Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

GIỚI THIỆU BÀI THƠ BẦM ƠI - TỐ HỮU



Ai về thăm mẹ quê ta 
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm... 
Bầm ơi có rét không bầm! 
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn...




Những câu thơ quá quen thuộc trên như mở ra một chân trời nhỏ, một góc bình yên riêng tư để chàng trai lính thả lời tâm sự về nơi quê nhà với Bầm, bà mẹ. Lời bài thơ nhẹ nhàng, thủ thỉ, rủ rỉ giống như một bức thư viết vội cho mẹ của một cậu trai làng đi lính xa nhà, xa mẹ, xa quê ...Rồi trong nỗi nhớ thương, lo lắng cứ vơi đầy, lòng yêu thương cứ lên xuống theo đà thổ lộ cứ tuôn ra, tuôn ra như nước tràn ...Cả bài thơ là những câu thơ chân chất địa phương, mang tính vùng miền với những câu từ giản dị, ngôn từ dễ nhớ quen thuộc như những câu nói bình thường, nhưng lại được sắp xếp, đưa đẩy để câu chữ ngôn từ thấm sâu, và đi vào lòng người đến thế. Chính sự giản dị đó đã đưa bài thơ mau đến được và và ở lại trong lòng người đọc thơ bao thế hệ qua, và thật khó kiếm ra người đọc nào không yêu thích bài thơ Bầm Ơi này.

Bài thơ thể lục bát làm chủ đạo, phần sau chen thêm vài câu thơ thể song thất (2 câu 7 chữ). Nói thật lòng thì tôi không hiểu tác giả, nhà thơ Tố Hữu chen mấy câu song thất vào lục bát để làm gì. Song thất lục bát thì thật khó để có một bài thơ bình thường về ngôn từ nhưng cách gieo vần bỏ chữ rất đắc địa như bài thơ vốn có. 

Theo tôi thì có thể bài thơ này được hoàn thành trong một thời gian dài,với những khoảng bỏ trống, rồi sự thêm thắt vào tùy theo tinh hình hoặc theo hồn thơ chi phối. Chính vì vậy lối viết bổ sung như thế, tức là cứ có một cái nền rộng rãi rồi thong thả viết, câu thơ nào hay thì chép vào bài. Có thể bài thơ không liền lạc, với các kết nối rời rạc, nhưng lại vô cùng đắc dụng bởi mạch cảm xúc cùng các ngữ nghĩa của bài thơ luôn được chuyên chở và thăng hoa. Chưa kể người viết theo lối này sẽ còn chờ đợi ngày hồn thơ về nhập nội để chỉnh sửa bài thơ, khiến nó trở nên hoàn hảo,không tỳ vết của một bài thơ lục bát viết về người mẹ.

Tác giả Tố Hữu (1920 - 2002) tên thật là Nguyễn Kim Thành. Tố Hữu đến với thi ca khá sớm, từ năm 18 tuổi. Cùng năm đó, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Rồi ông bị tù, vượt ngục. Cách mạng tháng Tám, Tố Hữu làm Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa Huế.

Những năm sau Tố Hữu là một cán bộ chính trị quan trọng của chính quyền và ông phải chịu trách nhiệm về việc trấn áp những nhà văn, nhà thơ trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Lịch sử sẽ phán xét ông chứ không phải chúng ta, bởi chúng ta không nhiều thì ít đều yêu những bài thơ của ông. Hãy đọc vài đoạn bài thơ Việt Bắc : 

Mình về mình có nhớ ta? 
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng. 
Mình về mình có nhớ không? 
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn. 

Tiếng ai tha thiết bên cồn 
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi 
Áo chàm đưa buổi phân ly 
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

Những bài thơ của Tố Hữu phần lớn đều giản dị, đời thường và không trau truốt khoa ngôn. Ông thường đưa các thành ngữ vùng miền, câu chữ địa phương vào thơ cùa mình. Thơ của ông giản di, mạnh mẽ, tha thiết và giàu tính chiến đấu của một nhà thơ CM. Bởi ông là một nhà thơ lãng mạn CM xuất sắc nhất trong thể thơ này. 

Trở lại bài thơ Bầm Ơi thì đây cũng là một bài thơ tuyên truyền, lãng mạn CM với các thủ thuật của việc tuyên truyền ấy. Nhưng ta sẽ rút được nhiều điều tuyệt vời, giông giống như với lá thư của người con, chàng Vệ Quốc quân gửi mẹ :

Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều
Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!
Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm..

Bài thơ rất khó lấy ra những câu thơ, hay khổ thơ hay nhất để minh họa. Bởi chúng đứng riêng thì đều bình bình, nhưng khi đứng chung toàn bài thơ thì lại là một đường đi điệu đàng của những câu chữ đơn giản và bình thường nhưng đắc địa để bay bổng. Chỉ một đến hai lần đọc bài thơ, thì cái hay của bài thơ được phát lộ bởi một tay cao thủ về thơ, tức nhà thơ Tố Hữu sắp đặt câu chữ khiến bài thơ hiện ra rõ ràng, chân phương và hay tuyệt. Cũng xin nói thêm là bài thơ Bầm Ơi này, cũng như một số bài khác như Việt Bắc, Điện Biên Phủ, Mẹ Suốt...do tác giả có một vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền nên thơ của ông được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường.khiến cho thơ ông như càng được bay bổng hơn. 

Đọc bài thơ thì bất cứ chiến sĩ nào của bất cứ phe phái nào cũng như tìm được một chút gì của mình trong ấy, và đây là một bài thơ lục bát viết về đề tài Mẹ hay nhất.

Đọc xong thơ ông, không thể không thốt ra lời ngợi khen. Thơ hay tuyệt. Hay đến thế là cùng. Tiên sư anh Tố Hữu...

MTA


Bầm Ơi

Ai về thăm mẹ quê ta
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm...
Bầm ơi có rét không bầm!
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn

Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non
Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.

Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!
Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều
Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!

Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.

Con ra tiền tuyến xa xôi
Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền.
Nhớ thương con bầm yên tâm nhé
Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân.

Con đi xa cũng như gần
Anh em đồng chí quây quần là con.
Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí
Bầm quý con, bầm quý anh em.

Bầm ơi, liền khúc ruột mềm
Có con có mẹ, còn thêm đồng bào
Con đi mỗi bước gian lao
Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm!

Bao bà cụ từ tâm như mẹ
Yêu quý con như đẻ con ra.
Cho con nào áo nào quà
Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi.

Con đi, con lớn lên rồi
Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con!
Nhớ con, bầm nhé đừng buồn
Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm.

Mẹ già tóc bạc hoa râm
Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con...

1948

TỐ HỮU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét