng :

- Vết thương đó sẽ hành hạ mày và khiến cho mày sẽ đau đớn nhiều trước khi ngủm đấy. 

- Mặc xác tao. Anh phát cáu gắt lên.

- Nếu mày không muốn đau đớn thì hãy lấy cái túi y tế trong ba lô kia của tao. Trong đó có moọc phin tiêm để giảm đau đấy.

Tấn đưa cặp mắt nghi ngờ nhìn đăm đăm vào tên sĩ quan ngụy. Hắn vẫn nằm im, ánh mắt vô hồn đóng đinh ở đâu đó phía trên đầu anh. Anh cắn chặt răng quay mặt đi, nhưng cơn đau bất chợt kéo đến dữ dội khiến anh co dúm cả người lại.

- Túi y tế trong ba lô trước mặt mày đó. Tên sĩ quan lại lên tiếng.

Anh lập cập cầm lấy ba lô và mở túi ra. Theo sự hướng dẫn của hắn, anh lấy ra một cái hộp gồm có nhiều ống tiêm nhỏ xíu. Cầm lấy một ống và mở nắp, anh tần ngần chưa đâm kim ngay vào miệng vết thương ở đùi anh như hắn đã chỉ. Tên sĩ quan nhếch mép cười với nụ cười méo xệch :

- Mày đừng lo. Đấy là thuốc giảm đau chứ không phải là thuốc độc đâu. 

- Tao biết. Nhưng tại sao mày không dùng.

- Mày không thấy là đôi tay của tao đâu có còn sử dụng được nữa. Nếu mày muốn giúp tao thì hãy phóng cho tao mấy ống vào vết thương nơi ngực tao. Rồi mày sẽ tự làm cho mày. Thuốc này sẽ khiến cho cả mày vào tao đỡ đau nhiều trước khi về với thế giới bên kia đấy.

Anh vội vàng làm làm theo. Giây lát cơn xé da xé thịt nơi đùi anh đã dịu đi. Nằm ngả mình thỏai mái dựa lưng vào thành hố, anh nhìn sang tên sĩ quan. Đôi mắt của hắn đã lấy lại chút vẻ linh họat, với chút thần sắc hiện lên trên khuôn mặt vốn tái mét trước đó. Anh muốn nói một câu gì đó để cám ơn nhưng lại thôi. Dù gì thì đó cũng là kẻ thù của anh, và cả hai cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa. 

Thấy anh loay hoay người để gượng dậy nghe ngóng tình hình chiến sự phía bên trên, tên sĩ quan lên tiếng :

- Phía bên mày chưa tiến công đâu. Nhìn vào ánh mắt ngạc nhiên của anh hắn nói tiếp : Tao có thể đóan ra việc đó qua việc đại bác phía bên tao không nã vào chúng mày lúc này. Chúng mày đã tấn công suốt từ sáng đến giờ rồi đều thất bại. Nếu cứ tiếp tục tấn công như thế nữa thì sẽ thất bại nữa.

Anh trề môi xì một tiếng rõ lớn, rồi khinh bỉ nói :

- Mày thì biết qúai gì về phía bên tao. Mày làm sao có thể hiểu nổi sức mạnh của chiến tranh nhân dân.

- Tao không biết về chiến tranh nhân dân của chúng mày nhưng tao biết nếu chúng mày cứ hò la xung phong, rồi xông lên ào ạt theo kiểu biển người như thế thì chắc chắn sẽ thất bại. Bên tao cứ chờ cho cả bọn chúng mày leo đến khỏang lưng chừng đồi là cho đại bác phơ cấp tập xuống. Thế là xong.

Qủa là anh có nghĩ đến điều này sau đợt tấn công thứ hai bị thất bại. Địa hình ngọn đồi không dốc, nhưng lổm chổm đầy chướng ngại vật làm cho tốc độ tấn công giảm đi rất nhiều. Và từ các ngọn đồi cao hơn ở chung quanh, bọn Ngụy sẽ chỉ điểm cho pháo binh của chúng nã chính xác vào đội hình xung kích của quân ta. Anh đã đề nghị với đại đội trưởng Tư Chung cho bố trí từng nhóm ba người bí mật tiến dần lên, nhưng anh ấy không đồng ý. Đại đội trưởng vẫn ra lệnh tấn công như trước và chính anh ấy đã ngã xuống trong đợt tấn công dũng mãnh lần thứ ba. Và cũng là đợt thứ ba thất bại. Xác của anh ấy còn nằm đâu đó trên ngọn đồi này.

Tên sĩ quan thấy anh lắng nghe liền nói tiếp, giọng sôi nổi hơn :

- Nếu tao là sĩ quan chỉ huy của bọn mày, tao sẽ cho từng nhóm nhỏ tiến dần lên. Không phải hô xung phong ồn ào làm gì mà cứ im lặng bí mật tới được các hàng rào kẽm gai cuối cùng, sát với giao thông hào của đồn. Lúc đó thì hỏa lực bom pháo của chúng tao sẽ rất khó khăn để oanh kích vì địch quân đã ở sát qúa rồi. Đến lúc đó thì mới xung phong tổng lực vào đồn một cái. Thế là xong. 

Thấy tên sĩ quan nói như thể hắn đọc được suy nghĩ của mình khiến anh khó chịu. Bực bội anh lên tiếng : 

- Kiểu gì thì đến sáng mai bọn tao cũng làm chủ cái đồn này. 

- Không đâu. Nếu chúng mày không đổi lối đánh thì đêm nay chúng mày vẫn ăn đạn quanh quẩn ở dưới chân đồi.

- Được, mày cứ chờ coi. 

Tên sĩ quan bật cười khùng khục :

- Tao thì chờ thế đếch nào được. Chẳng phải mày đã bảo tao sẽ không qua khỏi đêm nay là gì.Anh ngó nhìn hắn. Quả thật là hắn không thể sống để chờ coi đêm nay quân ta có chiếm được ngọn đồi không. Anh cũng vậy. Anh cũng không thể sống để chờ đến sáng mai lúc quân ta chiếm được đồn. Nhưng chắc chắn là anh sẽ chờ đợi lâu hơn cái thằng sĩ quan ngụy trâng tráo nọ. Chắc chắn anh sẽ thấy được cái chết đến với hắn, còn hắn thì không thể nào thấy được anh sẽ chết như thế nào. Nghĩ tới điều đó khiến anh đỡ bực tức hơn. Anh mỉm cười hỏi hắn : 

- Mày bao nhiêu tuổi.

- 26. Còn mày ?

- 25. Anh trả lời và tự phong thêm cho mình 2 tuổi.

- Mày có vợ chưa ?

- Tao mới có vợ chưa cưới. Thế còn mày.

- Rồi. Tên sĩ quan trả lời giọng nói đột nhiên mất đi cái vẻ khinh khỉnh từ đầu tới giờ. Hắn như nấc lên khi nói tiếp. Tao đã có một đứa con gái. Nó dễ thương lắm. 

Anh nhìn vẻ mặt xúc động của tên sĩ quan và thấy tội nghiệp cho hắn. Anh rất muốn nắm lấy bàn tay đang để ngay đơ bất động trên người tên sĩ quan để làm một cử chỉ an ủi nào đó nhưng ngần ngại nên thôi. Bỗng tên sĩ quan thều thào nói :

- Mày hãy giúp tao mở túi áo ngực trái của tao ra. Lấy cái bóp và tao sẽ cho mày nhìn thấy hình vợ con của tao.

Anh nhanh nhẩu làm theo lời hắn. Có một tấm hình chụp một cô gái rất đẹp, ngây thơ trong bộ áo dài học sinh. Một tấm khác chụp một cặp vợ chồng mà người vợ cũng là cô gái đó, ngồi bên cạnh chính viên sĩ quan đang nằm chờ chết kia, nhưng trong hình hắn trông oai vệ với bộ đồ lễ phục sĩ quan với dây tua và huy chương sáng chóe. Có một đứa bé gái nhỏ xíu, ngồi dưới chân họ. Tên sĩ quan lên tiếng, giọng yếu ớt :

- Mày đặt tấm hình vợ con tao vào bàn tay phải tao, cánh tay còn cục cựa được để cho tao ngắm nhìn họ.

Anh làm theo và nhìn hắn. Đôi mắt hắn đờ đẫn khi nhìn ngắm tấm hình. Thỉnh thỏang ánh chớp lửa của đạn pháo bùng lên khiến cho anh thấy rõ mắt hắn hơi ươn ướt. Hắn nói khi nhìn tấm hình đăm đăm :

- Vợ tao chắc sẽ buồn lắm. Cô ấy mới lấy tao ba năm nay và sẽ trở thành góa phụ khi mới ngòai hai mươi tuổi. 

Rồi ngước mắt lên nhìn bầu trời đêm trên miệng hố, hắn nhếch mép nói vẻ giễu cợt :

- Này Vici, tao sắp chết nhưng tao chỉ nghĩ đến cảnh tượng cô ấy sẽ khóc đến chết đi sống lại trong tang lễ của tao. Tao vốn là thằng mê văn chương trước khi nhập ngũ nên hay tưởng tượng lắm. Tao như thấy rõ mồn một cảnh vợ con tao trong bộ đồ xô trắng phủ phục trên huyệt mộ. Hai hàng lính danh dự oai nghiêm trong bộ lễ phục trắng tinh đang đứng chào cỗ xe chở quan tài phủ lá cờ ba sọc...Tang lễ rất long trọng. Tao nhớ lại đó là tang lễ của một người bạn thân mà tao đã tham dự. Có điều bây giờ người chết lại chính là tao.

Anh im lặng ngồi nghe tên sĩ quan đang nói những lời như mê sảng. Anh đã ngồi sát vai với hắn kể từ lúc anh lấy giúp hắn tấm hình. Cũng từ đó anh không trở lại góc ngồi ở phía đối diện nữa.

Trong lúc anh tưởng hắn đã chìm vào cơn mê thì bỗng nhiên hắn lại lên tiếng, giọng tỉnh queo :

- Những thằng lính như tao và mày, ở bên này hay bên kia trận tuyến thì đều cảm thấy lạnh lẽo cô đơn khi sắp chết lắm. Nếu mày thấy rõ được cảnh tượng người ta đang long trọng truy điệu mình như những người hùng trận vong thì mày sẽ cảm thấy ấm lòng hơn.

Anh đã an táng cho qúa nhiều đồng đội ngã xuống trong những trận đánh. Đó là những buổi lễ đơn giản và trang nghiêm. Khi khói súng của trận công đồn còn chưa tan hẳn thì bọn anh đã phải mau chóng đào các hố để chôn cất cho các đồng đội mà thi hài của họ còn chưa kịp lạnh. Những người lính mặt sạm khói súng, đứng nghiêm mình ngay tại nơi mới trước đó còn là bãi chiến trường để chào vĩnh biệt đồng đội. Họ để đầu trần, im lặng cúi đầu mặc niệm cho đến khi ai đó bắn ba phát súng vĩnh biệt. Để rồi ngay sau đó họ phải mau chóng hành quân ngay để tránh máy bay địch. Đó là những buổi lễ đơn giản và đầy cảm xúc khi âm vang của chiến trận còn sôi sục trong huyết quản của bọn anh. Nhưng còn đám tang của chính mình thì qủa là anh chưa nghĩ đến bao giờ.

Chất Mooc phin đã khiến cho tên sĩ quan tỉnh táo hơn khi hắn vẫn nói thao thao :

- Mày biết bọn tao gọi những thằng lính bị một vết thương chí mạng nhưng chưa chết ngay mà còn sống dai dẳng thêm một ít thời gian nữa là gì không ? Là những thằng bị Trời đầy. Kẻ đó không may mắn để có được một cái chết thật nhanh, mà vẫn còn tỉnh táo để nhìn thấy cái chết đang chậm chạp đến với mình.. Kẻ đó vẫn còn sống thêm chút thời gian nữa để chịu những cơn đau đớn khủng khiếp có thể giết chết mình đến hai lần. Kẻ đó còn sống để thấy ruột gan mình đổ lòng thòng ra ngòai, hoặc thấy tay chân mình gãy rời ra khỏi cơ thể. Tao chính là một kẻ bị Trời đầy đây với cái ngày xúi quẩy tận mạng này. Tao dẫn đơn vị lên tiếp cứu cho cái tiền đồn khốn nạn này khi nó không đáng được cứu. Tao đã xông ra ngòai hầm cá nhân vào đúng lúc pháo của chúng mày nổ lẹt đẹt vài trái để nhận ngay một miểng đạn vào ngực và rơi vào đây mà không có lấy một khẩu súng để tự giải thóat. Tao còn xui tận mạng khi không có cả đến một phát đạn ân huệ của mày.

Hắn nói bằng cái giọng đều đều thản nhiên. Đột nhiên anh cảm thấy thương xót cho cái kẻ sắp chết kia. Đằng sau vẻ ngang ngược bất cần đời là một con người mềm yếu và suy sụp lắm rồi. Anh lên tiếng cốt chỉ để an ủi hắn : 

- Mày đừng bi quan qúa như thế. Nếu được cấp cứu thì mày sẽ được cứu sống. Vết thương của mày....

- Thôi đi. Tên sĩ quan nhếch mép cười cắt ngang lời anh. Tao không phải là một thằng tay mơ để cho mày phải thương xót. Tao biết vết thương của mình chứ ? Ngay cả bây giờ tao đang nằm trong quân y viện Cộng Hòa ở Sài Gòn thì cũng ngủm chắc. Vết thương của tao trông phía trước trông vậy chứ nó phá tóac ra đằng sau và làm cho xương gãy lung tung cả. Tao thấy mình như đang nằm trên cái bàn chông gồm tòan xương sườn của tao đây. 

Hắn nhếch mép mỉm cười và nhìn vũng máu đông đặc quanh chỗ hắn đang nằm. Vui vẻ hẳn lên hắn nói : 

- Mẹ kiếp ! Nhìn thấy máu của hai thằng bị trời đầy như tao và mày chảy đầy trong cái hố bom này, nhiều tới mức có thể nấu chín cả hai thằng, tao bỗng nhớ đến những ngày còn nhỏ của mình qúa. Tao chỉ bị đứt tay, chảy có một giọt máu thôi mà mẹ tao đã cuống cả lên. Không hiểu nếu mẹ tao thấy cảnh này thì thế nào nhỉ ?

“Phải. Mẹ mình cũng vậy” Tấn nghĩ bụng. Anh nhớ khi anh còn bé, mẹ anh đã khóc nhiều như thế nào khi nhìn thấy vài giọt máu của anh chảy ra từ một vết thương ở chân do gai nhọn cào sước trong một lần leo rào. May mà mẹ anh không nhìn thấy cảnh máu ở cái chân gãy của anh đã tuôn ra và đông đặc khiến cho cái quần lính căng phồng lên như lúc này. Mặc dù có tiêm thuốc giảm đau nhưng nó vẫn khiến cho anh càng lúc càng thấy đau trở lại.

- Nếu mày thấy đau qúa thì tiêm thêm một mũi moọc phin nữa đi. Và tiêm cả cho tao nữa. Tên sĩ quan lên tiếng.

Anh làm theo rất nhanh.. Cơn đau dịu đi khiến anh có thể nằm ngửa ra để nhìn lên bầu trời đêm phía trên hố bom. Aùnh hỏa châu đã tắt nên anh có thể nhìn thấy bầu trời đêm lung linh đầy sao. Dựa thế nằm cho thỏai mái anh lơ mơ lên tiếng : 

- Cái hố bom này sâu qúa nên người ta sẽ khó khăn lắm để lấy xác của tao với mày lên đấy.

Tên sĩ quan nhìn anh nói : 

- Ừ đúng vậy. Tao rất mong muốn được đưa xác của mình về Sài Gòn với gia đình. Người ta nói nếu hình hài mình nằm đâu sau khi chết thì oan hồn của mình cũng luẩn quẩn ở đó. Mà tao thì sợ phải bơ vơ nơi rừng núi này lắm.

Anh nói như để an ủi hắn : 

- Mày đừng lo, rồi người ta sẽ đưa xác mày về nhà. 

- Làm thế đếch nào biết được điều đó khi mà bên mày và bên tao cứ giằng co mãi cái tiền đồn chết tiệt này. Nếu bên Cộng Sản chúng mày chiếm được đồn thì có lẽ tao phải gửi xác ở đây lâu lắm. Nhưng chắc là bên tao sẽ giữ được...

- Không đâu. Chắc chắn là bên tao sẽ chiếm được đồn trước khi trời sáng. Anh nói mà chẳng còn khái niệm gì trong đầu.

Trận đánh phía trên yên lặng như đang tạm nghỉ. Thậm chí tiếng pháo nổ cầm canh cũng không còn lên tiếng nữa. Anh có thể nghe thấy tiếng dế đêm kêu ra rả ở phía trên hố bom.

Giọng tên sĩ quan lại vang lên : 

- Bây giờ với tao và mày thì thắng thua còn ý nghĩ gì nữa khi ngày mai cả hai sẽ trở thành hai hồn ma nơi chốn rừng núi này. Tao mong muốn bên tao giữ được cái tiền đồn này chỉ vì có như vậy thì người ta mới đưa xác tao về nhà được. Và tao sẽ được chôn cất với chính thân xác của mình chứ không phải chỉ là một cái hòm rỗng tuyếch. Tao đã chứng kiến rất nhiều đám tang đồng ngũ của mình với những cái hòm rỗng đó nên tao thấy sợ lắm. Khi người ta làm lễ an táng cho mình bằng một cái hòm rỗng thì như vậy có nghĩa là thân thể mình đã bị vùi lấp ở cái vùng rừng sâu núi thẳm nào rồi. Lúc đó những con giòi con kiến sẽ đục thân xác tao ra từng miếng một trong khi cha mẹ vợ con tao khóc lóc vật vã chỉ để ôm lấy cái hòm gỗ rỗng phủ lá cờ đó. Tao sợ linh hồn mình không được siêu thóat mà cứ lang thang trong những vùng đất khỉ ho cò gáy này....

Tên sĩ quan ngừng lại khi thấy anh mỉm cười. Hắn lên tiếng hỏi anh : 

- Thế còn mày thì sao hả Vici, mày có sợ linh hồn mày sẽ phải bơ vơ.... 

Anh nói dứt khoát : 

- Không ! Với tao chết là hết. Mà mày cũng như tao thôi, chết đi thì chẳng còn gì ngòai cái thân xác sẽ thối rữa ra. Và những con giòi, con kiến sẽ ung dung đục cái xác đó ra từng miếng, dù mày có được chôn ở đây hay ở quê nhà. 

Tên sĩ quan im lặng giây lát rồi lên tiếng, giọng như từ một cõi xa xăm vọng về : 

- Tao biết thế nhưng tao vẫn thích được đưa thi hài tao về với gia đình hơn. Tao thích tưởng tượng buổi lễ truy điệu của mình giống như một như một bài thơ đã viết. Ở trong đám tang đó, cha mẹ già sẽ khóc cho người con trẻ chết trận của mình như : “lá vàng khóc hận lá xanh rời cành”. Còn người vợ trẻ thì khóc người chồng vừa ngã xuống : “khi mùi ái ân còn vương trên tóc rối”.

Tên sĩ quan bật cười khóai trá. Người hắn rung lên trong tiếng cười khùng khục.

Không chịu thua, Tấn lơ mơ cố nhớ đến một bài thơ tương tự và lên tiếng : 

- Bên tao cũng có một bài thơ nói về cái chết của một người Cách Mạng nhẹ nhàng như một giấc ngủ. Rồi anh lào thào đọc : “Như anh nông dân ôm cày nằm giữa ruộng. Ngủ thiếp đi giữa giấc mộng trưa hè”. 

Tên sĩ quan nói :

- Một câu thơ rất hay. Tao ao ước cũng được ngủ thiếp đi như thế đấy. Này Vixi. Mày hãy tiêm cho tao và cho cả mày một mũi moọc phin nữa đi. Tao muốn hưng phấn hơn để đi gặp lão Thần Chết.

Anh ngồi dậy cầm ống thuốc lên rồi tần ngần. Săm xoi đọc hàng chữ tiếng Anh ghi trên ống thuốc anh nói với tên sĩ quan :

- Tao không cần. Và mày cũng không nên chích nhiều moọc phin qúa. Đây là chất gây nghiện và có hại...Nó sẽ...

Anh chợt khựng lại khi nhìn thấy nụ cười chế riễu của tên sĩ quan đang nhìn anh. Rồi hắn bật cười hô hố. Ngẩn người đi giây lát vì sự vô lý của mình, anh cũng bật cười theo. Cả hai cùng cười ngặt nghẽo, gập cả người lại mà cười mãi cho đến khi tên sĩ quan phải kêu lên một tiếng. Máu trào ra khỏi miệng hắn khiến hắn phải dựa lưng vào thành đất hố bom thở hổn hển, trên mắt vẫn còn long lanh. Anh vội tiêm cho hắn và cho cả anh một mũi thuốc, không khỏi ngượng ngùng khi nhìn thấy ánh mắt riễu cợt của hắn khi nhìn anh. Giây lát thuốc ngấm làm đôi mắt của hắn mờ đi. Hắn lên tiếng gọi anh, giọng nhừa nhựa :

- Này Vici. Những thằng trẻ tuổi như tao với mày khi sắp chết thường hay có nhiều điều tiếc nuối lắm. Tao chỉ có một điều thôi và giờ thì nó cứ ám ảnh tao mãi. Mày có muốn nghe không ?

Không đợi anh trả lời, hắn lên tiếng giọng như nấc lên :

- Số là trước đây mấy ngày, khi tao hết phép về thăm gia đình. Xe jeep đang bóp kèn giục tao lên đường vậy mà con bé con gái tao, cái đứa bé xinh xắn trong tấm hình đó cứ mè nheo đòi đi theo tao. Nó cứ bám chặt lấy chân tao rồi ngọng nghịu nói : “Cho con đi wính nhau với”. Chả là tao rất thương con bé mà, trong những ngày phép ở nhà, tao chuyên làm ngựa cho nó cỡi đi đánh trận. Vợ tao và tao nói mãi mà nó cứ đeo dính lấy người tao. Tức mình tao cho nó một bạt tai. Nó khóc, bỏ chạy vào nhà. Núp sau chân mẹ nó, con bé nhìn tao với đôi mắt mở to đầy nước mắt. Trời ơi, Giờ này tao thấy ân hận qúa vì tao chưa từng đánh con bé bao giờ. Tao đã định lần về phép sau sẽ xin nó tha lỗi cho. Nhưng giờ đây thì đã quá muộn rồi. Tao biết chắc rằng dù bao năm nữa, mỗi năm cứ đến ngày giỗ tao thì con bé sẽ cầm nén nhang sì sụp khấn vái trước bàn thờ của tao nhưng trong lòng nó thét lên rằng :”Ông đã đánh tôi. Ông đã đánh tôi”. Tao có thể thấy được đôi mắt căm hờn của nó mở to ra nhìn tao lúc đó. Phải. Tao đã đánh nó. Tao đã đánh nó bằng bàn tay này...

Tên sĩ quan nấc lên và cố cục cựa bàn tay bết máu đông và nói tiếp :

- Bây giờ khi sắp chết rồi thì nỗi ân hận đó cứ dày vò tao mãi. Ôi, phải chi tao đừng có đánh con bé xinh đẹp đó thì giờ đây tao yên lòng nhắm mắt mà chẳng còn tiếc nuối điều chi nữa. Ôi, nó mới có ba tuổi. Ba tuổi thôi Vici ơi... 

Những giọt nước mắt giàn dụa trên khuôn mặt đầy bùn máu, trông hắn thật thảm hại khiến anh phải ôm ngang vai hắn và nhẹ nhàng vỗ về hắn.

- Mày đừng nghĩ ngợi xa xôi quá. Khi con mày lớn lên, nó sẽ chẳng còn nhớ gì đến lỗi lầm của một người cha đã không còn trên cõi đời này nữa đâu.

- Tao cũng mong vậy. Tên sĩ quan đã qua cơn xúc động và giờ thì đang nhìn anh dò hỏi. Đột nhiên hắn lên tiếng : Thế còn mày thì sao ? Lúc này thì mày tiếc nuối điều gì nhất ?

Anh im lặng không trả lời, nhưng anh biết mình đã tiếc nuối điều gì khi chẳng còn sống được bao lâu nữa. Lúng túng anh quay mặt đi nói khẽ :

- Tao có một điều nhưng tao không muốn nói ra.

- Nói ra đi. Mày nói ra điều gì thì sẽ đỡ tiếc nuối điều đó khi nhắm mắt đấy.

Anh không biết có đỡ không nhưng quả đó là một điều mà anh đã suy nghĩ rất nhiều từ khi biết được vết thương chí mạng của mình. Từ lúc rơi xuống hố bom này, bất cứ lúc nào vết thương không hành hạ là anh lại nghĩ đến nó... 

Anh ngượng ngùng giấu mặt vào bóng tối của thành hố rồi nói khẽ : 

- Tao vẫn còn là một thằng trai tân.

Tên sĩ quan không cười chế riễu như anh đã tưởng mà ngạc nhiên hỏi :

- Nhưng mày đã có vợ chưa cưới rồi kia mà ?

- Đúng vậy. Chúng tao đã đính hôn nhưng tao vẫn chưa chiếm đọat thân xác cô ấy, ngòai những cái hôn. Tao đã không làm cái điều mà mọi người chồng đều phải làm trước khi ra trận chỉ vì tao đã tôn thờ cô ấy. Tao nhớ mãi những ngày khi khóa huấn luyện của tao kết thúc thì cô ấy đã lên thăm tao. Chúng tao đã có cả ba ngày ở bên nhau trong một ngôi nhà ở bên ngòai trại huấn luyện mà đơn vị đã ưu ái cho mượn. Cô ấy đã nhiều lần nói bóng gió cho tao biết rằng gia đình cô ấy đã đồng ý cho cô ấy lên thăm tao trong những ngày này như một người vợ đến thăm một người chồng. Cô ấy đã nói rằng chúng tao đã được công nhận chính thức là vợ chồng... Cô ấy muốn là vợ tao trước khi tao ra trận.... Ôi Trời ơi ! Vậy mà tao lại dẫn cô ấy đi ngắm cảnh đồng quê và viết tặng cho cô ấy những bài thơ tình lăng nhăng nữa chứ. Còn chuyện đáng làm là chuyện vợ chồng thì tao lại hẹn với cô ấy hãy đợi tới ngày chiến thắng. Hãy đợi tao trở về như một người anh hùng. Tao cứ say sưa nói mãi tới những chiến công oanh liệt đang chờ đợi tao ở mặt trận. Ôi, Tao đã không làm gì trong những ngày đó và lại còn tự hào là đã không làm gì cả. Trong khi đáng lẽ tao nên làm một một thằng đàn ông bình thường như bao thằng đàn ông khác trước khi làm một thằng anh hùng. Ôi, nếu tao tiến tới như một người đàn ông thực thụ thì giờ đây tao đâu phải nằm queo như thế này để than vãn cho nỗi tiếc nuối lớn nhất của đời mình. Tao đã có thể trở thành một người đàn ông thực sự trước khi nhắm mắt xuôi tay... Và biết đâu đấy tao sẽ để lại một hòn máu rơi với cô ấy trước khi ra trận. Để rồi sau này nó sẽ cùng mẹ nó làm giỗ thờ cúng cho tao....

Anh kìm một tiếng thở dài nói tiếp : 

- Không phải bây giờ mà trải qua những tháng trời hành quân và đụng trận liên miên đã khiến cho tao thấy nuối tiếc điều đó mãi. Nó cứ như một bóng ma ám ảnh tao. Tại sao thời gian cuối cùng được gặp nhau, tao lại không có can đảm hành động mạnh mẽ hơn. Tại sao tao đã không tiến sâu hơn trong tình yêu chay tịnh của mình như một người đàn ông thực sự. Chúng tao đã là vợ chồng rồi mà chẳng có gì ngòai những lời hẹn thề chờ đợi thủy chung. Những lời hẹn thề đó, dù có thiêng liêng bao nhiêu đi nữa thì cũng chẳng có gì chắc chắn trong chiến tranh cả. Khi bị xơi một viên đạn vào đầu hay lãnh một cú như tao bị bây giờ thì lời thề thiêng liêng nhất cũng đi tong.

Anh nấc lên một tiếng nghẹn ngào khi tiếp tục nói ra cái điều tiếc nuối lớn lao nhất của đời mình cho tên sĩ quan Ngụy kia biết. Kể cả cái cảm giác ngộp thở, bủn rủn tay chân khi anh và người vợ chưa cưới ngồi sát bên nhau trên bờ đê lộng gió trong buổi tối cuối cùng trước khi hành quân ra chiến trường,. Khi đó vai anh chạm cả vào bộ ngực no tròn căng cứng của cô ấy, rồi cái cảm giác rạo rực khi bọn anh trao nhau những nụ hôn đầu đời, khi cả thân hình chắc lẳn của cô ấy lả đi trong vòng tay của mình.

- Tao chấp nhận cái chết như chấp nhận số phận ngắn ngủi của một người lính trong chiến tranh. Chỉ có điều giờ đây khi sắp chết, tao mới hối tiếc là mình đã bỏ qua cơ hội duy nhất để trở thành một người đàn ông thực thụ. Tao vẫn là một thằng trai tân và cho đến khi chết đi, tao mãi mãi là một gã trai tân, mãi mãi là một con ma còn tân.

Anh bật khóc, nước mắt giàn giụa trong khi bàn tay vụng về của anh che kín mặt. Những điều anh đã nói ra như trong cơn mê sảng đó là những lời nói thật lòng nhất của mình. Đó cũng là điều anh chôn chặt trong lòng và sẽ cùng đem nó xuống mồ với mình. Nhưng đây là lần đầu tiên anh thổ lộ ra...

- Mày đừng nghĩ vậy. Mày đã là một người chiến binh và đã là một chiến binh thực thụ thì phải là một người đàn ông thực thụ....Tên sĩ quan vừa nói vừa đặt bàn tay còn lành lên vai anh cào nhè nhẹ. Hắn cứ làm như thế mãi cho đến khi anh sụt sịt nhỏ dần rồi thiếp đi. 

Đột nhiên tiếng súng cá nhân nổ lọan xạ ngay trên đầu khiến cả hai chòang tỉnh dậy. Những vệt đạn bắn đỏ lừ bay qua lại trên miệng hố bom, mảnh đạn cắm phần phật vào thành hố bom. Tiếng la hét xung phong vang lên từ phía đồn trên đỉnh đồi. Tên sĩ quan lắng tai nghe rồi lào thào lên tiếng : 

- Có lẽ quân bên tao đang phản công.

- Ừ, đúng vậy. Anh cũng đang lắng nghe và cảm thấy được điều đó.

Vậy là bọn ngụy đã bắt đầu phản công và quân ta đã bị đánh bật khỏi chân đồi. Chẳng mấy chốc nữa những cái bê rê đỏ của chúng sẽ xuất hiện ở trên cái hố, nơi anh đang chờ chết cùng với tên sĩ quan hấp hối kia. 

“Đã đến lúc của mình rồi” Anh tự nhủ và im lặng rút khẩu súng ngắn ra.
Theo một thói quen, anh máy móc tháo băng đạn ra để kiểm tra khẩu súng. Chỉ còn một viên đạn duy nhất sáng lấp lánh trong băng đạn. Anh lẩy nó ra đặt trên lòng bàn tay mình và ngắm nghía nó như ngắm nhìn một cục vàng qúi giá. 

Tên sĩ quan nhếch mép cười nói : 

- Té ra mày cũng chẳng có gì nhiều để mà ban ân huệ cho ai được.

Anh nhét viên đạn vào băng đạn, đóng súng lại rồi nói với hắn : 

- Đúng vậy.. Tao chỉ còn một viên đạn cuối cùng và tao sẽ để dành nó cho tao. Khi bọn lính bên mày tiến tới cái hố này thì tao sẽ tự làm chuyện phải làm....

- Khoan đã Vici. Tên sĩ quan vội vàng nói : Mày đừng có vội vàng thế. Với lại trong tình trạng tấn công rồi lại phản công phập phù như thế này thì chẳng biết thế nào được. Có thể phe Cộng Sản của mày sẽ lại tấn công chiếm được đồn.

- Hừm, Nếu các đồng chí của tao làm được điều đó thì tao sẽ tặng cho mày viên đạn duy nhất này. Anh mỉm cười nói và nắm chắc lấy báng khẩu súng ngắn. Nằm ngửa người dựa vào vách đất nham nhở, anh nhìn lên phía trên miệng hố. Tên sĩ quan im lặng nhìn anh chòng chọc, tai vểnh lên nghe ngóng. Tiếng súng vẫn nổ dữ dội, đạn bay đỏ lừ trên đầu cùng đất đá bay rào rào xuống hố.

Thời gian chậm chạp trôi qua. Trận đánh vẫn diễn ra ở phía trên. Lúc thì bùng lên với đủ thứ âm thanh hỗn lọan của đạn nổ, lúc thì dịu đi với những tiếng súng nổ lẻ tẻ chát chúa.

Tên sĩ quan cong người lên vì cơn ho nghẹt thở bất chợt kéo đến. Một dòng máu tươi chảy ra bên khóe miệng của hắn. Hắn dùng cánh tay còn cử động được để lau miệng và lên tiếng :

- Mẹ kiếp ! không biết bên mày với bên tao giằng co cái tiền đồn thổ tả này đến bao giờ đây. Tao ước gì có được viên đạn của mày đấy Vici ạ. Hừ, thật khôi hài khi một thằng lính bị ông trời đày đọa như tao, kẻ đã từng bắn đi hàng triệu viên đạn thì giờ đây lại chỉ ao ước có được viên đạn cuối cùng đó nằm trong đầu. Một viên đạn mà bao năm chinh chiến tao đều muốn lẩn tránh nó thì lúc này lại ao ước được có nó như là một món qùa qúi giá nhất..

Anh gắng gượng ngồi dậy, nghe ngóng diễn tiến của trận đánh nhưng hai tai anh đã ù đi, đầu chóang váng. Anh biết tên sĩ quan đang chăm chú quan sát mình nên cố gắng gượng ngồi thẳng người. Trong cái hố nhỏ chật chội này, anh cố gắng tạo cho mình một tư thế đẹp nhất rồi lạnh lùng lên tiếng :
- Đúng vậy. Viên đạn cuối cùng này là của tao và đây chính là lúc tao tự giải quyết. Mày hãy mở to mắt ra để nhìn cái chết của một sĩ quan Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.

Hai tay anh đầy những tảng máu đã đông đặc khiến những ngón tay cứng đơ ra. Anh phải cố cầm chắc cây súng nặng chịch bằng cả hai tay và cố gắng đưa cái nòng đen xì vào tận mặt mình. Mắt hoa lên khiến anh phải khó nhọc đưa nòng súng tỳ chặt vào trán của mình. Giữ nguyên tư thế kỳ cục đó, anh ngả người xuống thành hố, người cong lại. Anh khẽ thử bóp cò cây súng bằng ngón tay trỏ cứng đờ. “Được rồi đấy. Khi những tên lính ngụy xuất hiện trên miệng hố, mình sẽ bóp cò. Lúc đó với mình sẽ chỉ còn là bóng tối vĩnh cửu, chẳng còn suy nghĩ vấn vương, chẳng còn đau đớn gì nữa”. Anh tự nhủ. Mỉm cười hài lòng, anh ngước nhìn lên thành hố chờ đợi.

Tên sĩ quan đã im lặng quan sát anh từ nãy đến giờ. Mắt hắn nhìn chòng chọc theo từng động tác của anh bằng đôi mắt khó hiểu. Thỉnh thỏang hắn vươn người lên để nghe ngóng diễn tiến của trận đánh phía trên. Lúc này tiếng súng đã giảm bớt. Không còn những tiếng nổ đinh tai nhức óc của đạn pháo, không còn những mảnh đất đá bắn rào rào xuống hố như trước nữa. Chỉ còn tiếng súng nổ rời rạc xa xôi...

- Này Vici. Tên sĩ quan gọi.

- Tao đây. Anh vẫn nằm trong tư thế cũ, mắt mở thao láo nhìn lên phía trên. 

Hắn nghĩ ngợi giây lát rồi lên tiếng :

- Tao thấy mày cầm súng còn không vững nữa thì làm sao mày có thể tự tống viên đạn đó vào đầu mày được. Mày chỉ còn một viên đạn cuối cùng đó, lỡ mày bắn trật thì...thế là xong.

Anh đưa đôi mắt nghi ngờ nhìn tên sĩ quan : 

- Mày nói thế nghĩa là sao ? 

Tên sĩ quan cố gắng vươn người lại gần anh hơn nữa, rồi lào thào vào tai anh : 

- Ý của tao là muốn thỏa thuận với mày việc này. Nếu phe Quốc Gia của tao phản công đến được chỗ này thì dĩ nhiên viên đạn đó sẽ dành cho mày. Và chính tao sẽ giúp cho mày được tọai nguyện bằng bàn tay còn họat động được của tao. Đồng ý chứ ?

Thấy anh gật đầu hắn nói tiếp, giọng càng lúc càng sôi nổi hơn :

- Mày nói sẽ để dành viên đạn đó cho tao, trong trường hợp phe CS của mày chiếm được đồn phải không ? Mà trong tình trạng chập chờn như thế này thì cũng có thể phe CS của mày sẽ làm được điều đó. Khi đó thì mày sẽ phải để dành viên đạn cuối cùng này cho tao nhé ? Và tự mày phải giúp tao làm việc đó. Nghĩa là tao với mày thỏa thuận sẽ giải thóat giúp cho nhau. Mày hiểu không ?

Anh im lặng không trả lời. Tên sĩ quan sợ anh đổi ý nên vội vàng giải thích cho anh :

- Nghĩa là khi quân của bên mày đến cái hố này thì mày phải dành viên đạn ân huệ đó cho tao bằng chính tay mày. Trong trường hợp quân của bên tao đến đây thì mày hãy đưa khẩu súng đó cho tao để tao làm việc đó giúp cho mày. Mày cũng chẳng thiệt hại gì, vì đằng nào cũng vậy cả. Với lại phe nào chiếm được đồn thì cũng phải có tiếng súng để gọi người ta đến cái lỗ này mà lấy xác của tao với mày chứ ? 

Anh nhìn hắn giây lát để suy nghĩ. Cuối cùng anh gật đầu nói :

- Đồng ý. 

- Tốt. Tên sĩ quan gật đầu vẻ hài lòng và ngả người xuống thành hố.

Tiếng súng lại nổ lọan xạ. Những ánh lửa vun vút lao qua lại trên miệng hố. Thỉnh thỏang những mảnh đạn cắm phập vào thành hố. Đất đá tuôn đổ rào rào xuống người anh. Đột nhiên viên sĩ quan chửi thề và nói lớn tiếng sau một hồi im lặng nghe ngóng : 

- Mẹ kiếp ! Có mỗi một mảnh đất khốn nạn này mà tranh giành nhau mãi không xong... Tao đã phải chờ đợi trong đau đớn thế này lâu qúa rồi. Với tao thì bây giờ bên nào chiếm được đồn cũng được, miễn là nhanh chóng lên. 

Không thấy anh trả lời, hắn gọi : 

- Này Vici. Còn sống không ?

- Còn. Anh trả lời.

- Tao sốt ruột lắm rồi và muốn mọi chuyện kết thúc sớm đi. Còn mày thì sao ?

- Tao cũng vậy, nhưng phải chờ thôi. Tao muốn biết trận này bên tao có chiếm được đồn hay không...

- Hừm ! Thắng thua thì có ý nghĩa gì với tao và mày nữa. Nhưng thôi vì viên đạn là của mày nên tao đành phải chờ thôi. Và mày đừng quên thỏa thuận giữa tao và mày đấy nhé.
Anh ậm ờ gật đầu, mắt vẫn nhắm nghiền. Tên sĩ quan cũng nằm ngả người xuống thành hố, vai hắn chạm vai anh. Đột nhiên hắn lên tiếng hỏi anh, giọng nhừa nhựa.

- Này Vici, trước đây mày đã bao giờ làm điều đó chưa. Tức là bắn một phát súng ân huệ giúp cho ai đó được ra đi nhanh chóng. Tao đã bắn nhiều kẻ thù như mày, nhưng với đồng ngũ thì chưa bao giờ.

Anh không trả lời khi im lặng nhớ đến cậu Tiến, người lính cùng đơn vị với anh. Trong một trận đánh, cậu ta bị đạn bắn vỡ tóac một bên đầu, cái sọ trắng hếu mở ra giữa mảnh đầu đầy máu. Cậu ta thét lên dữ dội vào mặt anh :”Bắn tôi ngay đi. Bắn tôi ngay đi”. Anh cầm khẩu súng ngắn chĩa vào đầu cậu ta nhưng không thể xiết cò được...Anh cứ đứng ngẩn người như thế giữa trận đánh, giữa tiếng đạn réo và tiếng gào thét của cậu ta đòi anh kết thúc nhanh đi...Anh cứ đứng như thế cho đến khi cậu ấy chết, không phải do anh mà do vết thương qúa nặng. Rồi anh nhớ đến những khi kết thúc một trận đánh, anh cùng với vài cậu lính của mình, đi từ từ qua đám xác địch và lạnh lùng bắn vào bất cứ cái đầu nào còn ngọ nguậy.

Anh nhếch mép cười nói tên sĩ quan : 

- Cái đó thì tao cũng giống như mày thôi. 

- Tốt. Mày nói như vậy là tao yên tâm rồi, vì tao và mày đang là kẻ thù mà. Còn trong lúc chờ đợi này, tao muốn hút một vài hơi thuốc lá quá. Mày mò lấy gói thuốc trong túi áo tao và giúp tao hút mấy hơi ?

Anh khó nhọc gỡ bao thuốc còn dính đầy máu trên người tên sĩ quan. Vội vàng châm lửa, anh rít mấy hơi cháy phổi rồi chuyền vào miệng tên sĩ quan. Hắn lập bập vài lần rồi cũng rít cháy đỏ điếu thuốc lá. Cả hai thay nhau rít lấy rít để rồi phả khói mù mịt trong hố bom.
Mắt mơ màng sau vài khói thuốc lá, tên sĩ quan nói với anh :

- Hút thuốc lúc này khiến tao nhớ đến bài thơ Chiều của Hồ Zếnh qúa : “Nhớ nhà châm điếu thuốc, khói huyền bay lên cao.” 

Trận đánh vẫn diễn ra dữ dội phía trên hố bom nhưng giờ thì chẳng còn ý nghĩa gì đối với anh nữa. Anh thong thả rít thuốc lá, mắt mơ màng nhìn những cụm khói thuốc bay lởn vởn trong hố. Tiếng súng nổ cùng với vết lửa đạn giảm dần. Trận đánh ngưng lại bất ngờ như khi nó xuất hiện. Không còn tiếng súng, không gian trở nên yên tĩnh. Có những tiếng la hét, tiếng gọi cứu thương vang lên khắp nơi ngay trên đầu anh. Tiếng nói giọng người miền Nam. Thôi. Thế là xong. Bọn Ngụy đã làm chủ ngọn đồi này rồi. Chẳng bao lâu nữa chúng sẽ xuất hiện phía trên hố bom này và đây chính là lúc anh phải ra đi. Anh rít mạnh một hơi thuốc lá cuối cùng và chầm chậm rút khẩu súng ngắn ra. Trong khi tên sĩ quan chăm chú nhìn anh thì anh gật đầu ra hiệu với hắn. Hắn nhếch mép cười gật đầu... 

Như một cái máy anh mở băng đạn để kiểm tra lại viên đạn qúi giá của mình. Rồi đóng băng, lên đạn và mở chốt an tòan trong khi tên sĩ quan cứ nhìn anh đau đáu....

Anh cầm khẩu súng đưa về phía hắn rồi lên tiếng, giọng khô đặc :

- Tới lúc của tao rồi. Mày làm đi.

Anh cố gắng nhỏm người dậy để đặt cây súng ngắn của mình vào bàn tay còn lành của tên sĩ quan. Khi bàn tay oặt ẹo của hắn đã nắm lấy cây súng, anh kín đáo làm một cử chỉ như bắt thật chặt bàn tay đó. Rồi anh cố gắng ngồi thẳng người lên chờ đợi với tư thế nghiêm trang nhất.

Tên sĩ quan im lặng nhìn anh. Hắn hết nhìn cây súng trên tay rồi lại nhìn anh rồi tần ngần nói :

- Tao với mày là kẻ thù của nhau, nhưng hy vọng rồi sẽ là bạn với nhau ở thế giới bên kia. Là hai con ma bạn bè đó. Vĩnh biệt mày thằng Việt Cộng. 

Anh hít một hơi dài rồi thảng thốt đáp lời hắn :

- Vĩnh biệt mày thằng Ngụy.

Mắt nhắm chặt, anh nghiến răng chờ đợi. Trống rỗng tối đen...Giây phút chờ đợi kéo dài lê thê...

Tiếng súng chờ đợi mãi không thấy vang lên. Anh cảm thấy nòng súng rung bần bật trên thái dương mình. Mở mắt ra anh nhìn thấy tên sĩ quan đang gồng mình trong một cố gắng cuối cùng để bóp cò. Mắt hắn sáng rực lên trên khuôn mặt căng cứng...

- Bóp cò đi thằng khốn ! Anh rít lên, và cố rướn đầu cho chạm vào nòng súng. Khẩu súng run rẩy trong tay tên sĩ quan, khiến anh phải dùng tay đỡ nòng súng và tỳ chặt nó hơn vào thái dương mình. Anh nghiến chặt răng lại chờ đợi. 

Nhưng rồi anh mau chóng cảm thấy hắn không thể làm được gì khi nòng khẩu súng cứ chuyệc chọac dần ra khỏi thái dương anh. Anh mở mắt ra nhìn hắn.

- Mẹ kiếp mày. Tao không thể làm được. Tên sĩ quan chửi thề và quăng khẩu súng đi.

Nhìn vẻ mặt khinh khỉnh của anh, hắn gầm gừ nói :

- Khốn khiếp thật đấy nhưng tao không thể làm được. Tao đã cố nhưng không thể được. Thôi. Mày hãy tự giải quyết việc của mày đi. Mày chỉ việc chĩa súng vào đầu mày và bóp cò một cái thế là xong.

- Được. Tao sẽ tự làm lấy. Anh lạnh lùng đáp. 

Hắn ngồi thở dốc, thẫn thờ nhìn anh trong lúc anh mò mẫm tìm kiếm khẩu súng. Anh nhặt khẩu súng ở ngay dưới chân hắn lên. Như một cái máy anh lầm lỳ kiểm tra hộp đạn, đóng băng và mở chốt an tòan. 

Tiếng súng bỗng bùng lên dữ dội. Bầu trời bé nhỏ phía trên hố bom bỗng sáng rực lên với các vạch lửa chằng chịt qua lại. Tiếng súng đạn nổ ầm ầm khiến cho anh không thể nghe tên sĩ quan nói gì được nữa.

Không để ý đến những tiếng ầm ầm xung quanh, anh cố gắng cầm chắc khẩu súng trong tay. Anh bóc những tảng máu đông cứng nơi ngón trỏ bàn tay phải. Ngọ ngọay ngón tay cho đỡ tê cứng, rồi luồn vào cò súng. Chậm chạp anh đưa nòng súng lên thái dương của mình, mắt nhắm nghiền...

- Khoan đã Vici. Tên sĩ quan cuống cuồng nói. Hình như quân bên chúng mày đang tấn công...

Anh mở mắt ra nghe ngóng. Dường như cả anh và hắn đang đông cứng lại trong cái hố bom nhỏ bé này để cảm nhận từng giây phút diễn tiến của trận đánh phía trên đầu. Chen lẫn trong tiếng súng nổ dữ dội là tiếng hô xung phong, tiếng hò reo. Lần này từ phía chân đồi...

Thời gian chậm chạp trôi qua. Và tên sĩ quan là người đầu tiên lên tiếng, giọng hắn lạc đi :

- Quân...quân của bên mày. Họ đã chiếm...chiếm được đồn...

Anh cũng đã biết được điều đó. Anh đã biết được các đồng đội của anh đang tràn ngập ngọn đồi. Tiếng la hét, tiếng gọi nhau ơi ới. Tiếng nói giọng miền Bắc. Thế là quân ta đã thành công và mình có thể ra đi thanh thản mà không cần phải dùng tới khẩu súng này nữa. Anh mỉm cười hài lòng khi nhét khẩu súng vào người và ngả mình ra thành hố. 

“Mình đã cầm cự được tới khi nhìn thấy quân ta thắng lợi rồi, và bây giờ đã tới lúc nhắm mắt lại để thiếp đi. Chỉ như một giấc ngủ nhẹ nhàng và không tỉnh lại nữa mà thôi”. 

Anh mơ màng như nhìn thấy lá cờ xung kích của đơn vị anh đã cắm trên đỉnh đồi. Các bạn chiến đấu của anh sẽ tỏa đi tìm kiếm anh, tìm Tư Chung và các đồng chí khác đã ngã xuống trong trận công đồn này. Họ sẽ tìm thấy anh nằm ở trong cái hố bom này, miệng nở nụ cười thanh thản hơn bao giờ hết. Rồi các đồng đội thân thiết nhất của anh sẽ khiêng anh lên, và im lặng đưa anh đi qua cái đồn đã bị phá tan hoang. Rồi anh thấy cả lễ truy điệu của mình nữa. Dưới ánh sáng mờ mờ của bình minh ngày mới, bên cạnh những lô cốt vỡ tung hay các hàng kẽm gai ngổn ngang là các đồng đội của anh đang đứng nghiêm trang. Trên người còn xám xịt thuốc súng, họ bỏ mũ cúi đầu chào những mô đất nhấp nhô mới đắp vội. Anh nằm dưới một trong những mô đất đó. Lọat súng vĩnh biệt vang lên...

- Này Vici. Vici ? Tiếng tên sĩ quan vang lên, vọng lại xa xôi như từ dưới mồ. Anh đã quên mất hắn từ khi biết được các đồng đội của anh đã chiếm được đồn.

Mở mắt ra anh thấy tên sĩ quan đang nhìn anh bằng đôi mắt long lên dữ dội và nói giọng gấp gáp :

- Này Vici. Vici. Tới lượt của tao rồi. Mày hãy làm…làm cái việc của mày đã hứa với tao...

Phải một lúc sau anh mới nhớ đã hứa với hắn điều gì. Anh gắng gượng ngồi dậy mỉm cười nhìn hắn gật đầu và thấy hắn mỉm cười nhìn anh gật đầu đáp trả. Thong thả anh rút khẩu súng ngắn trong người ra. Aùnh mắt của tên sĩ quan long lên khi nhìn anh lại kiểm tra khẩu súng, đóng băng, lên đạn và mở chốt an tòan.

Khi anh đưa nòng súng vào thái dương của tên sĩ quan thì đột nhiên hắn đưa bàn tay còn lành của hắn về phía anh. Anh thảng thốt nắm chặt lấy bàn tay oặt ọe đó của tên sĩ quan. Siết chặt tay anh, hắn gật đầu nói nhỏ trước khi nhắm nghiền đôi mắt lại :

- Vĩnh biệt mày thằng Việt Cộng.

- Vĩnh biệt mày thằng Ngụy.

Đột nhiên khẩu súng trong tay anh rung bần bật. Anh cố gắng nắm nó bằng cả hai tay, rồi tì chặt cả cái nòng súng vào cái đầu đang gồng lên như chờ đợi của tên sĩ quan. Hít một hơi dài như để lấy thêm sức mạnh, anh nghiến răng thực hiện động tác bóp cò cuối cùng.

Tên sĩ quan mở mắt nhìn anh ngạc nhiên. Hắn dùng cánh tay còn lành lặn kéo nòng súng tỳ chặt lên thái dương của hắn rồi rít lên : 

- Nhanh lên, làm đi chứ. Mày chỉ...chỉ bóp cò một cái...thế là xong.. 

Anh cố gắng làm theo, nhưng rồi anh mau chóng nhận ra rằng mình sẽ không thể thực hiện được động tác bóp cò đơn giản này. Động tác mà một người lính như anh thường làm một cách dễ dàng trong bao năm chinh chiến. Anh không thể làm cái điều đã hứa với tên sĩ quan ngụy khi cái đầu của hắn cứ đẩy tới nòng khẩu súng trong tay anh. Hắn đã mở mắt ra từ lâu và đang nhìn anh với ánh mắt ngạc nhiên...Cơ hội trôi dần qua khi nòng súng cứ tuột dần, tuột dần ra khỏi bộ mặt đẫm máu của tên sĩ quan.

- Mẹ kiếp mày. Tao không thể làm được. Anh nói, quăng khẩu súng xuống đất và quay mặt đi trong khi tên sĩ quan nhìn theo trân trối...

Mai Tú Ân

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Viết cho con gái - Chim hót trong lồng


Con gái đã ngủ say lắm rồi phải không, và với nụ cười tỏa sáng trong nôi kia thì chắc là con gái cưng của cha đang mơ thấy những con chim đang hót véo von trong vườn để gọi bầy, gọi bạn phải hông..
Nhân lúc mẹ vắng nhà, cha sẽ lén kể cho con gái của cha nghe về tiếng chim hót để ăn theo với giấc mơ của con gái nhé. Nhưng trước hết, chúng ta phải thề với nhau rằng, sẽ giữ kín những điều bí mật mà cha nói ra như là những điều bí mật thiêng liêng nhất, thề không bao giờ được cho mẹ biết. Tuy cha thừa biết rằng những lời thề thiêng liêng mà con gái cha đã thề thì sẽ chẳng còn thiêng liêng nữa khi mẹ con về. Lúc đó thì chẳng cần mẹ phải lên tiếng khảo đâu thì con đã khai tuốt tuồn tuột rồi. Nhìn cái miệng chu chu ra trong giấc ngủ kia của con kia thì cha biết lớn lên con gái cha sẽ là một chị Tám Bà Cháy cỡ nào rồi...

Nhưng có hai điều mà cha mong con gái cưng không bao giờ phản lại cha nhé. Thứ nhất là cái lần tâm sự với con, cha đã cao hứng lên, bốc phét với con là mẹ mê cha như điếu đổ, mà thực ra là ngược lại, và lần này nữa với những điều cha sắp nói ra đây là hai điều phải giữ kín, sống để bụng, chết mang theo nhé. Chạm ngón tay để thề nào ? Yes...
Cha con ta đã kể cho nhau nghe về những cánh chim tung cánh bay trên bầu trời tự do rộng lớn, hay về tiếng chim hót véo von trong vườn mỗi ban mai. Những tiếng chim hót réo rắt, quyến rũ, tiếng hót lanh lảnh thiết tha gọi mời đó của loài chim không chỉ là tiếng hót gọi bạn tình, mà nó còn là cả tiếng gọi bầy đàn tập hợp để bắt đầu cho những cuộc thiên di vĩ đại. Những tiếng hót tràn đầy cung bực cao thấp, trầm bổng và hết mình đó còn là tiếng gọi giống loài hãy mạnh mẽ tung cánh lên vào bầu trời tự do ngập gió, tiếng thúc giục những cánh chim ra ràng hãy can đảm lên, đừng ngập ngừng khi thấy gió to bão cả.
Tiếng hót của loài chim cất lên ở bất cứ loài chim nào, bất cứ ở đâu và bất cứ kiểu hót nào thì cũng như là những tiếng hát gọi mời đồng loại hãy cùng nhau tham gia vũ hội nơi bầu trời tự do bằng đôi cánh của tự do. Bởi bản năng thiên phú của loài chim là đôi cánh tự do luôn được vẫy vùng trong khoảng không bao la không hề có giới hạn. Ở nơi ấy chúng mới sống đúng với Tạo Hóa đã ban cho chúng, khi cho chúng tự do vẫy vùng bay lượn, tìm mồi, gặp bạn bè, yêu nhau, lập gia đình và sinh con cái. Và chúng luôn bay, luôn hót để mừng vui, để ca ngợi và vinh danh những điều tụ do thiêng liêng của giống loài. Và cho dù chúng bị bắt, bị nhốt vào trong những cái lồng thì chúng vẫn hót véo von sáng tối, để tiếc nuối, để khóc than cho những thứ tự do đã mất ấy...
Khi nào lớn lên, bất chợt con sẽ thấy trên bầu trời một vài cánh én lạc cuối thu, một vài cánh chim thiên di nhầm phương Bắc hay bất chợt nghe tiếng chim hót cô đơn trong vườn hoang, con sẽ thấy tiếng hót của chúng lạc lõng, buồn tủi lắm nhưng vẫn là tiếng hót của giống loài tự do đang than khóc vì tự do đã mất. Con có thể nghe thấy những con chim hót trong lồng lạc giọng, tiếng hót như chen tiếng khóc than, nhưng vẫn là tiếng kêu thét gọi bầy, tiếng gào ngàn khóc núi nhớ rừng, nhớ khoảng không bao la, tiếng hót thất thanh đòi trả bầu trời tự do lại cho chúng đấy con gái ạ...
Biết nói thế nào cho con hiểu khi cha của con cũng là một con chim trong một đàn chim lớn bị nhốt quanh quẩn ở trong một cái lồng lớn. Không còn tự do, không còn bầu trời để bay lượn mà chỉ còn là những hình nhân với những đôi cánh không còn bay được nữa. Chỉ còn lại tiếng hót khô đăc của giống nòi, tiếng hót chen tiếng khóc than, tiếng hót như chen lẫn những giọt máu từ con tim... Nhưng không phải vì thế mà quên đi cội nguồn, mà buông bỏ tự do mà Tạo Hóa đã cho. Giống như loài chim bị bắt nhốt không từ bỏ tiếng hót, thì cha cùng bạn bè cất tiếng hót. Giống loài chim bị nhốt không bay được nữa thì chúng hót, bọn cha cùng cất tiếng khi ở trong một cái lồng vĩ đại này. Tiếng hót buồn thảm hay tiếng kêu ai oán hòa nhịp trong những chiều buông, những tiếng hát buồn tủi, cô đơn lạc lõng như vang lên trong thinh không lặng vắng. Như những nét nhạc buồn vẩn vơ, lạc điệu rơi xuống trong một tấu khúc du dương vang lên trong một thính phòng không một bóng người. Nhưng biết làm sao được, con gái ơi. Khi không thể cất cánh bay đến với bầu trời tự do bên ngoài, mà tiếng hót còn không cất lên thì còn gì là giống nòi, còn chi là con người nữa...
Nên con sẽ nghe thấy tiếng hót của loài chim, dù chúng ở trong cái lồng chật hẹp hay ở trong khoảng trời tự do mênh mông thì chúng vẫn hót vang lên vì bản năng của tự do sẽ hót để đòi tự do. Vì tự do của loài chim là ở trên bầu trời lộng gió, giống như của loài người cũng phải là một bầu trời trong xanh cao vút, điểm những cụm mây trắng nhỏ bồng bềnh trong khỏang không gian vô tận để cho những giấc mơ được tự do bay cao, bay xa mãi.
Như một bản năng của điều thiêng liêng ấy thúc đẩy, cha sẽ lên tiếng, cha sẽ hót giống như một con chim hót giữa vườn hoang, như một con chim hót trong lồng. Véo von lúc sáng sớm, khắc khoải lúc chiều buông, đau đáu lúc đêm về và sẽ hát mãi những bài ca của tư do cho đến khi sức cùng lực kiệt. Và mơ đến ngày thế giới này được tốt đẹp hơn, con gái ạ...
MTA

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Nhà thơ phản kháng Bùi Minh Quốc với bài thơ khóc vợ nổi tiếng...


Cây đại thụ im lìm, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã nổi tiếng trong văn đàn mấy chục năm rồi, và giờ đây ở tuổi 76, ông như đang đếm những chiếc lá cuối cùng rụng xuống của cuộc đời thơ ca đầy tự hào, và với những bài thơ khóc vợ bi tráng nhất thì hẳn có lúc nhà thơ của chúng ta thấy thật đáng hãnh diện khi nhìn lại chính mình.

Nhà thơ phản kháng Bùi Minh Quốc lúc còn trẻ



Cuộc đời của Bùi Minh Quốc không trao cho ông những điều kiện tốt nhất để phát triển cái hồn thơ lãng mạn và bay bổng của mình. Định mệnh bắt ông phải trở thành một chiến sĩ với cuộc đời là lời thề chiến đấu cho độc lập, tự do của nước nhà, với cái chết, sự hy sinh luôn bủa vây đeo đuổi trong một cuộc đời gió sương nghiệt ngã nhất. Rồi một ngày kia trên chiến trường, ông nhận được tin dữ bay mau bay xa :

Sao không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương…

Tiếng gào ngàn khóc núi của thi sĩ Hữu Loan khi khóc người gái nhỏ hậu phương trên khác hẳn với tiếng khóc thảng thốt nghẹn lời của Bùi thi sĩ, khi người bạn đời của ông, nhà văn Dương Thị Xuân Quí ngã xuống giữa trận tiền mưa bay đạn nổ, khi cả hai đều cùng tuổi thanh xuân phơi phới trên chiến trường. Nhưng nỗi đau của cả hai luôn giống nhau, cùng đau đáu nỗi đau đớn cùng trải nghiệm càng lâu càng nhung nhớ đầy vơi của một người nơi Cõi Tạm đầy khổ đau nhớ người trên miền Cực Lạc vun đầy. Nhớ một đời dài lâu đầy nỗi nhớ, nhớ giây phút chia xa không thể nào quên :

Thôi rồi, tay nắm tay lần cuối
Chia nẻo giang hồ vĩnh biệt nhau …
(Vũ Hoàng Chương)

Hữu Loan khóc vợ qua bài thơ Những Đồi Hoa Sim với những màu hoa tím chiều hoang biền biệt thì Bùi Minh Quốc khóc vợ bằng một loạt những Bài Thơ Hạnh Phúc để tưởng nhớ XQ thân yêu. Đây là những bài thơ hay nhất của ông, với tiếng khóc ẩn sau những tiếng nấc giản dị, đời thường của người chiến binh khóc vợ nơi chiến trường…

BÀI THƠ VỀ HẠNH PHÚC 
(Tưởng nhớ XQ thân yêu)

Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt
Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng
Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng
Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt

Bao giốc cao em cần cù đã vượt
Và mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anh
Em nói tới những điều em định viết
Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép

Con sông Giàng gầm réo miên man
Nước lũ về... Trang giấy nhỏ mưa chan
Em vẫn viết: lòng dạt dào cảm xúc
Và em gọi đó là hạnh phúc...

Em ra đi chẳng để lại gì
Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi
Và anh biết khi bất thần trúng đạn
Em đã ra đi với mắt cười thanh thản
Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai...

BÙI MINH QUỐC.

Bài thơ "Không tìm đau chỉ tìm nhớ" này của ông có những câu cuối thật đau lòng. Bùi Minh Quốc than vãn sâu lắng về sự ra đi của người vợ, sự ra đi mà có lẽ ông đã biết trước như một định mệnh, vì chiến tranh nào chừa một ai trong cơn hủy diệt bạo tàn của nó. Không hề có những từ ngữ đao to búa lớn, không có những sự hi sinh thần thánh:”Như hóa thành bất tử”. Nhà thơ chỉ biết tự an ủi mình khi đẩy ánh mắt của vợ trước giờ ra đi như một thứ ánh sáng, ánh hào quang góp vào nguồn sáng ban ngày.

Em ra đi chẳng để lại gì
Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi
Và anh biết khi bất thần trúng đạn
Em đã ra đi với mắt cười thanh thản
Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai..

Đó là niềm hạnh phúc lớn lao mà theo thời gian ta mới thấy nó lớn lên, hiển hiện hàng ngày, như một Chân Phước mà người vợ ông được hưởng bởi Thiên Đường luôn mở cửa cho những số phận buồn tủi, đau thương, nghiệt ngã nơi trần gian đầy nỗi khổ đau…

Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt
Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng

Đây có thể nói là một bài thơ khóc vợ bi tráng nhất của nhà thơ Bùi Minh Quốc. Vì cái thâm sâu đau đáu của nhà thơ thì không phải là những ngày quen nhau, yêu nhau, hay nhớ cái đám cưới vinh qui, nhớ buổi trao thân tối qui phòng, mà chỉ nhớ đến những buổi tối đói quay, đói quắt, chia nhau nửa bát măng rừng…

Theo những tấm gương thơ không CS, các tác giả thơ trong lịch sử nước nhà phải rơi vào cơn chấn động tâm can bởi sự ra đi đột ngột của người vợ, thường chọn những tiểu tiết nhỏ bé, hành động, lời nói hoặc những cử chỉ dịu dàng nhỏ bé nhưng bao quát, phủ trùm lên người vợ đã chẳng may khuất núi.

Ta có thể tham khảo nhiều tác giả khác viết về nỗi đau mất vợ, xa vợ khi bỗng dưng :

Em ơi! lửa tắt bình khô rượu, 
Đời vắng em rồi say với ai?

Ca dao:

Thương thương nhớ nhớ sầu sầu
Một ngày ba bận ra cầu đứng trông

Khóc vợ của nhà thơ Nguyễn Khuyến

Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, 
Búi tóc củ hành, buông quần lá tọa, 
Gật gù tay đũa tay chén, 
Cùng ai kể lể chuyện trăm năm ?

Trích bài thơ Khóc Vợ của nhà thơ Bùi Văn Hoàng :

Em sớm bỏ kiếp người chưa trọn vẹn
Tấm lòng son em lỗi hẹn thiên thu
Đời buồn vui em lặng lẽ giã từ
Sầu nhân thế từ nay em vĩnh biệt…

Hẳn là nhà thơ của chúng ta đã có biết bao nhiêu ngày, biết bao nhiêu đêm, bao nhiêu khoảng khắc lúc sáng tinh sương đang lên, khi không gian chưa bị lấm bụi trần, hay bao nhiêu khoảng khắc lúc chiều buông lả xuống, khi nỗi nhớ dâng lên đầy vơi, và nhất là khi đêm lạnh ùa về trong căn phòng không, ngọn đèn mờ soi tỏ căn phòng cô độc, giường một, gối chiếc thì bóng dáng của người vợ trẻ thân thương bỗng trở trở về bên nhà thơ với đầy vẻ liêu trai, thảng thốt…

Vợ của nhà thơ Bùi Minh Quốc là nhà văn Dương Thị Xuân Quí. Hai vợ chồng, anh trước , em sau đã tình nguyện vào Nam chiến đấu trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất.

Than than ôi ! Người vợ trẻ xuân thì như cây hướng dương, bỗng đột ngột bị cắt gốc, ứa hàng lệ máu chan, lỡ vòng tay níu. Nàng chết, khi tình yêu và nghĩa phu thê còn đọng trên môi, trên mắt, trên mi khiến trái tim Bùi thi sĩ như thấy trái đất vỡ vụn, vũ trụ tan tành…

Sao không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương…

Nỗi đau chen lẫn nỗi đau, sự nghiệt ngã xô đẩy cùng sự nghiệt ngã, tất cả như đổ về với người chiến sĩ – nhà thơ Bùi Minh Quốc khi anh đang ở tuổi 30 tràn đầy sức sống và tấm lòng chất ngất yêu thương. Và giờ đây, gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày đau khổ ấy, vợ nhà thơ vẫn trở về với ông, nguyên vẹn và lung linh...

Em ra đi chẳng để lại gì
Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi…

(Bài Thơ Về Hạnh Phúc - Bùi Minh Quốc)

MTA

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016

Tống Biệt Hành: Lời Bình Và Tranh Luận - PHẠM ĐƯC NHÌ

( HNPD )Tống Biệt Hành của Thâm Tâm được báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy đăng năm 1940. Chỉ hơn một năm sau, nó đã được Hoài Thanh chọn đưa vào tuyển tập Thi Nhân Việt Nam


 
   Bài 1: TỐNG BIỆT HÀNH – KHEN CHÊ CHƯA ĐÚNG MỰC                   

          Tống Biệt Hành của Thâm Tâm được báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy đăng năm 1940. Chỉ hơn một năm sau, nó đã được Hoài Thanh chọn đưa vào tuyển tập Thi Nhân Việt Nam với những lời nhận xét:
          Thơ thất ngôn của ta bây giờ thực có khác thơ thất ngôn cổ phong. Nhưng trong bài dưới đây (Tống biệt hành) lại thấy sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ. Điệu thơ gấp, lời thơ gắt, câu thơ rắn rỏi, gân guốc, không mềm mại uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ. Nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại. 

         TỐNG BIỆT HÀNH 

Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng…
Li khách! Li khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay 

Bài thơ không có phép ẩn dụ toàn bài nên tứ và ý giống nhau. Những bài viết khác đã giải thích và diễn dịch khá kỹ lưỡng nên ở đây tôi xin đi thẳng vào phần phân tích và nhận định nghệ thuật.

Bốn câu thơ mở đầu thật tuyệt.
 
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Mấy câu thơ hay quá! Tứ thơ đẹp quá! Âm điệu mới lạ do phá cách trong luật bằng trắc lôi cuốn được sự chú ý của người đọc ngay từ giây phút đầu tiên. Hai câu đầu là tâm sự, cảm xúc của người đưa tiễn: không đưa người qua sông nhưng sao lòng ta nôn nao như sóng vỗ. Hai câu sau là tâm tình kẻ ra đi qua sự nhận xét tinh tế của người đưa tiễn: chỉ nhìn đôi mắt, ta cũng biết người buồn lắm vì trong đôi mắt ấy chứa cả bóng hoàng hôn. Để tả cảnh tiễn biệt, chia ly, 4 câu thơ trên có thể hiên ngang đọ sức về giá trị nghệ thuật với bất kỳ đoạn thơ nào, ngay cả của thơ ca đương đại, mà không hề nao núng.

Âm điệu gân guốc, rắn rỏi. 

Thơ Mới thời bấy giờ cổ vũ ý tưởng mới, ngôn ngữ mới, thể thơ mới, đề tài mới… nhưng vẫn tôn trọng một số âm luật cũ để giữ được âm điệu mềm mại, du dương trong thơ. Tống biệt hành được cấu trúc bằng phương thức nghịch âm bất tuân những niêm luật vốn có của thể hành. Nó cũng chẳng tôn trọng âm luật của thơ mới. Có câu toàn thanh bằng: Đưa người ta không đưa qua sông; có câu có đến 4 thanh trắc liên tiếp: Sao có tiếng sóng ở trong lòng? Bởi vậy âm điệu của nó không uyển chuyển, du dương như phần nhiều thơ thời bấy giờ, thay vào đó, điệu thơ gấp, lời thơ gắt, câu thơ rắn rỏi gân guốc. Đó là nét rất độc đáo của Tống Biệt Hành. Nhờ đó, mới ra lò nó đã được sự chú tâm, ưu ái của Hoài Thanh.

Gợi được không khí hào hùng

H. Linh trong bài Đến Với Bài Thơ Hay: Tống Biệt Hành Của Thâm Tâm, đã viết: 

Đề tài bài thơ là một trong hằng hà sa số những cuộc ly biệt được đưa vào “Thơ Mới” thời 1930 – 1945. Nhưng có lẽ trong văn học Việt Nam, trước và sau Thâm Tâm, không ai viết về chia ly đầy tính bi hùng, trữ tình và mãnh liệt đến như thế.
Không rõ “Tống Biệt Hành” có gì “khó hiểu”? Nhưng rõ ràng khi đọc, tôi thấy thật “bâng khuâng”. Vẻ trầm hùng, cổ kính của bài thơ cùng những hình ảnh “mong manh, ghê rợn, như những nhát dao xiết vào tâm hồn, tưởng là rất nhẹ hóa ra lại rất nặng” gây nên một ấn tượng thật mạnh và sâu đến người đọc. 

Còn Nguyễn Hưng Quốc nhận xét khách quan hơn, chính xác hơn:
Chị, em và người yêu lưu luyến thế ấy, chẳng lẽ lại đành tâm ra đi? Nhưng ly khách lại đi thật. Bóng đã xa, người đưa tiễn còn ngơ ngác đứng và hun hút nhìn :
Người đi? ừ nhỉ, người đi thực 
Mẹ thà coi như chiếc lá bay 
Chị thà coi như là hạt bụi 
Em thà coi như hơi rượu say 

… li khách tuy ngậm ngùi nhưng nét chính vẫn là sự nghênh ngang, hào sảng. Thấp thoáng chút hùng khí đời xưa. Phảng phất hình ảnh Kinh Kha ngày trước. Rất đẹp. Biết là cường điệu mà vẫn thấy đẹp.  

Có lẽ ưu điểm lớn nhất, thành công lớn nhất của Tống Biệt Hành là gợi lại được cái cảnh tượng bi tráng của cuộc đưa tiễn Kinh Kha qua sông Dịch. Cái thần tình của Thâm Tâm là ông không nhắc gì đến Thái Tử Đan, Kinh Kha, Tần Thủy Hoàng, không nhắc gì đến con sông Dịch; ông chỉ gián tiếp, bóng gió rất xa xôi, bằng việc chọn thể hành cổ kính, đề tài tống biệt quen thuộc, chất liệu thơ xưa cũ, và chỉ có thế cũng đã đủ khiến người đọc không thể không cảm thấy như chính mình đang hít thở cái không khí trầm hùng của cuộc chia ly ấy.

Ngôn ngữ thơ trong Tống Biệt Hành

Theo Chu Mộng Long thì: 

Bài thơ (Tống Biệt Hành) phục sinh một cách toàn diện những gì tưởng chừng đã bị khai tử: thể hành cổ kính, đề tài tống biệt với người ra đi – li khách xưa cũ, kể cả chất liệu thơ: sông, sóng, bóng chiều, hoàng hôn, sen, lệ, màu thu, lá bay, hạt bụi, hơi rượu say quen thuộc đến mức đã mòn về nghĩa… với ý nhại cổ (giễu nhại : parody) 

Theo tôi, Thâm Tâm không phục cổ hoặc nhại cổ mà chỉ gợi cổ.
Chỉ với những từ sông, sóng, bóng chiều, hoàng hôn rất cũ, rất xưa, Thâm Tâm đã tạo nên 4 câu thơ tuyệt vời:

Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Và cũng với chất liệu thơ cũ mòn cộng với thể hành cổ kính và đề tài tống biệt quen thuộc đã góp phần rất quan trọng vào việc gợi lại không khí trầm hùng, bi tráng trong bài thơ.

Nhưng cũng với những từ cũ như: sen, lệ, mùa thu, mắt biếc, chiếc khăn tay, ông đã viết nên 2 đoạn thơ:

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…

không những tầm thường mà lại còn hơi “sến” nữa.

Cho nên nếu thi sĩ khám phá được thể thơ mới, đề tài mới, chất liệu thơ mới thì, dĩ nhiên, rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, những thứ “mới” ấy chỉ thực sự có giá trị khi nhờ chúng thi sĩ đưa được những câu thơ mới, hình tượng mới, trong đó chứa đầy cảm xúc mới của mình, vào thơ. Nhưng dù thế nào đi nữa cũng không nên coi thường thứ ngôn ngữ, chất liệu thơ xưa cũ hoặc giản dị. Nếu bài thơ vừa mới vừa hay vừa đẹp thì sẽ được độc giả nồng nhiệt đón chào, ngả mũ bái phục; còn nếu chỉ có mới không thôi thì nó cũng sẽ sớm đi vào quên lãng như hằng hà sa số những bài thơ dở khác. 

Đoán tâm trạng của người khác 

Nước trong, cá tung tăng, cá vui đấy.
Anh không là cá sao anh biết cá vui?
Anh không là tôi sao anh biết tôi không biết cá vui?

Trên đây là mẩu đối thoại của hai triết gia Trung Hoa (tôi quên tên) ý muốn nói rằng “không thể biết được những suy nghĩ, tâm trạng của người khác”. Theo tôi, nếu có óc quan sát tinh tế, thì trong khá nhiều hoàn cảnh, người ta có thể nhận biết được đối tượng (được quan sát) đang vui, buồn hay dửng dưng, vô cảm. Nhưng nếu muốn đặc tả tâm trạng, muốn đi vào chi tiết của niềm vui, nỗi buồn thì duy nhất chỉ có người trong cuộc. Đó là lý do thi sĩ thường viết ở ngôi thứ nhất. 

Trong Tống Biệt Hành, tác giả có đến 5 trường hợp đoán tâm trạng người khác. 

1. “Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
     Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”

Nhìn đôi mắt “đầy hoàng hôn” của bạn tôi đoán là bạn đang buồn. Điều này có thể chấp nhận được. Đôi mắt là cửa sổ linh hồn, vui buồn thể hiện lên đôi mắt. 

2. “Một giã gia đình một dửng dưng” 

Nhìn khuôn mặt vô cảm của bạn tôi biết bạn dửng dưng trước cuộc chia ly. 

3. Ta biết người buồn chiều hôm trước
    Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
    Một chị, hai chị cũng như sen
    Khuyên nốt em trai dòng lệ sót 

4. Ta biết người buồn sáng hôm nay:
    Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
    Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
    Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…

Nhìn cảnh bịn rịn, quyến luyến của chị, của em với bạn, tôi đoán bạn rất buồn khi chia ly.
5. Ba câu cuối của bài thơ 

Ở 4 trường hợp đầu tác giả đã sử dụng khả năng quan sát tinh tế của mình để cảm nhận nỗi buồn (hoặc dửng dưng) của ly khách. Có lẽ ông đã áp dụng kinh nghiệm của các cụ ngày xưa qua câu ca dao:

Trông mặt mà bắt hình dong
Con lợn có béo bộ lòng mới ngon. 

Điều này có thể tạm chấp nhận được, vì đó chỉ là nỗi buồn chung chung, không đặc tả, không có chiều sâu. Tuy nhiên, sử dụng phương pháp này trong thơ thì hơi bị… thất cách, sức thuyết phục đối với độc giả rất yếu. Bởi tục ngữ cũng có câu “xanh vỏ đỏ lòng”; nhìn bề ngoài mà “bắt mạch tâm trạng” thì rất dễ bị “bé cái lầm”. Còn riêng trường hợp thứ 5 thì phải nói là “vô phương bào chữa”. Đoán tâm trạng người khác mà thi sĩ dám viết chi li đến độ: 

Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay…

thì quả là “liều” hết chỗ nói.

Dẫu biết rằng trong thực tế thì tâm trạng của kẻ ra đi hay người đưa tiễn cũng đều là của Thâm Tâm, nhưng đã lập trận địa chữ nghĩa, phân công phân nhiệm tướng sĩ, thì vai nào phải ra vai đó; người phàm mắt thịt mà cứ như là Tiên, Thánh, đọc tâm ý người đối diện vanh vách như đọc tờ báo trước mặt thì coi sao được. Theo tôi, đây là khuyết điểm lớn, làm giảm sức thuyết phục của bài thơ.

Phú quý giật lùi

Đọc bài thơ Tống Biệt Hành chắc không ít độc giả có nhận xét giống tôi. Đoạn đầu hay quá, tuyệt quá, để lại hương vị thật ngọt ngào, sảng khoái. Nhưng đến những đoạn sau, đoạn thì cường điệu, giả tạo, đoạn thì tầm thường, nhạt nhẽo. Đoạn cuối thì cảm xúc dâng trào, hào khí bốc cao nhưng đó chỉ là cảm xúc, hào khí kiểu quân tử Tàu, vừa khinh bạc, vừa vô tình, hơn nữa, chỉ là sản phẩm từ sự võ đoán của người đưa tiễn. 

Tôi đã có một đôi lần, vào các dịp lễ tết, xem văn nghệ tại các chùa, nhà thờ gần nhà. Vài Phật tử, con cái Chúa là ca sĩ chuyên nghiệp, từ Cali bay sang hát “sô”, nhân tiện ghé vào chùa, nhà thờ hát ủng hộ mấy bài. Họ yêu cầu được xếp hát ở đầu chương trình để còn “chạy” chỗ khác. Thế là chương trình văn nghệ có vài tiết mục đầu hấp dẫn, còn sau đó là “cây nhà lá vườn”. Tôi không có ý phủ nhận thiện chí, tinh thần phục vụ của các em trong Gia Đình Phật Tử, Thiếu Nhi Thánh Thể, nhưng rõ ràng cái không khí hào hứng của chương trình văn nghệ, sau mấy tiết mục đầu, đã giảm đi, đã nhạt đi rất nhiều. 

Cũng tương tự như vậy, các vị khách mời trong buổi tiệc thơ Tống Biệt Hành, nếu không bị hơi men làm mờ mắt, sẽ thấy phẩm chất của rượu thì “phú quý giật lùi”, càng về sau càng kém ngon, càng về sau càng “dởm”. Đây cũng là một lỗi không nhỏ của thi sĩ trong việc dàn trải ý tứ.

Những lời khen + Những lời tán dương quá lố

Trong thời gian tra cứu để viết bài này tôi thấy một điều rất lạ là hàng mấy chục bài viết liên quan đến Tống Biệt Hành, bài nào cũng vậy, đều hết mực ngợi khen. Tay viết nào già giặn thì lời khen văn hoa bay bướm, kém hơn thì sao chép nguyên ý của các bậc lão thành, đàn anh, chỉ đổi sơ lời văn, giọng văn cho nó thành của mình. Đặc biệt trong trang mạng của các trường đại học, trung học thì các bài bình Tống Biệt Hành đều rập khuôn, đều ca tụng đến tận trời xanh. 

Sau đây là một lời khen “hơi mạnh miệng”:

Khi sáng tác “Tống biệt hành”(1940) có lẽ Thâm Tâm cũng không ngờ rằng bài thơ của mình sẽ để lại nhiều ẩn số cho hậu thế. Cuộc đời của ông ngắn ngủi. Tác phẩm ông để lại không nhiều. Nhưng chỉ với một “Tống biệt hành”, ông đã được lưu danh vào lịch sử văn học nước nhà. “Tống biệt hành” không chỉ là một trong những bài thơ hay nhất của phong trào Thơ Mới mà còn xứng đáng là một kiệt tác của thơ Việt Nam hiện đại. 

Và kế tiếp là thí dụ về một “vẻ đẹp tưởng tượng” của một nhà phê bình văn học có vai vế, có học vị, Thạc Sĩ Hồ Thúy Ngọc:

Kế thừa nhưng không lặp lại, Thâm Tâm đã tạo nên sức sống diệu kỳ cho Tống biệt hành. Đặc biệt, sự kế thừa, sáng tạo trong cấu tứ thơ Đường giúp tác giả thể hiện sâu sắc một cái nhìn đa chiều về “vẻ đẹp con người cao cả trong toàn bộ sự biểu hiện chân thật của nhân tính, đầy tinh thần nhân đạo”

Nhưng Chu Mộng Long lại nghĩ khác. Theo ông, trong Tống Biệt Hành:
Kẻ ra đi chỉ có hành động mà không có nội tâm: một giã gia đình, một dửng dưng; chỉ có lí tưởng mà coi thường tình cảm: Chí nhớn chưa về bàn tay không; đề cao lí tưởng mà quên tình ruột thịt: Thì không bao giờ nói trở lại!/ Ba năm mẹ già cũng đừng mong. 

Và vô tình nhất, theo tôi, có lẽ là 3 câu cuối của bài thơ 

Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay…

Vì chí lớn, vì nghiệp lớn, vì lý tưởng, vì đại nghĩa, vì quê hương đất nước ra đi, thân này kể bỏ; những người thân yêu ruột thịt cũng coi như không, nói chi đến bạn bè. Ngay cả người gần gũi nhất là bà mẹ đã banh da xé thịt cho mình được chào đời, cũng chỉ xem như là chiếc lá bay. Cạn một ly rượu để hơi men bừng lên đôi mắt. Lúc ấy trên vai là gói hành trang, đâu đó vọng lại tiếng gọi của bạn bè đồng trang lứa, và trước cổng nhà là con đường rộng mở dẫn đến tương lai. Mạnh bước ra đi. Khác gì Kinh Kha, theo lời ủy thác của Thái Tử Đan qua sông Dịch thực hiện một sứ mạng trọng đại cứu muôn vạn dân lành. Ôi hiên ngang quá! Hào hùng quá! Lãng mạn quá! Nhưng nghe sao cũng vô cùng khinh bạc, thiếu tình người, nếu không muốn nói là vô nhân đạo. 

Tôi không cổ võ cho việc chạy chọt để lánh né chiến trường, an thân ở hậu phương lúc nước nhà nguy biến, nhưng cái thái độ vô tình, coi nhẹ gia đình, coi nhẹ những người thân yêu ruột thịt, như li khách, thật khó mà đồng cảm. 

Chúng ta hãy nghe Yên Thao bày tỏ tâm sự lúc chia tay người vợ đầu gối, tay ấp của mình: 

Tôi có người vợ
trẻ đẹp như thơ
tuổi chớm đôi mươi, cưới buổi dâng cờ
má trắng mịn thơm thơm mùi lúa chín
ai ra đi mà không từng bịn rịn?
rời yêu thương nào đã mấy ai vui?
em nhìn tôi e ấp buổi chia phôi
tôi dấn bước mà nghe hồn nhỏ lệ. 
(Nhà Tôi, Yên Thao) 

Đó mới là có chút tình người; đó mới tạm gọi là có hơi hám của nhân bản, nhân đạo. Người lính chiến trong Yên Thao vẫn chấp nhận ra đi làm nghĩa vụ của mình, nghĩa vụ của trai thời loạn, nhưng là con người, trái tim không phải là sỏi đá, nên khi “dấn bước” lên đường đã đau thương đến độ “nghe hồn nhỏ lệ”. Còn như Thâm Tâm: 

Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay…

thì quả là quá cứng cỏi, quá lạnh lùng và quá vô tình.
Thạc Sĩ Hồ Thúy Ngọc trích lời Trần Đình Sử cho là “sự biểu hiện chân thật của nhân tính, đầy tinh thần nhân đạo” thì quả là có óc tưởng tượng cực kỳ phong phú. 

Vài Lý Do

Tống Biệt Hành là bài thơ hay, nổi tiếng, được rất nhiều người biết đến và yêu mến. Có điều mức độ nổi tiếng của nó lại không tương xứng với giá trị nghệ thuật, có thể nói, đã vượt khá xa giá trị nghệ thuật. Sau đây là một vài lý do: 

1. Tống Biệt Hành khơi lại được cái hào khí của Kinh Kha – vì chí nhớn, vì đại cuộc, sẵn sàng liều mình ra đi – đúng vào thời điểm tuổi trẻ VN nô nức lên đường chống Pháp, và sau đó “chống nhau” (miền nam thì chống cộng, miền bắc thì đánh miền nam để thống nhất đất nước dưới chế độ cộng sản) nên được chính quyền miền bắc, và sau đó là miền nam, giúp sức phổ biến vì lý do chính trị.
2. Tống Biệt Hành lọt vào mắt xanh của Hoài Thanh – một cây bút bình thơ sắc sảo, uy tín vào hạng nhất thời bấy giờ – và được ưu ái giới thiệu trong Thi Nhân Việt Nam. Các bài viết về Tống Biệt Hành sau này, vì uy tín của Hoài Thanh và Thi Nhân Việt Nam, không tiếc lời ca ngợi bài thơ, nhiều khi bịa ra “những cái đẹp tưởng tượng” để tán dương.
3. Tống Biệt Hành được đưa vào chương trình giảng dạy văn học; dựa vào mấy bài mẫu của ngành giáo dục, sinh viên học sinh cứ thế mà “tụng”, mà khen bài thơ đến tận trời xanh.
4. Những người có ý kiến khác biệt cũng không dám bày tỏ vì đang sống và chịu ảnh hưởng của một môi trường văn học chưa được tự do; viết khác đi dễ bị để ý, trù dập. 

Như vậy, Tống Biệt Hành được rất đông đảo người đọc biết đến, khen hay, rồi yêu thích, dĩ nhiên, một phần là vì giá trị nghệ thuật của nó, nhưng cũng còn vì những “cái khác” (rất ngoài thơ) nữa. Khi rũ sạch hết những “cái khác” ấy, Tống Biệt Hành sẽ trần trụi hiện ra, không xiêm y lụa là của thời đại; bên cạnh những nét đẹp độc đáo cũng còn không ít những khuyết điểm khá quan trọng liên quan đến cả ý tưởng và kỹ thuật thơ. 

Khi được thả hồn mình đắm chìm trong không khí trầm hùng bi tráng của cuộc chia tay lịch sử trên sông Dịch, người đọc dù nhận ra những “bất ổn” trong bài thơ, cũng cố lờ đi, để nghe trái tim mình đập nhanh hơn, để thấy hào khí bốc lên ngút trời, vì chí nhớn mà nhảy vào biển lửa cũng không một giây do dự. 

Tôi, với cái nhìn chủ quan của mình, đã cố công phân tích, bình phẩm bài thơ Tống Biệt Hành. Trước hết, để đưa nó về vị trí tương xứng với giá trị nghệ thuật của nó. Sau nữa, nếu có quý vị nào làm công tác phê bình văn học, có tầm nhìn rộng hơn, muốn đánh giá bài thơ trong một khung cảnh rộng lớn hơn, trong một giai đoạn lịch sử dài hơn, thì bài viết này xin được đóng vai trò một lời góp ý nho nhỏ trong kho tư liệu của quý vị. 

KẾT LUẬN

Khi biết tôi có ý định viết về Tống Biệt Hành, một anh bạn bắc kỳ 54, cũng thuộc giới cầm bút, đã nhắc nhở:

“Bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm có một sức hút rất lớn đến hai thế hệ chiến tranh của Việt Nam (thế hệ đàn anh của mình và thế hệ của tôi và anh). Đơn giản: chúng diễn tả và đáp ứng đúng tâm trạng những người trai vừa lớn lên phải đối mặt với chiến tranh (chiến tranh chống Pháp, chiến tranh chống Cộng). Nhưng với các thế hệ đàn em, sức hút của bài thơ không lớn, nếu có chăng chỉ là tầm vóc nghệ thuật mà bài thơ ấy có được. Vì thế, khi viết về bài thơ này, phải hết sức cẩn trọng (trong lời chê). Người đọc (thế hệ chúng ta) mang tâm trạng như đọc về quá khứ của mình, trong đó chỗ đứng của bài thơ này chiếm vị trí rất trang trọng.”

Trước tiên, tôi sẽ nghe lời khuyên của anh – “hết sức cẩn trọng” trong phần viết về khuyết điểm của bài thơ. Tôi cũng đồng ý với anh là thế hệ kế tiếp của anh và tôi – không bị ảnh hưởng bởi cái sức hút vô hình kia – sẽ có được cái nhìn chính xác hơn về giá trị của bài thơ. Nhưng khi nhìn qua cửa sổ, thấy những chiếc xe bus vàng đón trẻ con đi học, tôi chợt nhớ mình đang sống trên nước Mỹ tự do. Trước những trào lưu văn học mới, Thi Nhân Việt Nam (Hoài Thanh) cũng không còn là “khuôn vàng thước ngọc” (ít nhất đối với tôi), và ở cái tuổi trên 6 bó của cuộc đời, hào khí của Kinh Kha cũng không đủ sức mê hoặc tôi đến mức khi đọc Tống Biệt Hành có thể quên đi công việc của mình đang làm là thẩm định giá trị nghệ thuật của bài thơ.
Như vậy, công việc ấy tại sao cứ phải chờ đến thế hệ sau, anh nhỉ?

Viết xong cuối tháng 1 năm 2014

Phạm Đức Nhì   nhidpham@gmail.com 

(15) Đoạn thơ trên được lưu truyền trong các sinh hoạt văn học, văn hóa, văn nghệ ở miền nam; tôi thuộc lòng vì thường hay diễn ngâm trong các buổi nghệ. Còn đoạn dưới đây được trích trong sách báo dòng chính ở miền bắc.
Tôi có người vợ trẻ
đẹp như thơ
tuổi chớm đôi mươi, cưới buổi dâng cờ
má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín
ai ra đi mà không từng bịn rịn?
rời yêu thương nào đã mấy ai vui?
em lặng buồn nhìn với lúc chia phôi
tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ.
(Thơ VN/Thế Kỷ XX/Thơ Trữ Tình/NXB Giáo Dục/2004)


ĐỌC “TỐNG BIỆT HÀNH” THƠ THÂM TÂM
                                              
Châu Thạch 

 Văn Nghệ Quảng Trị

 TỐNG BIỆT HÀNH 

Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng…
Li khách! Li khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay ./.
                          Thâm Tâm

Lời Bình: Châu Thạch

Bài thơ “Tống Biệt Hành” được nhà thơ Thâm Tâm sáng tác vào khoảng năm 1940. Kể từ khi ra đời đến nay đã trên 75 năm bài thơ luôn luôn được yêu thích và đã được đưa vào sách giáo khoa của học đường. Hành là một thể thơ cổ, thường được xử dụng để diễn tả một tâm trạng bi phẩn, bi hùng. Bài thơ “Tống Biệt Hành” của Thanh Tâm có hai nhân vật, người đưa tiễn và người ra đi. Tâm trạng của người ra đi được biểu hiện qua lời của người đưa tiễn và ngược lại, tâm trạng của người đưa tiễn cũng là tình cảm của người ra đi. 
Vào đề với bốn câu thơ, tác giả đã cho ta nghe sự va đập dồn dập của nhiều âm thanh:

Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Vế thơ có nhiều chữ “không” và lạ thay, nội chứa trong chữ “không” đó nẩy sinh chữ “có”: Không sông thì lại có tiếng sóng, không thắm thì có mắt trong, không vàng vọt thì có hoàng hôn. “Không” và “có” là hai từ đối lập nhau, lại hoà hợp trong vế thơ nầy, tạo thành âm thanh biểu hiện nỗi ấm ức trong lòng. Đọc vế thơ ta thấy ngay nhiều nghịch lý xảy ra giử cảnh và người đưa tiễn cũng như người ra đi. “Đưa người, ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng?” là nghịch lý xảy ra đối với người đưa tiễn, và “Bóng chiều không thắm, không vàng vọt/ Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?” là nghịch lý xảy ra đối với người ra đi. Khung cảnh bên ngoài đối chọi với tình cảm trong lòng là một nghệ thuật điêu luyên trong sáng tác. Tác giả dùng phương pháp “tá khách hình chủ” nghĩa là mượn cái nầy để làm nổi bật cái kia giống như Nguyễn Du đã dùng cái đẹp của Thuý Vân để gần cái đẹp của Thuý Kiều, làm cho Thuý kiều nổi bậc thêm lên. Ở đây Thâm Tâm đã dùng hai sự kiện “không” và “có”, mục đích dùng cái không của không gian để làm nổi cộm lên cái có trong tâm hồn. Cái có ở đây là nỗi buồn ly biệt.
Qua vế thứ hai của bài thơ:

Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng...
Li khách! Li khách! Con đường nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong

Đoạn nầy ý nói người ra đi sẽ không quay về khi chí lớn chưa thành, dầu mẹ có chết ba năm sau ngày giáp cử cũng không về để tang mẹ được. Những câu thơ ở vế thơ nầy thật rắn rỏi nêu lên sự quyết tâm của người ra đi vì chí lớn. Lời thơ như hịch xuất quân, như lời thề non nước.
Qua hai vế thơ kế tiếp như sau:

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...

Đoạn nầy có tác giả bình thơ nhận xét rằng “Không những tầm thường mà còn hơi “sến” nữa”. Thật ra nhà thơ Thâm Tâm rất rành tâm lý. Ở hai vế thơ trên biểu hiện niềm đau quặn thắt trong lòng người đưa tiễn, sự xúc động đã dâng lên cao độ khi thốt lên tiếng kêu đau thương “Li khách! li khách!”. Qua hai vế thơ nầy lời thơ trở nên kể lể vì niềm đau đã được nén xuống, hơi thở nhẹ đi, con tim bình tịnh lại. Nỗi đau không còn là ngọn lửa bùng lên nữa mà bây giờ nó là ngọn lửa âm ỉ đốt cháy trong lòng. Lời thơ kể lể ở đây không phải là “tầm thường”, không phải là “sến” mà nó là dàn nhạc trầm lặng da diết, sau khúc nhạc gầm thét diễn tả nỗi đau trong lòng nhân vật.

Vế chót của bài thơ như sau:

Người đi:? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như ly rượu cay

Có người cho rằng vế thơ nầy “Quá cứng cỏi. lạnh lùng và vô tình”. Thật ra đây là một vế thơ rất hay, nó cho thấy bút pháp tài hoa của tác giả. Những điều mà người ra đi phủ nhận trong vế thơ nầy chính là những điều mà người ra đi canh cánh bên lòng. Chữ “thà” ở đây không có nghĩa là “ xem như không có” mà chữ “thà” ở đây có nghĩa là “không bỏ đi được”.

Nếu người ra đi ngày ấy xem mẹ như lá, chị như bụi và em như ly rượu cay thì người đó không đáng để đưa vào thơ. Ta hãy đọc một đoạn thơ có chữ “thà” trong bài “Khúc Tình Buồn” của Nguyễn tất Nhiên để hiểu thêm về chữ “thà’ của Thâm Tâm: “Người từ trăm năm/ về qua sông rộng/ ta ngoắc mòn tay/ trùng trùng gió lộng/ thà như giọt mưa/ vỡ trên tượng đá/ thà như giọt mưa/ khô trên tượng đá/ có còn hơn không...”. Ta thấy rằng, khi người yêu qua sông, Nguyễn Tất Nhiên ngoắc mòn tay gọi người yêu trong vô vọng. 

Lúc đó nhà thơ càng dùng chữ “thà” thì càng đau đớn gấp bội. Tình yêu lúc đó càng mảnh liệt đến nỗi nhà thơ muốn “Thà như giọt mưa” thì vẫn còn có để đến với em hơn là không chi hết. “Thà” của Nguyễn tất Nhiên và Thâm Tâm là từ ngữ đã vượt ra ngoài nghĩa của cái chữ thường tình. Nó khẳng định một tình yêu mảnh liệt với người yêu trong thơ Nguyễn Tất Nhiên và nó cũng khẳng định một tình yêu mảnh liết với mẹ, với chị, với em trong thơ Thâm Tâm.  

Gần đây có ý kiến cho rằng “Mức độ nổi tiếng của Tống Biệt Hành không tương xứng với giá trị nghệ thuật của nó vì các lý do sau:

- Được Hoài Thanh là nhà phê bình danh tiếng ưu ái giới thiệu trong Thi Nhân Việt Nam. Do đó người sau vì uy tín của Hoài Thanh và Thi Nhân Việt nam cứ thế ca ngợi, tán dương theo.

- Được cả chính quyền miền Bắc và miền Nam Việt Nam cần người lên đường phục vụ cho chế độ nên giúp sức phổ biến vì lý do chính trị.

- Được đưa vào nhà trường giảng dạy nên thầy giáo, học sinh cứ tán tụng, không dám bày tỏ ý kiến đối nghịch vì sợ bị trù dập.” 

Nhận xét như thế tôi cho là quá bất công với Tống Biệt Hành vì:

Hoài Thanh không ưu ái với nhà thơ Thâm Tâm mà Hoài Thanh chọn Tống Biệt Hành để đưa vào Thi Nhân Việt Nam với sự công tâm đánh giá nghệ thuật như bao bài thơ của các tác giả khác thời bấy giờ. Uy tín của Hoài Thanh đủ khẳng định cho Tống Biệt hành có giá trị nghề thuật cao. Truyện Kiều của Nguyễn Du mà còn có người dám chỉnh sửa lại thì Tống Biệt Hành là cái gì mà 75 năm qua mọi người nhắm mắt tán tụng nó theo Hoài Thanh. Điều đó không thể nếu tự Tống Biệt Hành không có giá trị ngang tầm với danh của nó.

- Chình quyền miền Bắc và miền Nam trước 1975 có hàng vạn bài thơ phục vụ cho chế độ mình trực tiếp và cụ thể, đâu cần chi một bài thơ Tống Biệt Hành nói về một sự ra đi vu vơ không mục đích rỏ ràng.

- Bài thơ được đưa vào nhà trường tức là được chọn lọc. Thêm một lần nữa khẳng định giá trị nghệ thuật cao của bài thơ. Nhiều năm qua kể từ khi bài thơ được giảng dạy đến nay, không có dư luận nào chê trách việc giảng dạy Tống Biệt Hành. Điều đó chứng tỏ giá trị nghệ thuật của  Tống Biệt Hành được đánh giá đúng nên không có sự phản hồi, phản bác, đối nghịch trong công luận. 

Thật ra với thời gian 75 năm, kịnh nghiệm cho ta thấy có nhiều tác phẩm hời hợt, được vinh danh gượng ép vì một lý do nào đó đã lần lược mai mọt hết với thời gian rồi. Riêng Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, nó vẫn còn sống thắm tươi trên diễn đàn văn học và trong lòng nhiều thế hệ. Nó không chết đâu, và mức độ nổi tiếng của nó rất tương xứng với giá trị nghệ thuật của chính nó vì Tống Biệt Hành là khúc ca tiễn biệt rất hay mà tiễn biệt thì ở thời đại nào cũng có xảy ra ./.

                                                                Châu Thạch 
Chú Thích: Những đọan in đậm là Châu Thạch trích của PĐN. PĐN xin phép Châu Thạch cho in đậm để độc giả dễ theo dõi.

    LẠI BÀN VỀ TỐNG BIỆT HÀNH
           (Trao đổi với nhà văn Châu Thạch) 

Cách đây không lâu anh Nguyễn Khắc Phước có thư riêng mời tôi cộng tác với trang web Văn Nghệ Quảng Trị, một trang thuần túy văn học nghệ thuật. Trước khi nhận lời mời tôi có bỏ ra vài buổi dạo qua trang web. Là người làm thơ và bình thơ nên tôi để ý đến những cây bút phê bình văn học và những bài viết của Châu Thạch đã chiếm được cảm tình của tôi với cung cách đứng đắn lịch sự, lời văn hòa nhã. 
Hôm nay đọc được bài Đọc Tống Biệt Hành Thơ Thâm Tâm của anh trên Văn Nghệ Quảng Trị (và Văn Đàn Việt) trong đó anh có nhắc đến mấy đoạn trong một bài viết – cũng về Tống Biệt Hành - của tôi nên xin phép được trao đổi với anh trong tinh thần “bạn văn” cùng viết trên một diễn đàn văn học. 
Sau đây là những đoạn trong bài viết của tôi được anh đề cập: 
     1/ Anh nhắc đến hai đoạn thơ: 
          Ta biết người buồn chiều hôm trước
          Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
          Một chị, hai chị cũng như sen
          Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

          Ta biết người buồn sáng hôm nay:
          Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
          Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
          Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…

rồi anh viết: Đoạn này có tác giả bình thơ nhận xét rằng “không những tầm thường mà lạ còn hơi ‘sến’ nữa.” Theo anh thì: “Lời thơ kể lể ở đây không phải ‘tầm thường’, không phải ‘sến’ mà nó là dàn nhạc trầm lặng da diết, sau khúc nhạc gầm thét diễn tả nỗi đau trong lòng nhân vật.”  
Theo tôi, hai đoạn thơ đã có những khuyết điểm sau đây:
-    Nói chuyện “chiều hôm trước” mà dùng trạng từ chỉ thời gian “Bây giờ” là không chính xác. Muốn chính xác, muốn hay, phải dùng từ khác. 
-    So sánh “sen nở nốt” với “dòng lệ sót” rất khập khiễng. Những bông sen nở cuối mùa và dòng lệ còn sót lại của mấy người chị vừa khóc vừa khuyên em, hai hình ảnh đó quá xa cách, không tương hợp. Phép “ẩn dụ” không hay. 
-    Chữ “dòng” trong cụm từ “dòng lệ sót” giảm giá trị của chữ “sót”. 
-    “Giời chưa mùa thu tươi lắm thay” là một câu thơ “vô tích sự” bởi nó lạc lõng, thừa thãi, không ăn nhập gì với cả đoạn thơ. 
-    Đọc hai câu: 
                 Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc 
                 Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay 
tôi tưởng tượng trước mắt mình một em nhỏ, đôi mắt ngây thơ tròn xoe nhìn người anh sắp đi xa, tay cầm chiếc khăn tay như muốn gói trọn thương tiếc trong lòng mình vào đấy. Ôi! Hình ảnh ấy vừa khô cứng, vừa “cải lương”, lại vừa không thật; ngây thơ đôi mắt biếc như em nhỏ thì biết gì mà thương với tiếc; chữ “tiếc” ở đây hoàn toàn sai. 
Trên đây là một vài chi tiết khiến tôi đưa ra nhận xét là hai đoạn thơ “không những tầm thường mà lại còn ‘sến’ nữa.” Anh Châu Thạch cho đó “là dàn nhạc trầm lặng da diết, sau khúc nhạc gầm thét diễn tả nỗi đau trong lòng nhân vật” là quyền của anh. Tôi dành sự phán xét sau cùng cho độc giả.

     2/ Vế chót của bài thơ như sau: 
            Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
          Mẹ thà coi như chiếc lá bay
          Chị thà coi như là hạt bụi
          Em thà coi như hơi rượu cay 

Có người cho rằng vế thơ này “quá cứng cỏi, lạnh lùng và vô tình.” Theo anh thì: “Thật ra đây là một vế thơ rất hay, nó cho thấy bút pháp tài hoa của tác giả.” 
Tôi không nghĩ như vậy. Trên bề mặt chữ nghĩa 3 câu cuối rõ ràng là cứng cỏi, lạnh lùng và vô tình. Hơn nữa, đó không phải là tâm trạng, cách suy nghĩ của chính người ra đi nói ra mà chỉ là sự võ đoán của người đưa tiễn. Cho nên nếu nói đến giá trị nghệ thuật thì mấy câu thơ ấy chỉ như là rượu giả, khó làm vừa lòng những tay sành rượu.
      3/ Hoài Thanh không ưu ái với nhà thơ Thâm Tâm mà Hoài Thanh chọn Tống Biệt Hành để đưa vào Thi Nhân Việt Nam với sự công tâm đánh giá nghệ thuật như bao bài thơ của các tác giả khác thời bấy giờ. Uy tín của Hoài Thanh đủ khẳng định cho Tống Biệt hành có giá trị nghề thuật cao. 
Tôi đồng ý với anh Châu Thạch là TBH phải hay, phải có giá trị nghệ thuật ở mức độ nào đó, phải hợp “gu” với Hoài Thanh thì mới được ông tuyển chọn đưa vào Thi Nhân Việt Nam. Nhưng được Hoài Thanh tuyển chọn lại là con dao hai lưỡi. Thời gian qua đi, cách nhìn nhận và đánh giá thơ ca thay đổi, uy tín của Hoài Thanh - đặc biệt lúc ông còn sống - khiến người yêu thơ e ngại khi phải đưa ra những ý kiến trái ngược hoặc khác với nhận định của ông. “Sợ” uy quyền của ông cũng có nhưng cái sợ lớn nhất là sợ bước vào một trận chiến không cân sức với một đối thủ quá mạnh. 
Anh Châu Thạch còn viết rằng: “Truyện Kiều của Nguyễn Du mà còn có người dám chỉnh sửa lại thì Tống Biệt Hành là cái gì mà 75 năm qua mọi người nhắm mắt tán tụng nó theo Hoài Thanh.” Theo tôi, chỉnh sửa một điểm nào đó trong truyện Kiều không khó vì không bị đè nặng bới một sức ép chính trị tâm lý nào. Miễn là anh có kiến thức rộng về văn học, thơ ca và đủ tự tin để viết. “Đụng” vào TBH là “đụng” vào cả một chính sách lớn của nhà nước trong hoàn cảnh chiến tranh, lúc người chống lưng cho nó vừa có văn tài, vừa có quyền uy ngất ngưởng trong lãnh vực bình phẩm văn chương. 

        4/ Chình quyền miền Bắc và miền Nam trước 1975 có hàng vạn bài thơ phục vụ cho chế độ mình trực tiếp và cụ thể, đâu cần chi một bài thơ Tống Biệt Hành nói về một sự ra đi vu vơ không mục đích rõ ràng. 
Những bài thơ viết để trực tiếp phục vụ chế độ (ở miền nam có một số bản nhạc như vậy nhưng thơ thì không nhiều), đọc lên đã sặc mùi tuyên truyền. Tác giả loại thơ này thường là người nằm trong bộ máy chính quyền, chức vụ không cao, viết vì công việc, vì “cái ghế”, vì miếng cơm manh áo. Cả tác giả lẫn tác phẩm đều bị coi thường, khinh rẻ. Thậm chí đọc phải những bài thơ này có người còn bực bội chửi thề ngay cả trước mặt công chúng. (Con số hàng vạn của anh Châu Thạch tôi e rằng quá lố). 
Chỉ có những bài thơ tác giả có tay nghề cao, viết bằng trái tim mình, bày tỏ cảm xúc thật của mình nhưng ý tứ của bài thơ lại tình cờ phù hợp với đường lối, chính sách của chính phủ nên được phổ biến trong quảng đại quần chúng. Vâng! Chính những bài thơ ấy mới hấp dẫn người đọc, mới thôi thúc người đọc đi theo, làm theo tiếng gọi của tứ thơ (hoặc ý thơ). TBH nằm trong số những bài thơ ấy. 

       5/ Bài thơ được đưa vào nhà trường tức là được chọn lọc. Thêm một lần nữa khẳng định giá trị nghệ thuật cao của bài thơ. (Điều này không phải lúc nào cũng đúng.) Nhiều năm qua kể từ khi bài thơ được giảng dạy đến nay, không có dư luận nào chê trách việc giảng dạy Tống Biệt Hành. Điều đó chứng tỏ giá trị nghệ thuật của Tống Biệt Hành được đánh giá đúng nên không có sự phản hồi, phản bác, đối nghịch trong công luận. 
Vào trường học là có giáo án, thi cử. Thử hỏi có học sinh nào dám đem tương lai của mình để đánh đổi lấy một cơ hội được phản bác điều mình được dạy trong trường lớp? Có thầy, cô giáo nào dám dạy sai giáo án để phí công bao năm đèn sách ở các trường cao đẳng hay đại học sư phạm? Vả lại, nếu người phản bác không có thực tài, không chọn đúng thời điểm có phong trào, có cách nhìn nhận, đánh giá thơ ca mới, không có sự hỗ trợ của một vài nhân vật có chức quyền trong ngành, những ý kiến phản bác sẽ như muối bỏ bể, rơi vào quên lãng. 
Giá Trị Nghệ Thuật Của Tống Biệt Hành 
  1/ Khuyết điểm
Ngoài những khuyết điểm ở hai đoạn thơ nói về chị và em TBH còn có những yếu kém sau đây: 
-    Câu “Đưa người ta chỉ đưa người ấy” có vẻ ngây ngô và đóng góp rất ít cho bài thơ. 
-    Cái dở nhất của TBH, theo tôi, là có nhiều đoạn người ra đi không được bày tỏ trực tiếp mà cảm xúc, tâm trạng của anh ta lại do người tống biệt võ đoán và nói hộ. Độc giả có cảm giác như được Thâm Tâm mời đến thưởng thức món thuốc lá gia truyền rất ngon, nhưng khi gặp nhau thì chỉ được hút một, hai hơi; sau đó là ngồi ngửi khói (hút gián tiếp). Lời khuyên “Làm thơ nên viết ở ngôi thứ nhất” đã bị vi phạm mà không có lý do chính đáng. 
  2/ Ưu điểm
Dù vậy TBH cũng vẫn là một bài thơ hay. Chỉ với 4 câu đầu tác giả đã khắc họa một cách tài tình tâm trạng của người đưa tiễn – và với khả năng quan sát tinh tế, đã “bắt” được nỗi buồn của người ra đi: 
     Đưa người ta không đưa qua sông 
     Sao có tiếng sóng ở trong lòng 
     Bóng chiều không thắm không vàng vọt 
     Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong 
Để tả cảnh chia ly 4 câu thơ này có thể hiên ngang đọ sức với bất cứ câu thơ hay nào của bất cứ tác giả nào trong Phong Trào Thơ Mới. 
Cái độc đáo nữa của TBH là Điệu thơ gấp, lời thơ gắt, câu thơ rắn rỏi, gân guốc, không mềm mại uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ. (1)
Đứng bên cạnh những bài thơ có âm điệu du dương như hầu hết thơ mới thời ấy TBH có dáng dấp độc đáo, gây được sự chú ý ngay từ hình thức bề ngoài của bài thơ.
Cái hay nhất của TBH là - mặc dù nhân vật và khung cảnh khác xa nhau – đã gợi được không khí hào hùng, bi tráng của cuộc chia ly nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa: Thái Tử Đan tiễn Kinh Kha sang sông Dịch để ám sát Tần Thủy Hoàng. Người đọc, đặc biệt là nam nhân, cảm thấy hào khí bốc lên cao ngất, thân này kể bỏ, gia đình (mẹ, chị và em) cũng coi như không có, vì lý tưởng, vì nước quyết ra đi để thỏa mãn chí lớn của người trai. 
          Chí lớn không về bàn tay không
          Thì không bao giờ nói trở lại 
          Ba năm mẹ già cũng đừng mong.  
Tôi hoàn toàn đồng ý với Châu Thạch khi anh viết:
Đoạn nầy ý nói người ra đi sẽ không quay về khi chí lớn chưa thành, dầu mẹ có chết ba năm sau ngày giáp cử cũng không về để tang mẹ được. Những câu thơ ở vế thơ nầy thật rắn rỏi nêu lên sự quyết tâm của người ra đi vì chí lớn. Lời thơ như hịch xuất quân, như lời thề non nước.
Tóm lại, nếu đặt ưu và khuyết điểm lên bàn cân thì TBH vẫn là một bài thơ hay. Ưu điểm rất độc đáo và gây được ấn tượng sâu sắc nơi người đọc. Có những đoạn thơ thường được ngâm nga trong những buổi họp mặt của thanh niên trước lúc lên đường. Nhưng khuyết điểm cũng không ít trong đó có cả khuyết điểm căn bản trong việc sáng tác thơ ca. 

Riêng về tứ thơ thì tôi cho rằng tứ thơ của TBH là một thứ dây leo chùm gởi, phải nhờ vào cái bóng của một “khung cảnh lịch sử” ở tận bên Trung Quốc để có được sức hấp dẫn người đọc như nó đã có. Hơn nữa, như đã phân tích ở trên, rượu trong bữa tiệc thơ TBH là rượu giả; cảm xúc (ngoài hai câu đầu) không phải là thứ “tông” phát xuất từ chính trái tim người tống biệt mà chỉ là cảm xúc của người ra đi được người tống biệt đoán ra. Khách mời của bữa tiệc TBH tưởng như mình sắp sửa qua sông Dịch để cứu muôn triệu dân lành. Rót rượu đầy ly, nâng cao và hô một tiếng “dzô” thật lớn rồi uống cạn để thấy hào khí trong người mình dâng lên cao ngất. Đến khi tỉnh dậy sau cơn say khướt, thấy nhức đầu một cách khó hiểu nhưng cũng không biết là mình uống phải rượu giả, toàn nước lã pha cồn. 
Hồ Trường (Nguyễn Bá Trác) thì hoàn toàn khác. Khung cảnh thật, rượu thật, tâm sự được chính tác giả thốt ra trong lúc ngà ngà say, không có bàn tay “gạn đục khơi trong” của lý trí nên cũng rất thật. Và hào khí, thì dù người đọc có say hay tỉnh, cũng thấy bốc cao ngất trời và nóng bỏng.
Trong trò chơi bình thơ, với tôi, chê lầm một câu (bài) thơ hay hoặc khen lầm một câu (bài) thơ dở là một lỗi nặng, ảnh hưởng đến uy tín của người bình thơ. Tuy nhiên, ở đời ai chẳng có lúc lỗi lầm? Miễn là sau đó mình cố gắng học hỏi và sửa chữa. Nhưng bình một bài thơ mà – vì một lý do nào đó ngoài thơ - thấy một điểm hay mà không dám khen, thấy một điểm dở mà không dám chê thì theo tôi, là một cái tội, tội với lương tâm mình và tội với thơ. Cho nên khi bình thơ, tôi khen chê thẳng thắn đúng với sự hiểu biết và cảm nhận của mình lúc đó. Vì thế bài viết của anh Châu Thạch đã cho tôi cơ hội đọc kỹ lại Tống Biệt Hành và giải thích thêm một số chi tiết mà tôi – vì muốn hướng sự chú ý của độc giả vào những điểm chính – đã bỏ qua. Và chuyện đúng sai xin nhường cho độc giả phán xét.
Với bài thơ TBH anh Châu Thạch và tôi có vài chỗ ý kiến khác nhau. Đó cũng là chuyện thường tình trong bình phẩm thơ ca. Trong Văn Nghệ Quảng Trị anh Châu Thạch có số bài gấp nhiều lần số bài của tôi. Anh là cựu binh, còn tôi là lính mới. Cũng may là trên chốn văn chương nên tôi mới dám mạnh dạn trao đổi với anh. Qua hai bài viết, một của anh và một của tôi, xin được nói riêng với anh Châu Thạch, cả hai chúng ta đều có lợi. Và biết đâu những độc giả đọc bài của chúng ta cũng đang rung đùi, gật gù khoái chí. 
Chú thích:
1/ Chữ của Hoài Thanh
Galveston, Texas 10/18/15 
PHẠM ĐỨC NHÌ 
nhidpham@gmail.com 

Lê Mai Lĩnh: Câu chuyện văn chương –Tống Biệt hành 
                          TVấn& BH
Lê Mai Lĩnh
 
Vừa qua, trên trang web T.Vấn & Bạn Hữu có bài tranh luận giữa hai tác giả CHÂU THẠCH và PHẠM ĐỨC NHÌ về bài thơ TỐNG BIỆT HÀNH của thi sĩ THÂM TÂM, đã làm tôi NGỨA NGÁY TAY CHÂN, nên tôi muốn có đôi điều góp ý. Bài viết trong tinh thần CHUYỆN NHƯ ĐÙA, mong HAI ANH và ĐỘC GIẢ xem cho vui, trong lúc chờ đợi chứng kiến MỸ và TRUNG CỘNG bắn đạn DỞM và NỔ PHÁO TỊT NGÒI vào nhau
Nhà thơ THÂM TÂM, một KHUÔN MẶT THƠ mà người nào yêu thơ cũng yêu mến.
Bài thơ TỐNG BIỆT HÀNH là KINH NHẬT TỤNG TÌNH YÊU cho một thời trai tơ, trai trẻ, trai dậy thì. Kể cả mấy gái chưa chồng hay chết chồng
Bài thơ TỐNG BIỆT HÀNH là một KHỐI KIM CƯƠNG NGUYÊN VẸN, chẳng một ai dám đục, đẽo, đạp, đá hay thụi, xéo hay nậy.
Bài thơ TỐNG BIỆT HÀNH, khi vui, đọc cho buồn.
Bài thơ TỐNG BIỆT HÀNH, khi buồn, đọc cho vui
Bài thơ TỐNG BIỆT HÀNH, khi đói, nó là gạo nấu cơm là nếp nấu xôi.
Bài thơ TỐNG BIỆT HÀNH là nước khi khát, là cứu tinh cho người vượt qua sa mạc khô cháy
Bài thơ TỐNG BIỆT HÀNH, là rượu cho những bợm nhậu, là thuốc lào cho những người tù khổ sai Cộng Sản
75 năm nay nó là như thế và sẽ là như thế, khi trái đất này còn người YÊU THƠ.
Thế nhưng vừa qua, người anh em tôi, nhà thơ PHẠM ĐỨC NHÌ đã chọn một cách rất “không bình thường” để phân tích, mổ xẻ TƯỢNG ĐÀI THÂM TÂM TỐNG BIỆT HÀNH:
Ông đã đem BÚA TẠ, KỀM KINGSIZE, ĐỤC KINGSIZE, XÀ BENG KINGSIZE, THUỐC NỔ QUEEN, BAO TAY PRINCESS,,,,
Ông TRỤC, KÉO, LÔI PHO TƯỢNG ĐÀI THÂM TÂM TỐNG BIỆT HÀNH ra khỏi TRÁI TIM NHỮNG NGƯỜI YÊU của THÂM TÂM TỐNG BIỆT HÀNH
Với những lý do của Ông:
Bài thơ Tống Biệt Hành:
1/ Không những bình thường mà con SẾN.
2/ Nói chuyện chiều hôm trước mà dùng trạng từ chỉ thời gian “BÂY Giờ” là không chính xác.
(Theo tôi biết, trong văn phạm tiếng Anh và các thứ ngôn ngữ khác, vẫn có CÁC THÌ: HIỆN TẠI TRONG QUÁ KHỨ hay QUÁ KHỨ TRONG TƯƠNG LAI.)
3/Chữ “dòng” trong cụm từ “dòng lệ sót” giảm giá trị của chữ “sót”.
4/ “Giời chưa mùa thu tươi lắm thay” là một câu thơ “vô tích sự” bởi nó lạc lõng, thừa thãi, không ăn nhập gì với cả đoạn thơ.
5/ So sánh ”sen nở nốt” với ”dòng lệ sót” rất khập khễnh.
6/ Đọc hai câu:
” Em nhỏ thơ ngây đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay “
Hình ảnh KHÔ, CỨNG, vừa CẢI LƯƠNG, lại vừa không thật, ngây thơ đôi mắt biểc như em nhỏ thì biết gì mà thương với tiếc
7/ Bài thơ TỐNG BIỆT HÀNH nói về một sự ra đi vu vơ, không mục đích rõ ràng.
8/ Câu: ”Đưa người ta chỉ đưa người ấy” có vẻ ngây ngô, và đóng góp rất ít cho bài thơ.
9/ Lời khuyên: ”Làm thơ nên viết ở ngôi thứ nhất” đã bị vi phạm mà không có lý đó chính đáng.
(PHẠM ĐỨC NHÌ không cho chúng ta biết LỜI KHUYÊN NÀY CỦA AI. Phải chăng có một ông TỔ SƯ BỒ ĐỀ THƠ khuyên và chỉ có anh PDN biết.)
10/ Rượu trong bữa tiệc thơ TỐNG BIỆT HÀNH là rượu gỉa, rượu toàn nước lã pha cồn
Rồi ông kết luận về TỐNG BIỆT HÀNH :
Dù vậy, TỐNG BIỆT HÀNH VẪN LÀ MỘT BÀI THƠ HAY.
CHỈ VỚI 4 CÂU ĐẦU TÁC GIẢ ĐÃ KHẮC HỌA MỘT CÁCH TÀI TÌNH TÂM TRẠNG CỦA NGƯỜI ĐƯA TIỄN Và VỚI KHẢ NĂNG TINH TẾ ĐÃ BẮT ĐƯỢC NỖI BUỒN CỦA NGƯỜI RA ĐI:
“Đưa người ta không đưa sang sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Ráng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”
Để tả cảnh chia ly, 4 câu thơ này có thể hiên ngang đọ sức với bất cứ câu thơ hay nào của bất cứ tác giả nào trong phòng trào THƠ MỚI.
Thưa anh nhà thơ PHẠM ĐỨC NHÌ:
1/Anh nói: TÔI DÀNH SỰ PHÁN XÉT SAU CÙNG CHO ĐỘC GIẢ
Vậy tôi đề nghị anh NÊN NÓI LỜI XIN LỖI VỚI ANH CHÂU THẠCH. Bài của nhà phê bình CHÂU THẠCH rất HÀN LÂM, NGƯỜI LỚN.
2/ Mặc dù anh đã HÀN GẮN NHỮNG VẾT ĐỤC ĐẼO lên PHO TƯỢNG TỐNG BIỆT HÀNH, nhưng sự MẤT MÁT VẪN CÒN, NIỀM ĐAU CŨNG CÒN,
vậy anh nên viết bài TẠ LỖI với độc giả của T.Vấn & Bạn Hữu, rằng anh đã chạm vào tình cảm YÊU THƠ của họ dành cho THẦN TƯỢNG THÂM TÂM.
Như đã nói trên bài viết, ĐÂY LÀ CHUYỆN ĐUÀ CUỐI TUẦN, xin mọi người hoan hỉ thứ tha.
AMEN
Lê Mai Lĩnh 


           VĂN CHƯƠNG ĐÂU PHẢI LÀ ĐƠN THUỐC
(Viết sau khi đọc Câu Chuyện Văn Chương của Lê Mai Lĩnh) 

        Nhận được cái link từ một bạn văn trong nước với lời nhắn “Nhận thấy có liên quan đến bài viết của anh và anh Châu Thạch bàn về TỐNG BIỆT HÀNH của THÂM TÂM... nên chép lại đường link để anh xem và có phản hồi với bài viết (nếu có). Chúc vui.”
 http://huongnguyenhoang.blogspot.com/2015/11/cau-chuyen-van-chuong-l-e-mai-linh-nha.html#more  
        Sau đó 2 ngày tôi cũng nhận được mail của anh Trương Vấn thông báo về bài Câu Chuyện Văn Chương trên trang TVấn& BH. Đọc CCVC tôi mường tượng tác giả của nó là một người yêu thơ cuồng nhiệt theo cách riêng của mình, và … rất tự tin. Lẽ ra trong tranh luận văn chương phải chú trọng đến đối tượng tranh luận - ở đây là giá trị nghệ thuật của TBH - thì ông LML chỉ nói phớt qua vài điểm ông không đồng ý (không dẫn chứng), rồi tự động coi mình là “bên thắng cuộc”, đề nghị hình phạt cho “bên thua cuộc”. 
       Dù vậy, trong bài này tôi chỉ chú trọng việc làm rõ những điểm liên quan đến văn chương mà ông đề cập, không phải để phân định thắng thua mà tìm sự thông cảm không những của riêng ông mà còn của cả những độc giả khác quan tâm đến cuộc tranh luận. 
1/ Nói chuyện chiều hôm trước mà dùng trạng từ chỉ thời gian “BÂY Giờ” là không chính xác.
Theo tôi (LML) biết, trong văn phạm tiếng Anh và các thứ ngôn ngữ khác, vẫn có CÁC THÌ:  HIỆN TẠI TRONG QUÁ KHỨ hay QUÁ KHỨ TRONG TƯƠNG LAI.
Ở đây tôi không bàn đến văn phạm tiếng Anh và các thứ ngôn ngữ khác mà chỉ xin đưa ra một thí dụ bằng tiếng Việt để chứng minh “Bây giờ” trong TBH là không chính xác.
            Thứ Hai tuần trước tôi gặp anh ta ở chùa Vĩnh Nghiêm 
            Lúc ấy hoa sen nở đẹp quá. 
Nếu thay “Lúc ấy” bằng “Bây giờ” thì sai. Điều này chắc độc giả ai cũng có thể chấp nhận. 
Trở lại TBH: Tôi xin phép đổi mấy chữ (để làm rõ ý của mình)
            Ta biết người buồn chiều hôm trước 
            Đang vào cuối hạ sen nở nốt  
Nhóm chữ trạng từ chỉ thời gian (đang vào cuối hạ) có thể bao phủ một khoảng thời gian từ “chiều hôm trước” cho đến lúc người đưa tiễn đang “tâm tình” ngày hôm sau (và có thể thêm một thời gian ngắn nữa trong tương lai). Đưa “Bây giờ mùa hạ” vào thì sai – ít nhất cũng là lỗi kỹ thuật - vì “độ phủ sóng” của “Bây giờ” hẹp hơn, chỉ là một khoảnh nhỏ của hiện tại, không thể vươn ngược về “chiều hôm trước”. 
2/ Bài thơ TỐNG BIỆT HÀNH nói về một sự ra đi vu vơ, không mục đích rõ ràng. 
Ông LML đã thiếu cẩn trọng, không đọc kỹ nên đã gán câu văn trên - của anh Châu Thạch - cho tôi. Tuy nhiên, đó là sự lầm lẫn nhỏ nhặt, không đáng kể. Hơn nữa, chính tôi cũng đồng ý với nhận xét rất tinh tế ấy của anh Châu Thạch.
3/ Lời khuyên:  “Làm thơ nên viết ở ngôi thứ nhất” đã bị vi phạm mà không có lý đó chính đáng.
(PHẠM ĐỨC NHÌ không cho chúng ta biết LỜI KHUYÊN NÀY CỦA AI. Phải chăng có một ông TỔ SƯ BỒ ĐỀ THƠ khuyên và chỉ có anh PĐN biết.) 
Trước hết, tôi đã bỏ ra 2 buổi để đọc 69 bài thơ của ông LML trên TVấn& BH (đúng ra là 70 nhưng có một bài đăng 2 lần) và nhận thấy rằng tất cả 69 bài thơ ấy (vâng! 100%) đều được viết ở ngôi thứ nhất. (1)
Sau đây là một đoạn trích trong Mấy Ý Nghĩ Về Thơ của Nguyễn Đình Thi:
Những hình ảnh còn tươi nguyên, mà nhà thơ tìm thấy, bao giờ cũng mới mẻ, đột ngột lạ lùng. Vì nhà thơ nhìn bằng con mắt của người đầu tiên. Đó là những hình ảnh mới tinh, chưa có vết nhòa của thói quen, không bị dập khuôn vào những ý niệm trừu tượng định trước. Mượn câu nói của một nhà văn Pháp, nhà thơ bao giờ cũng là ngôi thứ nhất. 
Tôi tạm dùng hình tượng rượu thật, rượu giả để giải thích ý này. Cảm xúc hay tâm sự do chính tác giả (hay chính nhân vật trong bài thơ) nói ra là rượu thật, còn do người khác suy đoán rồi nói hộ là rượu giả. Có loại rượu giả cao cấp và loại rượu giả xoàng. 
Trong TBH có 2 bình rượu thật: 
     a/ Đưa người ta không đưa qua sông 
         Sao có tiếng sóng ở trong lòng 
Không đưa người qua sông nhưng sao lòng nôn nao như sóng vỗ. Đây là 2 câu thơ tuyệt vời nói lên tâm trạng của người đưa tiễn.
     b/ Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ 
         Chí lớn không về bàn tay không 
         Thì không bao giờ nói trở lại 
         Ba năm mẹ già cũng đừng mong. 
Đây là những câu thơ người ra đi thì thầm với chính mình – nói như Châu Thạch - lời thơ như hịch xuất quân, như lời thề non nước. 
Còn lại là 4 bình rượu giả: 
    a/ Bóng chiều không thắm, không vàng vọt 
        Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Ta cảm được nỗi buồn của người khi thấy mắt người như chứa cả bóng hoàng hôn. Mắt là cửa sổ linh hồn; nhìn đôi mắt có thể đoán khá chính xác một người đang vui hay buồn. Do tác giả chọn được hình rất đẹp, rất thơ nên 2 câu thơ tuy là rượu giả nhưng là loại rượu giả cao cấp, chỉ người sành rượu mới phân biệt được. Hai câu này kết hợp với 2 câu đầu thành một đoạn thơ rất hay, thường được đọc, ngâm nga trong các buổi nhậu, tiệc trà bù khú chuyện văn chương.
  
    b/ Ta biết người buồn chiều hôm trước
        Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
        Một chị, hai chị cũng như sen
        Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

    c/ Ta biết người buồn sáng hôm nay:
        Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
        Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
        Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay… 

Hai đoạn b và c cũng là 2 bình rượu giả. Ngôn ngữ và khung cảnh thơ sến, cải lương nên có thể xếp vào loại rượu giả xoàng, nhấp môi là nhận được ngay.

    d/ Người đi! Ừ nhỉ! Người đi thật 
        Mẹ thà coi như chiếc lá bay
        Chị thà coi như là hạt bụi
        Em thà coi như hơi rượu cay 
 Người đưa tiễn cứ như có bùa phép, thấy được cả những chi tiết nhỏ nhặt trong đầu người ra đi. Thử hỏi độc giả liệu có tin được “chân tình” của tác giả không? Ba câu cuối rõ ràng là rượu giả, được nhà hàng nghênh ngang pha ngay trước mặt thực khách. 
Trước khi tôi viết về TBH, trong lúc uống cà phê bình thơ, thấy tôi chĩa mũi dùi vào chi tiết “nói hộ tâm sự của người khác” trong thơ, một người bạn lên tiếng: 
      Người đưa tiễn, người ra đi, rồi mẹ, chị và em, tất tật đều là “con đẻ” của Thâm Tâm; dĩ nhiên ông ta biết suy nghĩ trong đầu của họ. 
Đồng ý là như vậy. Nhưng khi đã phân công, phân nhiệm thì vai nào phải ra vai đó để phù hợp với vở kịch của cuộc đời. Người trần mắt thịt mà cứ như là Tiên, Thánh, đọc suy nghĩ, cảm xúc của người khác như đọc trang giấy trước mặt mình thì coi sao được. 
4/Anh nói: TÔI DÀNH SỰ PHÁN XÉT SAU CÙNG CHO ĐỘC GIẢ
Vậy tôi đề nghị anh NÊN NÓI LỜI XIN LỖI VỚI ANH CHÂU THẠCH. Bài của nhà phê bình CHÂU THẠCH rất HÀN LÂM, NGƯỜI LỚN.
Qua bài viết của anh Châu Thạch, thú thật, chất hàn lâm thì tôi không dám nói chứ về phong cách thì tôi đồng ý với ông LML là anh có một phong cách rất người lớn: cẩn trọng, đứng đắn và hòa nhã. Sau mấy bài viết tranh luận về TBH và Nhớ Rừng chúng tôi đã thư qua, thư lại, trò chuyện trên điện thoại và thấy có một số điểm tương đồng trong tranh luận văn chương. Anh đã thẳng thắn nói rằng trong việc thẩm định giá trị nghệ thuật của một bài thơ việc có ý kiến khác nhau là thường tình; đó là quyền tự do của mỗi người. Chúng tôi đã kết bạn văn chương và đã trao đổi với nhau một số điều riêng tư lý thú. 
5/ Vậy anh nên viết bài TẠ LỖI với độc giả của T.Vấn & Bạn Hữu, rằng anh đã chạm vào tình cảm YÊU THƠ của họ dành cho THẦN TƯỢNG THÂM TÂM. 
Trong số độc giả thường đọc, thưởng thức rồi yêu thơ có rất nhiều người mê thích một bài thơ vì một hay nhiều lý do rất riêng tư, có khi chẳng ăn nhập gì đến kỹ thuật thơ, cảm xúc thơ … nói chung là giá trị nghệ thuật của bài thơ. Nếu bài thơ nhắc đến hoặc gợi lại những kỷ niệm về khung trời quê hương, mối tình đầu, “những năm tháng không thể nào quên”, hào khí của thanh niên … thì độc giả sẽ ngây ngất như say rượu, cảm xúc dạt dào, hào khí dâng cao … và họ sẽ vung tay cho điểm bài thơ rất rộng rãi. TBH cũng ở trong trường hợp đó. Dĩ nhiên, nó không phải là bài thơ dở, nhưng vì những lý do rất “ngoài thơ” người ta đã quên nhắc đến những khuyết điểm của nó, đã ca tụng nó, cho điểm nó cao hơn giá trị thực sự của nó rất nhiều. 
Nhiệm vụ của người bình thơ ngoài việc chỉ ra ưu, khuyết điểm của bài thơ còn phải tháo những giá chống, gỡ những bàn tay nâng đỡ, tước bỏ những ưu ái riêng tư của mình để bài thơ tự đứng trên đôi chân của nó, tỏa sáng bằng chính giá trị nghệ thuật tự thân của nó. 
Tôi bình TBH (và những bài thơ khác) cũng với tinh thần đó, cố gắng thuyết phục để độc giả cùng tôi đối xử công bằng với bài thơ, khen chê đúng mực.
Trường hợp của ông LML thì đặc biệt hơn. Đọc đoạn ông viết về TBH tôi biết ngay là ông mắc chứng bệnh “cuồng ái” với bài thơ. Đem cái “tình yêu thơ” kiểu ấy mà bước vào chỗ bình thơ tranh luận với tôi thì chắc chắn tôi sẽ “từ chết đến bị thương”. Cuối cùng chỉ bị ông hỏi khó mấy câu và bắt xin lỗi, tạ lỗi với không biết bao nhiêu là người. Thôi thì như thế cũng là may mắn. 
Bệnh của ông LML thì hơi khó chữa, nhưng đối với bạn đọc của TVấn&BH và tất cả những người yêu thơ khác, tôi hy vọng là qua mấy bài tranh luận về TBH quý vị cũng vẫn yêu mến bài thơ nhưng sẽ đối xử với nó công bằng hơn.
Riêng về việc ông LML yêu cầu tôi xin lỗi anh Châu Thạch và TẠ LỖI với bạn đọc của trang TVấn& BH tôi xin được cho qua vì nó ngây ngô, trịch thượng và … quá vô duyên. 
6/Ông đã đem BÚA TẠ, KỀM KINGSIZE, ĐỤC KINGSIZE, XÀ BENG KINGSIZE , THUỐC NỔ QUEEN, BAO TAY PRINCESS,,,,
Ông TRỤC, KÉO, LÔI PHO TƯỢNG ĐÀI THÂM TÂM TỐNG BIỆT HÀNH ra khỏi TRÁI TIM NHỮNG NGƯỜI YÊU của THÂM TÂM TỐNG BIỆT HÀNH
      Theo ngôn ngữ của ông LML thì mỗi người yêu thơ đều có một tượng đài trong tim cho mỗi bài thơ mình yêu thích. Tùy cách hiểu và đánh giá của mỗi người, tượng đài ấy lớn nhỏ khác nhau.
       Có người đọc thơ để thưởng thức, có người đọc để phê bình. Tôi thuộc loại người thứ hai nên những điều ông LML trách tôi cũng có phần đúng. Tôi đã dùng đủ loại dụng cụ ông nói ở trên để đục đẽo hầu có được một tượng đài – mà theo tôi - đúng với kích cỡ của TBH. Tôi không có khả năng trục tượng đài ra khỏi trái tim của người yêu thơ để đưa vào chỗ ấy một tượng đài khác. Tôi chỉ ước mong những bài viết của mình đủ thuyết phục để có được một vài người yêu thơ tự làm công việc thay thế đó trong tim họ.

KẾT LUẬN
        Ở phần đầu ông Lê Mai Lĩnh xác định: “Bài viết trong tinh thần Chuyện Như Đùa” và ở phần cuối ông nhắc lại: “Đây là Chuyện Đùa Cuối Tuần, xin mọi người hoan hỉ thứ tha.” Đồng ý trong “chuyện văn chương” có những vùng đất dành riêng cho óc khôi hài (sense of humor) và ngay cả những bài viết chính luận nghiêm túc vẫn có thể có câu, đoạn ẩn chứa những nụ cười ý nhị. Ngồi vào bàn bình thơ, người viết không nhất thiết phải bỏ lại bên ngoài óc hài hước hay cách hành văn dí dỏm của mình.      
Có điều chắc chắn là bình thơ không phải chuyện đùa. Người bình thơ, ngoài kiến thức, tài năng còn phải có “tâm” với thi ca và nhất là phải có thái độ của người lớn: đứng đắn, nghiêm túc, có trách nhiệm với lời khen chê của mình. Khen chê một câu thơ, một bài thơ là do nhận định chủ quan của người viết phê bình – không phải lúc nào cũng đúng nên dĩ nhiên, chưa phải là kết luận chung cuộc. Sự khen chê ấy còn được cân nhắc, lượng giá (có khi soi mói) của nhiều cặp mắt phê bình khác. 
Không phải cứ ngứa ngáy tay chân là nhảy xổ vào cuộc tranh luận thơ ca của người khác, nói vung tít mẹt rồi chắp tay xin hai chữ đại xá. Hơn một trăm năm trước Trần Tế Xương đã viết hai câu thơ về bác Cử Nhu:
              Văn chương đâu phải là đơn thuốc 
              Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu. 
Với những người Bình Thơ hoặc đang tranh luận về giá trị nghệ thuật của thơ, hai câu đó bây giờ vẫn đúng. 

Texas 11/2015 
Phạm Đức Nhì ( hnpd )
nhidpham@gmail.com

(nguồn : haingoaiphiemdam.net)