Trong tiếng âm thanh chát chúa dội lại từ sân khấu, Bảo Liên vẫn ngồi im như tượng. Nhưng thực ra anh đang cố dỏng tai lên trong cái âm thanh hỗn độn này để chờ đợi tiếng gọi đến tên mình. Đó là một tiếng gọi giật giọng, vang lên như một tiếng thét của ông bầu Béo, ông chủ của cái sân khấu ca nhạc ngòai trời này. Tiếng gọi mà anh không thể lầm lẫn đi đâu được. Tuy nó có vẻ hơi xách mé của một kẻ có quyền uy, nhưng lại làm cho những ca sĩ ở đây rất thích khi được gọi đến tên. Vì đó là tiếng ông bầu gọi đến lượt ai đó lên sân khấu. Đối với những ca sĩ hát thế như bọn anh, khi đã phải trôi dạt đến cái tụ điểm khỉ ho cò gáy này, thì được kêu lên sân khấu có nghĩa là có việc để làm và khỏi phải dài cổ ra mà chờ đợi.
Một đám thanh niên trai gái ăn mặc lòe loẹt đang chuyện trò rôm rả bên cạnh sân khấu nhưng vẫn giỏng tai lên chờ đợi tiếng gọi giật giọng của ông bầu Béo. Họ là những chàng trai cô gái mới vào nghề, lòng đầy tham vọng vươn lên nên chấp nhận đi hát thế. Trẻ trung, xinh đẹp và đầy nhiệt huyết, họ cạnh tranh nhau kịch liệt để được lên sân khấu...
Bảo Liên không khỏi buồn rầu khi nghĩ mình không thể cạnh tranh được với họ, dù chỉ để dành cái phận hát thế khốn khổ. Những năm tháng chờ đợi mòn mỏi đã biến anh thành một thân xác nặng nề. Tóc đã thưa đi và cái bụng đẫy ra nên anh chỉ còn biết chờ đợi. Anh kiên nhẫn ngồi chờ đợi từ giờ này sang giờ khác, từ đêm này sang đêm khác trong tiếng ca, tiếng nhạc ầm ĩ, để đợi dịp may của mình đến. Đó là thứ vũ khí duy nhất mà Bảo Liên có được.
“Bảo Liên. Bảo Liên”. Tiếng gọi đến tên anh khiến Bảo Liên đứng bật dậy. Nhưng đó chỉ là ai đấy gọi anh để nhờ làm giúp cho vài việc lặt vặt. Ở đây anh tự nhiên trở thành người rảnh rỗi nhất và mọi người, từ ông bầu, đồng nghiệp cho tới anh soát vé, giữ xe thường hay nhờ anh làm giúp những công việc của họ. Bảo Liên vui vẻ làm giúp tất cả mọi người, từ giữ xe cho các ca sĩ cho đến trông coi đồ đạc tư trang của họ trong khi họ lên sân khấu. Những hôm đông khách anh tự động trở thành người soát vé kiêm giữ trật tự. Thậm chí nhiều lần anh phải bồng giúp đứa con còn bú sữa cho mẹ nó, một ca sĩ nổi danh đang nhảy nhót la hét ngoài sân khấu. Rồi có lần nó để lại lên bộ vét trắng, bộ đồ vía duy nhất của anh một vệt nước đái vàng khè khiến anh phải bỏ hát đêm đó.
Thỉnh thoảng Bảo Liên được gọi lên hát một hai bản, khi có một ca sĩ nào đó không có mặt theo hợp đồng. Mà cũng thường xảy ra chuyện đó. Có thể họ bị kẹt xe mà không đến được, mà cũng có thể vì quá bận rộn với nhiều hợp đồng hát ở nơi khác nên họ đã chẳng thèm đến cái tụ điểm ca nhạc ngoài trời vừa xa xôi vừa vắng khách này. Cũng có khi họ không đến chỉ vì những lý do nhõng nhẽo làm cao thường thấy ở các ca sĩ ngôi sao mà thôi.
Đêm nào Bảo Liên cũng kiên nhẫn ngồi chờ đợi những dịp may như vậy để có được công việc của mình.Nhiều lúc anh cũng thấy xấu hổ khi biết trong lòng mình mong muốn ca sĩ ngôi sao này, hay ca sĩ ngôi sao khác không đến hát được theo chương trình được. Vì những lý do nào đó, như họ bị kẹt xe hay thậm chí bị đụng xe chẳng hạn, để họ không đến hoặc không bao giờ đến được nữa. Lúc đầu anh cũng thấy áy náy trong lòng khi nghĩ công việc của mình có được là nhờ vào những sai lệch hay trục trặc nào đó của đồng nghiệp. Nhưng rồi với thời gian trôi qua cùng với sự xuống dốc thảm hại của mình, anh thấy quen dần đi và bằng lòng với vai trò chỉ chuyên hát thế chỗ cho kẻ khác. Chính cái công việc đầy thất thường này đã giúp anh có được chút tiền để nuôi sống gia đình anh trong thời gian qua. Nhưng lý do chính mà anh không dám nói ra ngay cả với vợ của mình, đó là công việc này đã giúp cho anh vớt vát lại một chút sĩ diện với mọi người. Nó như là một nơi ẩn nấp cuối cùng của anh. Vì cố bám vào cái công việc phập phù này thì anh vẫn là một ca sĩ chuyên nghiệp, vẫn hàng đêm được bước lên sân khấu rực rỡ ánh đèn....
Qủa thực đã có một thời gian anh đi hát không phải chỉ để kiếm tiền, mà chỉ vì nỗi đam mê nghề nghiệp của mình. Lúc đó chỉ cách đây vài năm thôi, anh đã là một ca sĩ nghiệp dư sáng giá nhất của nhà máy nơi anh làm việc. Trong các cuộc liên hoan hay lễ lạt trong nhà máy, anh đã hát trước hàng ngàn khán giả luôn gào thét cổ vũ tên anh. Đó là những công nhân cùng nhà máy với với anh. Nhưng rồi cũng chính vì có được chút giọng ca, mà ông thầy dạy hát của anh gọi là “có nhiều triển vọng”, và nhất là bị ánh đèn rực rỡ của sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp cuốn hút, anh đã vứt bỏ tất cả để lao vào đó với bao ước vọng lớn lao. Anh bỏ việc ở nhà máy, bỏ luôn cả cái tên cha sanh mẹ đẻ là Nguyễn văn Thành để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp với cái tên mới nghe rất ư là nghệ sĩ : Bảo Liên.
Lúc đó lòng tràn đầy hy vọng, anh chỉ muốn làm tất cả để trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Không chỉ ở thành phố này mà anh còn mong ước chinh phục giới ca nhạc toàn quốc và thậm chí cả quốc tế nữa. Anh đã phải hao tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, để học hết khóa học căn bản này đến khóa học nâng cao khác, hết ông thầy giọng ca này đến ông thầy nhạc lý khác. Nhưng rồi chẳng bao lâu, công sức lẫn tiền bạc mà anh đã dành dụm được đã chẳng giúp gì cho ước vọng lớn lao của mình. Anh mau chóng nhận ra rằng để trở thành một ca sĩ ngôi sao không phải là chuyện dễ dàng, với anh lại càng không thể được nữa. Trong nghề này, ngoài giọng ca trời cho người ta còn phải biết luồn lách khéo léo, biết chiều chuộng để lấy lòng các ông bầu, những người có toàn quyền sinh sát trong giới ca nhạc. Lại phải biết đối phó với đủ thứ ghen ghét đố kỵ của đủ loại người ăn theo ánh đèn sân khấu. Và còn phải biết trèo lên đầu của đồng nghiệp để leo lên thì mới mong trở thành ca sĩ hàng đầu. Vốn là một người hiền lành, tốt bụng nên Bảo Liên không có được các khả năng đó, nên anh chỉ có thể trở thành một trong vô số các ca sĩ thường thường bậc trung của làng ca nhạc thành phố mà thôi. Rốt cuộc thì chẳng có đám đông cuồng nhiệt nào vây lấy anh để xin chữ ký và ánh hào quang của sân khấu cũng không rực rỡ như anh đã tưởng.
Nhưng anh đã không có can đảm để rút ra và trở về với nghề ngiệp cũ của mình. Anh sợ mọi người ở nhà máy sẽ cười nhạo và chế riễu anh như một kẻ thất bại trở về. Hơn nữa như một kẻ ăn ngon quen miệng, anh lại thích cái nghề ăn trắng mặc trơn này, được hàng đêm xuất hiện trong ánh đèn rực rỡ của sân khấu. Thế là anh an phận chấp nhận cái nghề ca hát như một nghề nghiệp để kiếm sống. Hàng đêm anh lên sân khấu để hát như một người "thợ hát", cũng như trước kia anh gò lưng bên cỗ máy tiện vậy.
Vợ anh đã nhiều lần nói với anh rằng, nếu anh không còn lòng đam mê nghệ thuật nữa thì hãy thôi đi hát để trở về với nhà máy cũ. Cô ấy còn nói đại loại như: “Làm nghệ thuật cũng giống như một người bơi ngược dòng sông. Ngừng lại có nghĩa là thụt lùi”. Vợ anh còn nói nhiều nữa nhưng Bảo Liên đã gạt đi. Anh còn cười nói là anh sẽ đem tiền đều đều cho gia đình, dù anh có bơi tiến bơi lùi gì cũng được.
Chẳng bao lâu sau đó, anh mới thấy vợ mình nói có lý. Giọng ca "đầy triển vọng" trước kia của anh đã chẳng còn mà cái nghiệp của một ca sĩ bậc trung như anh nay còn thụt lùi hơn nữa khi phong trào ca nhạc mới đang nổi lên. Như một cơn sóng dữ, nó cuốn trôi đi tất cả các loại ca sĩ tầm tầm như anh. Các ca sĩ trẻ đẹp, với các bộ trang phục kỳ quái, lạ mắt và phong cách biểu diễn sinh động bốc lửa, đã khiến đám khán giả trẻ hò hét nhảy múa như điên. Khác hẳn với kiểu hát đạo mạo nghiêm trang như hát thánh lễ của lớp ca sĩ lớn tuổi bọn anh khiến cho đám khán giả phát chán ngấy.
Bạn hát cùng thời với Bảo Liên rơi rụng dần, nhưng anh thì vẫn ở lại. Lòng kiêu hãnh đã giữ chân anh ở lại với ánh đèn sân khấu, mặc dù những lời mời hát cứ giảm dần đi. Anh như một kẻ cố dấu mình ở trong lớp hào quang sân khấu đang tắt dần, chỉ vì anh sợ khi bước ra, anh sẽ chẳng còn gì hết. Chính vì vậy mà cho đến tận bây giờ, anh vẫn còn phải bám theo cái nghiệp cầm ca khốn khổ của mình, dù chẳng còn được một nhà hát đàng hoàng nào mời nữa, ngoại trừ cái tụ điểm ca nhạc kiêm chỗ ăn nhậu này.
Nhưng rồi ở cái sân khấu xập xệ này, anh cũng không được yên thân. Đám ca sĩ trẻ, sinh sôi nhiều và nhanh như lũ nấm sau cơn mưa, giờ đây cũng đã tràn về vùng này. Những ca sĩ trẻ này muốn tìm trong các sân khấu ca nhạc khắp nơi mọi cơ hội để đưa tên tuổi của họ đến với khán giả. Nên bọn họ đã mò đến đây. Và cũng như trước kia, họ đã mau chóng chiếm lấy nốt nơi ẩn náu cuối cùng của anh, cái nơi mà trước kia họ đã đánh bạt anh về. Ở cái sân khấu xa trung tâm thành phố này, họ đã thổi một làn gió mới vào làm cho sân khấu sinh động hẳn lên. Họ trẻ, đẹp, ăn mặc những bộ quần áo mô đen lạ mắt cùng những điệu bộ nhún nhẩy giật gân đã làm cho đám khán giả nửa quê nửa tỉnh ở đây sướng điên lên. Tất cả những cái đó, Bảo Liên đều không có. Anh không có được cái tuổi trẻ đầy sức sống, cùng vẻ đẹp rực rỡ của bọn họ. Thậm chí anh cũng không thể có được những bộ quần aó cầu kỳ đắt tiền cũng như các điệu bộ nhún nhẩy điệu nghệ như của họ. Cuối cùng anh đã chẳng thể làm cho đám khán giả nửa say nửa tỉnh kia phát cuồng lên như họ đã làm được. Thế rồi anh từ từ bị gạt dần ra khỏi cuộc chơi để trở thành kẻ chầu rìa ngay tại chiến lũy cuối cùng của mình.
"Đó là qui luật thị trường" Bảo Liên cay đắng nghĩ vậy và chấp nhận thua cuộc.Anh vẫn ở lại cái sân khấu ca nhạc ngoài trời này và trở thành một ca sĩ hát thế. Anh chấp nhận để số phận đưa đẩy, và giờ đây nó đã đẩy anh xuống qúa sâu rồi.
Cũng từ đó, vì không có tên trong chương trình nên Bảo Liên phải ngồi chờ đợi một khoảng trống may mắn nào đó giữa hai người ca sĩ để được lên sân khấu. Mọi người ở đây quen dần đi khi thấy anh cứ lù lù ngồi túc trực suốt buổi tối nơi hậu đài với đầy đủ com lê trịnh trọng, nhưng lại hiếm khi được lên sân khấu. Còn phần anh thì lúc này không còn ao ước để trở thành ca sĩ nổi tiếng khắp toàn quốc, hay khắp thế giới nữa mà chỉ muốn được lên sân khấu "cày" một hai bản để có tiền đem về cho cái gia đình nhỏ gồm hai vợ chồng và đứa con gái nhỏ của mình.
Bảo Liên vẫn ngồi yên lặng trong tiếng âm thanh chát chúa từ sân khấu vọng xuống. Anh có thói quen ngồi suy nghĩ một mình trong khoảng thời gian chờ đợi dài lê thê, giữa khung cảnh ồn ào náo nhiệt ở đây. Như đêm nay cũng vậy, trong đầu anh là bao ý nghĩ rối bời đang chen nhau hiện về. Càng nghĩ anh càng buồn lòng hơn vì sự xuống dốc của mình. Ngồi đây anh thấy hết lượt ca sĩ này đến ca sĩ khác lên sân khấu trình diễn. Họ vội vàng lên sân khấu hát vài ba bản rồi lại vội vàng đi ngay để kịp đến với các sân khấu ca nhạc khác. Còn anh thì ngồi đây , nhàn rỗi như một kẻ vô công rồi nghề nhưng thực ra trong lòng đang phập phồng không yên. Đã qúa nửa thời gian của chương trình đên nay trôi qua mà vẫn chẳng thấy tiếng gọi đến tên mình. Cuộc sống đời thường với đủ thứ cơm áo gạo tiền đã làm cho anh chẳng còn ao ước gì hơn, ngoài ao ước được nghe thấy tiếng ông bầu Béo kêu anh lên sân khấu.
Tiếng gọi đó, anh mong đợi tới mức nhiều đêm nằm mơ cũng giật mình như nghe thấy tiếng gọi như thét của ông ta:"Bảo Liên đâu? tới lượt ca nè..nè...nè”. Cái công việc hàng đêm phải lên sân khấu với khuôn mặt trát phấn và gân cổ hát cho đám khán giả vưà ăn uống vừa nhảy nhót đã làm cho anh chẳng còn hứng thú gì nữa. Việc lên sân khấu giờ đây chỉ đơn thuần là kiếm sống cho anh và gia đình. Mỗi dịp hiếm hoi được gọi lên sân khấu, trong đầu anh đã tính nhanh như chớp các khoản tiền sẽ có được, sau khi đã "cày" trên sân khấu một hai bản. Đối với một ca sĩ chuyên hát thế như anh, thì được gọi lên sân khấu nghĩa là có "việc làm", có chút tiền để sống. Còn không được hát thì chẳng có gì hết, dù chỉ là một miếng bánh mì bỏ bụng khi anh trở về nhà vào lúc đêm khuyu, sau một quãng đường cuốc bộ đến rạc cẳng.
Cuộc sống của một ca sĩ hết thời đã làm cho anh nhiễm phải cái kiểu tính tóan nhỏ nhặt và khiến cho anh trở nên tầm thường hơn trong chính cái nghề nghiệp mà anh đã chọn với bao ước mơ đẹp đẽ ban đầu. Giờ đây mỗi lần lên sân khấu thì anh bước lên đó như một hình nhân lên đó để "bán hơi". Anh chẳng hề để ý đến cái giọng nhạt nhẽo uể oải khác thường của người dẫn chương trình khi giới thiệu đến tên anh, cũng như chẳng có tiếng vỗ tay nào của khán giả khi anh bước ra sân khấu. Thậm chí tay đàn guita chính của ban nhạc còn tranh thủ bỏ ra ngoài kiếm ly bia giải khát khi ban nhạc của hắn bắt đầu đệm nhạc cho anh. Trong khi anh hát, nhiều lần bọn nhạc công đã đột nhiên chơi những tông nhạc cà giựt, chát chúa và làm những trò nhố nhăng sau lưng anh với mục đích làm trò cười cho khán giả.
Nhiều lần khi anh đang hát thì chính ca sĩ ngôi sao mà anh đang hát thế cho lại mò tới giữa chừng. Mặc dù đến muộn nhưng ca sĩ đó nhất định đòi lên sân khấu ngay. Lập tức bên cánh gà, ông bầu rối rít ngoắc Bảo Liên xuống ngay, và ban nhạc thì gấp gáp chơi vào đoạn cuối dể sớm kết thúc bài hát. Có một lần Bảo Liên đang hát thế cho ca sĩ V.Q. thì chính hắn ta mò tới. Vì mới bắt đầu vào bài hát nên Bảo Liên không thể ngưng lại để nhường chỗ cho hắn ta được. Anh vẫn tiếp tục hát mà không để ý đến cánh tay ông bầu Béo đang ngoắc rối rít. Và thế là ngay lập tức đèn điện phụt tắt, micro bị ngắt tiếng còn Bảo Liên thì phải nhục nhã rời khỏi sân khấu tối om. Ngay sau đó, đèn sân khấu lại rực sáng và người dẫn chương trình xuất hiện với lời cáo lỗi về sự cố "mất điện đột xuất", rồi bằng cái giọng xúc động đầy giả tạo, anh ta giới thiệu đến khán giả ca sĩ V. Q., một ca sĩ đang được ái mộ nhiệt liệt ở khắp nơi...Trong tiếng vỗ tay và tiếng la hét ầm ĩ của khán giả, Bảo Liên cay đắng đứng bên cánh gà mà suy nghĩ đến thân phận của một kẻ hát thế như mình. Anh phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để được lên hát thế cho tên ca sĩ ngôi sao đó, còn hắn thì lại chẳng chịu chờ anh, dù chỉ một phút. Đó là qui luật của kẻ mạnh được yếu thua mà Bảo Liên đã hiểu được từ khi anh rơi xuống cái hố đen ngòm luôn rền rĩ tiếng nhạc và ánh đèn mầu ma quái này.....
Bảo Liên vẫn ngồi ở chỗ cũ, ngay cạnh phòng thay đồ khi ông bầu Béo đi lại phía anh. Từ nãy ông ta đã đi ra đi vào với vẻ nóng ruột vì một ca sĩ thuộc loại đầu bảng ở đây đã không đến đúng hẹn. Đi ngang qua chỗ anh, ông ta nói khẽ: "đừng đi đâu nhé, sắp tới lượt cậu rồi đó". Có thể ông ta dặn vì thói quen chú thực ra không cần thiết vì anh không bao giờ bỏ đi đâu cả. Anh thường ngồi chờ cho tới khi tụ điểm đóng cửa vì từ khi trở thành một ca sĩ hát thế, chờ đợi đã là là một bản tính của anh rồi.
Ngồi bên cạnh Bảo Liên là một cô gái trẻ mặc bộ váy áo cầu kỳ với đủ tầng nấc. Cô cũng là một ca sĩ hát thế như anh và ít được lên sân khấu tới mức mà ở đây chẳng mấy ai nhớ được tên cô. Cũng như nhiều chàng trai cô gái khác hàng đêm đến với sân khấu này, cô đến chỉ để mong được lên sân khấu hát một hai bản không có thù lao hoặc có rất ít. Họ mong được hát chỉ vì nỗi khát khao vinh quang và sự nổi tiếng mà nghề nghiệp này đem lại. Nhìn họ anh như nhớ đến những ngày đầu đến với làng ca nhạc chuyên nghiệp của mình. Đó là một thời hăng hái của tuổi trẻ với bao nhiêu ước vọng lớn lao, bao nhiêu khao khát để đạt bằng được niềm đam mê của mình là sẽ trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Nhưng tất cả những cái đó giờ đây đã rời bỏ anh đi hết, chỉ còn lại nỗi chán chường thất vọng cùng với một thân xác nặng nề thụ động chỉ biết dài cổ chờ đợi cái công việc khốn khổ của mình. Như một kẻ chỉ biết chờ đợi để tìm cho mình một chút mẩu thừa nào đó trong một cái bánh đã chia đủ phần cho kẻ khác. Chẳng cần phải là một nhà tiên tri anh cũng biết được tất cả trong số họ rồi sẽ bị vỡ mộng khi bước vào thực tế của nghề nghiệp này. Trong cuộc chơi này, họ sẽ bị vùi dập, bị ghen ghét và cuối cùng bị qui luật sàng lọc khắt khe của nghề nghiệp đào thải. Họ sẽ mau chóng rời khỏi sân khấu và từ từ chìm vào quên lãng. Giống như anh và lại đi đúng con đường sai lầm mà anh đã đi....
Nhiều năm lăn lộn trên sân khấu đã giúp Bảo Liên hiểu được phải khó khăn lắm mới trở thành một ca sĩ và khó khăn gấp bội phần để trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp. Bao nhiêu lớp ca sĩ cùng thời với anh, bao nhiêu chàng trai cô gái đã từng hăng say lao vào ánh đèn mầu rực rỡ và tiếng nhạc rộn ràng thuở đó, giờ còn có được mấy người trụ lại. Chỉ còn lại một mình anh, vì chẳng biết đi đâu nên ở lại để sống lây lất như một loại cây tầm gửi sống bám vào sân khấu rực rỡ ánh đèn. Bất chợt, Bảo Liên nhận thấy ánh đèn đó giống như một ngọn lửa mời gọi, và bao chàng trai cô gái khác hàng đêm chờ đợi mòn mỏi bên sân khấu này bỗng trở thành những con thiêu thân lao vào ngọn lửa đó....
Giờ đây mỗi khi nhớ lại thời gian trước khi trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp, trong lòng Bảo Liên lại thấy bồi hồi luyến tiếc. Lúc đó sau giờ làm việc, anh lại cùng bạn bè tụ họp ôm đàn ca hát say sưa. Hồi đó tất cả đề vô tư, chẳng có ai cạnh tranh với anh mà anh cũng không phải chờ đợi ai cả. Anh có thể hát bất cứ lúc nào anh thích. Vì anh là cây đinh văn nghệ của nhà máy, nên mọi người từ ông giám đốc cho đến các bạn đồng nghiệp đều qúi mến anh và đều trân trọng gọi anh là Người Ca Sĩ, nhất là các cô gái. Người vợ anh bây giờ cũng thuộc số các cô gái mến mộ tài ca hát của anh và đã trở thành vợ anh cũng chỉ vì bị tiếng hát ngọt ngào của anh làm cô xao xuyến, như lời "thú nhận" của cô sau này. Vậy mà anh đã vứt bỏ tất cả, cả công việc lẫn lòng qúi trọng của mọi người để cuối cùng rước cho mình một công việc bấp bênh cùng nỗi nhục nhã ê chề của một kẻ chuyên chầu rìa hát thế.
Bỗng nhiên anh nhớ đến vợ mình và cảm thấy cay cay trong mắt. Vợ anh đã phải bù đầu xoay sở với đủ thứ khó khăn đời thường, kể từ khi nghe lời anh, bỏ việc để ở nhà lo toan mọi việc cho anh được đeo đuổi giấc mơ chinh phục thế giới ca nhạc. Vợ anh vẫn âm thầm chịu đựng khi giấc mơ không thành, khi anh đã rớt xuống tận đáy để trở thành một ca sĩ chuyên hát thế kiếm sống ở các tụ điểm ca nhạc như bây giờ. Cuộc sống gia đình của một ca sĩ hết thời như anh đã biến vợ anh từ một cô gái xinh đẹp và dịu dàng xưa kia thành một người đàn bà tiều tụy vất vả với nhiều nét lo toan trên mặt.
Hồi trước thỉnh thoảng cô ấy cũng đến đây với anh. Lúc ấy cô thường ngồi bên cạnh anh, chỗ để xe cạnh phòng thay đồ. Ở đó trong tiếng nhạc tiếng ca từ sân khấu đưa lại, bên cạnh dãy xe bóng loáng của các ca sĩ ngôi sao mà anh có trách nhiệm phải coi chừng, cả hai vợ chồng cùng ngồi im lặng. Họ không nói năng gì với nhau cho tới lúc cả hai cùng lủi thủ đi bộ về khi sân khấu đóng cửa và anh thì chưa một lần được lên sân khấu. Thời gian sau này vợ anh không còn đến đây nữa và Bảo Liên cảm thâý mừng vì điều đó. Anh không muốn vợ mình phải san sẻ với anh nỗi ê chề của một kẻ đang phải chầu chực để kiếm ăn như anh. Anh xấu hổ với vợ mình và muốn giữ lại một chút tự ái cuối cùng. Giống như một con bạc đã cháy túi nhưng vẫn giữ lại vài đồng xu cuối cùng để tự trấn an rằng không phải mình đã mất tất cả.
Cô ca sĩ trẻ ngồi bên nãy giờ bỗng cất tiếng hỏi anh:
- Không biết từ giờ tới lúc vãn hát còn có được bài nào cho anh em mình không anh Bảo Liên hả?
- Ờ, cũng có thể còn vài bài đấy nếu trời mưa. Anh trả lời, giọng không tin tưởng lắm.
Ở tụ điểm ca nhạc ngoài trời này, thật ngược đời khi trời mưa lại là một dịp tốt cho những ca sĩ hát thế như bọn anh. Trời mưa, dù chỉ vài giọt thôi cũng đủ lý do để các ca sĩ ngôi sao đến muộn, hoặc mè nheo đủ thứ. Bọn họ sẽ chỉ vài giọt mưa bám trên tóc để kể lể với ông bầu về nỗi khổ của họ khi phải đội mưa để đến được sân khấu này. Đôi khi họ chẳng thèm đến nữa. Và đó chính là lúc có việc cho bọn anh làm.
Cô gái như chẳng để ý đến câu nói nước đôi của anh. Với vẻ bứt dứt không yên, cô ta nói với Bảo Liên mà như đang tự nói với chính mình:
- Hôm nay mà mưa thì bà X. sẽ không đến đâu vì có bao giờ trời mưa mà bà đó chịu tới. Vậy là còn khỏang ba bản cho tụi mình. Nếu con K. cũng nghỉ nữa cũng đủ việc cho anh em mình anh Bảo Liên nhỉ? Miễn là bà X. không tới....Cô gái nói như để tự trấn an mình.
Bảo Liên im lặng. Anh nhớ đến cô ca sĩ mà cô gái vừa nhắc tên. Đó là một trong các ca sĩ hạng vơ-đét ở đây, lại được ông bầu cưng chiều nên mỗi lần ra sân khấu là cô ta hát liền một hơi ba bốn bản. Nếu được khán giả hò hét yêu cầu thì hứng chí lên, cô ta chơi luôn thêm vài bản nữa mặc kệ những ánh mắt căm tức của các ca sĩ từ hậu đài nhìn ra. Ở cái tụ điểm ca nhạc này chương trình không nhiều nên mỗi bản cô ta hát thêm nghĩa là lấy đi cơ hội lên sân khấu của một ca sĩ hát thế khác, cũng như lấy đi phần việc làm và số tiền mà lẽ ra họ được hưởng nếu như cô ta không cao hứng.
Bảo Liên rất hiểu điều đó vì mỗi lần đi hát anh vẫn phải chuẩn bị kỹ càng những gì nghề nghiệp đòi hỏi, dù có được lên sân khấu hay không. Để giữ cho bộ quần áo được phẳng phiu và mái tóc nguyên nếp, anh phải thuê xe xích lô khi đi hát, còn khi trở về thì anh phải cuốc bộ, nếu không đi nhờ được xe của ai đó. Rồi hàng đêm anh phải chuẩn bị đầy đủ lệ bộ như một ông chủ đi dự tiệc, phải đợi mòn mỏi bên cạn sân khấu, dù đêm đó anh chẳng một lần được lên hát. Đã bao đêm rồi, anh cứ lặp đi lặp lại một quãng đường như thế để đến một nơi mà người ta không cần đến anh. Dù anh có vắng mặt đêm nay, đêm mai hay vắng mặt cả đời thì cũng chẳng ai cần đến anh cả.....
Cô ca sĩ trẻ với bộ váy áo cầu kỳ ngồi bên anh cứ nhấp nhổm không yên. Mọi đêm khi chương trình sắp hết thì cô ta đã về từ lâu rồi. Vậy mà đêm nay cô gái đó vẫn ngồi chờ đợi cùng anh với dáng vẻ không yên.
Chương trình đã sắp tàn, khán giả lèo tèo chỉ còn vài bàn khách nhậu khuya. Các ca sĩ hát thế khác đã lần lượt bỏ về hết cả, chỉ còn lại Bảo Liên và cô ca sĩ trẻ nọ. Hai người ngồi im lặng nhưng Bảo Liên biết cô gái đang sốt ruột lắm qua cái dáng vẻ bồn chồn đứng ngồi không yên của cô. Bảo Liên đóan biết cô gái rất muốn lên hát đêm nay, nhưng cô nghĩ chắc gì đã có được một khoảng trống nhỏ bé nào đó trên sân khấu để dành cho cô. Và nếu có thì Bảo Liên, người đang ngồi đó lù lù như một tảng đá ngăn đường này sẽ là kẻ dành lấy phần hát đó trước.
Bất chợt Bảo Liên thấy mình và cô gái này, như hai kẻ thù đang ngồi rình nhau trong một cuộc cạnh tranh ngấm ngầm,mà chẳng ai muốn mình là kẻ thua cuộc. Hai người cùng hy vọng vào một sự trục trặc hay sai lệch nào đó trong chương trình, để được gọi vào hát thế chỗ trong chút ít thời gian còn lại. Như một miếng bánh thừa thãi nào đó, một miếng bánh qúa nhỏ chỉ đủ cho một người bất chợt rơi xuống giữa anh và cô gái, hai kẻ chờ đợi hẩm hiu đêm nay. Bảo Liên cay đắng nghĩ vậy. Anh biết rằng cuối cùng cô gái sẽ bỏ ra về trước anh, vì cô biết anh sẽ là người chờ đợi cho đến giây phút cuối cùng. Mọi đêm trước anh vẫn ngồi chờ cho đến khi nơi đây đóng cửa. Anh chờ đợi dù chẳng để làm gì mà chờ đợi chỉ như là một bản năng mà anh có được sau nhiều năm chờ đợi dài đằng đẵng. Giống như trong một câu chuyện anh đọc hồi nhỏ kể về một người mù hát xẩm vẫn kiên nhẫn ngồi hát giữa đêm đông không người qua lại để chờ đợi những đồng xu bố thí không bao giờ có...
Cô gái trẻ bỏ đi đâu mất, để Bảo Liên lại chìm vào dòng suy nghĩ miên man bất tận của mình. Đêm nay anh thấy trong lòng mình bối rối khác thường. Nguyên do cũng chỉ vì cái công việc hiện tại của anh đã làm cho hai vợ chồng anh xảy ra tình trạng lục đục. Có lẽ vợ anh đã mất đi cả lòng kiên nhẫn vốn có, khi nhiều đêm thấy anh trở về nhà với vẻ chán chường mệt mỏi, sau khi phải ngồi chờ đợi vô vọng những dịp may được lên sân khấu.
Mấy hôm trước, vợ anh đã nói với anh tất cả những điều mà từ lâu cô ấy vẫn giữ trong lòng. Những lời nói thẳng thắn mà dù có đôi chút tự ái, anh cũng phải công nhận là vợ anh đã nói đúng về cái công việc anh đang làm.
- Đó không phải là một công việc dành cho anh. Vợ anh nói và vẫn như mọi khi, chị nói nhẹ nhàng ý nhị để cho anh hiểu mà không động chạm đến lòng tự ái của anh: Nếu anh muốn trở thành một người ca sĩ thực sự thì anh phải trở về nhà máy cũ của chúng ta. Ở đó anh mới được tự do hát cho lớp khán giả muốn nghe anh hát.
Giờ đây anh mới hiểu rằng vợ anh đã nói đúng. Ngưòi ca sĩ thực thụ thì đứng ở đâu, trên một sân khấu lộng lẫy hay một bục gỗ đơn sơ thì cũng giống như nhau mà thôi. Cái họ cần là được hát hết mình cho những người khán giả biết trân trọng tiếng hát của họ, giống như cánh chim cần bầu trời bao la để tung cánh vậy.
Phải. Anh cũng đã có một thời như thế. Bảo Liên bùi ngùi nhớ lại. Hồi ở nhà máy cũ, anh đã là một ngôi sao không thể thiếu trong các cuộc liên hoan lễ lạt. Những dịp đó anh say sưa hát, hát đến khản cổ mà vẫn hát nữa giữa tiếng hoan hô đòi hát nữa của khán giả là công nhân nhà máy của anh. Nếu anh còn ước mơ được hát thì anh hãy trở về cái nơi mà anh đã ra đi, không phải như một kẻ thất bại mà chỉ như một kẻ đi tìm chỗ đứng của mình và giờ đây đã tìm được nó ở nơi chốn cũ. Anh sẽ trở về với những ngày ôm cây đàn ghi ta đi hát vô tư với những người bạn yêu mến giọng hát mình. Rồi anh sẽ lại đi hát ở bất cứ nơi đâu cần đến tiếng hát của anh như những ngày trước, ở những nhà máy đồng ruộng hay những vùng biên giới xa xôi. Ở có không các có ca sĩ ngôi sao và cũng không có ca sĩ hát thế. Ở đó chỉ có những người ca sĩ mà thôi. Đối với người công nhân, nông dân hay những người lính thì tất cả các ca sĩ đem lời ca tiếng hát đến với họ đều là các ca sĩ ngôi sao cả, bất kể họ có nổi tiếng hay không. Bảo Liên thở dài khi nhớ đến những cái bắt tay thật chặt, những bó hoa mà khán giả đã tặng. Qủa thật ở những nơi đó chỉ có tiếng hoan hô nhiệt liệt chứ không có tiếng huýt sáo chê bai đòi đuổi vô như ở đây...
Bảo Liên buồn rầu nhìn đám khán giả hỗn tạp đang ồn ào như một cái chợ ở tụ điểm ca nhạc này. Dù đã trải qua một thời gian dài ở đây, anh thấy mình vẫn không thể quen thuộc với không khí ở cái sân khấu kiêm chỗ ăn nhậu này. Ở đây khán giả say sưa la hét um sùm, có khi nhẩy cả lên sân khấu để chìa ly bia vào mặt ca sĩ đang hát đòi "vô trăm phần trăm". Thậm chí có những ông lảo đảo leo lên sân khấu, cầm tiền vung vẩy để đòi hôn các cô ca sĩ. Trong những lần hiếm hoi đứng hát, Bảo Liên buồn rầu thấy chẳng mấy ai để ý lên sân khấu hay để ý đến người ca sĩ đang hát. Tiếng hát của anh lúc đó chỉ để mua vui cho đám khách đang ăn nhậu say sưa hoặc đang dập dìu nhảy nhót. Họ lơ mơ trong men rượu hay men tình và chỉ sực tỉnh khi anh đã hát xong.
Cô ca sĩ trẻ lúc nãy bỗng trở lại. Cô ta nói với vẻ chán chường:
- Bà X. đến rồi, lại cả con mẹ K. cũng tới luôn. Thôi, thế là xong. Tối nay lại "lốc" rồi. Em sửa soạn đi về đây, ngoài kia có người đợi em...
Cô ngưng lại, nhìn anh lúng túng rồi nói tiếp, giọng nghẹn ngào:
- Xui qúa anh à, đêm nay bồ em cùng với cả nhà anh ấy đến đây coi em hát. Đang ngồi cả ngoài kia. Em trót nói dối là em hát thường xuyên ở đây, là ca sĩ ở tụ điểm này. Nhiều lần ảnh muốn đến em đều thoái thác được. Bữa nay phải đồng ý thôi vì tuần sau....Với lại em nghĩ chủ nhật thì mấy bà Vơ-đét kia bận hợp đồng ở đâu đó, ai dè có mặt cả đám. Không biết trời xui đất khiến thế nào mà đúng vào hôm nay, cả nhà ảnh lại có mặt đông đủ như vậy...Phải chi không có gia đình ảnh......
Bảo Liên gật đầu thông cảm với cô gái. Các ca sĩ hát thế thường hay nói dối giống như cô gái nọ. Họ nói họ hát chính, là ca sĩ ngôi sao ở đây. Bên ngòai khó biết ai là ca sĩ hát chính, ai là ca sĩ hát thế vì đâu có ai giới thiệu như vậy. Chính Bảo Liên trước kia cũng đã nhiều lần nói dối như vậy với bạn bè người thân, để rồi sau đó lại cuống quýt chạy năn nỉ từ ông bầu cho tới các đồng nghiệp xin hát không công một hai bản. Thậm chí còn phải dúi tiền cho ông bầu chỉ để xin được một lần lên sân khấu. Đó là điều bình thường trong giới ca sĩ không tên tuổi hoặc những người hát thế như bọn anh. Họ làm như vậy cũng chỉ vì chính người thân của họ cũng bị cái hào nhoáng lấp lánh của sân khấu mê hoặc như chính bản thân họ vậy. Một vài lần hiếm hoi được lên sân khấu không giúp ích gì cho ai cả, ngoại trừ có được vài kỷ niệm nho nhỏ về một thời đi hát để khi về già có chuyện kể cho con cháu nghe. Nhưng nó còn làm hại đến tương lai của chính người đó khi mang đến cho họ một chút tiếng tăm qúa nhỏ và một giấc mơ qúa lớn, qúa hão huyền. Vinh quang của nghề nghiệp này cũng giống như một thứ ma túy vậy, đã được hưởng vài lần rồi thì cứ phải bám chặt mãi không rời như một con nghiện không thể thiếu thuốc vậy.
Chẳng biết nói gì hơn, Bảo Liên nói như để an ủi cô gái:
- Cố gắng chờ thêm một chút xem sao. Chương trình vẫn chưa kết thúc mà..
Cô gái nhìn anh với vẻ chán nản. Có lẽ cô nghĩ ngay chính Bảo Liên cũng chẳng còn hy vọng gì nữa khi sân khấu sắp đóng cửa rồi. Cô vội vàng đứng dậy, đi vào phòng thay đồ để chuẩn bị thu dọn đồ đạc ra về. Bảo Liên muốn gọi cô lại, nhưng anh biết mình chẳng giúp gì được cho cô gái đó, cũng như chẳng ai giúp được cho anh.
Chợt trong phòng thay đồ có tiếng khóc vọng ra, tiếng khóc cố nén lại nhưng vẫn bật ra như không gì ngăn được. Bảo Liên vội vàng bước vào phòng và thấy cô gái trẻ lúc nãy đang gục đầu trên bàn, đôi vai rung lên trong tiếng nấc ngẹn ngào. Cô đang khóc, tiếng khóc như vỡ ra tức tưởi. Cô quay lại và nói với anh trong nước mắt: "Em xấu hổ qúa anh ơi! Bây giờ em lúng túng qúa không biết làm sao cả... vì tuần sau chúng em làm đám cưới rồi. Mà anh ấy...không, gia đình anh ấy cứ muốn đi coi em hát một lần. Chỉ một lần rồi thôi, vì em đã quyết định sẽ không đi hát nữa. Vậy mà....em sẽ là một kẻ nói dối. Rồi anh ấy...gia đình anh ấy sẽ nghĩ sao về em....Em nhục nhã qúa...."
Bảo Liên như nhìn thấy được nỗi tuyệt vọng lớn lao trong đôi mắt đẫm lệ kia của cô gái. Anh không biết làm gì hơn để an ủi cô gái mà chỉ biết để mặc cho cô khóc, như muốn cho cô được trút bớt nỗi thất vọng tủi hổ trong lòng cô. Nhưng anh biết cô sẽ không bao giờ nguôi ngoai được, và có lẽ nhiều năm nữa trong cuộc đời cô sẽ nhớ mãi đến ngày hôm nay với niềm cay đắng mãi không nguôi....
Bảo Liên vuốt nhẹ đôi vai cô gái đang rung lên trong cơn thổn thức và chợt nhớ lại đã có những giây phút anh cũng phải khóc như cô gái đáng thương này. Đó là lần đứa con gái nhỏ của anh, nhân ngày sinh nhật của nó nên nó đã về năn nỉ anh xin được dẫn bạn bè đi coi anh hát. Có lẽ nó muốn lấy le với đám bạn học rằng bố nó là một ca sĩ. Chiều con anh đã gật đầu đồng ý và cho mãi đến giờ anh vẫn còn hối hận về việc đó. Bữa đó để chắc ăn, anh đã phải vửa dàn xếp vừa năn nỉ ông bầu để có được một lần lên sân khấu hát không có thù lao. Đêm đó anh chải đi chải lại bộ áo vét duy nhất của mình, sửa soạn mái tóc kỹ hơn và mặt thoa nhẹï một lớp phấn hồng. Lòng tràn đầy phấn khởi, anh đi đến tụ điểm ca nhạc từ rất sớm. Nhìn đứa con gái nhỏ của mình ăn mặc chải chuốt như một cô thiếu nữ mới lớn, cứ lăng xăng giữa đám bạn học cả chục đứa đang hớn hở ngồi chờ đợi trong đám khán giả, anh thầm hứa sẽ hát thật hay để tặng cho con gái mình....
Chương trình trôi qua và sắp tới lượt anh lên sân khấu thì V.Q., một ca sĩ đang nổi tiếng bỗng ở đâu lù lù dẫn xác lại. Ngay lập tức hắn ta cùng cả tá các cô múa phụ họa ăn mặc hớ hênh nhảy ngay lên sân khấu, vừa hát vừa õng ẹo nhảy múa. Đám khán giả bị kích động, khoái chí la hét um sùm làm hắn ta nổi hứng hát một hơi liền năm bản và dĩ nhiên là hát qúa vào phần của người khác, trong đó có phần nhỏ bé tội nghiệp của Bảo Liên. Mặc dầu tên của V.Q. không hề có trong chương trình đêm đó, nhưng ông bầu không hề can thiệp gì mà còn hào hứng cổ vũ thêm cho hắn, nên hắn càng hứng chí độc diễn quất gần hết chương trình. Ở trong cánh gà nhìn xuống, Bảo Liên nhìn thấy vẻ bồn chồn sốt ruột của con gái mình qua cử chỉ đứng ngồi không yên của nó giữa đám bạn bè. Trong lòng Bảo Liên như có lửa đốt khi trên sân khấu vẫn là tiếng gào thét của V.Q. và tiếng hô Bis, Bis của khán giả. Lúc đó anh chỉ còn biết chờ đợi và cầu mong cho cơn hứng chí bất tử của hắn mau chấm dứt. Tất nhiên bữa đó con gái anh và đám bạn bè của nó không được thâý bố nó lên sân khấu "trình diễn" như đã hứa. Nó vùng vằng ra về mà không chào anh, cũng không giới thiệu anh cho các bạn nó như đã hẹn trước. Còn Bảo Liên thì đợi cho đứa con gái cùng đám bạn nó ra về rồi anh vội vàng đến bức tường tối đen ở đằng sau sân khấu. Trong bóng tối mờ mờ và trong sự cô đơn im lặng ở đó anh đã khóc. Anh khóc tức tưởi như một đứa trẻ, anh khóc vì nỗi tủi nhục chất chứa trong lòng.... Từ đó con gái anh không bao giờ đi coi anh hát nữa và cũng từ đó anh không bao giờ tự coi mình là ca sĩ nữa....
Giờ đây khi nhìn cô gái đáng thương đang ngồi khóc rấm rứt, anh cảm thấy cơn giận dữ bừng bứng dâng lên. Anh giận chính bản thân mình, cùng sự ươn hèn và đáng khinh của chính con người mình. Cũng như cô gái này, anh tưởng có thể chui vào ẩn nấp trong ánh hào quang lấp lánh của sân khấu như chui vào một cái vỏ chắc chắn. Nhưng giờ đây anh nhận thấy con người thực của anh hiện lên một cách bất ngờ nhất nhưng cũng rõ ràng nhất. Như một kẻ luôn tự hào về bề ngoài hào nhoáng của mình bỗng nhiên thấy mình trần trụi, không quần áo...
Chợt có tiếng gọi đến tên anh. Tiếng gọi vang lên như tiếng thét đầy quyền nó uy của ông bầu Béo, tiếng gọi mà bao lâu nay anh trông đợi vang lên: "Bảo Liên đâu. Bảo Liên đâu........ra hát nè !" Nhưng anh không đứng bật dậy để vội vàng lên sân khấu như mọi lần. Anh vẫn ngồi yên một chỗ, như bàng hoàng trước sự thay đổi trong chính con người mình. Tiếng gọi the thé của ông bầu Béo, mà anh mong chờ hàng đêm đó giờ đây anh thấy nó tầm thường, thậm chí thô bỉ làm sao. Vì giống như một thứ của bố thí thừa mà người ta đã ban phát cho anh hàng đêm. Nó gợi lại cho anh nỗi nhục nhã ê chề của một kẻ chuyên chầu chực kiếm ăn bên cạnh sân khấu. Giống như một loài kên kên chuyên chờ đợi miếng ăn thừa thãi sau bữa tiệc của những loài mãnh thú.
Bảo Liên như chợt hiểu ra rằng, bấy lâu nay mình đã sống trong ánh hào quang giả tạo, bằng cách lâu lâu được bước lên giữa ánh đèn mầu rực rỡ của sân khấu, sau bao khắc khoải chờ đợi sau cánh gà. Nó diễn ra như trong một cây đèn cù quanh quẩn, cứ giữa hai lần đứng trên sân khấu là cả một thời gian chờ đợi dài lê thê...
Tiếng kêu đến tên Bảo Liên của ông bầu Béo lại vang lên một lần nữa đầy thúc giục, và đây là lần đầu tiên người ta phải kêu tên anh tới hai lần. Nhưng anh đã quyết định không cần đến nó nữa. Vì anh sẽ rời khỏi đây ngay lập tức, để trở về với con người thật của mình. Anh sẽ bỏ lại cái tên Bảo Liên đầy nhục nhã ê chề của những ngày lăn lộn trên sân khấu chuyên nghiệp để trở lại là chàng ca sĩ nghiệp dư tên Nguyễn văn Thành. Anh sẽ trở lại những ngày được ôm đàn nghêu ngao hát cùng chúng bạn một cách vô tư lự như ngày xưa. Anh sẽ không bao giờ phải chầu chực để được hát và con gái anh sẽ đưa bạn bè nó đến xem anh biểu diễn bất cứ lúc nào nó muốn. Rồi anh sẽ được mọi người yêu mến và trân trọng gọi anh là người ca sĩ. Bây giờ anh phải rời khỏi nơi đây để trở về nhà và nói cho vợ anh những điều mà nếu nói ra chị sẽ rất vui mừng sướng.
Người ta đã kêu tên anh tới lần thứ ba và đây cũng là lần đầu tiên người ta phải kêu anh lên sân khấu nhiều đến như thế. Mấy anh chàng nhạc công phải chờ nên cứ trố mắt nhìn anh ngạc nhiên. Nhưng người ngạc nhiên nhất lại là ông bầu Béo, khi anh nói với ông ta rằng, từ nay anh sẽ không hát ở đây nữa.
- Nhưng cậu sẽ hát ở đâu chứ? Ông bầu nói lạc cả giọng, ấp a ấp úng khác hẳn ngày thường - Cái giọng của cậu thì..... chỉ ở đây cậu mới có việc làm. Hay là cậu có sân khấu nào mời....Ông ta cứ lắp bắp hỏi.
-Tôi sẽ không hát ở đâu cả. Anh từ tốn nói và khẽ mỉm cười khi biết mình nói dối. Anh biết anh sẽ hát ở đâu nhưng anh thấy không cần phải nói ra cho ông ta.
Nhưng anh còn có một việc để làm, trước khi rời khỏi nơi này mãi mãi. Anh chỉ cô gái đang sửa soạn ra về, rồi nói với ông bầu bằng giọng nói như ra lệnh mà chính anh cũng không ngờ tới:
- Còn một bài hát dành cho tôi đêm nay, anh hãy để cho cô gái kia lên sân khấu hát thay tôi.
Rồi bỏ mặc ông ta đứng nhìn theo ngơ ngẩn, anh bước về phía cô gái. Bằng giọng nói gấp gáp như thể không còn thời gian nữa, Bảo Liên nói cô gái hãy lên sân khấu ngay đi để hát thay cho anh bài hát này. Hãy bước lên sân khấu rực rỡ ánh đèn kia và hát cho người chồng tương lai của mình nghe đi. Cô hãy hát cho thật hay, thật nhiều tình cảm như thể đây là lần cuối cùng đứng trên sân khấu vậy. Để rồi ngay sau đó hãy rời xa sân khấu, càng xa càng tốt nếu như cô muốn lấy một người chồng mà cô mong muốn cùng với một gia đình êm ấm của mình. Vì đây không phải là nơi dành cho cô, cũng như trước kia không phải là nơi dành cho anh....
Bảo Liên còn muốn nói nhiều hơn nữa, nhưng anh không muốn ở lại đây thêm một phút nào nữa. Anh sợ chậm trễ thêm thì sẽ không bao giờ thoát khỏi nơi này nữa. Để cô gái đứng ngây người ra đó, Bảo Liên bỏ đi ra phía cổng và bước ra ngoài đường phố đang nhộn nhịp người qua lại. Mỉm cười hài lòng, Bảo Liên hít một hơi dài trước khi bước thẳng ra ngòai. Anh chợt nhận thấy đây là lần đầu tiên anh ra về khi bên trong sân khấu đang còn rền vang tiếng nhạc. Và anh cảm thấy nhẹ nhõm khoan khoái khi bước ra phía bên ngoài, như vừa bước ra từ một nơi giam cầm ngột ngạt...
Mai Tú Ân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét