Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Những Bóng Người Trên Sân Ga - Thơ Nguyễn Bính

GIỚI THIỆU 100 BÀI THƠ VIỆT NAM HAY NHẤT

Vâng, mỗi một cuộc chia ly đưa tiễn đều có những nỗi buồn riêng nhưng gom hết cả những nỗi buồn riêng đó vào một nhà ga nhỏ bé buồn tẻ trong một chiều sân ga buồn hiu hắt của những số phận buồn hẩm hiu của kẻ ở người đi, rồi bằng những lát cắt tinh tế thấu hiểu, Nguyễn Bính đã đưa vào bài thơ trên của mình những hình tượng buồn thê lương, buồn muôn thuở cho những cuộc chia ly đưa tiễn...
Xuyên suốt bài thơ là những hình ảnh bịn rịn, lưu luyến không muốn rời nhau của kẻ ở người đi. Và thi sĩ của chúng ta đã hình tượng hóa rất thơ những hình ảnh của những người đi chẳng muốn đi, người tiễn không muốn tiễn này.
Với 2 cô gái thì :
Hai bóng chung lưng thành một bóng.
Hai người yêu :
Họ cầm tay họ bóng liêu xiêu.
Rồi cặp vợ chồng, hay bà mẹ tiễn con thì cũng những câu thơ khiến khiến ta rung động hết mọi tầng nấc của cảm xúc :
Chị mở khăn giầu, anh thắt lại
"Mình về nuôi lấy mẹ mình ơi"
Rồi..
Tàu chạy lâu rồi bà còn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga..
Nhưng có lẽ hình ảnh cuối cùng về một con người "Một mình làm cả cuộc phân ly" một kẻ cô độc trơ trụi không danh không phận như những người khác trên sân ga, cái người đi mà chẳng biết đi đâu, chẳng ai đưa tiễn, chẳng biết tiễn ai, cũng chẳng biết suy nghĩ gì... cái kẻ độc hành hững hờ lẻ loi bước theo... cái bóng của chính mình dường như nói lên tất cả...

Một bài thơ buồn, rất buồn của thi sĩ Nguyễn Bính. Có lẽ ta khó tìm được một bài thơ nào có được tâm trạng nói về cảnh tiễn đưa, cảnh chia ly buồn như thế này.
Mai Tú Ân

NHỮNG BÓNG NGƯỜI TRÊN SÂN GA

Những cuộc chia lìa khởi tự đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày.

Có lần tôi thấy hai cô bé
Sát má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
“Đường về nhà chị chắc xa xôi?”

Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.

Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
Kẻ ở trên toa kẻ dưới tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu.

Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn chia tay bóng chạy dài
Chị mở khăn giầu, anh thắt lại:
“Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”

Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga

Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly.

Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?

Hà Nội, 1937

NGUYỄN BÍNH

Áo Lụa Hà Đông - Thơ Nguyên Sa

GIỚI THIỆU 100 BÀI THƠ VIỆT NAM HAY NHẤT

Bài thơ Áo Lụa Hà Đông của thi sĩ Nguyên Sa, cũng lại là một bài thơ được phổ nhạc rất thành công cùng với bài Paris Có Gì Lạ Không Em của ông.

Áo Lụa Hà Đông 

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát 
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông 
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng 
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng 

Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn 
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh 
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung 
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa 

Gặp một bữa anh đã mừng một bữa 
Gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn 
Thơ học trò anh chất lại thành non 
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu 

Em không nói đã nghe lừng giai điệu 
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh 
Anh đã trông lên bằng đôi mắt chung tình 
Với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt 

Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết 
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu 
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau 
Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại 

Để anh giận mắt anh nhìn vụng dại 
Giận thơ anh đã nói chẳng nên lời 
Em đi rồi, sám hối chạy trên môi 
Những ngày tháng trên vai buồn bỗng nặng 

Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn 
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông 
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng 
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng


NGUYÊN SA

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Vợ Nhặt - Truyện ngắn của Kim Lân

GIỚI THIỆU 100 TRUYỆN NGẮN HAY NHẤT VIỆT NAM 

Trước kia mỗi chiều, cứ vào lúc chạng vạng mặt người thì Tràng đi làm về. Hắn bước ngật ngưỡng trên con đường khẳng khiu luồn qua cái xóm chợ của những người ngụ cư vào trong bến.
Hắn vừa đi vừa tủm tỉm cười, hai con mất nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạch ra, rung rung làm cho cái bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhính những ý nghĩ gì vừa lí thú vừa dữ tợn. Hắn có tật vừa đi vừa nói. Hắn lảm
nhảm than thở những điều hắn nghĩ.
Trẻ con trong xóm, cứ thấy cái thân hình to lớn, vập vạp của hắn từ dốc chợ đi xuống là ùa cả ra vây lấy hắn, reo cười váng lên:
- A a a... Anh Tràng ! Anh Tràng đã về chúng mày ơi !
- Anh Tràng ơi bế em mấy...
- Anh Tràng ơi đã uống rượu chưa?
- Anh Tràng ơi !...
Đứa túm đằng trước, đứa túm đằng sau, đứa cù, đứa kéo, đứa lôi chân không cho đi. Tràng chỉ ngửa mặt lên cười hềnh hệch.
Cái xóm ngụ cư tồi tàn ấy mỗi chiều lại xôn xao lên được một lúc.
Nhưng độ này thì trẻ con không đứa nào buồn ra đón Tràng nữa, chúng nó ngồi ủ rũ dưới những xó đường không buồn nhúc nhích. Trong bóng chiều nhá nhem, Tràng đi từng bước mệt mỏi, chiếc áo nâu tàng(3) vắt sang một bên cánh tay, cái đầu trọc
nhẵn chúi về đằng trước. Hình như những lo lắng, chật vật trong một ngày đè xuống cái lưng to rộng như lưng gấu của hắn.
Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu(4) lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người.
Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa. Mặt hắn có một vẻ gì phởn phơ khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh. Người đàn bà đi sau
hắn chừng ba bốn bước. Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn. Mấy đứa trẻ con thấy lạ vội chạy ra đón xem. Sợ chúng nó đùa như trước, Tràng vội vàng nghiêm
nét mặt, lắc đầu ra hiệu không bằng lòng.
Mấy đứa trẻ đứng dừng lại, nhìn Tràng, đột nhiên có đứa gào
lên:
- Anh Tràng ơi ! - Tràng quay đầu lại. Nó cong cổ gào lên lần nữa
- Chồng vợ hài.
Tràng bật cười:
- Bố ranh !
Người đàn bà có vẻ khó chịu lắm. Thị nhíu đôi lông mày lại, đưa tay lên xóc xóc lại tà áo. Ngã tư xóm chợ về chiều càng xác xơ, heo hút. Từng trận gió từ cánh đồng thổi vào, ngăn ngắt. Hai
bên dãy phố, úp súp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa. Dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết.
Nhìn theo bóng Tràng và bóng người đàn bà lủi thủi đi về bến, người trong xóm lạ lắm. Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. Hình như họ cũng hiểu được đôi phần. Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì
lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ. Một người thở dài. Người khác khẽ thì thầm hỏi:
- Ai đấy nhỉ? ... Hay là người dưới quê bà cụ Tứ mới lên?
- Chả phải, từ ngày còn mồ ma ông cụ Tứ có thấy họ mạc nào lên thăm đâu.
- Quái nhỉ?
Im một lúc, có người bỗng lại cười lên rung rúc:
- Hay là vợ anh cu Tràng? ừ khéo mà vợ anh cu Tràng thật anh em ạ, trông chị ta thèn thẹn hay đáo để.
- Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?
Họ cùng nín lặng.
Người đàn bà như cũng biết xung quanh người ta đang nhìn dồn cả về phía mình, thị càng ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả vào chân kia. Hắn cũng biết thế, nhưng hắn lại lấy vậy làm thích ý lắm, cái mặt cứ vênh lên tự đắc với mình. Người đàn bà
càu nhàu câu gì trong miệng. Hắn quay lại hỏi:
- Gì hả?
- Không.
Hắn cũng càu nhàu:
- Làm gì mà họ khỏe nhìn thế không biết? - Hắn bỗng đứng dừng lại nhìn ngang nhìn ngửa.
- Này bác Tràng ! Bác Tràng ! ...
Sau một khuôn cửa tối, một cái đầu trọc thò ra gọi giật giọng.
Tràng lật đật quay lại.
- Về muộn mấy? Hẵng vào chơi cái đã nào.
Tràng đứng lại thoái thác:
- Thôi ông để cho đến hôm khác.
Cái đầu trọc nháy nháy một con mắt, hất hất về phía người đàn bà hóm hỉnh:
- Cánh nào đấy?
- à hà... người quen. Thôi để hôm khác ông nhá.
Hắn quay ngoắt trở ra, lật đật chạy theo người đàn bà, như người xấu hổ chạy trốn. Người đàn bà đã đi đến trước cái miếu cũ. Tràng gọi với:
- ấy rẽ lối này cơ mà.
- Đằng này à?
- ừ.
Hai người lặng lẽ rẽ xuống một con đường nhỏ. Con đường sâu thăm thẳm, luồn giữa hai bờ tre cao vút. ở đây vắng vẻ, thoải mái. Hắn định nói với thị một vài câu rõ tình tứ mà chẳng biết nói
thế nào. Hắn cứ lúng ta lúng túng, tay nọ xoa xoa vào vai kia đi bên người đàn bà. Thị cũng không nói gì, hai con mắt tư lự(6) nhìn ra phía trước. Tiếng gió trên bờ tre rì rào và tiếng lá khô kêu sào sạc dưới bàn chân.
Trong một lúc Tràng hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hằng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mặt. Trong lòng hắn bây giờ
chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng.
- Sắp đến chưa? - Người đàn bà chợt hỏi.
- Sắp
- Nhà có ai không?
- Có một mình tôi mấy u.
Thị tủm tỉm cười:
- Đã một mình lại còn mấy u. Bé lắm đấy!
Hắn bật cười:
- à nhỉ.
Câu chuyện xem chừng đã thân thân. Hắn đi sát gần bên thị hơn, ngẫm nghĩ một lúc, chợt hắn giơ cái chai con vẫn cầm lăm lăm một bên tay lên khoe:
- Dầu tối thắp đây này.
- Sang nhỉ.
- Khá thôi. Hai hào đấy, đắt quá, cơ mà thôi chả cần.
- Hoang nó vừa vừa chứ.
Hắn chặc lưỡi:
- Vợ mới vợ miếc cũng phải cho nó sáng sủa một tí chứ, chả nhẽ chưa tối đã rúc vào ngay, hì hì...
- Khỉ gió.
Thị phát đánh đét vào lưng hắn, khoặm mặt lại.
Hắn thích chí ngửa cổ cười khanh khách.
Mấy con chó giật mình chạy thọt vào trong lũy thò mõm ra sủa váng lên. Tràng nhặt một hòn gạch vung tay ném mạnh một cái:
- Mẹ bố chúng mày cắn gì thế!
- Vẫn chưa đến à?
- Còn chán.
- Khiếp.
Thị cau mặt lại, giẫy lên. Hắn phì ra cười, cúi xuống nhấc cành dong dấp cổng ra reo lên:
- Đây rồồ- ồi !...
Thị lẳng lặng theo hắn vào trong nhà, cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại. Thị đảo mắt nhìn xung quanh, cái ngực gầy lép nhô hẳn lên, nén một tiếng thở dài. Tràng xăm xăm bước vào trong nhà, nhấc tấm
phên rách sang một bên, thu dọn những niêu bát, xống áo vứt bừa bộn cả trên giường, dưới đất. Hắn quay lại nhìn thị cười cười:
- Không có người đàn bà, nhà cửa thế đấy!
Thị nhếch mép cười nhạt nhẽo. Tràng vỗ vỗ xuống giường đon đả:
- Ngồi đây!... Ngồi xuống đây, tự nhiên...
Người đàn bà theo lời hắn ngồi mớm xuống mép giường. Cả hai bỗng cùng ngượng nghịu. Tràng đứng tây ngây ra giữa nhà một lúc, chợt hắn thấy sờ sợ. Chính hắn cũng không hiểu sao hắn sợ, hắn lấm lét bước vội mấy bước ra sân gắt lên:
- Sao hôm nay bà lão về muộn thế không biết!
Hắn loanh quanh hết chạy ra ngõ đứng ngóng, lại chạy vào sân nhìn trộm vào trong nhà. Thị vẫn ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần.
Hắn nghĩ bụng: "Quái sao nó lại buồn thế nhỉ?... ồ sao nó lại buồn thế nhỉ?...". Hắn nhổ vu vơ một bãi nước bọt, tủm tỉm cười một mình. Nhìn thị ngồi ngay giữa nhà, đến bây giờ hắn vẫn còn ngờ
ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư? Hà ! Việc xảy ra thật hắn cũng không ngờ, hắn cũng chỉ tầm phơ tầm phào đâu có hai bận ấy thế mà thành vợ thành chồng...
ít lâu nay hắn xe thóc Liên đoàn lên tỉnh. Mỗi bận qua cửa nhà kho lại thấy mấy chị con gái ngồi vêu ra ở đây. Hắn đoán họ ngồi đấy nhặt hạt rơi vãi, hay ai có công việc gì gọi đến thì
làm. Một lần hắn đang gò lưng kéo cái xe bò thóc vào dốc tỉnh, hắn hò một câu chơi cho đỡ nhọc. Hắn hò rằng:
"Muốn ăn cơm trắng mấy giò này!
Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì!"
Chủ tâm hắn cũng chẳng có ý chòng ghẹo cô nào, nhưng mấy cô gái lại cứ đẩy vai cô ả này ra với hắn, cười như nắc nẻ:
- Kìa anh ấy gọi! Có muốn ăn cơm trắng mấy giò thì ra đẩy xe bò với anh ấy!
Thị cong cớn:
- Có khối cơm trắng mấy giò đấy! Này, nhà tôi ơi, nói thật hay nói khoác đấy?
Tràng ngoái cổ lại vuốt mồ hôi trên mặt cười:
- Thật đấy, có đẩy thì ra mau lên!
Thị vùng đứng dậy, ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng.
- Đã thật thì đẩy chứ sợ gì, đằng ấy nhỉ ! - Thị liếc mắt, cười tít.
Tràng thích lắm. Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chưa có người con gái nào cười với hắn tình tứ như thế.
Lần thứ hai, Tràng vừa trả hàng xong, ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ tỉnh thì thị ở đâu sầm sập chạy đến. Thị đứng trước mặt hắn sưng sỉa nói:
- Điêu ! Người thế mà điêu !
Hắn giương mắt nhìn thị, không hiểu. Thật ra lúc ấy hắn cũng chưa nhận ra thị là ai. Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ
còn thấy hai con mắt.
- Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt.
à, hắn nhớ ra rồi, hắn toét miệng cười:
- Chả hôm ấy thì hôm nay vậy. Này hẵng ngồi xuống ăn miếng giầu đã.
- Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu.
Thị vẫn đứng cong cớn trước mặt hắn.
- Đây, muốn ăn gì thì ăn.
Hắn vỗ vỗ vào túi:
- Rích bố cu(9), hở!
Hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên, thị đon đả:
- ăn thật nhá! ừ ăn thì ăn sợ gì.
Thế là thị ngồi sà xuống ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở:
- Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố.
Hắn cười:
- Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về.
Nói thế Tràng cũng tưởng là nói đùa, ai ngờ thị về thật. Mới đầu anh chàng cũng chợn(10), nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng(11). Sau không
biết nghĩ thế nào hắn chặc lưỡi một cái:
- Chặc, kệ!
Hôm ấy hắn đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê rồi cùng đẩy xe bò về...
Tràng chợt đứng dừng lại, lắng tai nghe. Ngoài ngõ có tiếng người húng hắng ho, một bà lão từ ngoài rặng tre lọng khọng đi vào ngõ. Bà lão vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng.
Thấy mẹ, Tràng reo lên như một đứa trẻ, và gọi với vào trong nhà:
- U đã về đấy!
Hắn lật đật chạy ra đón:
- Hôm nay sao u về muộn thế ! Làm tôi đợi nóng cả ruột. Bà cụ Tứ nhấp nháy hai con mắt nhìn Tràng, chậm chạp hỏi:
- Có việc gì thế vậy?
- Thì u hẵng cứ vào trong nhà đã nào.
Bà lão phấp phỏng bước theo con vào trong nhà. Đến giữa sân bà lão đứng sững lại, bà lão càng ngạc nhiên hơn. Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ? Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn ra thì phải. Bà lão nhìn kỹ người đàn bà lẫn nữa, vẫn chưa nhận
ra người nào. Bà lão quay lại nhìn con tỏ ý không hiểu.
Tràng tươi cười:
- Thì u hẵng vào ngồi lên giường lên diếc chĩnh chện cái đã nào.
Bà lão lập cập bước vào. Người đàn bà tưởng bà lão già cả, điếc lác, thị cất tiếng chào lần nữa:
- U đã về ạ!
Ô hay, thế là thế nào nhỉ? Bà lão băn khoăn ngồi xuống giường.
Tràng nhắc mẹ:
- Kìa nhà tôi nó chào u.
Thấy mẹ vẫn chưa hiểu, hắn bước lại gần nói tiếp:
- Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau... Chẳng qua nó cũng là cái số cả...
Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong
sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?
Bà lão khẽ thở dài đứng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được... Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con... May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này(12) thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu
chứ biết thế nào mà lo cho hết được?
Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với "nàng dâu mới":
- ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...
Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi. Hắn ho khẽ một tiếng, bước từng bước dài ra sân. Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời:
- Nhà ta nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau.
Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối. Mùi đốt đống rấm(13) ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt. Bà lão thở nhẹ ra một hơi dài. Bà lão nghĩ
đến ông lão, nghĩ đến đưa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?...
- Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân.
Bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót. Nó bây giờ là dâu là con trong nhà rồi. người đàn bà khẽ nhúc nhích, thị vẫn khép nép đứng nguyên chỗ cũ. Bà lão hạ thấp giọng xuống thân mật:
- Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chỉ cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy.
Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá...
Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng. Tràng đứng ngoài thấy vậy, hắn bực mình quá hầm hầm bước vào trong nhà, đánh diêm đốt đèn. Thấy sáng, bà lão vội vàng lau nước mắt ngửng lên:
- Có đèn đấy à? ừ thắp lên một tí cho sáng sủa... Dầu bây giờ đắt gớm lên ấy mày ạ.
Bà lão đứng dậy uể oải sang giường bên kia nằm. Tràng làu bàu trong miệng: "Chán quá, chẳng đâu vào đâu tự nhiên cũng khóc!"
Tiếng bà cụ Tứ bên kia nói với sang:
- Hôm nào nghỉ ở nhà kiếm lấy ít nứa về đan cái phên mà ngăn ra mày ạ.
- Vâng.
Tràng ngoan ngoãn đáp lời mẹ. Hắn toan quay lại bảo thị cởi áo đi nằm, nhưng thấy thị ngồi bần thần dưới chân giường tự nhiên hắn lại không dám. Hắn lẳng lặng ngồi xuống cái ghế bên cạnh, cả hai cùng sượng sùng chả biết nói gì. ánh đèn vàng
đục ở góc nhà tỏa ra ấm áp và kéo dài hai cái bóng trên vách. Bên ngoài gió từ mặt sông thổi lên rì rào như tiếng người thầm thì nói chuyện. Giữa sự im lặng của đôi vợ chồng mới, có tiếng ai hờ khóc(14) ngoài xóm lọt vào tỉ tê lúc to lúc nhỏ. Người đàn bà bỗng thở dài. Tràng quay lại khẽ hỏi:
- Buồn à?
- Không.
- Gớm sao lúc này nói chuyện dai thế, đợi sốt cả ruột.
Thị lườm hắn không trả lời. Hắn xích lại cười cười:
- Thôi khuya rồi đấy, ngủ đi.
Thị giơ tay củng vào trán hắn:
- Chỉ được cái thế là nhanh. Dơ!
Hắn cười khì khì, vươn cổ thổi tắt phụt ngọn đèn. Trong đêm khuya tiếng hờ khóc tỉ tê nghe càng rõ...
Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải.
Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay xè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà
cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên (15) ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước (16) vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm
ắp. Đống rác mùn tung hoành ngay lối đi đã hót sạch.
Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà.
Bà cụ Tứ chợt thấy con giai đã dậy, bà lão nhẹ nhàng bảo nàng dâu:
-Anh ấy dậy rồi đấy. Con đi dọn cơm ăn chẳng muộn.
-Vâng.
Người đàn bà lẳng lặng đi vào trong bếp. Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn(17) như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh. Không biết có phải vì mới làm dâu mà thị tu chí làm
ăn không? Bà mẹ Tràng cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xắn(18) thu dọn, quét tước nhà cửa. Hình như ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp cửa nhà cho quang quẻ, nề nếp thì cuộc
đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn.
Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này:
-Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tin rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem...
Tràng chỉ vâng. Tràng vâng rất ngoan ngoãn. Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế. Câu chuyện trong bữa ăn đang đà vui bỗng ngừng lại. Niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn.
Bà lão đặt đũa bát xuống, nhìn hai con vui vẻ:
-Chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ.
Bà lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút. Bà lão đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm, cầm cái môi vừa khuấy khuấy vừa cười:
-Chè đây. - Bà lão múc ra một bát - Chè khoán(19) đây, ngon đáo để cơ.
Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng. Tràng cầm cái bát thứ hai mẹ đưa cho, người mẹ vãn tươi cười, đon đả:
-Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy.
Tràng cầm đôi đũa, gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Bữa com từ đấy không ai nói câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong lần, họ tránh nhìn mặt nhau. Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi
người.
Ngoài đình bỗng dội lên một hồi trống, dồn dập, vội vã. Đàn quạ trên những cây gạo cao chót vót ngoài bãi chợ hôt hoảng bay vù lên, lượn thành từng đám bay vần trên nền trời như những đám mây đen.
Người con dâu khẽ thở dài, thị nói lí nhí trong miệng:
-Trống gì đấy, u nhỉ?
-Trống thúc thuế đấy. Đằng thì nó bắt gồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ... - Bà lão ngoảnh vội ra ngoài. Bà lão không dám để con dâu nhìn thấy bà khóc.
Người con dâu có vẻ lạ lắm, thị lầm bầm:
- ở đây vẫn phải đóng thuế cơ à?
Im lặng một lúc thị lại tiếp:
-Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật, chia cho người đói nữa đấy.
Tràng thần mặt ra nghĩ ngợi. Cái mặt to lớn bặm lặi, khó đăm đăm. Miếng cám ngậm trong miệng hắn đã bã ra chát xít... Hắn đang nghĩ đến những người phá kho thóc Nhật.
Tràng hỏi vội trong miếng ăn:
-Việt Minh phải không?
-ừ, sao nhà biết?
Tràng không trả lời. Trong ý nghĩ của hắn vụt hiện ra cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đàng trước có lá cờ đỏ to lắm.
Hôm ấy hắn láng máng nghe người ta nói họ là Việt Minh đấy. Họ đi cướp thóc đấy. Tràng không hiểu gì sợ quá, kéo vội xe thóc của Liên đoàn tắt cánh động đi lối khác.
à ra họ đi phá kho thóc chia cho người đói. Tự dưng hắn thấy ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu.
Ngoài đình tiếng trống thúc thuế vẫn dồn dập. Mẹ và vợ Tràng đã buông đũa đứng dậy.
Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới...
Kim LâN
________________

Bài thơ Sống - Một bài thơ để học làm Người.

Sống không giận không hờn không oán trách
Sống mỉm cười để thử thách với chông gai 
Sống vươn lên cho kịp ánh nắng mai
Sống giữa muôn người không biết sống...
Sống là động nhưng không giao động
Sống là thương nhưng chẳng vấn vương
Sống hiên ngang nhưng chẳng khác thường
Sống để đời nói mình đáng Sống...

VÔ DANH
Đây là phần đầu của một bài thơ Phật Pháp có từ lâu đời của một tác giả vô danh. Bài thơ dài nhưng theo thuyết Từ Bi Hỉ Xả đầy lòng nhân ái của nhà Phật...Nhưng ai đó đời xưa đã cắt ra 8 câu thơ đầu tiên, sửa chữa đôi chút để biến nó thành một bài thơ với chỉ có 8 câu thơ như 8 lẽ sống trên đời của một đấng nam nhi, một đấng trượng phu Đầu Đội Trời Chân Đạp Đất - Dọc Ngang Nào Biết Trên Đầu Có Ai, nhưng lại là một người Khiêm Nhường - Khiêm Tốn, Khiêm Tâm...Rèn Trí, Luyện Tâm, Phấn Đấu Vươn Lên...để trở thành một con người, nhưng là một con người bình thường với chữ Người viết Hoa. Tám câu thơ như 8 lời kêu gọi, 8 lời hiệu triệu, 8 ngọn cờ mà ai ai cũng phải phấn đấu học hỏi....
Bài thơ Sống này, với toàn những câu thơ mở đầu bằng chữ Sống viết hoa và kết cũng là chữ Sống viết Hoa. Đây là một trong hai bài thơ Tổ của giới giang hồ tù đầy, những người Cách Mạng kiên cường xăm lên người để khắc cốt ghi tâm (bài thơ kia là bài thơ Nhớ Rừng của Thế Lữ)  Bài thơ từ lâu đã là một khẩu hiệu máu cho những kẻ hảo hán, những anh hùng mã thượng cho đến cả những con người mạnh mẽ muốn vươn thuộc nằm lòng. và anh sẽ trở lại bàn về những lợi ích mà những cuốn sách giá trị đó mang lại cho những người có Trí, có Khí và có Tâm)
Nó vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện và là vũ khí tinh thần cho những con người có chí khí.  Một bài thơ mạnh mẽ như đá tảng với khẩu khí ngang tàng, nhưng không ngang ngược, như 8 viên ngọc trong 8 tảng đá dành cho những người muốn Tu Thân - Dưỡng Tính để vươn lên làm Người. Hãy đọc, hãy thuộc, hãy xăm lên da, hãy ghi lên óc, hãy khắc trong xương để cho những vần thơ hào hùng, quyết liệt nhưng cũng đầy tình thương yêu của Đời, đầy tình yêu thương bao la của nhà Phật mãi tuôn chảy trong huyết quản, trong máu thịt của mỗi chúng ta...
MTA

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Tình Yêu Cuộc Sống - Truyện ngắn của Jack London

GIỚI THIỆU 100 TRUYỆN NGẮN NƯỚC NGOÀI HAY NHẤT

Họ hì hụi tập tễnh xuống bờ suối, và có lần gã đi đầu trong số hai người loạng choạng giữa lớp đá lởm chởm. Họ mệt, yếu lử lả và mặt họ thuỗn ra cái vẻ nhẫn nại do chịu đựng gian khổ đã lâu. Họ đeo những bó nặng bọc mềm có quai đeo vào vai. Những bọc này còn có những đai đầu quàng qua trán cho đỡ nặng. Mỗi người mang một cây súng trường. Họ bước đi trong tư thế lom khom, vai chúi hẳn về đằng trước, đầu còn nhô xa hơn, mắt cúi gằm xuống đất.

- Giá như chúng mình có hai viên đạn ở chỗ giấu của chúng mình - người thứ hai nói.
Giọng gã hoàn toàn vô cảm một cách buồn tẻ. Gã nói không một chút hào hứng; và người đi đầu trật trà trật trưỡng trong dòng suối trắng như sữa sủi bọt trên những mô đá, không buồn trả lời. 
Gã kia theo sát gót hắn ta. Họ không cởi giày, tất gì hết, mặc dầu nước giá lạnh, lạnh đến nỗi đau cả mắt cá và bàn chân tê cóng. Có những chỗ, nước xô vào đầu gối họ, và cả hai chệnh choạng quờ tìm chỗ đặt chân.
Gã đi sau trượt chân trên một phiến đá nhẵn lì, suýt ngã, nhưng hết sức cố gắng gượng dậy, đồng thời ré lên một tiếng kêu đau. Gã có vẻ lả đi, chóng mặt và trong khi lảo đảo, giơ bàn tay rảnh ra như muốn níu vào không khí. Khi đứng vững rồi, gã bước tiếp nhưng lại lảo đảo và suýt ngã lần nữa. Rồi gã đứng im và nhìn người kia, tay này không ngoảnh đầu lại lấy một lần.
Gã đứng im cả một phút như bàn luận với chính mình, rồi lên tiếng gọi:
- Này Bil, mình bị trẹo mắt cá rồi. 
Bil vẫn ngật ngưỡng đi qua dòng nước trắng sữa. Hắn không quay lại nhìn. Gã kia ngó theo hắn đi và tuy mặt gã vẫn đờ đẫn như trước, nhưng cặp mắt thì lại như mắt một con nai bị thương.
Người nọ tập tễnh lên bờ bên kia và tiếp tục đi thẳng không nhìn lại. Gã ở giữa dòng ngó theo. Môi gã run rẩy khiến lớp lông nâu phủ bên trên động đậy rõ rệt. Cả lưỡi gã cũng thè ra liếm môi.
- Bil ! - gã gọi to
Đó là tiếng kêu khẩn cầu của một người khoẻ mạnh trong cơn quẫn bách, nhưng Bil không ngoái đầu lại. Gã kia nhìn theo hắn đi, tập tễnh đến tức cười và loạng quạng tiến dần từng bước theo bờ dốc thoải hướng tới nét lượn mềm in lên nền trời của trái đồi thấp. Gã nhìn theo cho đến khi Bil đi qua đỉnh đồi và biến mất. Rồi gã xoay hướng nhìn và từ từ đảo mắt vòng quanh thế giới còn lại với gã giờ đây khi Bil đã đi khỏi. 
Gần chân trời , vầng dương thoi thóp mờ mờ, gần như bị những đám sương mù và hơi không ra hình thù gì che khuất, gây một cảm giác về tảng khối và đậm đặc không đường nét hoặc không cụ thể. gã rút đồng hồ ra xem, dồn trọng lượng toàn thân trên một chân. Đã bốn giờ và vì đận này đã gần cuối tháng bảy hay đầu tháng tám - trong vòng một, hai tuần nay, gã không còn nhớ đích xác ngày tháng - gã biết là mặt trời lúc này ang áng chỉ hướng tây bắc. Gã nhìn về phía nam và biết răng đâu đó bên kia những trái đồi heo hút này, là Hồ Gấu Lớn; gã cũng biết rằng ở phía ấy vòng tròn bắc cực cắt ngang vùng hoang địa Canada. Con suối mà gã đang đứng giữa dòng là một nguồn tiếp nước ra sông Mỏ Đồng, sông này lại chảy theo hướng bắc đổ vào Vịnh Đăng Quang và Bắc Băng Dương. Gã chưa bao giờ tới đó, nhưng gã đã thấy nơi ấy một lần trên một tấm bản đồ của công ty Vịnh Haxđơn. 
Một lần nữa, mắt gã lại đảo khắp một vong cái thế giới quanh gã. Một quang cảnh không lấy gì làm phấn khởi. Đâu đâu cũng là đường chân trời mềm mại. Các trái đồi đều thấp. Chẳng có cây to, cây nhỏ cũng chẳng có cỏ, chẳng có gì ngoài một sự tiêu điều mênh mông và ghê gớm, khiến cái sợ mau chóng nhóm lên trong mắt gã.
- Bil ! - gã thì thào, một lần rồi hai lần : - Bil !
Gã co ro giữa dòng nước trắng sữa, như thể khoảng không rộng lớn đang ép lên gã với một sức mạnh áp đảo, đè dí gã một cách thô bạo với sự uy nghi đầy tự mãn của nó. Gã bắt đầu run lên như cơn sốt, cho đến khi cây súng rơi đánh tõm khỏi tay gã . Điều đó có tác dụng khuấy động gã. Gã đấu tranh với nỗi sợ và trấn tĩnh lại, mò xuống nước nhặt cây súng lên. Gã nhích cái bọc qua về phía vai trái, để chuyển bớt một phần trọng lượng khỏi đè lên phía mắt cá bị thương. Rồi gã từ từ và thận trọng tiến vào bờ, mặt nhăn nhó vì đau. 
Gã không dừng lại. Với một sự tuyệt vọng như điên, bất kể đau, gã hối hả lên dốc tới tận đỉnh đồi, nơi ban gã đã đi khuất, dáng vẻ còn tức cười hơn nhiều so với tay bạn tập tễnh, ngật ngưỡng nọ. Nhưng tới đỉnh, gã trông thấy một thung lũng nông, trống vắng sự sống. Gã lại đấu tranh với cái sợ, vựot lên được , nhích thêm cái bọc qua nửa vòng phía vai trái và tiếp tục lảo đảo xuống dốc. 
Đáy thung lũng sũng nước được lớp rêu dày, tựa bọt biển, hút xâm xấp trên mặt. Nước ấy, cứ mỗi bước, lại bắn vọt từ dưới chân gã và mỗi lần gã nhấc chân lên, lại nghe kêu đánh oạp khi lớp rêu ướt miễn cưỡng nhả ra. Gã lách đường từ đám lầy này sang đám lầy khác và dò theo dấu chân của người kia, dọc, ngang những gờ đá lô nhô như những hòn đảo nhỏ giữa biển rêu.
Tuy có một mình, nhưng gã không lạc. Gã biết đi quá nữa, gã sẽ đến chỗ có những cây vân sam và linh sam chết nhỏ xíu và quắt queo bên bờ một con hồ nhỏ, Titsinisili, tiếng địa phương có nghĩa là " Vùng đất của những chiếc que nhỏ ". Và chảy vào hồ ấy, là một con suối nhỏ, nước không lờ lờ màu trắng sữa. Trên bờ dòng suối này có cỏ bấc, điều này gã nhớ rất rõ, nhưng không có cây to, và gã sẽ ngược theo nó đến đầu nguồn của một đường phân thuỷ. Gã sẽ qua đường phân thuỷ đó, tới đầu nguồn một con suối khác chảy vào sông, ở đấy gã sẽ tìm thấy một chỗ cất giấu dưới một cái xuồng lật xấp, với nhiều phiến đá xếp chồng lên trên. Và trong chỗ cất giấu ấy, sẽ có đạn cho cây súng rỗng không của gã, lưỡi câu và dây câu, một cái lưỡi nhỏ , tất cả những thứ đó dùng cho việc giết và bẫy mồi làm thức ăn. Gã cũng sẽ tìm thấy bột mì, không nhiều, một miếng thịt lợn và chút ít đậu.
Bil sẽ đợi gã ở đó và họ sẽ chèo xuồng xuôi về nam trên sông Đijơ đến Hồ Gấu Lớn. Và họ sẽ xuyên qua hồ về phía nam, cứ phía nam đi miết cho đến khi tới sông Meckenji. và lại hướng nam, vẫn hướng nam, họ sẽ tiếp tục đi, trong khi mùa đông hoài công đuổi theo họ, băng đóng trong những xoáy nước, và ngày trở nên lạnh giá và hanh, cứ hướng nam mà tiến, đến một trạm ấm áp nào đó của công ty Vịnh Haxđơn, ở đó có cây mọc cao và thoáng, ở đó có ê hề đồ ăn, thức uống. 
Đó là những ý nghĩ của người đàn ông này, khi gã gắng sức dấn bước. Nhưng dầu nỗ lực mấy về thể xác, gã cũng nỗ lực không kém về tinh thần, cố nghĩ rằng Bil không bỏ gã, rằng Bil chắc chắn sẽ chờ gã ở chỗ cất giấu. Gã buộc phải nghĩ vậy, nếu không thì việc gì phải ráng sức, cứ nằm xuống và chết cho rồi. Và trong khi mặt trời như quả cầu mờ từ từ lặn xuống mé tây bắc, gã điểm qua suốt lượt, nhiều lần, từng phần một chặng đương trốn chạy xuống phía nam của gã và Bil trước khi mùa đông tới. Và gã xem đi xét lại những đồ ăn ở nơi cất giấu và ở trạm của mọc ở đầm lầy, bỏ vào miệng, nhai và nuôtcông ty Vịnh Haxđơn. Đã hai ngày, gã không ăn gì cả, trong một thời gian dài hơn thế nhiều, gã phải bóp miệng, không có đủ những gì gã muốn ăn. Nhiều lúc, gã cúi xuống nhặt những quả tai tái mọc ở đầm lầy, bỏ vào miệng, nhai và nuốt. Đó là một tí hạt bọc trong một tí cùi nước. Bỏ vào mồm, cùi nước tan ra và hạt nhai găn gắt, đắng nghét. Gã biết quả ấy chẳng bổ béo gì, song cứ kiên nhẫn nhai, với một hi vọng lớn hơn kiến thức và bất chấp kinh nghiệm.
Đến chín giờ, gã vấp ngón chân vào một mô đá và chỉ vì mệt và yếu, gã lảo đảo, quỵ ngã. Gã nằm nghiêng một lúc, không động cựa. Rồi gã rút tay ra khỏi quai đeo bọc và lóng ngóng gượng ngồi dậy. Trời chưa tối hẳn và trong ánh hoàng hôn còn vương lại, gã rờ rẫm quanh, tìm những mảng rêu khô giữa những phiến đá. Khi đã vun lại được một đống, gã đốt lên một ngọn lửa, một ngọn lửa lom rom, lem nhem, và đặt lên một bình thiếc đựng nướcđể đun sôi.
Gã mở cái bọc và việc đầu tiên là đếm các que diêm. Có sáu mươi bảy que. Gã đếm tới ba lần cho chắc. Gã chia làm nhiều phần, gói bằng giấy dầu, cất một bó vào cái túi đựng thuốc lá đã rỗng không , một bó khác vào đai trong của chiếc mũ nhàu nát, bó thứ ba vào dưới ngực áo sơ mi. Làm xong việc đó, gã chợt hoảng và giở tất cả ra đếm lại. Vẫn còn nguyên sáu mươi bảy que.
Gã hong giầy tất bên bếp lửa cho khô. Đôi giày da đanh rách bươm, ướt sũng. Bít tất nhiều nhỗ thủng, chân gã trầy da cà rướm máu. Mắt cá giần giật và gã xem xét kỹ chỗ đau. Nó đã sưng lên to bằng đầu gối. Gã xé ở một trong hai tấm mền ra một miếng dài và buộc chặt lấy mắt cá. Gã xé thêm nhiều dải khác buộc quanh hai chân thay cả giầy lẫn tất. Rồi gã uống bình nước nóng bốc hơi, lên giây đồng hồ và mò vào giữa hai lớp mền chăn.
Gã ngủ như chết. Bóng tối ngắn ngủi vào khoảng nửa đêm, đến rồi đi. Măth trời lên ở mạn đông bắc, chí ít là ngày đã rạng ở khu vực ấy, vì mặt trời bị những đám mây xám che khuất.
Sáu giờ, gã thức giấc, nằm ngủ bình thản. Gã nhìn thẳng lên bầu trời xám và biết rằng mình đói. Khi chống khuỷu tay xoay người đi, gã giật mình vì một tiếng khịt to và trông thấy một con tuần lộc caribu đực đang nhìn gã với vẻ tò mò cảnh giác. Con vật cách gã không quá mười lăm mét và lập tức trong óc gã bật lên hình ảnh và vị thơm ngon của một miếng bit-tết caribu rán xèo trên bếp lửa. Như cái máy, gã với tay ra lấy cây súng rỗng không nhằm và bóp cò. Con tuần lộc khịt khịt và nhảy đi, móng nện lóc cóc khi chạy qua những mô đá.
Gã rủa một tiếng rồi quẳng cây súng rỗng không khỏi mình. Gã rên to khi bắt đầu nhổm người đứng dậy. Đó là một công việc chậm chạp và gay go. Các khớp xương của gã như những bản lề gỉ. Chúng ngúc ngắc khó khăn trong hốc xương vì cọ sát nhiều, và mỗi động tác gập vào hay duỗi ra đều chỉ thực hiện được với sự cố gắng ghê gớm. Cuối cùng khi gã điều khiển được đôi chân, lại mất độ một phút nữa để đứng thẳng lên được, đứng như tư thế của một con người. 
Gã bò lên một cái gò nhỏ và nhìn khắp xung quanh. Không có cây to, cũng chẳng có cây bụi, chẳng có gì ngoài một biển rêu xám, lác đác điểm xuyết bằng những tảng đá xám, những hồ nhỏ màu xám, những suối nhỏ màu xám. Bầu trời cũng xám. Không có nắng, cũng chẳng thấy dấu hiệu gì của mặt trời ; gã không còn biết đâu là phương bắc và gã đã quên đêm qua gã đã đến chỗ này bằng cách nào. Nhưng gã không lạc. Điều đó thì gã biết. Chẳng bao lâu gã sẽ đến Vùng đất của những chiếc que nhỏ . Gã cảm thấy nó nằm bên trái đâu đấy không xa, có thể nagy sau trái đồi thấp sắp tới.
Gã quay lại xếp cái bọc cho vuông vức để lên đường. Gã kiểm tra cho chắc chắn là vẫn còn ba gói diêm riêng rẽ, tuy nhiên gã không mất thì giờ đếm lại. Nhưng gã có lần chần, cân nhắc về một cái túi da nai bè bè. Nó không to. Gã có thể che dấu nó dưới hai bàn tay mình. Gã biết nó nặng mười lăm "pao" - bằng phần còn lại của cái bọc- và nó làm gã băn khoăn. Cuối cùng, gã để nó sang một bên và cuộn cái bọc lại. Gã ngừng lạ, đăm đăm nhìn cái túi da nai bè bè. Gã nhặt vội nó lên, đưa mắt nhìn quanh ra chiều thách thức, tựa hồ sự hoang sơ đang chực cướp nó đi vậy, và khi gã đứng dậy để loạng choạng đi vào ngày mới, thì nó đã được gói gọn trong cái bọc trên lưng.
Gã rẽ sang bên trái, thỉnh thoảng dừng lại để ăn những trái cây đầm lầy. Mắt cá gã đã cứng ngắc, bước đi cà nhắc hơn, nhưng cái đau ấy hồ như chẳng thấm gì so với cái đau hành hạ dạ dày. Những cơn đói quặn thắt ruột thắt gan cứ nhay huỷ cho đến khi gã không thể giữ cho đầu óc tập trung vào lộ trình gã phải theo để tới Vùng đất của những chiếc que nhỏ. Những trái cây đầm lầy không làm sao giảm nhẹ được sự nhay nghiến đấy, mà chỉ làm cho lưỡi và vòm miệng gã đau rộp lên.
Gã tới một thung lũng, tại đó gà gô núi đá vỗ cánh rào rào bay lên từ những gờ đá và bãi lầy. "Kéc ... kéc ... kéc ", chúng kêu như vậy. Gã lấy đá ném nhưng không trúng con nào. Gã đặt cái bọc xuống đất và rón rén đến gần chúng như mèo định lén bắt chim sẻ. Đá nhọn cứa qua ống quần đến độ đầu gối gã để lại một vết máu. Nhưng cái đau ấy chìm trong cái đau đói bụng. Gã bò ngoằn ngoèo trên lớp rêu ướt, quần áo ướt đẫm, người rét run ; những cơn sốt cuồng đòi ăn quá lớn, khiến gã không còn biết tới cảm giác đó. Và lũ gà gô vẫn bay lên rào rào trước mặt gã, đến khi tiếng "kéc ... kéc" của chúng trở thành một sự trêu chọc đối với gã, và gã rủa chúng, quát ngậu lên với chúng.
Một lần, gã bò tới một con, chắc đang ngủ. Mãi đến lúc nó vụt lên từ hốc đá ngay trước mặt gã, gã mới trông tháy nó. Gã chộp một cái, cũng bất thần như con gà gô bay lên, và trong tay gã còn lại ba cái lông đuôi. Nhìn theo nó bay, gã thấy căm thù nó như thể nó đã hại gã một điều gì ghê gớm lắm. Rồi gã quay lại và khoác cái bọc lên vai.
Giờ này qua giờ khác gã đi vào những thung lũng hoặc những chỗ đất thấp lầy còn nhiều thú săn hơn nữa. Một đàn tuần lộc caribu đi qua, có toíư hơn hai chục con, ở trong tầm súng như trêu ngươi. Gã cảm thấy một khao khát cuồng dại muốn đuổi theo chúng, tin chắc mình có thể bắt được chúng. Một con cáo đen tiến về phía gã, mồm ngậm một chú gà gô. Gã la lên. Đó là một tiếng kêu ghê sợ, nhưng con cáo hốt hoảng nhảy đi, không buông rơi con gà gô. 
Xế chiều, gã lần theo một con suối, nước lờ lờ chất vôi, chảy qua những vạt cỏ bấc rải rác. Nắm chặt những bụi cỏ bấc ấy ở quãng gần rễ, gã nhổ lên một cái gì từa tựa một đọt hành non, không lớn hơn chiếc đinh ván. Nó mơn mởn và răng gã cắm ngập vào đó, gặm rau ráu tưởng chừng sẽ là món ăn tuyệt diệu. Nhưng thớ nó rắn cấc. Nó gồm những sợi đẫm nước, như những trái cây bãi lầy nọ, và chẳng có chất dinh dưỡng gì. Gã quẳng cái bọc xuống và quỳ gối bò vào đám cỏ bấc, gặm và nhai trệu trạo như trâu bò.
Gã rất mệt và nhiều lúc muốn nghỉ, nằm ềnh ra và ngủ ; nhưng gã vẫn bị thôi thúc dấn bước liên tục bởi cái đói hơn là bởi nỗi mong muốn tới được Vùng đất của những chiếc que nhỏ. Gã sục những vũng nước mò ếch nhái và lấy móng tay đào đất tìm giun, mặc dầu gã biết ở mạn cực bắc này chẳng làm gì có ếch nhái cũng như giun.
Gã hoài công soi mói từng vũng nước, cho đến khi hoàng hôn đến, gã mới phát hiện ra một con cá lẻ loi, bằng cỡ một con cá tuê, trong một cái vũng như vậy. Gã thọc tay xuống nước đến tận vai, nhưng con cá lẩn thoát. Gã với cả hai tay ra chộp nó, khuấy tung lớp bùn đục lờ dưới đáy. Thế là nước đục ngầu lên khiến gã không thấy nó đâu nữa và buộc phải đợi cho bùn lắng xuống.
Cuộc săn bắt tiếp tục, cho đến khi nước lại đục ngầu lên. Nhưng gã không thể đợi được nữa. Gã tháo chiếc xô thiếc và bắt đầu tát nước. Thoạt đầu gã tát như điên, bắn vung cả lên người, và hắt nước gần quá thành thử lại chảy về vũng. Rồi gã làm thận trọng hơn, cố gắng bình tĩnh, mặc dầu tim đập vào thành ngực thình thịch và hai tay run lên. Được nửa giờ, vũng nước gần cạn khô. Chỉ còn không đầy một cốc nước. Mà chẳng thấy cá đâu. Gã tìm ra một khe nứt giữa lớp đá, nó đã chui qua đó trốn sang cái vũng bên cạnh to hơn, một cái vũng mà có bỏ cả một ngày, một đêm gã cũng chẳng thể tát cạn. Nếu có biết cái khe nứt ấy thì gã ắt đã lấy một hòn đá bịt lại từ đầu và giờ đây con cá ắt đã là của gã.
Nghĩ thế, gã vật mình vật mẩy trên nền đất ướt. Mới đầu gã khoc khe khẽ một mình, rồi khóc to tướng với cả cảnh hoang sơ vô tình bao quanh gã ; và hồi lâu sau, người gã còn rung lên những tiếng nấc khan.
Gã đốt một đống lửa, uống hàng ca nước nóng cho ấm người ; và hạ trại trên một gờ đá như đêm trước. Việc làm sau cùng của gã là lo cho số diêm thật khô ráo và lên dây đồng hồ. Những tấm mền thì ướt và dính nháp. Mắt cá gã đau giần giật. Nhưng gã chỉ biết rằng gã đói và, qua giấc ngủ náo động, gã mơ thấy tiệc lớn, tiệc nhỏ và thức ăn bày la liệt theo đủ mọi cách có thể tưởng tượng được .
Gã thức dậy, rét run và nôn nao. Không một chút nắng. Màu xám của đất và trời đã trở nên đậm hơn, sâu hơn. Một ngọn gió rét căm căm thổi và những bông tuyết đầu tiên làm trắng xoá những đỉnh đồi. Không khí quanh gã dày đặc thêm và quánh dần trong khi gã đốt một đống lửa và đun thêm nước. Tuyết ướt, gàn như mưa, và những bông tuyết vừa to vừa sũng nước. Thạot đầu, mới chạm đất, chúng đã chảy liền, nhưng mỗi lúc một xuống nhiều, phủ kín mặt đất, dập tắt lửa làm hỏng cả chỗ rêu dự trữ làm chất đốt của gã.
Điều đó thành một tín hiệu cho gã khoác cái bọc lên vai và ngật ngưỡng bước tiếp, không biết là đi đến đâu. Gã không bận tâm đến Vùng đất của những chiếc que nhỏ, cũng như đến Bil và chỗ cất giấu dưới cái xuồng lật sấp bên dòng sông Đir nữa. Thống ngự gã lúc này là động từ "ăn". Gã đang đói điên người. Gã chẳng để ý gì đến hướng đường gã đang đi theo, chừng nào hướng ấy dẫn gã qua những bãi thấp. Gã dò dẫm qua tuyết ướt lần tới những trái cây đầm lầy mọng nước và đi bằng cảm giác trong khi gã nhổ những rễ cỏ bấc. Nhưng cái món này thật vô vị không thoả mãn được gì cả. Gã tìm được một thứ cỏ có vị chua và kiếm được bao nhiêu cỏ ấy, gã ăn tuốt, cũng chẳng nhiều nhặn gì, vì nó là loại cây bò sát, dễ bị lấp dưới tuyết dày hàng mấy phân.
Đêm ấy, gã không có lửa, cũng không có nước nóng, gã chui vào chăn ngủ giấc ngủ đứt quãng vì đói. Tuyết chuyển thành mưa lạnh. Gã tỉnh dậy nhiều lần để cảm thấy nó rơi trên khuôn mặt úp sấp của mình. Ngày đến, một ngày đen xám và không có mặt trời. Mưa đã tạnh. Cái nhói buốt của cơn đói đã biến đi. Về sự háo hức muốn có cái ăn, mức nhạy cảm đã kiệt. Bụng gã âm ỉ một cái đau nặng trịch, song nó không quấy rầy gã nhiều như trước. Gã trở nên duy lý hơn, và một lần nữa gã lại quan tâm chủ yếu tới Vùng đất của những chiếc que nhỏ và chỗ cất giấu ở bờ sông Đir.
Gã xé mảnh còn lại của một tấm mền thành từng dải để buộc đôi bàn chân tướp máu. Gã cũng buộc chặt lại chỗ mắt cá bị thương và chuẩn bị cho một ngày đương. Khi đụng đến cái bọc, gã ngừng lại hồi lâu suy tính về chiếc túi da nai bè bè, nhưng rốt cuộc vẫn mang nó đi theo.
Dưới mưa, tuyết đã tan chảy và chỉ còn những đỉnh đồi là phô màu trắng. Mặt trời ló ra và gã định vị được các hướng địa bàn, mặc dầu giờ đây gã biết là mình đã lạc. Có lẽ, trong khi lang thang những hôm trước, gã đã quá lệch về bên trái. Giờ đây gã ghé sang phải cho cân lại độ có thể sai lệch khỏi hướng chính gã cần đi theo.
Mặc dầu cái đói không còn hành hạ dữ dội như trước nữa, nhưng gã nhận biết rằng mình rất yếu, gã buộc phải dừng lại nghỉ luôn, để nhá những trái cây đầm lầy và những vạt cỏ bấc. Gã cảm thấy lưỡi mình khô và to tướng như mọc đầy một lớp bông nhỏ li ti, và có vị đắng ngắt trong mồm. Tim gã làm rầy gã ghê gớm. Đi được ít phút, nó đã bắt đầu nện không thương xót thình thịch, thình thịch, thình thịch, rồi nhảy loạn xạ trong một thôi đập xao xuyến, đau đớn, khiến gã nghẹn thở , lử lả và chóng cả mặt. Đến giữa trưa, gã tìm được hai con cá tuê ở một cái vũng to. Không thể tát cạn nó được, nhưng bây giừo gã bình tĩnh hơn và xoay xở bắt được chúng vào trong cái xô thiếc. Chúng không dài hơn ngón tay út của gã, nhưng gã không đói lắm. cái đau âm ỉ trong bụng gã đã lắng xuống và yếu đi. Như thể dạ dày gã đang ngủ gà ngủ gật vậy. Gã ăn cá sống, thận trọng nhai một cách vất vả,vì việc ăn là một hành động thuần tuý lý trí. Tuy gã chả muốn ăn chút nào, nhưng gã biết mình phải ăn để mà sống.
Chiều đến, gã bắt được thêm ba con cá tuê, ăn hai con và để dành một con cho bữa điểm tâm sáng hôm sau. Mặt trời đã sấy khô những mảng rêu rải rác và gã có thể sưởi ấm bằng nước nóng. Hôm ấy gã không đi được quá mười dặm ; và hôm sau, cất bước khi nào tim gã cho phép, gã đi được không quá năm dặm. Nhưng dạ dày gã lại không hề làm gã khó chịu tí nào. Nó đã ngủ. Một điều nữa : gã đang ở một vùng đất lạ và tuần lộc caribu tại đây tăng nhiều hơn, cả sói nữa. Lắm lúc tiếng hú của chúng vang qua cảnh tiêu điều, và một lần gã trông thấy ba con lẩn tránh trước mặt gã, trên đương đi. 
Lại một đêm nữa ; và sáng hôm sau, duy lý hơn, gã cởi dây da buộc cái túi da nai bè bè. Từ mệng túi đã mở, chảy tuôn một dòng bụi vàng thô và quặng vàng. Gã chia đại khái số vàng ra làm hai phần, giấu một nửa vào một gờ đá nhô ra, gói nửa kia vào một mảnh chăn và bỏ trở vào túi. Gã cũng bắt đầu dùng những giải của cái chăn còn lại để buộc chân. Gã vẫn níu giữ cây súng vì ở chỗ cất giấu bên sông Đir có đạn.
Đó là một ngày đầy sương mù, và ngày hôm ấy cái đói lại thức dậy trong gã. Gã rất yếu và bị chóng mặt đến nỗi đôi lúc hoa mắt không thấy gì. Bây giờ, đối với gã, vấp ngã không phải là chuyện không bình thường, và một lần bị vấp ngã, gã ngã trúng giữa một tổ gà gô núi. Có bốn chú gà con mới nở được một ngày, những đốm sống phập phồng, vừa một miếng, không hơn, và gã ăn chúng ngấu nghiến, nhét chúng vào mồm nhai sống nuốt tươi ràu rạu giữa hai hàm răng như nhai vỏ trứng. Gà gô mẹ lồng lộn quanh gã, kêu rầm rĩ. Gã dùng cây súng như một chiếc chuỳ để đánh nó, nhưng nó tránh xa khỏi tầm với. Gã ném ba hòn đá về phía nó và một hòn ngẫu nhiên trúng, làm gãy một bên cánh. Rồi nó chao chao chạy đi, kéo lê chiếc cánh gẫy, gã đuổi theo sau.
Mấy chú gà con chỉ làm cho gã thêm háu đói. Gã nhảy loi choi một cách vụng về với vết thương mắt cá chân, chốc chốc lại ném đá và kêu la khàn giọng, lắm lúc lại lặng lữ chạy lật đà lật đật, mỗi lần ngã lại hằm hằm bò dậy một cách kiên nhẫn, hoặc đưa tay lên dụi mắt khi cơn chóng mặt đe doạ quật ngã gã. 
Cuộc săn đuổi đưa gã qua bãi đất lầy xuống đáy thung lũng và gã bắt gặp những vết chân trên lớp rêu sũng nước. Không phải vêt chân gã, gã có thể thấy rõ là thế. Chắc là vết chân Bil. Song gã không thể dừng lại, vì con gà gô mẹ vẫn chạy tiếp. Gã sẽ bắt nó trước, rồi quay lại dò tìm điều tra sau.
Gã quần con gà gô mẹ kiệt sức, nhưng gã cũng tự làm mình kiệt sức. Con gà nằm nghiêng thở dốc. Gã cũng nằm nghiên thở hồng hộc, chỉ cách nó khoảng ba, bốn mét mà không sao bò được tới nó. Và khi gã hồi tỉnh lại, nó cũng hồi sức, vỗ cánh chạy khỏi tầm với, khi ga vươn bàn tay đói lả về phía nó. Cuộc săn đuổi lại tiếp diễn. Đêm xuống hẳn và gà gô mẹ chạy thoát. Yếu ớt, gã loạng quạng vấp và lao đầu ngã sấp mặt xuống, toạc cả má, chiếc bọc vẫn trên lưng. Hồi lâu, gã không động cựa ; rồi gã xoay nghiêng người, lên dây đồng hồ và nằm đó đến sáng.
Lại một ngày mú sương. Nửa cái màn cuối cùng đã xé ra để làm giẻ bọc chân. Gã không thấy lại được dấu chân Bil. Chẳng hề gì. Cái đói đang đôn thúc gã quá xá ... có điều ... có điều gã băn khoăn không biết Bil có lạc nốt không. Đến trưa, cái bọc trở nên quá nặng, không chịu nổi. Gã lại chia đôi số vàng, lần này thì đơn giản là dốc toẹt một nửa xuống đất. Đến chiều, gã vứt nốt số còn lại và gã chỉ còn độc nửa cái chăn, cái xô thiếc và cây súng.
Một huyễn cảm bắt đầu quấy rầy gã. Gã tin rằng mình còn một viên đạn. Nó nằm trong ổ nòng súng và gã đã quên béng mất. Mặt khác, gã luôn biết rằng ổ đạn rỗng không. Thế nhưng huyễn cảm ấy vẫn dai dẳng. Gã xua đuổi nó hàng giờ liền, rồi mở súng ra và thấy tận mắt là ổ đạn rỗng tuếch. Sự thất vọng cũng cay đắng như thể gã thực sự chờ đợi thấy viên đạn trong đó.
Gã lụi hụi đi tiếp được nửa giờ thì cơn huyễn cảm lại nổi dậy lần nữa, gã lại cố dẹp đi mà nó vẫn dằng dai cho đến lúc gã mở súng tự thuyết phục là chẳng có gì. Đôi lúc đầu gã phiêu diêu đi xa hơn, và gã lụi hụi đi như thằng người máy, với những ý nghĩ ngộ nghĩnh và ngông cuồng kỳ lạ gặm nhấm óc như những con sâu. Nhưng những cuộc du ngoạn khỏi thực tại ấy đến ngắn ngủi, vì bao giờ những dằn vặt của cái đói cào cấu cũng gọi gã trở lại. Một lần, đang phiêu du như vậy, thình lình gã bị kéo giật trở lại bởi một cảnh khiến gã suýt ngất xỉu. Trước mặt gã sừng sững một con ngựa. Một con ngựa ! Gã không thể tin ở mắt mình. Một màn sương dày rủ trong mắt gã, điểm những chấm sáng lấp lánh. Gã dụi mắt như điên để nhìn cho rõ và nhận ra không phải một con ngựa mà là một con gấu lớn màu nâu. Con vật đang ngắm nghía gã với một vẻ tò mò hung hãn.
Gã đã nâng súng lên vai rồi mới nhớ ra là không có đạn. Gã hạ súng xuống và rút con dao săn bên hông ra khỏi vỏ. Trước mặt gã là thịt và sự sống. Gã lướt ngón tay cái trên lưỡi dao. Lưỡi săc, mũi nhọn. gã sẽ lao cả người vào con gấu và giết chết nó. Nhưng tim gã bắt đầu báo động : thình thịch, thình thịch, thình thịch. Rồi tiếp theo là nhịp nhảy lên cuồng loạn và sức nén ép như một vành đai sắt thít quanh trán, cơn chóng mặt len lỏi bò vào trong đó.
Sự can đảm tuyệt vọng của gã bị một nỗi sợ dâng trào mãnh liệt đánh bật ra. Gã đang yếu thế này, nhỡ con vật tấn công gã thì sao ? Gã đứng thẳng lên trong tư thế hùng dũng nhất, nắm chặt con dao và nhìn chằm chằm vào con gấu. Con gấu vụng về tiến lên vài bước, lùi lại và trút ra một tiếng gầm gừ thăm dò. Nếu con người chạy ắt nó sẽ đuổi theo. Nhưng con người không chạy. Lúc này, trong gã dấy lên lòng can đảm của khiếp sợ. Gã cũng gầm gừ, man rợ, gớm ghiếc thốt lên nỗi sợ vốn là thích hợp với sự sống và vốn xoắn xuýt quanh những rễ sâu nhất của sự sống.
Con gấu né sang một bên lủi đi, gầm gừ đe doạ. Bản thân nó cũng kinh hãi trước cái sinh vật bí ẩn hiên ngang thẳng đứng, không biết sợ ấy. Nhưng con người không động đậy. Anh ta đứng sững như một pho tượng cho đến khi cơn nguy hiểm qua hẳn, bấy giờ mới chịu khuất phục run bắn lên một hồi và quỵ xuống lớp rêu ướt. 
Gã định thần lại và đi tiếp, bây giờ lại sợ theo cách khác. Không phải là sợ sẽ chết một cách thụ độngvì không có cái ăn, mà sợ sẽ bị tiêu diệt một cách cuồng bạo trước khi cái đói làm suy kiệt nốt chút xíu cố gắng cuối cùng trong gã nhằm vươn tới sự sống sót. Vùng này có chó sói. Suốt cảnh tiêu điều này, vẳng tới vẳng lui tiếng sói hú, dệt cả bầu không khí thành một tấm màn đe doạ có thể sờ mó thấy, đến độ gã bỗng giơ tay lên trời, đẩy không khí ra khỏi mình, như thể nó là thành vải của một cái lều bị gió thổi ép vào.
Thỉnh thoảng, sói đi từng tốp hai hoặc ba con, kéo qua đường đi của gã. Nhưng chúng tránh gã. Chúng không đủ đông, vả lại, chúng đang săn tìm tuần lộc caribu, tụi này không đánh trả, trong khi cái sinh vật đi thẳng đứng này có thể vừa cào vừa cắn. 
Xế chiều, gã bắt gặp những ống xương rải rác ở chỗ lũ chó sói đã giết một con thú. Đám xương tàn, trước đó một giờ, còn là một chú tuần lộc Caribu non kêu quang quác, chạy nhảy và đầy sức sống. Gã ngắm đống xương đã lóc sạch thịt và nhẵn bóng, với sinh bào hồng hồng bên trong còn chưa hết hẳn. Liệu có khả năng, gã cũng có thể như thế trước khi ngày tàn không ? Sự sống là thế ư ? Một sự hão huyền và thoảng qua. Chỉ có sống là đau đớn mà thôi. Chết thì chẳng đau gì hết. Chết là ngủ. Có nghĩa là thôi, là nghỉ ngơi. Thế thì tại sao gã lại không bằng lòng chết.
Nhưng gã không lý luận rông dài. Gã đang ngồi xổm trên lớp rêu, với một cái xương trong miệng, mút mát những vụn sinh bào còn nhuộm hồng hồng chất xương. Cái vị thịt ngọt, loãng và thoáng thấy thoáng mất gần giống như một hồi ức làm gã tức điên. Gã ngoạm hàm vào những đốt xương và nhai rào rạo. Lúc thì xương gãy, lúc thì răng gã gãy. Rồi gã bỏ xương vào giữa những hòn đá, nghiền nát nhừ và nuốt chửng. Trong lúc vội vàng gã giã cả vào ngón tay mình, và có lúc lại ngạc nhiên thấy những ngón tay không đau lắm khi bị kẹp vào đá.
Rồi đên những ngày tuyết xuống, mưa rơi kinh khủng. Gã không còn biết mình hạ trại lúc nào, nhổ trại lúc nào. Gã đi ban đêm cũng nhiều bằng đi ban ngày. gã nghỉ luôn ở nbất cứ chỗ nào gã ngã xuống, bò đi tiếp bất cứ lúc nào ngọn lửa sống đang tabnf trong gã bùng lên và đỡ mù mịt hơn. Với tư cách là một con ngưới, gã thôi không ráng sức nữa. Chính là cái sinh lực trong gã không muốn chết, nó thôi thúc gã dấn bước. Gã không đau đớn. Thần kinh gã đã cùn mòn, tê dại đi trong khi đầu óc gã đầy viễn ảnh kỳ lạvà những giấc mơ thú vị. 
Nhưng gã vẫn mút và nhai những đốt xương nát của con tuần lộc non, mà những dư tàn nhỏ nhất của nó đã vun vén lại và đã mang theo. Gã không vượt đồi, cũng chẳng qua những đường phân thuỷ nữa mà cứ tự động theo một con suối lớn chảy qua một thung lũng rộng và nông. Gã không nhìn thấy con suối ấy cũng như thung lũng ấy. Gã không nhìn thấy gì ngoài những tấm ảnh. Hồn và xác hoặc đi hoặc bò cạnh nhau, nhưng riêng rẽ, vì sợi dây buộc chúng lại với nhau quá mảnh. 
Gã thức dậy minh mẫn, nằm ngủ trên một gờ đá. Mặt trời chiếu rực rỡ và ấm áp. Xa xa gã nghe thấy tiếng những con tuần lộc non kêu quác quác. Gã nhớ mang máng là đã có mưa, có gió, có tuyết rơi, nhưng còn về việc gã đã bị dãi gió dầm mưa hai ngày hay hai tuần thì gã không biết.
Gã nằm gần như không động đậy một lúc, ánh mặt trời hiền hoà chảy tràn trên gã và toả hơi ấm thấm đẫm cái thân hình khốn khổ của gã. Một ngày đẹp, gã nghĩ. Chưa chừng gã có thể xác định được mình đang ở đâu cũng nên. Bằng một cố gắng cực nhọc gã xoay người nằm nghiêngã. Phía dưới gã, một con sông rộng và lờ đờ chảy. Vẻ lạ lẫm không quen thuộc của nó khiến gã bối rối. Gã chậm rãi đưa mắt nhìn theo dòng sông uốn lượn thành những khúc rộng giữa những ngọn đồi trọc đìu hiu, đìu hiu hơn, trơ trụi hơn và lún thấp hơn mọi trái đồi gã gặp cho đến nay. Chậm rãi, từ tốn, không chút khích động hoặc chỉ với sự quan tâm hết sức bình thường, gã theo dõi dòng chảy của con sông lạ về phía đường chân trời, và thấy nó đổ vào một vùng biển sáng lấp lánh. gã vẫn không thấy náo nức gì. Thật khác thường , gã nghĩ một tấm ảnh hay một ảo giác, có vẻ là một tấm ảnh thì đúng hơn, một trò ranh ma do tâm trí rối loạn của gã. Gã chắc chắn vậy khi nhìn thấy một con tàu nằm thả neo giữa vùng biển lấp lánh. Gã nhắm matứ một lát, rồi lại mở ra. Kỳ lạ thay, tấm ảnh ấy vẫn còn ! Thế nhưng lại không kỳ lạ. Gã biết chẳng làm gì có biển hay tàu nào giữa vùng đất cằn này, cũng như gã đã biết chẳng có viên đạn nào trong cây súng rỗng không.
Gã nghe thấy một tiếng khụt khịt đằng sau mình, một tiếng thở dốc gần như bị nghẹn, hoặc một tiếng ho. Rất chậm chạp, do quá yếu và người cứng đờ, gã xoay nghiên mình sang mé kia. Gã không trông thấy gì gần kề, nhưng gã kiên nhẫn chờ. Lại thấy tiếng khịt và ho, và in bóng giữa hai tảng đá lởm chởm cách đó không đầy sáu mét, gã nhận ra cái đầu xám của một con sói. hai cái tai nhọn không dựng hoắt lên như gã thường thấy ở những con sói khác, đôi mắt mờ và vằn tia máu, cái đầu như gục xuống rũ rượi và tuyệt vọng. Con vật chớp mắt lia lịa dưới nắng. Nó có vẻ ốm. Khi gã nhìn, nó lại khịt và ho.
Chí ít điều này cũng là thực tế, gã nghĩ và quay người sang mé kia để có thể thấy được sự thực của cái thế giới ban nãy bị tấm ảnh che phủ. Nhưng birn vẫn lấp lánh đằng xa và con tàu nhìn rõ mồn một. Rút cục, nó có phải là thực tại không ? Gã nhắm mắt một hồi lâu suy nghĩ, thế rồi vỡ lẽ ra. Gã đã hướng về phía đông bắc, tách xa khỏi đường phân thuỷ sông Đir và đi vào thung lũng Mỏ Đồng. cái con sông rộng và lờ đờ này là sông Mỏ Đồng. Vùng biển lấp lánh kia là Bắc Băng Dương. Con tàu kia là một tàu đánh cá voi từ cửa sông Mêchkengi lạc về hướng đông, viễn đông, và nó nằm bỏ neo trong vịnh Đăng Quang. Gã nhớ lại bản đồ của công ty Vịnh Haxđơn mà gã đã xem cách đây đã lâu, và gã thấy mọi sự trở nên rõ ràng, hợp lý.
Gã ngồi dậy và tập trung chú ý vào những công việc trước mắt. Những dải mền bọc chân đã mòn xơ ra và đôi chân gã chỉ còn là những cục thịt trầy trụa không ra hình thù gì. Cái chân cuối cùng của gã đã đi tong. Cả súng lẫn dao đều đã mất. Gã đã đánh mất cái mũ ở đâu đó, cùng với bó diêm dắt ở vành trong, nhưng số diêm trước ngực vẫn nguyên vẹn và khô ráo trong cái túi đựng thuốc lá sợi, bọc bằng giấy dầu. Gã nhìn đồng hồ. Nó chỉ mười một giờ và vẫn đang chạy. Hiển nhiên là gã vẫn lên giây đều. 
Gã bình tĩnh và tự chủ. Tuy cực kỳ yếu sức, nhưng gã không cảm thấy đau đớn gì cả. gã không đói. ý nghĩ về thức ăn thậm chí cũng chẳng thú vị gì đối với gã và mọi điều gã làm đều do lý trí đơn thuần. Gã xé ống quần đến tận đầu gối để buộc chân. Không biết làm sao mà gã vẫn giữ được cái xô thiếc. Gã sẽ uống một chút nước nóng trước khi bắt đầu làm cái mà gã thấy trước sẽ là một chặng hành trình ghê gớm để tới con tàu.
Gã cử động chậm chạp. Run rẩy như bị chứng liệt. Khi bắt đầu thu thập rêu khô lại, gã không nhấc nổi chân được nữa. Gã thử đi thử lại rồi đành bò quanh bằng tay và đầu gối vậy. Một lần gã bò đến gần con sói ốm. Con vật miễn cưỡng lê ra khỏi đường đi của gã, liếm những chỗ nứt nẻ trên mình bằng một cái lưỡi hầu như không còn đủ sức để uốn nữa. Gã nhận thấy lưỡi nó không có cái màu đỏ lành mạnh thông thường. Nó nâu nâu vàng ệch và như phủ một lớp nhầy ram ráp và gần như khô.
Sau khi uống một ca nước nóng, gã thấy mình có thể đứng dậy và thậm chí có thể đi với mức một người sắp chết có thể đi. Cứ khoảng một phút, gã lại phải nghỉ. Bước chân gã khật khưỡng, y hệt như bước chân của con sói theo sau gã. và đêm ấy, khi bóng tối xoá mờ vùng biển lấp lánh, gã biết mình mới chỉ tiến gần thêm nó được độ hơn bốn dặm, không hơn.
Suốt đêm, gã nghe thấy tiếng ho của con sói ốm, và thỉnh thoảng, tiếng quác quác của bầy tuần lộc non. Xung quanh gã đều có sự sống, sự sống cường tráng, rất sinh động và tốt lành, và gã biết con sói ốm bám theo con người ốm với hy vọng là con người sẽ chết trước. Sáng dậy, mở mắt ra, gã thấy nó đứng lom khom, đuôi cụp giữa hai chân như một con chó khốn khổ, thiểu não. Nó run cầm cập trong làn gió sớm lạnh giá và nhe răng cười buồn nản khi con người nói với nó bằng một giọng không hơn gì một tiếng thì thầm khàn khàn.
Mặt trời lên rực rỡ và suốt buổi sáng, con người chập chững vưà đi vừa ngã về phía con tàu trên biển lấp lánh. Thời tiết thật tuyệt. Đó là cỡ thu muộn ngắn ngủi ở vùng vĩ độ cao. Nó có thể kéo dài một tuần. Mai kia, nó có thể qua đi. 
Đén chiều, gã bắt gặp một vệt đường. Đó là dấu vết của một người khác. Không đi mà bò bốn châ. gã nghĩ đó có thể là Bil, song chỉ nghĩ một cách đờ đẫn, không chút quan tâm. Gã chẳng tò mò muốn tìm hiểu gì. Thực tế, cảm giác và xúc động đã từ bỏ gã. Gã không còn biết đau. Dạ dày và thần kinh gã đã ngủ rồi. Tuy nhiên, sự sống trong gã vẫn thúc gã dấn tới. Gã thì rất mệt, nhưng nó lại không chịu chết. chính vì nó không chịu chết mà gã vẫn cứ ăn trái cây đầm lầy và cá tuê, uống nước nóng và thận trọng canh chừng con sói ốm.
Gã đi theo dấu vết của người kia, anh chàng bò lê ấy, và chẳng mấy chốc đến chỗ tận cùng của nó : một chút xương mới lóc hết thịt, quanh đó lớp rêu sũng nước in hằn vết chân của nhiều con sói. Gã trông thấy một cái túi da nai bè bè, hệt như túi của gã, bị xé toạc ra bằng răng nhọn. Gã nhấc nó lên, tuy nó hầu như quá nặng đối vời những ngón tay yếu ớt của gã. Bil đã mang nó đến phút cuối cùng. Ha ha ! Gã sẽ cười vào mũi Bil. Gã sẽ sống sót và sẽ mang cái túi đến con tàu trên biển lấp lánh kia. Tiếng cười của gã khàn khàn và ghê rợn như tiếng quạ kêu, và con sói ốm cũng cất tiếng tru sầu thảm hoà theo. Con người bỗng nhiên ngừng bặt. Làm sao gã có thể cười vào mũi Bil nếu như cái này là Bil, đám xương trắng hồng và sạch bong này là Bil ?
Gã quay đi. ồ, Bil đã bỏ rơi gã, nhưng gã sẽ không lấy số vàng này, cũng chẳng mút xương Bil làm gì. Tuy nhiên, nếu là trường hợp ngược lại, ắt Bil sẽ chẳng tha, gã vừa chệnh choạng bước tiếp vừa nghĩ vậy.
Gã tớu một vũng nước. Cúi xuống tìm cá tuê, gã bỗng giật đầu lại đằng sau như bị ong châm. Gã đã trông thấy mặt mình phản chiếu trong đó. Nó gớm ghiếc đến nỗi khua được sự nhạy cảm trong gã thức dậy đủ lâu để thấy bàng hoàng. Có ba con cá tuê ở trong vũng, vũng quá rộng không tát cạn được, và sau mấy lần lấy cái xô thiếc vục bắt không được, gã bỏ cuộc. Gã sợ vì quá yếu sức, có thể ngã tòm xuống và chết đuối. Chính vì lý do ấy mà gã không dám cưỡi lên một trong những khúc gỗ dạt vào những hố cát ven bờ sông để buông trôi theo dòng nước.
Hôm ấy, gã đã giảm được ba dặm khoảng cách giữa gã và con tàu. Hôm sau được hai dặm, vì bây giờ gã cũng bò, như Bil đã từng bò. Và đến hết ngày thứ năm, con tàu vẫn cách độ bảy dặm thì gã thậm chí mỗi ngày không vượt nổi một dặm. Cữ thu muộn vẫn còn , và gã vẫn tiếp tục bò rồi lại ngất xỉu, loanh quanh luẩn quẩn hoài, và con sói ốm vẫn ho và khụt khịt sau gót gã. Đầu gối gã đã trầy cả thịt như bàn chân gã, và mặc dầu gã đã cởi áo sơ mi làm đệm lót cho cho đầu gối, gã vẫn để lại đằng sau một vệt đỏ trên rêu và đá. Một lần, ngoái nhìn lại, gã thấy con sói thèm thuông liếm vệt máu của gã, và gã hình dung đậm nét cái kết thúc của mình có thể sẽ như thế nào ... trừ phi gã xơi tái được con sói. Thế rồi bắt đầu một tấn bi kịch để tồn tại, khốc liệt chưa từng thấy : một con người ốm phải bò lết, một con sói ốm phải tập tà tập tễnh, hai sinh vật kéo lê thân xác hấp hối qua cảnh hoang sơ, và bên nọ rình cướp sự sống của bên kia.
Giá nó là một con sói khoẻ mạnh, thì hẳn con người cũng chả xem vấn đề hệ trọng đến thế đâu, nhưng nghĩ đếm việc phải làm mồi cho dạ dày của cái vật ghê tởm và gần như chết rồi này, gã chẳng ưng chút nào. Gã vốn khó tính. Đầu óc gã lại bắt đầu lang bang và bị những huyễn tượng ám ảnh , trong khi những giây phút sáng suốt trở nên mỗi lúc một hiếm và ngắn hơn.
Một lần, gã tỉnh dậy khỏi một cơn ngất nhờ một tiếng khụt khịt sát bên tai. Con sói khập khiễng nhảy lùi lại, mất thăng bằng và ngã nhào trong cơn suy kiệt. Điều đó thật kỳ lạ, nhưng gã không thấy buồn cười. Thậm chí gã cũng không thấy sợ. Gã đã vượt quá xa những phản ứng đó. Nhưng lúc ấy, trí óc gã sáng suốt, và gã nằm suy tính. Con tàu chỉ còn cách không quá bốn dặm. Gã có thể trông thấy nó rõ ràng khi gã dụi lớp sương mờ khỏi mắt, và gã trông thấy cánh buồm trắng của một con thuyền nhỏ rẽ nước trên biển lấp lánh. Nhưng gã không bao giờ có thể bò nốt bốn dặm ấy. Gã biết vậy. Tuy nhiên rất bình tĩnh trong nhận thức, gã biết mình không thể bò nổi nửa dặm. Và mặc dù thế, gã vẫn muốn sống. Thật là vô lý nếu gã phải chết sau khi chịu đựng tất cả ngần ấy thứ. Số mệnh đòi hỏi gã quá nhiều. Và đến lúc sắp chết, gã từ chối không chịu chết. Có lẽ đó là điều cực kỳ điên rồ, những ngày trong móng vuốt của cái chết, gã lại thách thức cái chết và khước từ không chịu chết. 
Gã nhắm mắt lại với sự tĩnh tâm một cách thận trọng. Gã cố vượt lên sự suy nhược như một lớp sóng trào dâng, bập bềnh xô vào mọi ngóc ngách trong người gã. Nó rất giống biển, cái sự suy nhược giết người ấy, nó cứ dâng lên hoài và từng tí một nhận chìm ý thức gã. Đôi lúc, gã gần như bị chìm nghỉm , loạng quạng vung tay đập chân bơi qua quên lãng. và một lần nữa , do một phép màu nào đó cảu tâm hồn, gã lại tìm thấy một mảnh ý chí và rẽ sóng lao vụt đi mạnh hơn.
Không động đậy, gã nằm ngửa, và gã có thể nghe thấy tiếng hít vào thở ra khò khè của con sói ốm mỗi lúc một sát lại gần hơn. Nó tiến lại gần, gần nữa, qua một quãng thời gian tưởng như bất tận và gã không nhúc nhích. Nó đã kề bên tai gã. Cái lưỡi khô sần sùi có vào má gã như giấp ráp. Hai tay gã phóng ra, hay chí ít là gã muốn phóng tay ra. Các ngón tay quắp lại như móng vuốt, nhưng thộp vào quãng không. Sự nhanh nhẹn và chính xác đòi hỏi sức khoẻ, mà gã thì không có sức khoẻ đó.
Sự kiên trì của con sói thật ghê gớm. Sự kiên trì của con người cũng ghê gớm không kém. trong nửa ngày liền, gã nằm im không cựa quậy, đấu tranh để khỏi thiếp đi, chờ con vật định ăn thịt gã. Mà gã cũng muốn ăn thịt nó. Đôi khi, biển-suy-nhược dâng trào trong gã và gã mơ những giấc mơ dài, nhưng suốt thời gian đó, tỉnh hay mơ, gã vẫn chờ tiếng thở khò khè và cái lưỡi thô liếm láp.
Gã không nghe thấy tiếng thở, và truồi dần từ một cơn mơ nào đó đến cảm giác thấy chiếc lưỡi kia lia dọc bàn tay. Gã chờ. Những chiếc nanh ấn khe khẽ, rồi mạnh hơn ; con sói đang huy động hết sức tàn trong một cố gắng để cắm ngập răng vào miếng mồi nó đã chờ đợi bao lâu. Nhưng con người đã chờ sẵn từ lâu và bàn tay nát bươm nắm lấy hàm nó. Trong khi con sói vật lộn một cách yếu ớt và bàn tay bóp lại một cách yếu ớt, thì bàn tay kia từ từ trườn qua thành một gọng kìm. Năm phút sau, cả trọng lượng của con người đè lên trên con soid . Hai bàn tay không đủ sức để bóp nghẹt con sói nhưng mặt con người áp sát vào họng con sói và mồm con người đầy những lông. Hết nửa giờ, con người nhận thấy một dòng âm ấm chảy vào họng mình . Cái đó chẳng lấy gì làm thú vị. Nó như chì nóng chảy đọng vào dạ dày gã, và gã được tọng vào hoàn toàn chỉ do ý chí của gã mà thôi. Sau đó con người lăn kềnh ra, nằm ngửa lên và ngủ . . .
. . . Có một số thành viên của đoàn thám hiểm khoa học trên chiếc tàu đánh cá voi Bedfod. Từ trên bông, họ nhận thấy một vật kỳ lạ trên bờ. Vật ấy di chuyển xuôi bãi biển về phía mặt nước. họ không thể xác định đó là loại gì. Và, vốn là những nhà khoa học, họ trèo vào chiếc xuồng bên sườn tàu, đáp vào bờ để xem cho rõ. Và họ thấy một cái gì còn sống nhưng khó mà có thể gọi là một con người. Nó loà lẫm, không ý thức. Nó oằn oại trên mặt đất như một con sâu kỳ quái. Phần lớn những cố gắng của nó đều vô hiệu. nhưng nó bền bỉ, nó vặn mình, quằn quại và mỗi giờ có lẽ tiến lên được năm sáu mét.
Ba tuần sau, người đàn ông nọ nằm trong một chiếc giường trên tàu đánh cá voi Bedfod, và nước mắt ròng ròng trên đôi má hốc hác, gã kể lại lai lịch mình là ai và đã trải qua những nông nỗi gì. Gã cũng nói lõm ba lõm bõm về mẹ gã, về miền nam Califonia đầy nắng và một ngôi nhà giữa những lùm cam và những khóm hoa.
ít ngày sau, gã ngồi cùng bàn ăn với những nhà khoa học và các sĩ quan trên tàu. Gã hau háu nhìn cảnh đồ ăn ê hề, bồi hồi theo dõi những thức ăn ấy biến voà miệng những người khác. Cứ mỗi miếng mất đi, trong mắt gã lại hiện lên một vẻ tiếc nuối sâu sắc. tâm thần gã hoàn toàn lành mạnh, tuy nhiên gã căm ghét họ vào giờ ăn. gã bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi là lương thực không còn tồn tại lâu dài. Gã hỏi đầu bếp, hầu phòng và thuyền trưởng về lương thực dự trữ . Họ trấn an gã không biết bao nhiêu lần, nhưng gã không thể tin họ, và gã khôn khéo nhòm ngó quanh chỗ hầm kho để thấy tận mắt.
Người ta nhận thấy gã béo ra. Mỗi ngày gã một to xù. Các nhà khoa học lắc đầu là hợp lý. Họ hạn chế gã trong những bữa ăn, nhưng vòng bụng gã vẫn tăng và gã trương phình ra kỳ lạ dưới chiếc áo sơ mi.
Đám thuỷ thủ tủm tỉm cười. Họ biết. Và khi các nhà khoa học cắt người theo dõi gã, họ cũng biết. Họ thấy gã thông thạo đi ra phía trước, sau khi điểm tâm, và lại gần một thuỷ thủ, chìa tay ra như một kẻ hành khất. Tay thuỷ thủ nhe răng cười và đưa cho gã một miếng bích quy. Gã bo bo nắm chặt lấy, nhìn ngắm như một anh hà tiện ngắm vàng, rồi nhét vào ngực áo. Các tay thuỷ thủ khác vừa cười vừa cho như vậy.
Các nhà khoa học vốn kín đáo. Họ để mặc gã. Nhưng họ bí mật xem xét giường của gã. Giường được lót bằng bánh quy khô, đệm được nhồi bằng bánh quy khô, mọi xó xỉnh ngóc ngách đều lèn đầy bánh quy khô. Tuy nhiên, gã không loạn trí. Gã lo đề phòng một cơn đói khác có thể xảy ra, có thể thôi. Rồi gã sẽ qua, các nhà khoa học nói thế . Và quả nhiên, gã qua khỏi thật, trước khi cây neo của tàu Bedfod gieo ùm xuống vịnh San Francisco.

Jack London

Người đàn bà thứ hai - Thơ Phan Vĩnh Hà

GIỚI THIỆU 100 BÀI THƠ HAY NHẤT LỊCH SỬ THI CA VIỆT NAM

Mẹ đừng buồn khi anh ấy yêu con
Bởi trước con anh ấy là của mẹ
Anh có thể yêu con một thời trai trẻ
Nhưng suốt đời yêu mẹ, mẹ ơi!

Mẹ đã sinh ra anh ấy ở trên đời

Hình bóng mẹ lắng vào tim anh ấy
Dẫu bây giờ con được yêu đến vậy
Dù thế nào con cũng chỉ là người đàn bà thứ hai

Mẹ đừng buồn những hoàng hôn, những sớm mai
Anh có thể nhớ con hơn nhớ mẹ
Con chỉ là một cơn gió nhẹ
Mẹ luôn là bến bờ thương nhớ của đời anh.

Con chỉ là một cơn mưa mong manh
Những người đàn bà khác có thể thay thế con trong trái tim anh ấy
Nhưng có một tình yêu trọn đời âm ỉ cháy
Anh ấy chỉ dành riêng cho mẹ mà thôi.

Anh ấy có thể đi bên con suốt cả cuộc đời
Nhưng có thể chia tay ngay ngày mai có thể
Vì anh ấy suốt đời yêu mẹ
Dù thế nào con cũng chỉ thứ hai.

PHAN VĨNH HÀ

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

CÁC THỂ THƠ ĐƯỜNG LUẬT

Thơ Ðường Luật phổ biến trên thi đàn Việt Nam xưa, xuất xứ từ đời Ðường (618-907) bên Tàu, có luật lệ nhất định, thường gọi là Thơ Luật để phân biệt với Thơ Cổ Phong xuất hiện trước đời Ðường không có luật lệ nhất định.

Thơ Luật có 4 thể: Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt, Ngũ Ngôn Bát Cú, Thất Ngôn Tứ Tuyệt, Thất Ngôn Bát Cú. Thất Ngôn Bát Cú có luật lệ gò bó khó làm nhất nhưng lại được các Cụ ưa thích nhất, thường dùng để bày tỏ tình cảm ý chí, ngâm vịnh, trào phúng, xướng họa, thù tạc, chúc mừng quan hôn, khai bút đầu Xuân... 



Lúc đầu làm bằng chữ Hán, đến đời Trần, Hàn Thuyên là người đầu tiên làm bằng chữ Nôm, nên Ðường luật còn gọi là Hàn Luật. Từ đó thể Thất Ngôn Bát Cú trở thành độc tôn trên thi đàn, ngay trong các kỳ thi cũng bắt thí sinh làm một bài. Sau đây xin trình bày khái quát về bố cục và luật lệ căn bản của thể thơ này:



I. BỐ CỤC: Một bài thơ Thất Ngôn Bát Cú có 4 phần:
1- Mạo: là mào đầu (vào bài) còn gọi là Ðề, gồm:
- Phá đề (câu 1) nghĩa là mở ra, giới thiệu tựa đề.
- Thừa đề (câu 2) nghĩa là chuyển xuống.
2- Thực hay Trạng: gồm câu 3 + 4: giải thích, khai triển tựa đề.
3- Luận: gồm câu 5+6: bàn luận ý nghĩa của bài.
4- Kết: gồm câu 7+8: tóm tắt ý nghĩa, bày tỏ tình cảm, thái độ.

II. LUẬT LỆ CĂN BẢN:
1- Vần: là bộ phận chủ yếu của âm tiết trong tiếng Việt là âm tiết trừ đi phụ âm đầu nếu có.
Ví dụ: "tà, hoa, nhà, gia, ta" trong bài Qua Ðèo Ngang có cùng một vần "a".
Vần có vần bằng, vần trắc, độc vận, ép vận. Trong thất ngôn bát cú chỉ gieo 1 vần, gọi là độc vận rơi vào 5 chữ cuối của 5 câu: 1, 2, 4, 6, 8 thường là vần bằng, ít khi dùng vần trắc, 5 chữ này tránh trùng nhau, phải hiệp vận cho đúng nếu gieo sai gọi là lạc vận, gieo vần không sát gọi là gượng ép.

Ghi chú:
Vần có cước vận (vần ở cuối câu), và yêu vận (vần ở lưng câu).
Vần điệu: Ðiệu là đều đặn, là số chữ đều đặn trong mỗi câu thơ, như điệu thất ngôn mỗi câu 7 chữ, điệu lục bát gồm 1 câu 6, 1 câu 8. Riêng điệu ca trù mỗi câu bao nhiêu chữ cũng được, trừ câu chót bắt buộc 6 chữ.
Nhịp điệu: Nhịp là cách ngắt đoạn đều đặn trong câu thơ. Nhịp điệu là cái dáng đi khi mau khi chậm trong thơ.
Tiết tấu: tiết là đốt, là đoạn ngắn, tấu là đánh nhạc, là đọc cao lên.
Thi nhạc (gồm vần, điệu, nhịp, tiết tấu): Nhà thơ dùng âm thanh (tượng thanh), dùng sự thay đổi của của âm, độ cao thấp của thanh, sự đều đặn của vần điệu nhịp điệu, sự nhịp nhàng của tiết tấu... làm cho bài thơ đọc lên như một bản nhạc gọi là thi nhạc.

2. Ðối: là phép đặt 2 câu thơ đối nhau gồm có:
Ðối chữ: bằng đối trắc, trắc đối bằng, danh từ đối danh từ, động từ đối động từỳ...
Ðối ý: ví dụ cảnh dưới núi đối cảnh bên sông, cảnh động đối cảnh tĩnh như trong 2 câu thực của bài Qua Ðèo Ngang.
Trong thể thơ này, 2 câu thực phải đối nhau, 2 câu luận phải đối nhau.

Sau đây là những cặp đối của các thi sĩ tiền bối:

* Thi hào Nguyễn Trãi:
- Hương cách gác vân thu lạnh lạnh
Thuyền kề bãi tuyết nguyệt chênh chênh
- Khách đến chim mừng hoa xẩy rụng
Chè tiên nước kín nguyệt đeo về
- Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn
Lòng người quanh nữa nước non quanh

* Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương:
- Năm thì mười họa chăng hay chớ
Một tháng đôi lần có cũng không
- Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn, mướn không công
(Làm Lẽ)
("Cố đấm ăn xôi" và "Làm mướn không công" là 2 câu tục ngữ)
- Duyên thiên chưa thấy nhô đầu trọc
Phận liễu sao đà nảy nét ngang
(Không Chồng Mà Chửa)
Một lạch đào nguyên suối chửa thông
(Thiếu Nữ)
- Chày kình tiểu để suông không đấm
Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo
(Chùa Quán Sứ)
- Khi cảnh, khi tiu, khi chũm chọe
Giọng hi, giọng hỉ, giọng hi ha
(Sư Hổ Mang)
- Gió giật sườn non kêu lắc cắc
Sóng dồn mặt nước vỗ long bong
(Kẽm Trống)

* Thi sĩ Nguyễn Khuyến:
- Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt
Làn ao lóng lánh ánh trăng loe
- Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẻ đưa vèo
- Tầng mây lơ lững trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

* Thi sĩ Trần Tế Xương:
- Học đã sôi cơm nhưng chửa chín
Thi không ngậm ớt thế mà cay
- Ðì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om sòm trên vách bức tranh gà
- Chí cha chí chát khua giày dép
Ðen thỉ đen thui cũng lụa là
- Van nợ lắm khi tràn nước mắt
Chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi
- Sỉ khí rụt rè gà phải cáo
Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi
- Một tuồng rách rưới con như bố
Ba chữ nghêu ngao vợ chán chồng
- Ví cho thi đỗ làm quan lớn
Thì cũng nhỏ to cưới chị hầu
- Tiễn chân cô mất hai đồng lẻ
Sờ bụng thầy không một chữ gì
("Gà phải cáo" và "Cố đấm ăn xôi" là 2 câu tucỳ ngữ)

3. Luật: tức thanh luật là quy tắc xếp đặt thanh bằng (B) thanh trắc (T) cho mỗi chữ trong một câu thơ theo lệ:
"Nhất tam ngũ bất luận": bất luận là không ràng buộc,
"Nhị tứ lục phân minh": phân minh là rõ ràng bắt buộc đồng thời phải tuân theo thanh: "nhị bằng tứ trắc lục bằng", hay ngược lại: "nhị trắc tứ bằng lục trắc"

- Sau đây là bài thất ngôn bát cú luật bằng vần bằng:

Câu 1: BBTTTBB
Câu 2: TTBBTTB
Câu 3: TTBBBTT
Câu 4: BBTTTBB
Câu 5: BBTTBBT
Câu 6: TTBBTTB
Câu 7: TTBBBTT
Câu 8: BBTTTBB

- Sau đây là bài thất ngôn bát cú luật trắc vần bằng:

Câu 1: TTBBTTB
Câu 2: BBTTTBB
Câu 3: BBTTBBT
Câu 4: TTBBTTB
Câu 5: TTBBBTT
Câu 6: BBTTTBB
Câu 7: BBTTBBT
Câu 8: TTBBTTB

Âm là tiếng động phát ra khi đọc một nguyên âm. Thanh là độ cao thấp của âm. Mỗi âm trong tiếng Việt có 6 bực độ quy định bởi 6 dấu: 2 thanh BẰNG gồm trầm (dấu huyền) và phù (không dấu), bốn thanh TRẮC gồm thượng (dấu sắc, dấu ngã), và khứ hay nhập (dấu hỏi, dấu nặng).
Trong một câu thơ, tất cả những chữ cùng một thanh nên thay đổi bực độ.
Trong bài thất ngôn, chữ thứ 3 các câu chẵn và chữ thứ 5 các câu lẻ, đáng là bằng mà đổi ra trắc gọi là khổ độc (nghĩa là khó đọc). Trong 1 câu thơ, chữ nào đáng đặt tiếng bằng mà lại đặt tiếng trắc, hay đáng đặt tiếng trắc mà lại đặt tiếng bằng thì gọi là thất luật.

4. Niêm: nghĩa là dán cho dính lại. Phép niêm trong thơ là quy tắc sắp xếp các câu thơ trong bài dính lại với nhau về âm điệu, hay nói một cách khác NIÊM là sự liên lạc về âm luật của 2 câu thơ với nhau. Trong bài Ðường Luật, hai câu 1 và 8, 2 và 3, 4 và 5, 6 và 7 niêm với nhau.

Hai chữ thứ hai cùng một thanh đượỳc sắp xếp như sau đây hay ngược lại:

Chữ thứ 2 câu 1: trắc
Chữ thứ 2 câu 2: bằng
Chữ thứ 2 câu 3: bằng
Chữ thứ 2 câu 4: trắc
Chữ thứ 2 câu 5: trắc
Chữ thứ 2 câu 6: bằng
Chữ thứ 2 câu 7: bằng
Chữ thứ 2 câu 8: trắc

Nếu không theo đúng như thế gọi là thất niêm.

III. VÍ DỤ: một bài thơ mẫu:

Qua Ðèo Ngang

Bước tới Ðèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, rợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một cảnh tình riêng ta với ta.

Bà Huyện Thanh Quan

Ðây là bài thơ Ðường luật thất ngôn bát cú luật trắc (chữ TỚI) vần bằng (chữ TÀ). Niêm luật vần đối đúng phép. Bố cục chia làm 4 phần rõ rệt:
Mạo: giới thiệu tổng quát cảnh Ðèo Ngang.
Thực: tả cảnh Ðèo Ngang.
Luận: nhớ nước thương nhà.
Kết: tình riêng tác giả.

Về vần: Năm chữ: tà, hoa, nhà gia, ta: vần với nhau rất chỉnh.
Về đối: Hai cặp thực và hai cặp luận đối nhau chan chát: chữ đối chữờ, ý đối ý.
Về luật: Luật trắc (ở chữ TỚI). Cả 8 câu thơ đều đúng luật.
Về niêm: Rất chặt chẽ: chữ TỚI niêm với chữ CẢNH cùng là trắc, chữ CÂY niêm với chữ KHOM cùng là bằng, chữ ÐÁC niêm với chữ NƯỚC cùng là trắc, chữ NHÀ niêm với chữ CHÂN cùng là bằng.

IV. KẾT LUẬN:

Trên đây chỉ là những quy tắc căn bản, khi làm thơ có nhiều thi gia đôi lúc không răm rắp tuân theo trăm phần trăm mà bài thơ vẫn hay, vì tác giả đặt cái thần/ hồn của bài thơ cao hơn luật tắc. Ví dụ như bài "Thu Vịnh" của Nguyễn Khuyến gieo vần "ao" nhưng câu 2 lại gieo vần "iu":
Trời thu xanh ngắt mấy từng cao
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu

Và bài "Tổng Vịnh Truyện Kiều" của Chu Mạnh Trinh gieo vần "ương" nhưng câu 4, câu 8 lại gieo vần "ang" là "chàng" và "vàng":
Cuốn ngỏ rèm xuân trải mấy sương
Sắc tài chi lắm để làm gương
Công cha bao quản liều thân thiếp
Sự nước xui nên phụ với chàng
... Ðem bắt đồng cân đáng mấy vàng.
Chữ "chàng" tuy gieo không chính vận, nhưng khi đọc lên... nó phát ra một âm thanh nghe não nề, trầm buồn, vang dội trong tâm hồn ta.

Bài "Thu Ðiếu" của Nguyễn Khuyến về bố cục, tác giả say mê "tả cảnh" suốt cả 8 câu; còn về vần thì trong 5 chữ : "veo, teo, vèo, teo, bèo", đã có đến 2 chữ "teo" trùng nhau vốn là điều cấm kỵ trong 1 bài thơ luật, nhưng ở đây cụ Tam Nguyên Yên Ðỗ vẫn mạnh dạn sử dụng, vì Cụ thấy 2 từ ngữ ấy (tẻo teo, vắng teo) diễn đạt được tình cảm của Cụ. Ðiều này cho thấy Cụ là một nhà Nho phóng khoáng có bản lĩnh trong sáng tạo. Và bài Thu Ðiếu xưa nay vẫn được nhiều người công nhận là một trong những bài thơ tả cảnh mùa Thu hay nhất trong thơ ca Việt Nam.

Cũng chính vì luật tắc quá gò bó khó khăn của nó mà giới Nho sĩ Việt Nam đã bị kiềm hãm trong suốt một nghìn năm, chẳng để lại cho hậu thế được bao nhiêu bài thơ hay so với thể thơ mới. Thời tiền chiến xảy ra một trận bút chiến vang dội cả ba miền giữa thơ mới và thơ cũ, cuối cùng thơ cũ đại bại nhường thi đàn lại cho thơ mới thống trị đến ngày nay. Ngay nhà thơ Quách Tấn chuyên làm Thất ngôn bát cú với tác phẩm "Mùa Cổ Ðiển", về sau cũng từ giã nhảy qua thể Thất ngôn tứ tuyệt với thi tập "Ðọng Bóng Chiều".

Ngày nay, thể Thất Ngôn Bát Cú được nhiều người làm sống lại bằng những hình thức cách tân noi theo bước chân tiền phong của các nhà thơ tiền bối có bản lĩnh sáng tạo như Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương... mạnh dạn từ bỏ phong cách quý phái, đài các, cung đình: ưa xài điển tích, thích dùng Hán tự, vọng ngoại, vong bản, bắt chước, sáo mòn... để trở về với tình tự cội nguồn dân tộc Việt Nam đầy sinh động và sáng tạo của mình.

VINH HỒ