Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

Đợi Chờ Trong Đêm - Truyện ngắn của Mai Tú Ân

Trong đêm đen ai gào trong gió,
Mà tiếng hờ nấc nghẹn cả dòng sông.
Ai đang về trong đêm đông giá lạnh,
Bỏ ai lại với nỗi buồn mênh mông...


Ngoài trời tối đen như mực. Cơn gió mùa đông bắc đầu tiên đã thổi về, đem theo làn hơi lạnh lẽo len lén tỏa vào từng căn nhà nép mình bên sườn đồi thoai thoải của làng Thượng. Trong căn nhà to lớn và cũ kỹ của  mình Thủy vẫn chưa ngủ. Nằm dưới lớp chăn bông sực nức mùi băng phiến vì mới lấy ra hồi tối, cô nằm yên lặng như đang lắng nghe tiếng gió lạnh đầu mùa đang gào rú trên nóc nhà, cũng như đang lắng nghe những rung động rộn ràng trong cơ thể mình. Dường như mỗi khi cơn gió lạnh đầu mùa mang theo cái se lạnh đến rùng mình ớn lạnh cả cơ thể thì cô lại thấy bứt dứt khó ngủ. Đã hai mươi mấy năm kể từ khi cô biết được cái cảm giác rạo rực bồn chồn của  người con gái trong tình yêu, nó đã làm cho Thủy phải nhiều đêm thức trắng. Cái cảm giác của một thời hạnh phúc đã trở về trong cô với bao kỷ niệm êm đềm dịu ngọt của một tình yêu đầu đời…

Thủy ngồi dậy và đốt ngọn đèn dầu nhỏ đặt trên bàn thờ. Cô đăm đắm nhìn lên cái khung ảnh đã ố vàng của một người trai trẻ trong bộ quân phục đang tươi cười nhìn cô. Khuôn mặt anh trông trẻ nhất và tươi cười nhất trong những khuôn mặt nghiêm nghị quắc thước của các cụ kỵ ông bà cha mẹ cô trên bàn thờ. Gương mặt cùng nụ cười của anh quá thân quen của anh luôn làm cô bồi hồi xao xuyến, y hệt như những ngày đầu gặp nhau cách đây đã bao nhiêu năm. Những kỷ niệm về mối tình đầu tiên của cô vẫn là những rung động tình yêu duy nhất khiến cho trái tim cô đơn và lạnh giá của Thủy lại rung động rộn ràng. Với cô thì cái tình yêu  mà đã hai mươi năm trôi qua, nó dường như còn mới mẻ lắm.

Năm đó Thủy vừa tròn đôi mươi với khuôn mặt bầu bĩnh và đôi má đỏ hây hây. Thân hình con gái đương vào tuổi trưởng thành tròn trịa và chắc lẳn với bộ ngực nở nang như muốn xé toạc cái áo cánh nâu. Thủy có đôi mắt đen long lanh như lúc nào cũng đang khóc hay đang cười vậy. Đôi mắt mà người ta bảo sẽ hay bị khổ tâm vì tình duyên lận đận lắm. Nhưng cũng có bà già trong làng lại bảo : “ Con gái ông Cả là loại gái khéo chuyện chồng con mà lại tốt giống. Lấy chồng rồi thì cứ gọi là sòn sòn năm một hay ba năm đôi chắc lứa”.   Và ở cái làng Thượng, nửa quê nửa núi này thì Thủy là một mối tốt cho các ông mai bà mối lượn lờ tấp nập ra vào nhà cô.

Có điều lúc này đang là chiến tranh ác liệt, thanh niên trai tráng trong làng đều đã lên đường ra trận cả thì làm gì còn có thằng con trai nào ở nhà mà tính chuyện chồng với chả con. Cả cái làng Thượng một thời dập dìu ong bướm anh ả thì giờ đây chỉ còn đám trẻ ranh chưa sạch mũi dãi với mấy ông già lọm khọm đang chờ ngày về núi. Có thêm mấy anh chàng đương xuân nhưng bị quân đội chê, không nhận như các anh chàng không thọt chân thì cũng gù lưng chột mắt này.

Mấy người lớn tuổi vừa nhìn đám con gái mơn mởn đang tụ tập quanh giếng làng, vừa thở dài bảo rằng cái làng Thượng này  đang lúc :”âm thịnh dương suy”. Mà quả là âm thịnh thật khi trong làng có hàng đống các cô chưa chồng. Cô nào cô nấy trông cứ mây mẩy tràn đầy nhựa sống…

Trong căn nhà to lớn nằm tách biệt của mình, cha con ông Tư cắm đầu bận bịu với những việc nhổ cỏ, bón phân và chăm sóc đàn lợn gà trong khu vườn rộng lớn um tùm cây ăn quả bao quanh ngôi nhà.

Ông Tư thường ngừng tay tỉa cành, nhìn trộm cô con gái rượu duy nhất đang khéo léo làm cỏ với niềm hãnh diện không thể che giấu. Con Thủy giống y như mẹ của nó. Từ cái nết nhu mì, tính chăm chỉ cho đến cả vóc dáng tròn trĩnh bên ngoài, nhất là đôi mắt buồn buồn như lúc nào cũng mơ mơ màng màng.” Mắt mày rồi thì  khổ suốt đời đấy con  ạ. Giống y như mẹ mày”.

Ông bảo vậy nhưng hài lòng trong bụng vì thấy con gái mình không phải là cái thứ gái nhìn thấy trai là mắt sáng rực lê. Nó đẹp người đẹp nết, cùng với cái cơ ngơi nhà ông thì đó là một mối tốt nhất cái làng Thượng này rồi. Ở cái làng nửa miền núi nửa đồng bằng thì cái cơ ngơi đó của cha con ông thuộc vào loại nhất làng rồi. Cái cơ ngơi mà ông đã đổ bao nhiêu mồ hôi sức lực của cả một  đời người ra chỉ để làm của hồi môn cho con gái ông khi nó đi lấy chồng Đó cũng là ước nguyện của cả đời ông, muốn con gái mình được mở mày mở mặt với thiên hạ và cũng làm mát mặt mẹ nó ở dưới suối vàng.

Ông thở dài nghĩ, nếu không phải thời bom đạn như bây giờ thì con gái ông cứ gọi là đuổi đi không hết những thằng lăm le làm rể ông. Những thằng vừa thích đứa con gái xinh đẹp của ông lại vừa thèm rỏ rãi cái cơ ngơi bề thế của  ông. Nhưng thời thế lúc này thì có đốt đuốc đi tìm cũng không tìm đâu ra một thằng nào được trai một chút để có thể chấp nhận làm rể ông. Cả đời ông phấn đấu làm lụng cực nhọc chỉ để phấn đấu được mở mày mở mặt lúc con gái ông đi lấy chồng mà thôi. Chuyện lập gia thất cho đứa con gái duy nhất là chuyện của đời ông. Nó khiến cho  ông làm việc  quần quật như trâu cày kể từ ngày gồng gánh rời quê lên vùng đất mới này lập nghiệp. Hết làm lụng suốt ngày ở ngoài đồng lại về nhà làm vườn, cóp nhặt từng cọng rau, quả ớt…nên chẳng mấy chốc, từ một kẻ không có cục đất đuổi chó như người làng này vẫn nói thì giờ đây ông đã có một cơ ngơi lớn nhất làng. Nhà ông luôn được nhiều gia đình trong làng ngấp nghé làm thông gia. Mặc dù vậy ông biết đám dân trong làng mà phần lớn là dân tứ xứ đến đây lập nghiệp vẫn không ưa ông. Họ bảo ông là địa chủ mới, là kẻ đã từng đi tù vì vấn đề cê – tê (chính trị). Họ bảo ông keo kiệt, bần tiện. Đi ăn cỗ ra đường mà thấy có bãi phân trâu cũng lật đật xắn tay áo hốt giấu vào bụi vây, khi nào về lấy lại đem về nhà làm phân bón cây…v…v..

Quả là ông có vấn đề thật. Chả là ngày trước ông có thời đi lính cho Tây. Cũng vì ham tiền, nghĩ rằng đi lính cho Tây thì được nhiều tiền. Đến khi có hiệp định Già Néo (Geneve) ông không xuống tàu di cư vào Nam chỉ vì tiếc căn nhà cùng mấy mẫu ruộng hương hỏa . Rồi ông phải đi tù mất mấy năm. Ra tù thì chẳng còn gì ngoài bà vợ bệnh hoạn và đứa con gái nhỏ còm nhom. Ít lâu sau thì bà vợ chết, bỏ lại ông với con Thủy, lúc đó quặt quẹo  như một con khỉ thiếu ăn. Ông nghe lời bà trăng trối rằng, cái quê ông giờ bạc lắm. Có làm mấy đời cũng không hết tai tiếng xấu của người cha từng đi lính giúp Tây đánh Ta như ông. Muốn con gái mình sau này lấy chồng được mở mày mở mặt với người ta thì đi xứ khác, nơi không ai biết thân phận của ông .

Nghe lời trăn trối của vợ, ông bán sạch và lên đường theo lời kêu gọi đầu tiên của chính  phủ đi xây dựng vùng cao. Gia tài manng theo không đủ trên đôi quang gánh cùng  con Thủy lúc lẫm chẫm chạy theo lúc trèo lên ngồi lọt một bên, bên kia lèo tèo những thứ đồ đạc mang theo.

Nhiều năm trời làm lụng quần quật với ý nghĩ tạo được tài sản, tạo được thế đứng cho con gái khi nó tới tuổi lấy chồng. Ông Trời đã phù hộ khi giờ đây ông cũng tạm ổn với một gia sản kha khá cùng với con gái ông, càng lớn càng xinh đẹp nết na. Các ông mai bà mối chen nhau trước cửa nhà ông đuổi mãi không hết. Bọn giai làng mai phục dầy đặc quanh nhà ông, buổi tối chúng vào vườn ca hát gẩy tàn từng tưng khiến ông điếc con ráy. Thời thịnh của con gái ông có vẻ đã đến rồi và ông cười sung sướng lắm khi đã nghĩ ra cái cảnh nói thách cưới nhà trai...

Ấy vậy mà cũng lại ông Giời không chiều lòng ông khi chiến tranh bất ngờ nổ ra, thanh niên trai tráng trong làng, những thằng được trai đều đã lần lượt ra trận cả, mang theo ước vọng kiếm được thằng rể ưng ý nhất của ông đi theo.

Ong Tư thở dài buồn bã. Chiến tranh ngày càng lan rộng ra và càng trở nên ác liệt hơn. Máy bay Mỹ bay qua làng ngày càng nhiều hơn. Còn cái làng Thượng khốn khổ của ông ngày càng trở nên vắng lặng và buồn thảm hơn bao giờ hết. Đám con gái trong làng giờ đây chẳng cần diện những bộ cánh mới nữa mà cứ xùm xụp cái áo vá chằng chịt khi ra làm đồng. Chẳng còn những đôi má đỏ hây hây của các cô gái trong làng mà chỉ còn là những khuôn mặt cau có xám xịt. Nó cũng xám xịt như cái màu ngụy trang loang lổ mà người ta sơn phết lên những bức tường trắng mái ngói đỏ và bao trùm lên cả cái làng Thượng một màu xám xịt đầy u ám của chiến tranh...

Đến cuối năm đó có một đơn vị quân đội đến đóng quân trong làng của ônh. Đây là một đơn vị tân binh đang thời kỳ huấn luyện trước khi vào Nam. Họ chia ra từng tốp vài ba người đến ở nhờ các nhà dân trong làng. Có bốn anh chàng đến nhà ông Tư. Các chàng lính mới mặt non choẹt mà gió bụi phong trần của đời quân ngũ chưa làm cho họ mất đi vẻ ngây thơ rụt rè, cũng như làm sạm đi làn da trắng trẻo của đám dân thị thành.

Ông Tư trong bụng không muốn lắm nhưng cũng phải gật đầu chấp thuận cho bọn họ đến ở. Thế là bốn anh chàng cùng với đủ thứ ba lô quân dụng ùa vào nhà ông như một cơn bão nhỏ. Rồi như một đám giặc cỏ, các cậu chàng khuấy động căn nhà vốn trầm lặng khép kín của ông. Họ vừa đùa nghịch, và tranh nhau dọn dẹp quét tước từ trong nhà ra ngoài sân. Và kết quả là đồ đạc từ trong nhà cho tới ngoài sân đều bị xới tung cả lên.

Ông Cả ấm ức nhìn bộ bàn ghế bằng gỗ gụ lên nước bóng loáng cùng với tấm phản lim chắc nịch mà ông lau chùi cẩn thận hàng ngày thì giờ đang bị mấy anh chàng đó trèo lên vật nhau trên đó. Ông còn bực mình khi cứ phải đáp lễ liên tục những câu hỏi thăm khách sáo, những thái độ cung kính vờ vịt của đám khách không mời ấy. Nhưng ông ấm ức hơn cả là khi nhìn thấy con gái ông, đứa con gái mà thường ngày rụt rè bẽn lẽn thì giờ đây mặt cứ tươi như hoa, chạy lăng xăng giúp đỡ cho mấy anh chàng đó có nơi ăn chốn nghỉ...

Tuy trong bụng ấm ức nhưng ông chỉ im lặng ngó chừng con gái ông với mấy anh chàng kia. “Hừm nếu đó là đám trai làng này thì ông đã tống mẹ nó ra cửa rồi. Nhưng đây là mấy ông tướng bộ đội. Không khéo thì người ta lại bảo ông phản động thì bỏ mẹ"

Mấy vị khách không mời ở nhà ông thường ra đi tập luyện ngoài bãi từ sáng sớm và trở về khi trời đã tối mịt, người đầy bùn đất. Sau khi cơm nước tắm rửa xong, cả bốn chàng sạch sẽ trong những bộ quân phục mới tinh kéo nhau ra ngoài sân ngồi chơi ngắm trăng. Họ  quanh quẩn bên ông và nằn nì xin làm giúp ông  những việc mà ông không cần. Ông thừa biết mấy anh chàng này đang vờ vịt đòi giúp việc này việc kia chỉ là để được gần gũi ve vãn con gái ông mà thôi.

Ông bực bội bỏ vào nhà khi nhìn thấy bốn anh chàng vui vẻ ngồi quây quần xung quanh con gái ông chuyện trò rôm rả.Thỉnh thoảng một tràng cười lại rộ lên trong đám trẻ  vọng vào…

Không phải Thủy không biết bố cô bực mình khi thấy cô ngồi trò chuyện với mấy anh ngoài sân này. Mọi khi thoáng thấy bố không vui là cô biết ý ngoan ngoãn rút lui liền. Nhưng hôm nay có cái gì đó giữ chân cô lại. Các anh bộ đội nói chuyện vui quá. Họ cứ thay nhau kể chuyện, những câu chuyện mà có Trời mới biết là thật hay bịa nhưng vui đáo để. Cả đám cười nghiêng ngả…

Trong đám có một anh chàng dáng thư sinh nho nhã với làn da trắng trẻo mà mấy tuần lễ nắng gió quân trường vừa qua chỉ làm cho nó rám hồng lên, khiến cho chàng trông thật đẹp trong bộ quân phục. Đôi mắt của anh đen trông lạ lắm, và chính nó đã níu chân Thủy ngồi lại ngoài sân này, mặc dù cô biết bố mình đang bực mình vì chuyện đó. Dưới ánh trăng bàng bạc, Thủy thấy nhột nhạt cả người khi bắt gặp ánh mắt long lanh ấy cứ đắm đuối nhìn vào cô mãi. Người Thủy nóng bừng như bốc hỏa  và cô cứ cúi đầu xuống thật thấp để che dấu khuôn mặt đang đỏ bừng lên của  mình. Đầu óc rối tung, cô chẳng còn nghĩ gì được nữa ngoài ánh mắt mà mỗi khi ngẩng mặt lên cô lại thấy nó chiếu vào cô, vừa rụt rè vừa đắm đuối….

Chẳng thể chịu được lâu Thủy kiếm cớ lui vào nhà. Nằm thụp xuống giường với trái tim đập loạn xạ trong lồng ngực, Thủy thấy trong lòng mình dâng lên một niềm vui rộn ràng khó tả.

Những ngày sau đó, các anh kéo nhau ra bãi tập từ sáng sớm và chỉ trở về mệt nhoài khi mặt trời đã lặn. Nhưng chỉ một lát sau cả đám lại sạch sẽ gọn gàng có mặt ngoài sân quây quần chung quanh cô. Họ uống trà xanh, ăn khoai lang mà Thủy mới đào ngoài vườn vào và tán chuyện tiếu lâm vui như Tết.  Nếu không có những bộ  quân phục khoác trên người thì trông các anh như một đám thanh niên thành phố thanh lịch đang quây quần bên cô. Thủy luôn ngồi yên lặng để lắng nghe các anh kể những câu chuyện vui bất tận về cuộc sống binh nghiệp, tuy còn mới mẻ nhưng cũng đầy hấp dẫn  lãng mạng. Rồi cả những câu chuyện tiếu lâm vui tếu  của cái đám vui nhộn đó. Nhưng trong thâm tâm cô là chờ đợi ánh mắt đắm đuối của Thắng, tên của người thanh niên có đôi mắt đen luôn nhìn mãi vào cô mỗi khi có dịp. Bao giờ ngẩng lên, Thủy cũng run rẩy trong lòng vì bắt gặp đôi mắt của anh đang nhìn cô. Thắng rất ít nói. Anh chỉ ngồi nghe các bạn trò chuyện với nụ cười nhè nhẹ. Và thỉnh thoảng anh lại làm cho Thủy rạo rực bằng những ánh mắt long lanh của mình.

Ai đó đề nghị hãy đàn hát cho vui. Cây ghi ta xuất hiện trong nháy mắt và Thủy ngạc nhiên khi chính Thắng cầm lấy đàn. Anh so dây và dạo vài nốt nhạc…Và anh cất tiếng hát. Tiếng hát của anh nhẹ nhàng, dịu dàng như một lời thủ thỉ nhắn gửi theo hồn của lời ca :

Đợi anh về em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có dài lê thê
Thì em ơi hãy đợi.
Đợi anh hoài em nhé…

Mọi người lắng nghe say sưa và Thủy chưa bao giờ thấy ai hát bài hát này hay như thế. Bài hát nói về những người lính ra trận nhắn gửi đến người yêu ở nhà hãy chờ đợi, và hãy chờ đợi ngay cả khi người lính không trở về nữa. Tiếng hát của Thắng buồn, dạt dào tình cảm và đặc biệt là đôi mắt anh luôn long lanh lên khi nhìn Thủy khiến cô như ngạt thở….

Đó là những ngày vui vẻ nhất của Thủy. Suốt ngày  cô chỉ mong ngóng sao cho chóng đến buổi  tối. Rồi các anh trở về và lại quây quần xung quanh cô như thường lệ. Họ giúp đỡ cô những công việc lặt vặt trong nhà. Tiếng cười đùa nô giỡn của cả đám vang lên trong lúc họ làm việc. Đến ông Cả cũng phải hể hả khi nhìn thấy bao nhiêu công việc nặng nề lâu nay phải gác lại vì không có những bàn tay khỏe mạnh của đàn ông thì nay được mấy anh chàng này giải quyết chóng vánh. Ông hài lòng nhìn đám thanh niên cởi trần trùng trục đang ào ào cuốc đất ngoài vườn và nói với Thủy khi cô đang loay hoay với nồi khoai lang trong bếp :”Chà, đúng là bọn trai tráng thật sự. Khỏe như trâu. Trông những cái lưng trần như cánh phản cùng với những bắp tay cuồn cuộn thịt kìa. Trông thích cả mắt. Có được một thằng rể như vậy trong nhà thời buổi này là nhất đấy con ạ”

- Bố cứ nói linh tinh. Thủy nói. Mặt cô đỏ bừng khi cúi xuống thổi lửa. Các anh ấy là dân thành phố, ai thèm cưới vợ ở nhà quê. Với lại các anh ấy còn phải ra trận…Chợt cô thấy đau nhói trong lòng khi nghĩ chẳng bao lâu nữa, các anh phải ra trận. Và Thắng của cô cũng đi….

- Mà có thèm tao cũng chẳng gả cho. Ông Tư sửng cồ nói. Chẳng mấy chốc nữa là các ông tướng này xong khóa huấn luyện, là lên đường ra trận ngay. Gả mày cho bọn nó để mày làm bà góa trẻ hả ?  Thôi tao lạy cả nón cái chức vợ liệt sĩ rồi. Như con  Xuân nhà ông Yên. Con X.Y.Z…..Toàn là những bà góa mười mấy hai mươi tuổi. Ra đường vác mặt lên làm bộ mặt của bà góa khó tính. Để đêm về ôm gối khóc ức khóc nghẹn cả đêm. Còn cả mấy chục năm trời cô đơn dài đằng đẵng chứ sung sướng gì con ơi…

Tối hôm đó các anh kéo nhau đi xem văn nghệ ở trên đình làng. Ông Tư đi dự đám ở xóm dưới nên Thủy ở trông chừng nhà. Cô ngồi trong căn bếp nóng rực châm rạ để đun một nồi nước lớn. Hơi nóng phả vào mặt Thủy nóng ra với vài giọt mồ hôi vương trên má.

Đột nhiên Thắng xuất hiện và tiến thẳng tới Thủy khiến cô như đông cứng người lại. Và cô chết lặng người đi khi Thắng quì xuống và nhẹ nhàng nắm lấy hai tay cô và nói vội vàng gấp gáp :

- Tối nay anh cố tình không đi xem văn nghệ để ở nhà để gặp riêng em. Anh muốn nói chuyện với em vì mấy ngày nữa bọn anh lên đường rồi.

- Ôi, Thủy kêu lên một tiếng thảng thốt. Dù biết trước là các anh sẽ đi nhưng chỉ còn vài ngày nữa thì quả là quá đột ngột với cô. Thủy vội nắm lấy tay Thắng hỏi gấp. Anh muốn nói chuyện gì với em ?

- Anh muốn nói rằng anh yêu em. Thắng nói khi họ đang tay trong tay nhau. Anh yêu em ngay từ lần  gặp mặt đầu tiên, ngay từ cái nhìn đầu tiên. Anh yêu em.  Anh yêu em…

Thủy choáng váng không nói nổi thành lời. Đầu óc cô như mụ đi. Trái tim cô đập lồng lộn như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Người cô đờ đẫn và lả hẳn vào trong vòng tay cuả Thắng. Anh liên tiếp hôn  vào mặt, vào môi vào ngực cô. Những cái hôn vội vàng, gấp gáp và nóng hổi….

Họ cứ ngồi như hóa đá trong căn bếp phả hơi nóng rực, hai bóng người hòa thành một chập chờn soi bóng lung linh trên tường bếp. Tình cờ cả cô và Thắng đều nhìn vào cái bóng một người ngồ ngộ trên tường và họ nhìn nhau cười ngượng nghịu và ôm sát nhau hơn. Thắng ôm chặt lấy Thủy, và thỉnh thoảng anh nhẹ nhàng hôn cô thật âu yếm. Anh còn nói những lời thủ thỉ yêu đương mà Thủy chẳng nghe thấy gì hết, kể từ khi cô được ngả vào vòng tay mạnh mẽ của anh. Trong căn bếp nóng rực họ ngồi bên nhau mãi cho đến khi nghe tiếng lọc cọc gõ đôi guốc gỗ của ông Tư sau khi đi đám về, thì Thắng mới luyến tiếc rời khỏi vòng tay Thủy, mau chóng biến vào khu vườn tối đen bên ngoài….

Những ngày sau đó là những ngày hạnh phúc nhất của Thủy. Cô chờ đợi các anh tập ở ngoài bãi trở về. Rồi sau đó như thường lệ, họ quây quần xung quanh cô ăn khoai và uống nước chè xanh. Các câu chuyện nổ ra như pháo rang, những câu chuyện tiếu lâm,  những khúc đàn hát say sưa như những ngày đầu. Nhưng sau đó không khí nhạt dần. Các anh mỗi người một cớ, rút lui để Thắng và Thủy ngồi lại với nhau ở ngoài sân. Họ ngồi yên lặng bên nhau không nói chuyện nhiều ngoài những câu hỏi vu vơ và những câu trả lời cũng vu vơ không kém. Chỉ đến khi ông Tư, đang ngồi canh me cô con gái rượu từ trong bếp, không cưỡng được cơn buồn ngủ đã lẳng lặng chui vào phòng thì họ mới ngồi gần lại với nhau hơn. Lúc đó Thắng nắm lấy bàn tay run rẩy của Thủy siết nhẹ khiến người Thủy như tan chảy ra và cô như  tưởng mình đã hòa làm một với Thắng trong một cảm giác chơi vơi hạnh phúc.

Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó. Những cái hôn nóng bỏng trong gian bếp nóng rực lửa rơm hôm đầu tiên Thắng tỏ tình. Anh không tiến tới mà ngưng lại đột ngột trong khi Thủy đã nhũn ra như một cái xác chết để chờ anh tiến tới. Rồi càng gần tới ngày kết thúc khóa huấn luyện, họ càng kiếm cớ đi chơi với nhau nhiều hơn, gấp gáp hơn. Các đồng đội của Thắng đã tổ chức ăn uống rượu mời ông Tư. Trong bữa liên hoan, họ thi nhau chuốc rượu cho ông  để rồi khiêng ông vào phòng ngủ. Và thế là Thủy và Thắng đã sóng đôi bên bờ sông, nơi bãi ngô đang vào mùa mới. Họ ngồi bên nhau, vai chạm vai. Mùi bồ kết thoang thoảng hương thơm trong không khí ban đêm của miền quê thật trong lành mát dịu. Trong lúc Thủy nhắm chặt đôi mẳt để hít thở không khí thấm đẫm hạnh phúc thì Thắng lúng ta lúng túng. Anh ngượng ngùng khi lên tiếng giải thích với Thủy, mặc dù có lẽ anh đã chuẩn bị cẩn thận cho cuộc nói chuyện quan trọng này, nhưng cứ ngắc ngứ mãi :

- Anh muốn em làm vợ  của anh nhưng…nhưng không phải lúc này . Thắng nói và Thủy nhận thấy vẻ cố gắng lắm của anh khi thốt ra thành lời. Vì anh còn phải ra trận, còn phải đi chiến đấu. Anh đang muốn xông pha nơi chiến trường ác liệt để thỏa chí nam nhi. Anh muốn…

Thắng ngừng lại, lúng túng nhìn Thủy rồi nói tiếp, giọng bối rối :

- Nhưng anh yêu em và muốn em làm vợ anh. Anh muốn được cưới hỏi em và sống chung với em một cách đàng hoàng. Anh muốn làm chồng của em trong một tư thế ngẩng cao đầu. Anh muốn làm một người chồng xứng đáng của em. Thắng càng lúc càng sôi nổi hơn. Anh muốn đến với em cùng những chiến công anh sẽ lập được trên chiến trường. Anh muốn bố em và cả cái làng Thượng này thấy anh xứng đáng với em. Miễn là em đồng ý…

“Trời Phật. Làm sao mà không đồng ý cho được trước những cử chỉ và lời nói dễ thương như thế của anh”. Thủy gật đầu. Tim nàng đập rộn ràng khi bắt gặp cặp mắt long lanh của anh.

- Vậy em có đồng ý làm vợ anh không  ?

Thủy gật đầu.

- Vậy anh sẽ chính thức hỏi bố em để xin hỏi cưới em nhé. Rồi gia đình anh sẽ ở Hà Nội lên làm lễ hỏi chính thức. Nếu anh chưa phải vào chiến trường ngay  thì chúng ta sẽ tổ chức đám cưới ngay, nhưng nếu anh phải hành quân ngay thì em có đồng ý chờ anh như một người vợ chờ chồng không ?  Em có đồng ý chờ đợi anh cho đến khi anh trở về không ?

Thủy gật đầu, gật đầu liên tiếp. Và Thắng ôm chặt Thủy vào lòng.

Chưa bao giờ Thủy thấy cha cô dữ tợn như buổi sáng hôm sau, khi Thắng cùng ba chiến hữu trong các bộ quân phục chỉnh tề tới gặp ông Tư để xin hỏi cưới Thủy.

Ông Tư la toáng cái giọng oang oang khiến hàng xóm tưởng ông bị ai bóp cổ. Tiếng ông ngằn ngặt, lúc thoát lúc nghẹn lại vì cơn phẫn uất bùng nổ :

- Không, không được. Làm gì có chuyện đó. Con gái tôi đang có mối tướng mối tá đuổi đi không hết thì làm sao giờ gả cho một anh binh nhì được mà cậu dám hỏi cưới nó.
Nấp trong buồng Thủy và ba đồng đội của Thắng đứng run rẩy nhòm qua khe cửa, ba chàng này đã bỏ mặc Thắng lại và tháo chạy trối chết vào buồng ngay khi tiếng quát như sấm của ông Tư vang lên :
- Hay là cậu đã làm gì nó rồi, có phải cậu đã làm cho con Thủy phễnh bụng lên rồi phải không..

Thắng càng nói càng lạc giọng, càng không hiểu gì hết. Còn ông Tư thì cũng lạc giọng trong cơn phẫn uất điên cuồng.

-Cậu mà làm gì nó rồi là tôi giết cậu, mặc mẹ cậu là bộ đội hay tướng tá. Đừng mơ làm rể nhà này nhé anh binh nhất. Nếu muốn cưới con gái tôi thì ra trận giết giặc đến khi nào đóng lon quan ba, quan tư, cỡ đại tá trở lên thì hãy trở về đây hỏi cưới nó nhé. Binh nhất mà bày đặt làm đỉa đeo chân hạc.

Ông vào buồng kéo tay cô con gái đang nước mắt lưng tròng đi theo mình. Ông dẫn Thủy qua xóm dưới đến nhà gia đình người cô họ xa của ông và gửi Thủy ở đấy.
Thắng đã không thể nào gặp được với Thủy vì ông Tư cũng ở lại nhà người em họ và không về nhà, phần vì để ngăn cấm Thủy, phần thì ông cũng thấy ngường ngượng khi đã đối xử không phải với cậu lính đã táo tợn hỏi cưới con gái ông.

Mấy tuần sau đó, chỉ có ông Tư là người duy nhất vui mừng khi Thắng cùng đơn vị tân binh hoàn thành khóa huấn luyện và lên đường hành quân vào miền Nam. Trong đám trẻ bùi ngùi chia tay nhau, ông Cả hể hả nói oang oang :

- Thôi. Lên đường mạnh khỏe nghe. Chúc lập nhiều chiến công, trở về chiến thắng vẻ vang nhé. Thấy nước mắt con gái lưng tròng đang đứng tay trong tay với Thắng, ông lên tiếng động viên :”Đúng rồi, trai thời loạn mà. Đây là những lúc đấng nam nhi phải tỏ chí khí, vẫy vùng nơi chiến địa để tìm kiếm vinh quang chứ đâu phải lúc vợ vợ con con. Cậu cứ yên tâm chiến đấu giết nhiều giặc, lập nhiều chiến công rồi trở về đây. Con Thủy nó sẽ chờ đón cậu tới ngày chiến thắng trở về.

Và ông cười  ha hả. Thắng nắm tay Thủy, anh nghẹn lời mãi mới lên tiếng :

-  Em sẽ chờ  anh cho đến khi anh trở về chứ ?

Thủy gật đầu liên tục. Cô nói nhanh với anh khi nước mắt chực òa ra.

- Em sẽ đợi anh. Em sẽ chờ đợi anh cho đến khi anh trở về….

Với khuôn mặt đầm đìa nước mắt nhìn theo đoàn tàu đưa Thắng của cô đi xa dần, Thủy nghiến răng thốt lên nhiều lần câu thề ước :”Em sẽ chờ anh. Em sẽ chờ anh cho đến khi anh trở về”…

Những ngày buồn thảm cứ lặng lẽ trôi qua trên cái làng Thượng này. Những ngày vui khi có Thắng và các bạn của anh đến đóng quân ở đây đã qua mau. Các anh ra đi mang theo hết những niềm vui, mà riêng đối với Thủy còn là niềm hạnh phúc rất đỗi lớn lao. Và giờ Thắng đã để lại trong lòng cô một khoảng trống quá lớn, qua mênh mông... Nhưng Thủy đã mau chóng tìm thấy được niềm vui mới khi vắng anh. Đó là chờ đợi Thắng, chờ đợi người yêu trở về.

Nhờ những kỷ niệm hạnh phúc còn tươi roi rói, hình bóng của người yêu còn lấp đầy tâm trí, và nhất là nhờ những lá thư cô nhận được rất nhiều từ Thắng khiến Thủy thấy thật là hạnh phúc khi gặp và yêu anh.  Dù anh đang trên con đường xông pha chiến trận nhưng niềm hạnh phúc vẫn ngập tràn trong trái tim mới đập rộn rã lần đầu vì yêu. Cô còn có được niềm vui khi viết thư cho anh và chờ nhận thư của anh nữa. Đang trên đường hành quân vào chiến trường, đang say sưa với những chiến công đang chờ đón ngoài mặt trận, Thắng rất chăm viết thư cho Thủy.

Trong những bức thư đầy phấn khởi Thắng hào hứng kể về cuộc sống gian nan nhưng đượm màu lãng mạng của cuộc đời binh ngũ mà anh cùng đồng đội đang nếm trải. Những sóng gió hiểm nguy của chiến trường sẽ khiến cho các anh thêm hào hứng mau chóng mong cho đến ngày được gặp quân thù. Trong niềm vui với hạnh phúc mới, Thắng cũng nói cho cô biết sơ qua về dự định tương lai của anh và cô. Rồi sẽ có một ngày anh sẽ đến hỏi cưới em, anh sẽ khiến cho bố em hài lòng chấp nhận. Anh sẽ làm cho em hạnh phúc, sẽ làm cho ông Cả phải hãnh diện….Nhưng tất cả phải chờ cho đến khi anh chiến thắng trở về. Anh sẽ mang đầy ắp những chiến công hào hùng nơi chiến trận về để làm quà cưới, và chính thức lấy cô làm vợ với cái đầu ngẩng cao…

Tối nào Thủy và ông Cả cũng ngồi với nhau.Thủy lấy mấy lá thư của Thắng ra và hai bố con rủ rì chuyện trò với  nhau về Thắng. Và ông Tư luôn cảm thấy bối rối khi Thủy hào hứng khoe cha những bức thư mà Thắng gửi cho cô.

Có một lần sau bữa cơm, ông Tư lại nói chuyện chồng con của Thủy. Bằng cái giọng đầy ấm ức, ông nói như than vãn :

- Mẹ kiếp ! Cái làng Thượng này đang lúc âm thịnh dương suy. Cả cái làng đốt đuốc đỏ mắt cũng không tìm được lấy một thằng cho được trai một chút. Đúng là cái thời mạt mất rồi. Trai tráng ra trận cả nên mấy thằng đui mù sứt mẻ bây giờ có giá mới chết chứ. Chẳng ai đâu xa, cái thằng Thìn điếc trước có vứt ra cho chó nó cũng không thèm, vậy mà giờ cũng vớ được con gái ông cả Kháng nữa chứ. Cái thằng điếc lòi ra bây giờ oai ra phết. Đi đâu con vợ cũng kèm chặt một bên, cứ làm như người ta cướp mất chồng mình không bằng. Mà có thể cướp chồng nó thật đấy. Đàn bà con gái thì cả đống mà đàn ông thì bói không ra một anh. Ngay cả thằng Tấn, con bà Gái đen mới ở quân y viện về. Cái chân cụt còn đỏ hỏn chưa lắp chân giả mà cũng có lắm cô ngấp nghé. Các bà mai mối thì thụt ra vào rồi. Hừm. Nghĩ lại tao chỉ thấy thằng Thắng là chấm được cho mày thôi. Hồi đó tao ậm ừ chưa chịu vì nó còn ở trong quân đội, còn đi chiến trường mà vợ con gì. Với lại gả mày cho mấy ông tướng một xanh cỏ, hai đỏ ngực đó có chuyện gì thì mày lại là bà góa vợ liệt sĩ hả.

Thủy đã trở nên trầm lặng hơn trước. Hơn một năm qua kể từ khi Thắng ra đi Cô không còn cái vẻ láu táu đùa giỡn như mọi ngày nữa. Và cô cũng không hề trách cha một lời nào kể từ khi cô bị lôi xềnh xệch ra khỏi người yêu để đem đến nhốt ở nhà người cô ruột của mình. Cô biết cha cô cũng vì sốt ruột lắm về chuyện lo chồng con cho cô mới phải làm vậy. Từ khi mẹ cô qua đời, ông Tư chỉ hoàn thành một ước ước nguyện mà ông đã quyết chí thực hiện từ những ngày đầu lên vùng cao này lập nghiệp. Đó là nuôi cô khôn lớn và lập gia thất xứng đáng cho cô. Ông làm việc hết mình chỉ mong muốn tạo nên chút gia sản để khi cô đi lấy chồng cũng được bằng chị bằng em, để mẹ cô ở dưới suối vàng được mát mày mát mặt. Nhưng thời buổi chiến tranh đã không làm ông đạt được ước nguyện mà ông đã bỏ cả nửa đời người ra theo đuổi. Như một kẻ bất đắc chí, ông cứ rượu vào là lời ra, chẳng sợ cho là phản động như trước nữa. Ông cứ nói nhảm, nói lung tung bên chai rượu…

Những ngày buồn tẻ cứ trôi qua. Thủy chỉ còn niềm vui độc nhất là thỉnh thoảng lấy những bức thư của Thắng gửi về trước đây và say sưa đọc đi đọc lại. Dường như càng ngày cô càng cảm thấy không thể thiếu những lá thư mà giờ là mối liên hệ duy nhất giữ cô và Thắng. Cô thường nhảy cẫng lên, rồi reo mừng sung sướng mỗi khi nhận được thư của Thắng. Nhìn con gái mừng vui với đôi mắt đẫm lệ, ông Tư cũng thấy vui lây và bảo con gái đọc cho ông nghe xem thư viết gì. Hai bố con, kẻ đọc người nghe đến rách cả những cánh thư mỏng manh quí giá ấy, và rồi đâm thuộc cả những tên đất, tên vùng mà bước chân Thắng đã đi qua, những tên trận đánh cùng những địa danh mà trước đây cả nhà cô chẳng ai biết.

Bây giờ thì cả nhà rất chăm chú theo dõi tình hình chiến sự qua báo chí và qua cả những thông tin mồm, phần lớn vừa sai lạc vừa lộn xộn mà các ông già bà cả trong làng thường bí mật nhỏ to với nhau. Tức mình ông Tư xoay xở mua luôn một cái đài bán dẫn, lúc đó còn là một của hiếm. Thế là cái nhà, vốn từ trước đến giờ sống khép kín thì giờ này cứ sau bữa cơm chiều lại tụ họp vài ba ông bà già xúm lại ngồi nghe đài. Nghe chán rồi bình phẩm, rồi cãi nhau ầm ĩ cả lên về tình hình chiến sự “trong ấy”.  Mọi người đều có con cái đang tham dự quân ngũ và tất thảy họ đều chăm chú theo dõi tình hình với vẻ lạc quan. Ai nấy đều tin tưởng về tương lai sắp tới, khi được nghe những tin tức chiến sự tốt đẹp liên tiếp từ chiến trường.

Những lá thư của Thắng gửi về ngày càng ít dần đi. Và nó cũng dần dần mất đi những cái lạc quan tếu như những ngày đầu. Có lẽ chiến trường gian khổ và những trận đánh ác liệt đã làm cho anh trở nên chững chạc, trưởng thành hơn. Trong những lá thư gửi về cho cô, Thắng đã viết vắn tắn như thể anh bị miễn cưỡng về những trận đánh oai hùng hay những vùng đất xinh đẹp mà đơn vị anh đã từng đi qua. Đó là điều mà trong những lá thư đầu, anh đã say sưa kể đi kể lại đến từng chi tiết cho cô nghe. Trong những lá thư đầy hào hứng thuở đó, Thắng đã làm cho cô luôn được cảm thấy sung sướng, hạnh phúc như đang được cùng anh ra trận.

Còn bây giờ, vẫn là những bức thư với hàng chữ nắn nót như con của con gái  của Thắng dường như mang nặng nỗi day dứt ưu tư. Anh vẫn hẹn đến khi chiến thắng sẽ trở về để xin ông Tư cho cưới cô. Nhưng Thủy cảm thấy một nỗi lo sợ mơ mồ nào đó cứ đeo đẳng mãi khi cô đọc được nỗi buồn sâu xa trong các bức thư gửi về. Đó là nỗi buồn như tiếc mãi không thôi của anh khi nhắc về những kỷ niệm không quên trong những ngày anh còn đóng quân ở làng Thượng. Giờ đây khi anh đang ở giữa cái sống và cái chết, thì niềm hối tiếc đó cứ lớn mãi, lớn mãi lên để rồi nó lấn át cả sự rụt rè vốn có của anh. Trong thư anh thú thực là giờ đây, trong cảnh hỗn loạn đảo điên của bom đạn này, anh mới thấy hối tiếc vô cùng khi đã bỏ cơ hội được làm chồng của cô. Anh đã làm cho cô phải rùng mình đỏ bừng mặt, khi viết rằng vì những sĩ diện hão, hay rụt rè nhát cáy, hay vì lý tưởng cao siêu nào đó, mà anh đã hai lần bỏ qua cơ hội để  trở thành một người đàn ông thực thục với cô.  Một lần trong căn bếp nóng rực bếp lửa, nức mùi rơm mới cắt với cô. Và một lần nữa bên bãi ngô mới ven sông trong cái đêm đồng đội đã chuốc rượu ông Tư để tạo điều kiện cho anh lập công đầu.  Nhưng anh cũng đã bỏ qua trong tiếc nuối. Giờ đây trong những giấy phút ngắn ngủi im tiếng súng giữa hai trận đánh, ý nghĩ rằng mình sẽ chết đi khi vẫn còn là trai tân, khi  chưa biết được hạnh phúc đầu đời với người con gái mà anh yêu cứ dày vò anh mãi.

Những lá thư Thắng gửi về cho cô với những lời thú nhận đã làm cô run rẩy, bàng hoàng. Niềm tiếc nuối đó của anh khiến cho Thủy thấy đau nhói trong lòng. Nó như cào rách rồi lại dày vò trái tim cô khi nhớ lại những ngày hạnh phúc đã trôi qua uổng phí đó, khi chính Thắng lại xới nó lên. Mỗi lần đọc những bức thư như thế của Thắng, cô lại chạy vào buồng nằm vật xuống giường khóc ngất. Nỗi tiếc nuối của anh giờ thành của cô, cứ dày vò trái tim mới biết yêu lần đầu của cô mãi không nguôi, khi thời gian cứ dần trôi, cho đến khi họ bặt tin của Thắng. Lúc này chiến tranh đang hồi ác liệt. Máy bay Mỹ hàng ngày bay sát rạt ngọn tre đầu làng và ném bom ở đâu đó trên mạn Hà Nội. Cái làng Thượng vốn yên bình thì giờ đây lại sôi sục hẳn lên. Thanh niên trai tráng chẳng còn được mấy người nên các bà các cô cũng phải sắn quần áo lên mà đi đào hầm, đào lũy hay đi làm đường. Thủy cũng phải cơm nắm muốn vừng để theo đoàn dân công hỏa tuyến hàng tháng trời. Mỗi khi trở về nhà sau đợt đi kéo dài hàng tháng, cô vội vàng lao vào hỏi ông Tư về những lá thư của Thắng, vội vàn đến mức không kịp trút bộ quần áo đi đường lấm lem. Nhưng rồi Thủy lại phải thất vọng. Không có một lá thư nào của Thắng cả. Thủy khóc, và để những giọt nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt hốc hác sạm đen. Nhưng cô gạt nước mắt để tự an ủi mình rằng, có lẽ chiến trường đang ác liệt nên thư từ gặp khó khăn thôi. Hơn nữa cô nghĩ rằng Thắng đang cần phải lo cho binh nghiệp của mình, anh cần lập được những  chiến công hiển hách mà anh luôn mơ ước. Lúc này không phải là lúc để lo chuyện đàn bà, vợ con…

Thời gian bặt tin Thắng kéo dài mãi tới mùa Xuân sang năm. Sốt ruột quá, đã có lúc Thủy bàn với mấy chị em bạn, là sẽ tình nguyện đi vào chiến trường tìm Thắng. Nhưng ông Tư cả cười khi biết chuyện. Ông xoa hàm râu lởm chởm, cười khơ khớ rồi nói :”Chúng mày ngu ngốc chẳng biết gì hết. Nó sắp về rồi, việc gì phải đi kiếm làm gì mất công. Tao theo dõi tình hình trong ấy chặt chẽ lắm. Ta đang thắng lớn nhé. Cái anh Mỹ Ngụy cứ gọi là chạy dài khắp nơi. Phen này thì chắc như bắp là thắng lớn nhé. Không chỉ có thằng Thắng về đâu, mà cả bọn con giai làng này cũng sắp về tới nơi rồi. Chà, lần này thì các tướng làng mình cứ gọi là vênh váo phải biết nhé, tha hồ đắt vợ. Hừm, làng mình mấy tháng nữa lại chẳng vui như Tết thì tao chớ kể..

Ông Tư khoan khoái nhìn cô con gái đang bẽn lẽn đỏ mặt, rồi nói :”Thôi thì đợt này thằng Thắng trở về, tao cũng gật đầu đồng ý nếu nó xin hỏi cưới. Ngẫm lại thì thấy thằng đó, tuy là dân thành thị nhưng cũng được trai, lại thực lòng…”

Một buổi chiều khi ông Tư đang lú húi ngoài vườn thì nghe tiếng con gái reo lên mừng rỡ. Thủy cầm trong tay một lá thư vừa đọc xong, đôi mắt long lanh trên khuôn mặt rạng rỡ. Cô đưa lá thư cho cha và bỏ chạy vào phòng…Thư của thằng Thắng. Nó báo cho biết nó sắp được về phép và sẽ xin hỏi cưới con gái ông. Ông Tư kêu oang oang vang dội đến tận nhà những người hàng xóm.

Buổi tối hôm đó nhà ông Tư như có hội. Bà con láng giềng gần xa tấp nập kéo tới để chung vui với bố con nhà ông. Thủy mặt mày rạng rỡ, chạy tới chạy lui để tiếp nước cho khách khứa. Ông Tư ngồi ngay trên bộ phản lim giữa đám ông già bà cả, cứ oang oang nói mỗi khi có một người khách mới tới :
- Đứa nào tốt giọng đọc lớn cái thư của thằng rể tương lai của tao lên nào. Tao chưa nghe rõ lắm.

Thế là một cậu nhóc nào đó lại được ông Tư móc túi đưa ra lá thư của Thắng, và cất giọng đọc lên. Lá thư đã được đọc nhiều lần suốt từ trưa tới giờ, những ông Tư vẫn muốn nghe và muốn cho cả cái làng Thượng này nghe nữa.

- Nó bảo là đầu tháng Tư này, nó sẽ được về phép một tháng nhân việc trở về miền Bắc để nhận Huân Chương và theo học một khóa quân sự gì đó…Nhân dịp nó muốn xin tôi cho nó cưới con Thủy….Ông Tư vuốt râu cười khà khà, nói với khách khứa. Thằng chồng tương lai của con Thủy là anh hùng quân đội đấy. Ngay từ khi nó mới là thằng tân binh đến nhà tôi thì tôi đã biết ngay nó là thằng được trai, lại có quí tướng.

Ông Tư dòm chừng qua lại, khi nhìn thấy Thủy đang còn ở dưới bếp, ông hạ giọng nói nhỏ với khách khứa :

- Nên khi nó đặt vấn đề yêu đương với con Thủy là tôi tán thành liền. Thấy mặt nó có tam tinh chói sáng, lại được cặp lông mày lưỡng long chầu nguyệt thì sau này không hiển hách về quân sự thì cũng uy danh về thế lực. Chuyện nó được phong anh hùng với lại đi học sĩ quan chỉ là bắt đầu thôi. Sau này thằng rể tôi cứ phải là tướng trở lên.

Thủy bẽn lẽn mặt nàng đỏ bừng bừng khi bao cặp mắt khách khứa cứ đổ dồn nhìn nàng chòng chọc. Lá thư của Thắng như một liều thuốc tiên, biến những ngày tháng chờ đợi dài lê thê thành một cơn mơ hạnh phúc. Chẳng bao lâu nữa thì Thắng của cô, người đàn ông xuất hiện trong tất cả những suy nghĩ, trong tất cả những việc làm và trong mọi giấc mơ của cô trong hơn một năm qua sẽ xuất hiện bằng xương bằng thịt. Chỉ còn một tháng nữa thôi thì Thắng sẽ là chồng của cô…

Thủy ngồi nhẩm tính, bây giờ mới đầu tháng Ba và nàng còn phải thi hành nốt đợt phục vụ dân công hỏa tuyến ngắn ngày nữa cho tới cuối tháng. “Ôi, cám ơn Trời Phật. Thủy thốt lên thành tiếng. Vậy là Thắng về phép đúng vào lúc mình vừa xong đợt dân công, rồi khi anh ấy hết phép thì mình cũng phải lên đường cho đợt tiếp theo. Có cả một tháng trời dành cho đám cưới và dành cho nhau”

Mặt Thủy đỏ bừng bừng với đôi mắt long lanh, nàng không dám nghĩ đến chuyện sau đó nữa. Thắng sẽ là của cô sau đám cưới, và anh sẽ dành cho Thủy cả một tháng trời trước khi lại  lên đường ra trận. Như thế cũng quá đủ, quá hạnh phúc với nàng lắm rồi.

Những lá thư trao đổi qua lại giữa Thắng với Thủy sau đó cho biết vào đầu tháng, anh sẽ đưa người cô ruột từ Hà Nội lên để làm đám hỏi và đám cưới luôn thể. Sau đám cưới thì anh sẽ trở lại Hà Nội để theo học khóa quân sự, những hàng tuần vẫn lên với cô.

- Ừ, đàng trai tính như thế là đúng đấy. Đang thời chiến nên cũng cần phiên phiến thôi. Ông Tư nghe Thủy đọc thư, gật gù tán thành theo. Nhưng mà đám cưới ở quê của mình thì phải để bên mình làm cho phải nhẽ đấy nhé.

Ngay khi Thủy lên đường cho đợt dân công ngắn hạn thì ông Tư đã chuẩn bị cho cái đám cưới “cho ra nhẽ” của ông. Người ta đưa lợn gà đến chật cả vườn nhà ông. Căn nhà to lớn được quét vôi màu sáng, xóa đi cái màu ngụy trang xám xịt trước đó…

Ông Tư hả hê thông báo tin vui cho cả làng Thượng cùng các làng trên xóm dưới là ông sẽ làm một đám cưới huy hoàng nhất từ xưa đến giờ. Dù gì thì con rể của ông cũng là một anh hùng được tặng thưởng huân chương, còn con gái ông thì chẳng phải là đứa con gái đẹp nhất, nết na nhất làng này là gì.

Và Thủy đã mau chóng trở về đúng hẹn vào đầu tháng Ba. Một cái rạp bằng tre được dựng lên ngay trong vườn với cái cổng bằng lá dừa có treo dòng chữ Vu Qui đỏ chói. Trong vườn ngổn ngang những bàn ghế của hàng xóm đem đến. Dưới bếp la liệt nồi niêu bát chén. Căn phòng của Thủy được che bằng ri đô vải dù, giường chiếu mới tinh. Có cả một cặp gối thêu đôi chim uyên cắp cành lá bay bay…

Hôm đám cưới, Thủy mặc một cái áo màu xanh da trời, lại được các cô gái trong làng đánh cho chút phấn, bôi cho một chút son nên trông cô đẹp và đằm thắm, xứng đáng là cô dâu của một anh hùng lắm. Ngồi trên giường tân hôn mà ông Tư mới sắm, cô hồi hộp chờ đợi…Ngắm nhìn cặp gối có thêu đôi chim quyên, Thủy như ngạt thở khi nghĩ đến buổi tối động phòng hôm nay…

Nhưng chỉ có bà cô ruột cuả Thắng cùng với mấy người họ hàng từ Hà Nội đến dự đám cưới. Thắng phải đi học quân sự gấp. Học ở đâu và học bao lâu thì bà cô lắc đầu chịu vì đó là bí mật quân sự. Ông Tư ngỡ ngàng tiếc nuối vì không giới thiệu được người con rể anh hùng cho khách khứa, nhưng cũng hả hê với dân làng Thượng vì đã có cô ruột của người anh hùng đến chạm ngõ, hỏi cưới con gái ông cho người cháu anh hùng. Vừa bận rộn khách khứa, ông vừa khuyên con gái, lúc  này đang thẫn thờ không nói được câu nào :”Thôi, con đừng nóng ruột. Thế nào học hành quân sự gì đó xong, nó sẽ đến. Dù không có mặt thì nó cũng đã làm chồng chính thức của con rồi mà”. Thủy gật đầu nghe lời cha, nước mắt lưng tròng…

Đám cưới dù không có mặt chú rể nhưng vẫn diễn ra thật ồn ào náo nhiệt. Dạo này máy bay Mỹ không còn bay qua nên dân làng Thượng được dịp tụ tập đánh chén say sưa suốt mấy ngày liền. Ông Tư lúc nào cũng mặt đỏ như gấc, liên tục đến từng bàn khách khứa để tiếp thức ăn và rót rượu. Nhưng ông vẫn kín đáo theo dõi cô con gái rượu, giờ đang là cô dâu của bữa tiệc nhưng mặt thì buồn rười rượi  vì thiếu bóng chú rể. Thỉnh thoảng ông nói nhỏ với cô : “Đừng nóng ruột con ơi. Thế nào trong tháng này thằng Thắng nó cũng đến. Lúc đó thì chúng mày đã là vợ chồng rồi còn gì, tha hồ mà tâm sự”.

Thủy vội gạt giọt nước mắt  chực trào ra, gật đầu nghe lời cha. Ông Tư quả là người chủ hôn tuyệt vời khi không tiếc công, tiếc tiền của cho đám cưới cô con gái rượu. Khách khứa  vừa ăn vừa trầm trồ khen ngợi nhà ông có phúc khi gái ngoan lấy được rể quí. Đám cưới huy hoàng nhất thời buổi đó vẫn được dân làng Thượng nhớ tới tận bây giờ….

Tiệc cưới kéo dài cả ngày, rồi ngày hôm sau nữa mà chú rể vẫn biệt tăm. Thủy ngồi trong đám cưới của chính mình mà như ngọn cờ không có gió vậy. Mỗi lần cười đáp lại lời chúc tụng của khách khứa thì cô như mếu. Mọi người cố vui ở lại nhưng mãi chằng thấy chú rể đâu nên đâm chán và rút dần. Người ta lấy lại bàn ghế, bát  chén. Cái cổng lá dừa có chữ Vu Qui héo dần và người ta tháo chúng luôn khi tháo rỡ cái sạp. Bà cô ruột của Thắng, mấy ngày ở lại còn sốt ruột hơn cả gia chủ vì không thấy ông cháu quí hóa xuất hiện, đành nói cho qua khi trở về Hà Nội :

- Chắc vì nó bận việc bí mật quân sự nên mới chậm trễ như vậy. Nhưng thế nào xong việc nó cũng đến…

Nhưng cả tháng Tư cũng không thấy Thắng đến nhà ông Tư. Chỉ có người đưa thư với những lá thư dồn dập của anh. Thắng xin lỗi rất nhiều. Anh đau khổ muốn phát khóc vì đã không thể tham dự đám cưới của chính mình. Cũng vì những công việc quân sư đột xuẩt của mình. Anh mong ông Tư, mong Thủy hãy hiểu…Anh vẫn mong muốn trở thành, và đã trở thành chồng của Thủy và là con rể của ông Tư rồi…Anh chỉ mong khóa học kết thúc để bay đến nhà ông Tư, bay đến với người vợ mới cưới của mình.

Đầu tháng sau, dù không muốn nhưng Thủy vẫn phải lên đường làm dân công hỏa tuyến nhưng cũng không đâu xa mà ngay trong tỉnh nhà. Đôi mắt đen buồn rười rượi của cô ngấn lệ khi chào từ biệt ông Tư :

- Nếu anh Thắng đến thì bố phải gọi con về ngay nhé. Nếu không điện được thì phải cho người lên kêu con về bằng được. Con không biết đâu đấy, bố phải phải bằng mọi giá kêu con về nếu anh Thắng, chồng con về đấy…

Thủy đi được ba bữa thì vào một buổi sáng có một chiếc xe ô tô quân sự đến làng Thượng. Thắng bước xuống xe trong bộ đồ sĩ quan, huân chương lấp lánh. Và cả một đám trẻ con hùng hậu hăng hái dẫn anh trở lại với ngôi nhà đã một thời quen thuộc. Có lẽ chúng đã báo cho anh biết Thủy không có nhà nên trông mặt anh rất buồn. Anh rơm rớm nước mắt khi cung kính chào hỏi ông Tư :

- Con mong bác tha lỗi cho con vì đã làm lỡ chuyện. Nhưng nhiệm vụ thời chiến…

Ông Tư thân tình vỗ vai anh nói :

- Không sao, không sao. Công việc thời chiến là quan trọng hơn cả. Nhưng anh đến được thế này là tốt lắm rồi. Bác sẽ cho người đi gọi con Thủy về gấp…

Một người hàng xóm lập tức chạy ngay lên ủy ban xã, nơi có cái điện thoại duy nhất để gọi lên cho đơn vị dân công của Thủy. Một chú nhóc được giao cho một cái xe đạp tốt nhất làng để chạy ngay đi đón Thủy về…

- Anh  về thế này thì tốt lắm rồi. Ông Tư lăng xăng bên Thắng. Tôi đã cho người đi đón con Thủy rồi. Thế anh ở đây được bao lâu ?

- Dạ thưa con được về có 3 ngày thôi ạ. Sau đó là lên đường vào mặt trận luôn…

- Ôi, ít thế thôi à. Ông Tư ngẩn người nhìn chàng rể đang buồn hiu, ông phải nói thêm. Nhưng thôi, nhiệm vụ thời chiến là trên hết.

Ba ngày cũng là tốt quá rồi. Ông Tư nghĩ bụng. Chỉ bữa nay là con Thủy nó về, rồi chúng nó sẽ có được 2 này con lại để bên nhau.  Còn phần ông thì vẫn phải cho dân làng Thượng này thấy được người anh hùng quân đội đã đến hỏi cưới con gái rượu của ông  chứ.

Và ông Tư lại bắt đầu lại cái đám cưới linh đình và dở dang hôm trước. Cái sạp mới tháo ra giờ lại mau chóng được dựng lại vị trí cũ. Bàn ghế chén bát lại được mượn lại. Lũ lợn gà bị cắt cổ kêu inh ỏi trong vườn. Căn phòng lại  được các cô gái bạn Thủy kết hoa giấy sặc sỡ…

Ông Tư vỗ vai chàng rể lúc nào cũng ngồi ngẩn ngơ, hồn để đi đâu đâu :

- Cậu phải làm một chàng rể  xứng đáng nhé, một anh hùng quân đội đấy chứ không phải thường đâu nha…

Ông bắt Thắng phải đeo đầy đủ huân huy chương trên bộ quân phục sĩ quan mới tinh. Anh đóng bộ cứng ngắc trịnh trọng ngồi chính giữa các cụ như một quan khách quan trọng trong đám cưới của chính mình.

Thế là đám cưới lại diễn ra linh đình trong sự hả hê đắc thắng của ông Tư cũng như sự nhiệt tình tham gia  của dân làng Thượng, được tụ tập đánh chén lần thứ hai của một đám cưới. Lần này thì ngược lại, không thấy cô dâu. Chú rể xúng sính trong bộ quân phục gắn đầy huân chương như mặt thì lại buồn thiu và luôn ngóng chờ cô dâu. Khách khứa gượng gạo cụng ly rầm rầm nhưng mắt lúc nào cũng nhóng chừng ra cửa…

Thủy vẫn chưa về. Chú nhóc đạp xe đã phải đạp về không. Thủy đã đi công tác đột xuất, nhưng sẽ trở về trong ngày một ngày hai…

Tiệc đã kéo dài nhưng cô dâu, nhân vật chính  vẫn chưa thấy xuất hiện ở con đê dẫn vào đầu làng, nơi chú rể cũng bỏ mặc khách khứa để ra đứng ngóng ra nơi bờ sông cùng với một đám trẻ ủng hộ hùng hậu sẵn sàng phi báo khi có tin vui. Phải kêu nhiều lần lắm anh mới trở lại cái đám cưới của chính mình. Tiệc tùng trong nhà vẫn diễn ra tưng bừng vơi đám khách khứa vừa đánh chén ồn ào vừa liên tục hỏi thăm gia chủ xem cô dâu đã về chưa. Ông Tư vẫn cười nói oang oang khi nâng cốc với khách khứa như mọi khi, nhưng giờ thì cũng nhóng mắt dòm chừng chú rể đang ngẩn ngơ ra vào…

Ngày hôm sau người ta tháo rạp, trả bớt bàn ghế vì khách khứa vắng dần, nhưng vẫn để những tàu dừa uốn cong có chữ Vu Qui đỏ chói…Khu vườn rộng mênh mông của ông Tư lại dần dần trở về cảnh u buồn tĩnh mịch của nó…

Cả đêm ông Tư nóng lòng đi qua đi lại căn phòng mà ông đã chuẩn bị làm phòng tân hôn cho con gái chỉ để dòm chừng anh chàng rể cứ trằn trọc thở dài trên cái giường cưới mới tinh có cặp gối thêu hai con chim quyên…

Sáng hôm sau gặp chàng rể phờ phạc vì không ngủ, ông nói ngay :

- Tôi đã nhờ xã gọi điện lên đơn vị và trên đó họ nói con Thủy đang trên đường gấp rút trở về…Ông đã nói dối vì thằng bé Tèo đạp xe lên tận đơn vị rồi nhưng cũng chưa gặp được Thủy…

Ông hỏi đi hỏi lại Thắng không biết đến lần thứ bao nhiêu :”Bao giờ cậu lên đường”

- Dạ chiều nay ạ. Thắng thở dài trả lời cũng nhiều lần câu nói đó rồi. Ông Tư thở dài, và những người khách dự đám cưới còn lại cũng thở dài…

Chiều muộn buông lững lờ xuống những mái tranh lụp xụp của làng Thượng mà vẫn chưa thấy bóng dáng của Thủy. Thắng đã mặc lại bộ quân phục đi đường, ba lô đầy chặt những món quà cưới mà ông Tư đã nhét vào. Đã đến giờ lên đường, anh chào từ biệt ông Tư, khoác ba lô để ra ga…Hai người đàn ông chia tay nhau mà cả hai như muốn khóc.

Ông Tư rơm rớm khi nhìn chàng trai trẻ vừa đi vừa ngó lại phía sau, nơi con đường đê vào làng vắng ngắt bóng người. Bóng anh nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hẳn trong màn đêm bắt đầu phủ xuống xóm làng…

Sau này có người kể lại Thắng vừa đi độ một hai tiếng thì Thủy trở về, rồi có người nói đến mãi nửa đêm cô mới về tới. Cô đã liên tục đi nhờ ô tô, xe đạp và cuối cùng là chạy bộ quãng đường suốt từ thị trấn về nhà. Dân làng Thượng đã đi ngủ rồi nên không biết Thủy đã làm gì, đã kêu khóc như thế nào khi biết được người chồng mới cưới đã vừa lên đường sau ba ngày mong chờ cô từng phút từng giây…

Có người kể lại Thủy đã hét lên một tiếng rồi ngã lăn ra bất tỉnh. Có người kể lại là vừa nghe tin Thắng vừa đi, Thủy liền chạy bộ tiếp dọc bờ sông để theo lên nhà ga ở phố huyện cách đó nhiều cây số. Nơi con tàu chở Thắng vào Nam đã đi từ lâu rồi…

Chả biết thực hư thế nào. Ông Tư thì lảng tránh, không dám nói chuyện vơcô con gái luôn lầm lỳ lặng im từ ngày đó. Chỉ có Thủy biết, và ông Trời biết Thủy đã đau đớn như thế nào…

Rồi mùa thu đến. Đó là mùa thu năm 1968, mùa thu của chết chóc đau thương, mùa của những lá thư báo tử ào ạt bay đến cái làng Thượng khốn khổ này. Tai họa từ những mảnh giấy nhỏ bé đã như giáng xuống những căn nhà mái rơm xiêu vẹo như một cơn lốc của Thần Chết. Đêm đêm tiếng khóc hờ nấc nghẹn, như không còn kìm được nữa vọng lên như muốn thấu trời xanh. Xóm làng tiêu điều, buồn thảm như vừa xảy ra một cơn cuồng phong hay một trận đại dịch vậy…

Những ngày đó, cha con ông Tư chẳng buồn nói chuyện với nhau nữa. Suốt ngày ông ômg lấy cái đài bán dẫn để rồi lại buông đài thở dài sườn sượt. Ông cũng chẳng thiết tha cơm nước lẫn chăm nom vườn tược nữa…

Thủy mất hẳn cái vẻ láu táu cùng nụ cười xinh tươi, cô thâm trầm hẳn đi sau cái vụ đám cưới không có chú rể của mình…

Dạo này cô thường hay lo sợ mơ hồ. Dường như linh tính của người con gái đang yêu mách bảo cho cô điều gì đó chẳng lành. Nhưng Thủy cắn chặt môi, xua đi những điều đen tối luôn lởn vởn trong đầu óc cô. Rồi cô nhận được tin nhắn của bà cô của Thắng ở Hà Nội báo tin là anh đã hy sinh. Giấy báo tử đã gửi về nhà bà…

Ông Tư chửi đổng một tiếng độc địa khi nghe tin này. Ông ngửa cổ lên Trời mà khóc không thành tiếng, khiến cho cô con gái đang nước mắt ngắn dài phải cùng với mấy người hàng xóm giữ chặt ông lại.

Rồi ông Tư cứ uống rượu hàng ngày đến say khướt. Mỗi khi có rựou ông  thì ông nói với con gái mà chẳng còn giữ gìn như trước :

-  Tao có chết thì cũng không dám xuống Ẩm Phủ gặp mẹ mày. Tao đã thất hứa với mẹ mày, đã không chu toàn chuyện gia đình cho con mà còn làm hại nó nữa. Không chỉ thằng Thắng chồng con hy sinh đâu, mà cả làng này bao thằng chết trận nữa kìa. Đau xót quá. Tao vừa nghe nói cả hai anh em thằng Hùng. thằng Hải con nhà ông Đang  đều đã hy sinh đợt này rồi. Giấy báo từ của hai anh em chúng nó đã gửi về cùng một lúc chiều qua. Đau cho ông bà Đang quá, khi thằng Cả đã bặt tin hơn năm nay chưa biết sống chết ra sao thì này lại nhận được tin dữ của hai thằng em. Dòng họ nhà lão Đang này đến tuyệt tự mất thôi. Mà lại toàn là những thằng được trai cả. Hồi trước , lão Đang cũng nhắm nhe mày cho mấy thằng con nhà lão khi chúng nó chưa nhập ngũ. Lão cười the thé lên bảo tao :”Bác cứ bảo con Thủy nhà bác là cứ chọn bất cứ thằng nào trong ba thằng con nhà tôi, là tôi chịu tất. Gì chứ con giai thì nhà tôi sẵn…””Hừ, sẵn nhỉ…”

À, còn thằng Bình, con nhà Cung nữa, mày còn nhớ không ? Cái đận nhà mình lên ngói năm trước nó có sang giúp đấy.Cái thằng trông trắng trẻo đẹp giai như diễn viên đó. Nó cứ một hai gọi tao là bố vợ đấy. Cái thằng được trai, lại vui tính. Sáng nay thì nhà nó nhận được tin báo hỏng của nó rồi đấy. Thằng anh nó hy sinh đầu năm, giờ đến lượt nó, vậy là nhà Cung kỳ này đi đứt mất hai anh. Lại còn thằng Viễn, con nhà Phùng nữa chứ. Năm kia cái lần ăn giỗ ở nhà lão Tám, lão Phùng bố nó có đánh tiếng xin hỏi mày cho con trai lão. Lần đó tao quá chén nên cũng bốc lên đồng ý. Lâu rồi tao cũng quên bẵng đi mất, với lại sau rồi chúng nó cũng lên đường nhập ngũ cả. Hôm qua tao cùng hội phụ lão đi chia buồn các gia đình liệt sĩ, đến ngay nhà lão Phùng mới biết anh chàng hỏng rồi. Hừm, lúc gặp tao hai vợ chồng nhà lão cứ nắm lấy tao khóc : “Ôi, ông thông gia ơi, thằng Viễn nó bỏ  chúng tôi rồi, nó bỏ đi luôn không về nữa rồi ông thông gia ơi…” Tao có tiếc thì tiếc đám anh em con nhà ông Đ, thằng Vinh, thằng Quang ấy.  Rồi nhà lão Biên nữa. Xui cho tao là ba lần lão Biên tổ chức đánh chén tiễn ba thằng con lên đường thì cả ba lần tao đều được mời dự cả. Hôm nọ đến nhà thì vợ lão cứ trỏ vào mặt tao mà rống lên :” Ối, ông Tư ơi có ông chứng giám là ba lần chúng tôi tiễn con lên đường thì nào chúng tôi có làm phật ý Giời Đất Thánh Thần gì đây mà ông Trời nỡ ác nghiệt như thế. Ba lần mừng vui tiễn con đi thì cũng khóc con ba lần không về...

Thế là kỳ này, làng mình đi đứt mất 21 anh tất cả…Cộng với 16 anh từ trước là gần 40 thằng hỏng rồi đấy. Mà toàn những thằng được trai, khỏe mạnh lại giỏi việc đồng cả. Đau xót thật đấy. Quay qua quay lại rồi thì chẳng còn biết trông vào đám trai nào nữa đây. Giờ thì lại thằng Thắng cũng lại hỏng rồi. Ôi, giời ơi…sao ông ác nghiệt thế hở ông Trời…

Thủy bỏ chạy vào bếp, và ở trong căn bếp tối mù đó, cô bật khóc. Thủy khóc, để mặc cho dòng nước mắt chảy dàn dụa trên mặt, như muốn làm vơi bớt đi nỗi đau đớn nghèn nghẹn chất chứa trong lòng. Đã từ lâu rồi kể từ khi Thủy không nhận được thư của Thắng gửi về, thì ở sâu thẳm đâu đó trong trái tim run rẩy vì sợ hãi của nàng đã dâng lên một nỗi lo lắng mơ hồ…Nó cứ dâng lên mãi, lên mãi như một bóng đen đè nặng lên trái tim yếu đuối của nàng. Nàng sợ Thắng sẽ không trở về. Dường như trái tim của người con gái mới yêu lần đầu của nàng đã mách bảo cho nàng biết điều gì đó chẳng lành. Thủy lắc đầu quầy quậy để xua bỏ cái ý nghĩ đen tối ấy đi, và nàng chỉ còn biết khóc khi cái ý nghĩ đen tối ấy cứ bóp chặt lấy trái tim tan nát của nàng, và nàng chỉ còn biết khóc cho nỗi cay đắng tuyệt vọng ấy của mình được nước mắt cuốn trôi ít nhiều. Nhưng cho đến khi nhận được tin chẳng lành về anh thì như một người gàn dở, Thủy lại không chấp nhận sự thật phũ phàng ấy. Cô không tin rằng sau bao nỗi bất nhẫn đã giáng xuống đầu của cô và Thắng cùng tình yêu của họ rồi thì còn có tai họa nào ác nghiệt nào nữa lấy đi nốt anh cùng tình yêu của cô với anh.

Ông Tư ốm và mất vài tháng sau đó. Cùng với hàng xóm, Thủy đứng ra lo liệu chu đáo cho đám tang của cha. Nàng đã phải khóc rất nhiều khi người thân cuối cùng của mình đã ra đi vĩnh viễn. Thủy không oán trách gì cha mình về chuyện ông đã từ chối lời cầu hôn của Thắng. Cô biết ông Tư đã áy náy, đã đau khổ nhiều về chuyện gia thất không thành của mình, và ông đã phải vội vàng ra đi như một kẻ trốn chạy vì thấy có lỗi với cô con gái duy nhất ở trên cõi đời này.

Còn lại một mình, Thủy ao ước hơn bao giờ hết là Thắng sẽ trở về. Cô không tin rằng Thắng của cô đã chết. Làm sao anh có thể chết được khi tình yêu đẹp như thế với cô chỉ mới bắt đầu ? Làm sao anh có thể bỏ cô ra đi mãi mãi khi lời ước nguyện giữa hai người còn nguyên vẹn như chỉ mới từ hôm qua ? Cô không chấp nhận Thắng của cô có thể bỏ đi một mình khi cô vẫn còn ở trên đời mà không dẫn cô theo anh.

Thế là Thủy chờ đợi anh trở về. Câm nín và kiên nhẫn, cô quyết với lòng mình là sẽ chờ đợi anh, chờ đợi người chồng của mình trở về. Giống như ngày xưa mẹ cô đã kiên nhẫn chờ đợi cha cô trong những năm tháng dài đằng đẵng...

Chiến tranh kết thúc. Những anh trai làng Thượng đều đã lần lượt trở về, tất nhiên là trừ những người chẳng thể trở về. Những anh trai khi ra đi mặt còn non choẹt, vậy mà giờ đây trở về trông họ già sạm hẳn đi với những khuông mặt chai sạn của những con người đã trải qua binh đao khói lửa. Nhưng chẳng hề gì. Các cô gái làng Thượng lại diện những bộ cánh mới với mặt mày hớn hở, má đỏ hây hây vui mừng chào đón họ. Các ông mai bà mối luôn bận rộn qua lại nhà những chàng chiến binh gác kiếm để lập gia đình đó.

Rồi những đám cưới cũng liên tiếp diễn ra, nhiều đến phát khiếp. Có lẽ chưa bao giờ cái làng Thượng này lại có lắm đám cưới như thế. Những dịp tiệc tùng cưới hỏi đã làm cái làng Thượng như hồi sinh trở lại, cùng với những đôi má đào hây hây đỏ lại...

Thủy nhìn những đám cưới đó với đôi mắt long lanh cùng nụ cười héo hắt. Cô luôn được mời dự nhưng không bao giờ tham dự cả. Mỗi khi tiếng pháo cưới nổ vang lên trong làng thì tim cô như nhói đau. Thủy nhớ đến cái đám cưới luôn thiếu chú rể hoặc thiếu cô dâu của mình, nhớ đến cái đau đớn đến chết đi sống lại của mình vào cái đêm cô chạy bộ đuổi theo Thắng và tuyệt vọng nhìn con tàu chở anh đã chạy xa tít tắp. Những giọt nước mắt cô tràn ra khi cô đứng bên sông để chờ anh, hay nhìn ra cái cánh cổng đầu ngõ để đợi anh.

Một hôm khi đang trông thợ sửa hàng rào thì có một người quân nhân xuất hiện trước ngõ vào nhà nàng. Thủy  giật bắn người khi thấy dáng vẻ người đó rất giống Thắng của cô. Khi anh ta đi xăm xăm thẳng vào nhà nàng thì Thủy cuống lên, tim đập thình thịch. Thay vì chạy thẳng tới người đó thì cô lại bỏ chạy vào nhà. Nấp sau cái cột nhà, Thủy đè tay lên ngực mình để cho trái tim mình đừng nhảy ra ngoài, nhưng tai cô vẫn giỏng lên nghe :

- Cho tôi hỏi  đây có phải nhà cô Thủy không ? Giọng người quân nhân vang lên, giọng Hà Nội nhẹ và quen thuộc làm sao, cái giọng mà nàng đã nghe thấy trong bao giấc mơ của mình.

- Anh Thắng! Thủy thét lên một tiếng thật lớn và lao thẳng ra bên ngoài…

Đã bao nhiêu ngày, bao nhiêu đêm và trong bao nhiêu giấc mơ điên cuồng nhất cho đến lãng mạng nhất, Thủy đã mơ về giây phút gặp gỡ này. Những ngày dài lạnh lẽo hay những đêm đông giá buốt trằn trọc thức trắng, nàng luôn mơ về giây phút đoàn tụ này. Nàng không biết mình sẽ làm gì, có thể nàng chỉ gật đầu chào anh với đôi mắt ngập lệ, có thể nàng  sẽ lao vào lòng anh và  để cho những giọt nước mắt đợi chờ thấm ướt áo anh. Mà cũng có thể nàng sẽ ngã lăn ra  bất tỉnh trước mặt anh.

Thủy giật mình sựng lại. Người đàn ông mặc quân phục ngửng đầu lên. Một khuôn mặt lạ và đang nhìn nàng chăm chú.

- Tôi là bạn cùng với đơn vị với Thắng, anh ấy có gửi lại một chút tư trang trước khi hy sinh…

Đó là một số  giấy tờ cá nhân, và một số bức thư của Thủy gửi cho anh trong những ngày đầu ở chiến trường. Một cuốn sổ tay mà lật trang đầu thì có một tấm hình nhỏ cô tặng anh, và những dòng chữ nắn nót ghi lời bài hát giờ đã trở nên quen thuộc với cô.

Đợi anh hoài em nhé,
Dù tuyết rơi bão nổi,
Bạn hữu đã quên rồi
Nhưng có em luôn đợi

Những giọt nước mắt rơi xuống cuốn sổ khi Thủy nghiến răng nhắc lại lời thề năm xưa khi tiễn anh lên đường. Em sẽ chờ đợi, chờ đợi cho đến khi anh trở về…

Trong căn nhà rộng lớn của mình, Thủy vẫn sống một mình như cũ. Lầm lì và cương quyết, cô chờ đợi người yêu trở về trong nỗi tuyệt vọng ê chề và niềm hy vọng le lói luôn giằng xé trong đầu óc của mình. Niềm tin tưởng trong cô dâng trào khi bất chợt có một người lính nào đó trong làng bất ngờ trở về muộn màng. Rồi nó cũng chìm đi trong nỗi tuyệt vọng lớn lao ngay sau đó. Nhiều khi Thủy cũng chẳng biết mình chờ đợi cái gì nữa. Nhưng cô  vẫn chờ đợi với lòng ngoan cố mà cô đã thừa hưởng ở cha mình. Cô chờ đợi vì cô cũng đã quá cái tuổi để tham dự vào cái trò chơi lấy chồng lấy vợ đang diễn ra ồn ào chung quanh mình. Cũng chẳng có bà mai ông mối nào qua lại nhà cô nữa. Người ta còn xầm xì sau lưng cô về cái đám cưới huy hoàng thời chiến tranh, và cũng là cái đám cưới trớ trêu khi thiếu cô dâu, khi thiếu chú rể đó. Rồi họ còn rỉ tai nhau về người chồng liệt sĩ nào đó của cô, cùng với cái bàn thờ to lù lù giữa nhà suốt ngày nhang khói nghi ngút trước tấm ảnh ố vàng chân dung luôn tươi cười của một chàng trai trẻ mặc quân phục đã làm chùn chân các chàng trai và các ông mai bà mối ngán ngại. Ngoài ra thì việc Thủy luôn ẩn mình trong nhà, hoặc có ra ngoài thì thái độ của cô cũng lạnh lùng với đôi mắt như nhìn thẳng. Ở cô toát lên một cái vẻ liêm chính của một người góa phụ đức hạnh đã khiến chẳng còn chàng trai nào trong làng nhắc đến tên cô…

Có một thời gian, Thủy liên lạc được với bà cô ruột của Thắng ở Hà Nội, chính cái bà đã đến nhà cô trong cái đám cưới huy hoàng nhưng lại không có chú rể thời chiến tranh đó. Bà cô cho Thủy biết Thắng đã hy sinh. Những giấy tờ, di vật cuối cùng của anh cũng đã gửi về nhà cho bà. Thủy viết thư hỏi xin bà một tấm hình của Thắng để cô đem về nhà thờ cúng anh. Có lẽ quá bất ngờ trước lá thư của một người vợ đám cưới không chú rể với cháu mình, người vợ mà cho tới giờ này vẫn còn ở vậy để chờ đợi người cháu đã hy sinh của mình, nên bà đã vội vàng viết thư trả lời. Bà ngẫm nghĩ, hay là thằng cháu đẹp trai của bà trước khi đi vào cõi vĩnh hằng chắc đã kịp để lại một hòn máu rơi nơi người con gái đáng thương này để sau này có người thờ cúng chăng. Nhưng khi biết ông cháu của mình chẳng để lại gì ngoài một mối tình vô vọng với cô gái nhà quê có đôi mắt buồn vời vợi kia, thì bà vội vàng cắt đứt liên lạc, sau khi gửi cho một tấm hình theo yêu cầu...

Có được tấm hình của Thắng, Thủy mừng lắm. Cô trưng lên một cách trang trọng bên dưới những hình cha mẹ, ông bà trên bàn thờ. Có khi cô nhìn ngắm khuôn mặt thân quen của Thắng hàng giờ liền. Có lúc khóc, lúc cười như điên dại khi cô nhìn mãi vào nụ cười tươi rói của anh...

Những mùa đông dài đến rồi lại đi, những đêm đông trằn trọc không ngủ để nghe tiếng gió gào thét trên mái nhà cứ trôi đi.

Có chàng chiến binh đi mãi không về,
Để người vợ trẻ khóc mãi không thôi.
Nhưng nào ai biết anh vẫn trở về,
Với vòng tay người vợ trẻ hàng đêm...

Có một dạo, cám cảnh cho người cháu cảnh đơn chiếc phòng không người em họ xa của ông Tư đã quyết định giúp cô cháu mặt lúc nào cũng buồn buồn với đôi mắt đen vời vợi. Cháu phải lấy chồng, lập  gia đình chứ không lẽ sống như thế này đến già. Chú thím sẽ giúp…

Vài ngày sau có một anh chàng mặt non choẹt xuất hiện trong nhà. Được Thủy lịch sự đón tiếp, chàng ta cao cao cái giọng chưa vỡ ra để nói với Thủy.

-Thực tình thì tớ cũng chưa muốn lấy vợ đâu nhưng vì các cụ mong có cháu bế cháu bồng quá nên giục tớ sang ra mắt. Mặc dù đằng ấy lớn hơn nhưng tớ thấy đằng ấy cũng là người hiền lành, gia đình tốt nên tớ đến làm quen.

Anh chành dòm chòng chọc vào ngực Thủy khiến cô phải khép lại chiếc áo ngoài, rồi chàng ta nói tiếp :

-Tính tớ là tớ hay nói thẳng nhé. Tớ nghe nói thời chiến tranh đằng ấy có làm đám cưới không thành với một tay sĩ quan, rồi tay ấy hi sinh. Thiên hạ đồn là đằng ấy với tay sĩ quan chết trận đó là vợ chồng nhưng chưa xơ múi  gì được với nhau. Nhưng là thiên hạ đồn vậy chứ chuyện ma ăn cỗ lúc nào thì ai mà biết được. Nên tớ cứ hỏi thẳng nhé. Đằng ấy còn trinh không, nếu còn trinh thì tớ cưới đằng ấy liền. Còn nếu không còn trinh nữa thì….Anh chàng nhún vai một cách điệu đàng.
Thủy tiễn anh chàng thẳng tính ấy ra về. Cô đóng cổng, vào nhà đóng cửa và chạy vào phòng chốt chặt cửa lại. Rồi cô gieo mình xuống cái giường và đôi gối có thêu đôi chim quyên và khóc. Cô khóc rống lên, khóc tồ tồ với nước mắt tuôn ra như thác, cô khóc như chưa bao giờ từng được khóc, cô khóc cho những uất nghẹn, cho những nỗi đau không nói được nên lời.  Thủy khóc mãi, khóc mãi với nước mắt nhoe nhoét trên tấm hình mà Thắng luôn tươi cười…

Thủy vẫn ra bờ sông, nơi bãi ngô kỷ niệm nhưng những năm sau này nhiều người nhòm ngó quá nên chỉ buổi tối cô mới len lén ra đó. Ngồi trong những đám ngô lên trái non, Thủy nhớ về những ngày tháng hạnh phúc xưa. Cô khóc ròng, rồi đôi khi cô lại cười như nắc nẻ để rồi sau đó lại khóc…

Những mùa đông đến rồi lại đi, những đêm đông lạnh giá trằn trọc không ngủ đến rồi lại đi. Thủy vẫn như một bóng ma trong căn nhà rộng lớn cũ kỹ của mình. Và đêm đêm cô vẫn mơ thấy Thắng trở về với cô. Họ mừng mừng tủi tủi, cô thì khóc vì nỗi nhớ nhung, còn Thắng thì chỉ cười,  cười mãi không thôi. Nhưng có đêm thấy cô khóc, Thắng đã lấy cái khăn tay có thêu hoa mà cô tặng anh ngày lên đường ra đưa cho cô để lau nước mắt. Thủy đã nắm chặt cái khăn tay đẫm nước mắt đó lại khi chìm vào mộng mị. Buổi sáng khi cô thảng thốt tỉnh dậy thì Thắng đã đi rồi, cô cuống cuồng tìm kiếm cái khăn tay đêm trước nhưng tìm mãi không thấy. Cô lại khóc.

Nhưng cô vẫn ra bờ sông hàng đêm để chờ anh. Cánh cổng ngày xưa có treo cành lá dừa với chữ Vu Qui trước nhà vẫn luôn mở hờ mỗi khi đêm về để đợi anh, và đêm nào cô cũng gặp được người yêu mình trở về…

Trong đêm đen ai gào trong gió,
Mà tiếng hờ nấc nghẹn cả dòng sông.
Ai đang về trong đêm đông giá lạnh,
Bỏ ai lại với nỗi buồn  mênh mông...
                                                  
Mai Tú Ân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét